(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). LTS: Nhân Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (07.5.1954 – 07.5.2024), sáng 03.5, tại TP. Quy Nhơn, Hội CCB tỉnh Bình Định đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Chín năm làm một Ðiện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Với các tham luận cùng những câu chuyện xúc động của 02 CCB nguyên là chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang sinh sống tại TP. Quy Nhơn: Nguyễn Văn Bản (SN 1931, nguyên Trung đội phó, Đại đội 20, Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312) và Nguyễn Công Chức (SN 1935, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 36, Đại đoàn 308), buổi tọa đàm đã khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, và nêu được nhiều bài học vận dụng trong thực tiễn hôm nay. VNBĐ giới thiệu tham luận sau đây phát biểu tại tọa đàm.
Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp khai mạc Triển lãm hội họa tại Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang), năm 1951, Bác Hồ có viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Lời dạy của Bác khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa nghệ thuật và những người làm văn hóa nghệ thuật đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, và xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Điều này đã được chứng minh trong suốt quá trình lịch sử, từ khi có Đảng lãnh đạo. Mọi thành công của Đảng, của dân tộc đều có sự tham gia quan trọng của đội ngũ những người làm văn hóa nghệ thuật, trong đó chiến thắng Điện Biên Phủ là một minh chứng xác đáng cho đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng ta.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hầu hết trí thức, văn nghệ sĩ đã theo Đảng ra vùng tự do tham gia kháng chiến. Nhiều nhà văn, nhà thơ: Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Thôi Hữu, Quang Dũng, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nam Cao… đã lên đường ngập ngũ, tham gia các chiến dịch cùng bộ đội. Thực tế cuộc kháng chiến gian khổ đã khơi nguồn cảm hứng sáng tác và là chất liệu để nhiều văn nghệ sĩ cho ra đời những tác phẩm giá trị. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, tập trung rất đông đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng ở tất cả các lĩnh vực, trong đó nổi bật và kịp thời nhất là các mảng: âm nhạc, văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh…
Với lợi thế dễ tuyên truyền, dễ phổ biến, mảng âm nhạc được khai thác triệt để phục vụ chiến dịch. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhạc sĩ Hoàng Vân là hai trong số nhiều văn nghệ sĩ theo chân những người lính tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ đã sáng tác nhiều ca khúc góp phần cổ vũ tinh thần của quân dân ta thời điểm đó và giúp chiến thắng Điện Biên Phủ sống mãi trong lòng người dân Việt Nam và thế giới. Ngày nay, mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, thì giai điệu những bài hát, như: Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, và Giải phóng Điện Biên của Đỗ Nhuận; Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân lại ngân lên như thôi thúc, khơi gợi một thời hào hùng của dân tộc.
Ở mảng mỹ thuật, không thể không nhắc đến tác giả chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Đó là họa sĩ Nguyễn Bích, ông là một trong những người vẽ nhiều tranh về chiến dịch Điện Biên Phủ. Gần cuối chiến dịch, ông được giao nhiệm vụ vẽ huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” – một phần thưởng mà Bác Hồ sẽ trao tặng cho các chiến sĩ tham gia chiến dịch. Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Bích đã trở thành kỷ vật thiêng liêng, cao quí, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Ngoài họa sĩ Nguyễn Bích, phải kể đến họa sĩ Huy Toàn – người đã có nhiều tác phẩm về Điện Biên Phủ được trưng bày tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Nói đến đề tài Điện Biên Phủ, không thể không nhắc đến bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ do họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ sau chín năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là một bức tranh sơn mài độc đáo bậc nhất của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam. Năm 2013, bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ đã trở thành một trong bốn tác phẩm hội họa được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.
Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, nổi bật nhất là bộ ảnh đầu tiên về chiến thắng Điện Biên Phủ của nhà nhiếp ảnh quân đội Triệu Đại chụp trong buổi trưa và chiều ngày 07.5.1954, ghi lại hình ảnh bộ đội ta tấn công, đánh chiếm hầm tướng Đờ Cátxtơri. Bộ ảnh quan trọng này đã được gửi sang triển lãm tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, trở thành bằng chứng hùng hồn về sự thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ và đã góp phần cho thắng lợi của cuộc đàm phán.
Đặc biệt, ở mảng văn học, tuyên truyền về chiến dịch Điện Biên Phủ nhanh và mạnh nhất là thơ. Nhiều thế hệ người Việt Nam không thể quên bài thơ thuộc lòng thời phổ thông trung học Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ này được ông viết ngay trong buổi chiều nghe tin thắng trận, thể hiện niềm vui chiến thắng vô bờ bến của quân dân ta: Kháng chiến ba nghìn ngày/ Không đêm nào vui bằng đêm nay/ Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực/ Trên đất nước, như/ Huân chương trên ngực/ Dân tộc ta dân tộc anh hùng!
Làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ những đoàn quân tiên phong trên mặt trận, mà còn có cả những người nông dân, những “anh thồ chị gánh” suốt ngày đêm tải đạn dược, lương thực phục vụ chiến trường. Là một người lính trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nhà thơ Chính Hữu cũng đã viết bài thơ Giá từng thước đất như một bản hùng ca về sự hy sinh và tình đồng đội trong chiến tranh: Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo dội,/ Ta mới hiểu thế nào là đồng đội./ Đồng đội ta/ là hớp nước uống chung/ Nắm cơm bẻ nửa/ Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa/ Chia khắp anh em một mẩu tin nhà/ Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp/ Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết. Và ông lý giải về cái giá của sự hy sinh: Khi bạn ta/ lấy thân mình/ đo bước/ Chiến hào đi,/ Ta mới hiểu/ giá từng thước đất. Viết về Điện Biên Phủ, nhà thơ Chính Hữu còn một bài thơ nổi tiếng, đậm trữ tình và lãng mạn cách mạng: Một lá thư nhà/ hôm nay ta đọc/ Trong chiến hào chuẩn bị tiến công,/ Ta mới hiểu thêm/ từng chữ, từng dòng/ Chưa bao giờ hiểu hết,/ Ta mới biết/ Chiều cao ngọn núi, chiều rộng con sông,/ Hai tiếng quê hương bỗng sao thắm thiết (Thư nhà).
Còn rất nhiều những tác phẩm văn học nghệ thuật góp phần cỗ vũ, động viên tinh thần chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ. Bên cạnh những áng thơ bất hủ còn có những tác phẩm văn xuôi xuất sắc viết về Điện Biên, như: Sông Đà của Nguyễn Tuân, tiểu thuyết Bốn năm sau của Nguyễn Huy Tưởng, hoặc các tác phẩm: Cao điểm cuối cùng, Thồ lên Điện Biên, Người người lớp lớp, Trong này Điện Biên, Dòng sông, Chiến đấu sau hỏa tuyến, Đằng sau phía trước… Trong đó, tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng của nhà văn Hữu Mai, kể lại những câu chuyện, những nhân vật về trận đánh Đồi A1, một cứ điểm đầy cam go, quyết định sự thành công của chiến dịch.
Riêng đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh mặt trận Điện Biên Phủ cũng có hai cuốn hồi ký: Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, cung cấp nhiều thông tin rất có giá trị, và khẳng định “Những thành tựu mà quân và dân ta thu được trong kháng chiến chống Pháp đã đưa học thuyết quân sự Việt Nam lên một trình độ mới, một chất lượng và sức mạnh mới, trở thành học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”. Còn rất nhiều những tác phẩm văn học nghệ thuật, nhiều tên tuổi lớn trong “mặt trận” văn hóa nghệ thuật, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Có thể nói, chiến thắng Điện Biên Phủ là một minh chứng, khẳng định sự sáng suốt và đúng đắn của đường lối kháng chiến toàn dân toàn diện của Đảng, trong đó có vai trò to lớn của văn hóa nghệ thuật. Mỗi tác phẩm dù là thơ ca hay tiểu thuyết, âm nhạc hay mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, hay là điện ảnh… đều có giá trị lịch sử, cung cấp cho công chúng những khía cạnh khác nhau về Chiến dịch Điện Biên Phủ, từ đó tôn cao lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc.
Điều này còn được thể hiện rõ trong cuộc chiến tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Từ cuộc chiến tranh hai mươi năm đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược đã xuất hiện hàng loạt các nhà văn nghệ sĩ cùng cầm súng xông trận: Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Thi, Giang Nam, Thanh Hải, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Sáng… và rất nhiều các gương mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu khác đã được Nhà nước vinh danh bằng những danh hiệu cao quí.
Ở Bình Định, theo tiếng gọi của Đảng, của tinh thần yêu nước, nhiều văn nghệ sĩ cũng đã lên đường tập kết ra Bắc, tham gia xây dựng hậu phương, hoặc trở lại chiến trường vừa cầm bút, vừa cầm súng đánh giặc như: Yến Lan, Phạm Hổ, Thu Hoài, Lệ Thu, Từ Quốc Hoài, Cao Duy Thảo, Bùi Thị Chiến, Hà Giao… (ở mảng văn học); hoặc NSND Võ Sĩ Thừa, NSND Phạm Chương, NSND Đình Bôi, NSƯT Lưu Hạnh, NSƯT Dương Long Căn… (ở mảng nghệ thuật). Nhiều tác phẩm, vai diễn của họ không chỉ có giá trị ở thời điểm chiến tranh, mà còn trở thành niềm xúc cảm lớn cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Có thể nói, trong suốt tiến trình phát triển, giai đoạn nào văn hóa nghệ thuật cũng góp một phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế, ngày nay vai trò văn hóa nghệ thuật càng được Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm.
MAI THÌN