Tường ảo

(VNBĐ – Truyện ngắn). Đứng bóng.

Chiều không thấy nổi mặt người. Vì mây đen giăng kín ba bức tường nơi ngõ cụt. Và còn vì một nguyên nhân khác nữa.

Nhìn kỹ, trên tường vẽ những hình thù quái dị. Một chiếc mặt nạ với hai con mắt vàng chóe.

Với đôi mắt thơ ngây, ánh nhìn hướng từ bên ngoài vào bên trong. Phía ngoài con ngõ là nơi nào đó không ai hay biết.

Tất cả là do tôi tưởng tượng.

“Tôi ước đó là một rừng cây”.

“Tại sao?”.

“Tôi cũng chẳng biết nữa”.

Tiếng hai người nói chuyện. Giọng cậu vẫn vậy, thật dễ thương.

“Hôm nay cậu ở bên trong hay bên ngoài tường?”.

“Tôi nghĩ là bên ngoài. Người ta bảo cái ngõ này như mê cung ấy. Lúc thì ở trong lúc lại là ở ngoài”.

Cùng với tiếng thở dài là tiếng leng keng của đĩa. Không thể ăn theo đúng cách, những vẫn phải ăn. Một hai. Có tiếng đặt tay. Rồi người ấy đi chứ không ở lại.

Tôi không biết diễn tả tiếp như thế nào nữa. Tất cả nhưng gì tôi vừa kể với cậu cũng chỉ là do tôi tưởng tượng ra mà thôi”.

“Vậy mà tớ không biết đấy. Cậu đúng là có tài. Nghe cứ như thật ấy”.

***

Gió thổi. Lao xao. Có tiếng xào xạc. Chứng tỏ là có cây cối ở đâu đó.

Mẹ lên. Bà ấy là mẹ. Tôi gọi thế. Mẹ nói là mình thường mặc áo màu vàng.

“Màu vàng như thế nào nhỉ?”.

“Nó nhạt hơn màu da cam”.

“Ra thế. Thích quá đi”.

“Có thể cậu không biết nhưng chỉ cần ăn một quả cam cậu sẽ cảm nhận được thôi”.

Gì chứ cam thì tớ ăn đầy. Tôi lững thững rời khỏi cánh cửa sổ. Mẹ đã đi, để lại bữa ăn ấm nóng. Đừng nghĩ tôi không tự ăn được.

Tôi đang ăn đây. Trong đầu vang lên điệu nhạc quen thuộc.

Bài hát dễ ăn.

Bài ca dễ uống.

Trẻ con thì phải ăn nhiều, dù đã hết tuổi trẻ con.

Khi tôi nghe làn cây xào xạc.

Bữa ăn là bí đỏ và cơm.

Đừng có vừa ăn vừa hát. Có vẻ cái miệng là thứ duy nhất kết nối tôi với môi trường xung quanh. Cậu đâu rồi? Và cậu có ngủ trưa không?

“Có”.

“Vậy ngủ ngon”.

Gió vẫn thổi. Có vẻ ngày càng mạnh hơn. Như cách nó đến. Như cách nó đi. Như điệu nhạc gẩy tưng tưng đến từ phía xa. Tôi đã nghe điệu nhạc này đến mấy lần khi cậu ta bắt chuyện với tôi. Nhạc khoan thai, không nhanh không chậm, không giục giã và bắt tôi phải nghe theo yêu cầu của ai đó. Khi bắt đầu, tiếng dương cầm được đánh bằng chỉ vài ngón tay.

“Bài đó tớ chưa từng biết đến. Nhưng hay thật”.

“Tôi cũng vậy. Tôi chỉ nghe người ta rồi tập đánh thôi”.

“Yeah. Cậu ăn cơm chưa?”.

“Sắp rồi”.

Bức tường tối đen. Tôi có thể cảm nhận qua tiếng còi xe. Có ba mặt tường. Bên ngoài mỗi mặt là một thế giới khác nhau. Mặt vẽ hình đầu người là một trong ba bức tường ấy. Tôi không còn nhớ nổi lần cuối mình nghe về nó. Rõ ràng mắt trên chiếc mặt có màu vàng. Một màu vàng sâu thẳm khi tôi cố tưởng tượng.

“Sao không đeo kính vào?”.

Mẹ đặt mạnh ly nước lên bàn. Mẹ đến lúc nào, tôi không hay biết. Một ngày nào đó mẹ đến bên tôi. Mẹ vốn là dì, em của mẹ ruột.

“Con muốn thoải mái một chút”.

Mẹ không nói gì, hình như mẹ lắc đầu. Có giọt nước văng ra. Mồ hôi của mẹ. Trong không khí nóng, mẹ mở cửa sổ đánh két.

ừng hạt bụi trong không khí theo gió đập vào da.

Một ngày của tôi. Giương đôi mắt nghi ngờ liếc sâu sang hai bờ đen tối. Hình như chúng không phải có màu đen. Thế giới của tôi không giống như mọi người. Hôm trước, vu vơ đâu đó tiếng một em bé giãy đành đạch đòi mẹ cho đi chơi, mẹ đang bận nên bực tức nhốt em vào phòng. Một ngày không còn gì để nói đối với đứa trẻ ngoài kia. Con nhìn chị kia đi. Chị ấy mong ước bao nhiêu được như con mà không được kia kìa. Tôi không thích bị đem ra nói như vậy. Miệng lưỡi con người. Miệng của thế gian vị kỉ, cố đem tư tưởng cá nhân ra mà áp đặt. Họ không biết, không nghe và không thấy kinh sợ đối với cuộc đời.

Điệu nhạc du dương của cậu đưa tôi vào giấc ngủ, quên hết thế nhân và cuộc đời, quên đi ánh sáng mong muốn phía đằng kia bức tường xám xịt. Hồi đó, tôi nhớ bà bảo mong muốn mà làm gì, đến khi cháu mở được cửa ra thì thấy thế giới ngoài đó là cả một nỗi thất vọng.

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Bà không đến với tôi nhiều trước khi mất. Hình như bà mất cũng mấy năm rồi. Nói vậy thôi, tôi cũng không biết chính xác là bao lâu nữa. Ngày dài hơn đêm. Ban đêm đến từ khi tiếng dế kêu rinh rích bên phía bức tường. Trong đời, không còn khoảng cân đo đong đếm thời gian, không còn có thể tưởng tượng được với những thứ đã xảy ra quá lâu. Tôi không còn nhớ gì về chúng nữa.
Tôi nhớ về trong một đêm vắng. Một đêm dù có căng tai cũng không nghe được tiếng dế kêu. Thật lạ, thật hoài niệm với kỷ niệm điên cuồng. Tôi cười, tôi nói, tôi làm mọi cách để khẳng định mình trong một thế giới tôi không còn làm chủ.

Vào nhà. Điều đầu tiên tôi làm là ném đổ cốc nước. Choang. Cốc bay xuống sàn vỡ toang. Không từ ngữ nào diễn tả được không khí lúc đó. Không ai nói gì. Bà đứng lên, cầm một chiếc đũa cả lớn. Bà bất thần giơ đũa, vụt mạnh vào cái bàn. Tôi có thể đoán được do tiếng kêu đánh cốp. Cộp, cộp. Bà cứ thế mà đánh mãi không thôi. Ai cản được bà. À cái bàn này. À cái mặt bàn này, mày dám làm đau cháu bà.

Tôi sửng sốt. Tôi cố mở mắt to ra để nhìn bà. Bà ra sao. Bà trông thế nào. Một ngày không thể sống thiếu bà. Đó là điều bà đã nói với tôi. Tất cả những gí đã diễn ra trong buổi sáng hôm ấy chỉ là một cái nhìn nhỏ nhẹ đến từ bố mẹ.

“Ước gì cháu thấy được mặt bà”.

“Điều đó là vô nghĩa thôi. Đôi khi, cứ để mong ước tô vẽ thêm vào ký ức đẹp đẽ của con người”.

Bà luôn làm tôi khó hiểu. Tôi đã khá lớn nhưng vẫn chưa đủ thâm sâu để hiểu hết những lời nói của bà. Nhất là khi bà ở một mình. Bà không hát mấy bài hồi xưa như mấy bà hàng xóm, thay vào đó là nhạc nước ngoài. Hồi nghe người ta xì xào, trước kia bà làm trong ngành nghệ thuật.

“Rồi sao nữa. Kể tiếp đi”.

“Hết rồi”.

Tôi nhớ rất ít từ cái hôm về nhà mẹ. Cho đến nay, tôi chưa từng hỏi mẹ về thời gian. Mẹ cũng không đả động gì đến cuộc sống riêng tư của tôi. Tôi đã qua tuổi đi học và kiếm được tiền nuôi sống bản thân, thật tuyệt vời phải không. Cậu ta có vẻ tỏ ra khó hiểu trước câu chuyện tôi kể. Thật khó tin. Nhưng đúng như vậy. Tôi có cả một ekip để giúp đỡ trong việc chuyển từ giọng nói ra chữ viết. Họ bán bản quyền các câu chuyện đó và người ta thu được tiền từ nó. Thế là ổn.

“Còn cậu?”.

“Thì cũng giống cậu thôi. May là tôi cũng không phải thằng phế vật”.

“Ghê nha”.

Hứ. Cậu vẫn giọng điệu khinh khỉnh như mọi hôm. Tôi nghe thấy tiếng đóng cửa. Cậu đi vào trong nhà rồi lại quay ra. Thường thì trong ngày cái ngõ này không có nhiều xe cộ đi lại, hầu như là vắng lặng. Không ai đến làm phiền cuộc trò chuyện của chúng tôi nếu có. Thế giới trước mắt tôi không thể thấy một chút gì. Người ta bảo nếu một giác quan mất đi, các giác quan khác sẽ phát triển mạnh mẽ hơn để bù lại.

Vì vậy mà hai ta có thể nghe rõ ràng tiếng của nhau.

“Tớ còn có thể nghe rõ tiếng cậu, và cả khoảng cách giữa hai chúng ta nữa. Cậu ở bên kia bức tường đúng không?”.

“Giỏi thật. Đúng tôi không ở trong khoảng giữa ba bức tường trong cái ngõ cụt ấy. Cửa sổ của tôi chĩa ra bên ngoài cơ”.

“Tức là cậu ở khu khác?”.

“Chuẩn không cần chỉnh. Tôi đã nghĩ đến chuyện dùng loa để nói chuyện với cậu. Nói to mệt lắm”.

Cũng với tiếng cười khúc khích của tôi, giọng cậu nhỏ dần. Chắc cậu ta cũng mệt rồi. Hai đứa giống nhau nên dễ dàng nói chuyện. Mặc kệ cậu ta có thích hay không, cả hai đều có nhu cầu tìm người để nói chuyện. Dù mọi cậu chuyện đều có vẻ nhàm chán, nó vẫn là thời gian thư giãn hiếm hoi của tôi trước thời hạn hoàn thành bản thu âm câu chuyện của mình.

Tôi thực sự có thể làm ra tiền cũng một phần nhờ cậu. Đó là nguồn sáng duy nhất khi cậu gợi ý cho tôi cách để một người như tôi có thể kiếm ra tiền.

Tôi vẽ ra trong đầu một thế giới tưởng tượng của riêng mình. Phần lớn trong số đó đến từ chính tôi. Còn lại là từ các câu chuyện cậu ta kể. Mỗi lần nói chuyện với nhau bên cửa sổ là một đêm chờ đợi trước đó. Tôi khó ngủ. Chất kích thích thần kinh do chính tôi tiết ra. Nó háo hức. Nó nồng nàn và mãnh liệt như hương hoa buổi sớm. Cảm giác kỳ lạ cứ đeo bám mãi không thôi, kể cả khi mẹ đẩy cửa và cầm đĩa thức ăn cho đứa con nuôi khốn khổ của mình.

Cậu con trai lúc nào cũng chào tôi bằng một điệu cười khinh khỉnh. Chính cậu bảo tôi thế. Đôi lúc, cậu còn làm trò để tôi đỡ buồn ngủ. Một người bạn theo đúng nghĩa đen và cũng là đứa bạn kỳ lạ nhất. Chúng tôi chưa bao giờ nói điều đó với nhau. Nhạc cất lên và cái mồm liến thoắng của tôi xuất hiện. Cậu đó phải không? Có vẻ cậu nhiều tuổi hơn tôi nhưng cứ xưng là cậu tớ nhé.

“Không. Tôi chả việc gì phải nói với cậu tuổi thật của mình vì chính tôi cũng không biết điều đó”.

“Vậy thì chán thật”.

“Sao chán”.

“Vì tớ sẽ bị cuốn vào suy nghĩ rằng mình có người để mà hạnh phúc hơn. Tớ thật hèn hạ”.

“Này, không được ăn nói bạt mạng nữa”.

***

Xóm tôi. Có lẽ đó là một khu tập thể và nhà tôi ở tầng thấp nhất. Nhưng tôi chưa từng đi ra khỏi cánh cửa phòng.

Một ngày hè giống như ngày hôm nay. Khi tôi về nhà mới chưa lâu. Tôi không đổ một giọt nước mắt khi chia tay trại trẻ. Đúng, tôi gọi nó là trại trẻ. Không chút xót thương và an ủi tâm hồn. Khi tôi có một người bạn đúng nghĩa ở nơi đó và cậu ấy đã ra đi. Tôi có một tật xấu là luôn suy nghĩ linh tinh mỗi khi sắp có một biến cố nào đó xảy ra. Tôi biết ngày đó sẽ đến, cái ngày tôi được giải thoát khỏi trại. Viện trưởng bước đến nắm tay tôi và nói bằng giọng dịu dàng nhất có thể.

“Cháu yêu quý. Cháu sắp phải chia tay với bạn bè thân yêu ở đây rồi”.

Mỗi khi nói câu đó, mặt lão như một con robot vừa mới được tra nhớt. Mũi lão đỏ quạch như trái dâu tây, chắc là vừa mới nhậu xong ở đâu đó. Tôi biết không nên gọi vị viện trưởng đáng kính như vậy, nhưng trong tình cảnh này mọi cảm xúc đều tan biến theo giọt mồ hôi chảy trên má. Còn mấy giọt nữa đang chảy xuống từ tôi. Nước mắt. Nước của tủi nhục và xấu hổ. Hẳn ai cũng nghĩ trại trẻ mồ côi có thể là địa điểm của tình thương. Giả. Giả dối hết. Tay lão đang xoa đầu tôi. Dù cách một khoảng tôi vẫn ngửi thấy mùi nhớp nháp và bẩn thỉu. Thêm mùi cồn xộc vào mũi nữa. Nào nào cháu yêu sao thế. Về với bố mẹ mới thì phải vui lên chứ. Rồi cháu sẽ phải nhớ đến công ơn của bác và mọi người ở đây, nhớ bạn bè nữa. Tôi cố kìm lại tiếng nôn ọe của mình. Tai tôi ù đi.

Tiếng người cười nói lao xao ầm ĩ dội vào óc như cú đấm mạnh. Dây thần kinh cảm giác như đứt đến nơi. Lão hói cầm tay tôi đưa lên. Lão sắp làm hành động đó. Lão thích bọn trẻ xoa đầu, xoa mạnh vào phần da trắng hếu. Thú vui của một con chó.

“Thật sự. Điều đó vui vẻ đấy”.

“Cậu thấy nó vui à?”.

“Ừ. Nếu là tôi lúc đó, tôi sẽ làm như đang xoa đầu lão trìu mến rồi tiện tay giật đứt luôn mấy sợi tóc còn lại. Lão sẽ trọc lốc”.

“Thật nhẹ nhõm khi nói chuyện với cậu”.

“Thế mà không cười. Thôi, dù sao cũng quên đi”.

Những câu chuyện trẻ con cứ thế mà trôi qua. Một đứa trẻ không thấy ánh sáng bên đời nhưng một tia le lói đã hình thành trong tim. Nó từ đâu đến? Tôi không biết, vì từ khi tôi được bao phủ trong tiếng nói và tiếng đàn của cậu, tôi đã không nhận ra có một sợi dây buộc lại cái thế giới cảm xúc ích kỷ của chính mình. Chỉ là tôi không nhận ta điều đó.

Hôm nay giọng của cậu ấm hơn mọi ngày. Điều hiếm khi xảy ra vì cậu dùng cái giọng khinh khỉnh và tỏ vẻ không quan tâm mỗi khi tôi kể chuyện gì đó. Ngày không đặc biệt. Chim thỉnh thoảng rả rích hát ca. Tôi quờ tay với, chạm vào cánh cửa. Cũ, mốc và đầy bụi, mũi nói cho tôi điều đó. Hít hà thứ bụi vương vãi. Nhích một vài bước chân lạch tạch. Ít ra tôi vẫn đi được. Những bước đi hướng về ánh sáng tưởng tượng trong đầu. Liệu hướng đó có sai? Không biết bao nhiêu lần tôi tự hỏi chính mình. Tất cả những điều tôi biết về thế giới này đều là từ miệng người khác.

Trong đó có cả cậu.

Ồ, thì ra bây giờ ngươi cũng đã biết suy nghĩ rồi đấy. Tưởng tượng, thứ giữ lại tôi với thế giới. Bầu ngực lại quẹt vào bậu cửa. Tôi không quan tâm đến nó nữa. Tôi chỉ cần nghe rõ hơn âm thanh ngoài kia. Tôi chỉ cần ngửi thêm được dù là mùi mốc hay hôi hám. Đời thật đẹp dù bẩn thỉu, mà tôi không thể cảm nhận rõ ràng sự bẩn thỉu. Rõ ràng một cách hoàn toàn mới để cảm nhận cuộc sống từ khi rời trại. Tôi cố cho rằng mọi thứ xảy đến với tôi đều là xấu và tồi tệ nhất. Tôi đương đầu với chuyện đó. Thế thôi.

Mẹ đến. Mẹ mở cửa phòng. Việc tôi được ở phòng riêng quả là kì tích. Tôi cũng không biết ngôi nhà đang sống rộng ra sao, chỉ biết là nó rất rộng. Đủ để mùi thức ăn không tỏa đến chỗ tôi. Tức là nó rất rộng hoặc có cửa phòng bếp rất kín đáo. Đó là suy luận như thế còn thực tế có thể rất khác. Tất cả chỉ là suy nghĩ của một con người mà thôi.

Cạch. Tiếng đặt đĩa lên bàn quen thuộc. Mẹ luôn muốn tôi dùng đĩa thay vì dùng bát. Đó là điều đi ngược lại lẽ thường. Đã không thấy đường thì xúc bằng thìa và ăn bằng bát là giải pháp tốt nhất. Thực tế đã chứng minh rồi. Có những thứ vượt quá khả năng của con người. Những thứ dù cố gắng đến mức nào cũng không thể chiến thắng nổi số phận.

Thật sao?

Thở dài và cầm đũa. Tôi không ăn trong phòng lớn với bố mẹ. Cái phòng lớn đã lâu tôi không đặt chân đến. Nó được làm từ thứ gạch men lạnh toát. Nó làm đầu tôi ong lên. Lạch xạch. Nước rơi. Hình như giác quan tôi thay đổi. Tanh và nồng. Món cá. Lại một thứ khó chịu khác. Cá thì phải nhằn xương. Kệ đi.

Ngày vắng vẻ. Không ai nghe thấy thứ gì ngoài đó. Tôi cố thò tay ra ngoài cửa sổ đến nỗi ngực bị đè nén thật chặt. Có thể cửa sổ của mình hướng đến một trong ba bức tường. Cá sốt cà. Cũng khá ngon thì phải. Tự hỏi và tự trả lời. Tay tôi cầm đũa không còn run rẩy như ngày đầu về nhà mẹ. Tôi có thể ăn uống thoải mái, thậm chí nhằn được cả xương cá, không phải cố nuốt để bị hóc.

Thế là ổn. Sống chờ cho đến lúc chết. Cũng chỉ mấy chục năm nữa là cùng. Đó là người lạc quan sẽ nghĩ vậy. Nhạc từ đâu vọng đến. Điệu này quen mà lạ. Điệu cậu thường chơi nhưng cách chơi lại không phải là cậu. Các nốt cao, nốt thấp và cách điều khiển tốc độ có vẻ điêu luyện hơn người bạn của tôi hồi ở trại và cả cậu. Bản nhạc đến khúc cao trào. Không gian và thời gian dừng lại. Tôi suýt khóc. Nước mắt thì đã chảy ra rồi.

“Anh là ai?”.

Tôi thò đầu ra cửa sổ hét to. Không có tiếng trả lời. Tôi hét lần nữa. Vọng ra tiếng gảy tưng tưng trêu chọc. Rõ ràng không phải là cậu. Hướng phát ra tiếng đàn lại rất giống.

“Ai đánh đàn đấy? Trả lời đi?”.

“Câu đầu tiên đáng lẽ phải là hay lắm mới đúng chứ”.

“Tôi xin lỗi”.

“Lại một câu giao tiếp sai lầm nữa. Đã đến nước này thì xin lỗi còn có ích gì nữa đâu thưa thầy?”.

“Anh gọi tôi là thầy?”.

“Chứ sao. Tôi thấy bên nước ngoài gọi nhà văn như thế”.

Từ bên ngoài bức tường. Anh ta đang nói bằng giọng rất to. Hơn cả micro. Cảnh này xuất hiện đâu đó trong câu chuyện nào đó của tôi. Một ca sĩ vô danh, hát bờ ngủ bụi. Tất nhiên anh ta không được coi là một người thành công, bởi đơn giản có ai biết anh ta đâu. Vậy thôi. Có lẽ không cần biết tôi. Cứ coi như tôi là điệu nhạc vang lên trong đời, điệu nhạc vu vơ đi qua thế giới đóng kín và chưa bao giờ mở ra.

***

Trời hôm nay trắng hơn mọi ngày. Thật hả? Cậu hỏi lại tôi với giọng uể oải thường thấy. Ừ, đúng là nó đấy. Mẹ lại làm cho tớ món thập cẩm ngũ sắc. Mẹ nói thế. Chắc vì mẹ vui.

Cũng có thể do tháng này mình kiếm được nhiều hơn. Thời đại nào rồi. Thời đại con người thích nghe chuyện của người khác, dù đó có là một con người hết sức bình thường. Đó là tốt hay xấu?

“Chịu. Đứng trên lập trường của chúng ta mà nói thì sự quan tâm không có một giá trị nào cả. Chúng ta chỉ cần ăn uống và một chút khí trời để duy trì cuộc sống mà thôi”.

“Chuyện đấy chưa chắc đã đúng. Trí tưởng tượng nhiều khi cũng không thể giải quyết mọi vấn đề”.

“Nhưng ít nhất, nó vẫn đúng với con. Nếu con không đưa sinh hoạt phí cho mẹ, con sẽ không khác gì rác rưởi”.

Mẹ thở dài trước câu nói kiên quyết của tôi. Lạ thật, tôi không để ý đến mẹ bước vào phòng. Tôi chỉ cảm thấy hơi ấm của mẹ.

“Mẹ cố tình đi nhẹ để con không nghe thấy?”.

“Đúng thế”.

Mẹ trả lời không hề có chút ngập ngừng.

“Mẹ muốn quan sát”.

“Cái gì? Mẹ muốn quan sát cái gì?”.

“Thế giới của con. Chỉ để thấy thôi và mẹ sẽ không làm gì cả”.

Tôi không trả lời. Đúng hơn không cần phải trả lời, vì có hay không cũng đâu khác gì. Tôi chỉ việc sống đúng theo cách tôi đã sống từ khi bước chân vào nhà này. Tôi dựng lên vỏ bọc khi biết đây chính là dì của mình. Thật không dì? Tôi không dám hỏi. Phải thì sao mà không thì sao. Kết quả cũng chỉ có một nếu như tôi gật đầu đồng ý. Suy xét kỹ càng thì tôi là đứa đứng cuối cùng ở trại nếu có ai đó muốn nhận con nuôi. Theo logic đó thì việc bà ấy muốn nhận mình có thể vì đúng là dì ruột thật. Tôi ngoan ngoãn nhận lời, mà nếu không chấp nhận thì sẽ bị tra tấn kinh hoàng từ lão viện trưởng. Cứ làm một canh bạc đi.

Mẹ không hỏi tôi tại sao lại nhận lời nhanh thế dù trước đó đã hai lần từ chối. Tôi không muốn thử thách sự kiên nhẫn của mẹ, dù luôn muốn nói ra điều gì đó.

“Đã đến lúc mẹ kể cho con sự thật rồi”.

“Nếu là sự thật mẹ không phải là dì của con thì con cũng đã đoán ra rồi. Thật lòng mà nói thì mẹ đã cho con một mái nhà, vậy là đủ”.

“Con đi theo mẹ được không?”.

Tôi nắm lấy tay mẹ. Bàn tay cứ như đến từ hư không. Tôi tưởng tượng quá nhiều trong những câu chuyện của mình rồi chăng?

Một đứa như giun đất, sống leo lét vẫn có thể kiếm được tiền rồi đưa cho mẹ. Tuyệt vời không? Như một món quà đặc biệt mà ông trời đã gửi tặng để bù đắp cho việc ông lấy của tôi ánh sáng. Mẹ dắt tôi đi. Lầm lũi, nhẹ nhàng. Lần đầu tiên tôi không cần sự giúp đỡ của cây gậy dò đường. Tôi có thể cảm nhận dưới từng bước chân. Cái sàn nhà lạnh toát khi tôi chạm chân lần đầu tiên đã được thay bằng sàn gỗ. Bước chân đỡ tiếng động hơn nhiều. Bước chân của nhẹ nhõm và khoan khoái.

“Dạo này con đỡ nhức đầu không?”.

“Có ạ. Mẹ làm sàn gỗ vì con đúng không?”.

Mẹ không trả lời, chỉ dắt tôi đi. Phòng ngoài. Hình như lần cuối cùng tôi bước ra cũng đã một thời gian rồi. Tất cả còn lại gì. Không còn mùi ẩm mốc. Không giống trong phòng. Một giai điệu kỳ lạ nổi lên trong đầu.

“Con nghe quen tai không?”.

“Hẳn rồi. Cậu ấy vẫn hay chơi”.

Hello!

“Xin tự giới thiệu tôi là đứa hay tán chuyện với cậu ở bên kia bức tường ảo. Mẹ bảo cậu cần một cái bắt tay”.

“Trong hoàn cảnh này thì ôm sẽ tốt hơn. Cậu đến đây đi”. Tôi cố giữ giọng điệu bình thản của mình.

ĐINH THÀNH TRUNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cây cô đơn

Cây cô đơn có tự bao giờ và vì sao người ta gọi là cây cô đơn. Chắc có lẽ, cây cũng như người, khi đơn lẻ, cô độc giữa thế gian rộng lớn thì cũng chỉ như một minh chứng về sự hiện hữu…

Tấm áo Điện Biên

Cha mang trên mình tấm áo Điện Biên
Áo trấn thủ với bao đường ngang dọc
56 ngày đêm lấn từng thước đất
Xẻ dọc chiến hào siết chặt vòng vây.