Tư liệu quý về Văn tế Hán Nôm Bình Định

(VNBĐ – Đọc sách). 

(Đọc sách Văn tế Hán Nôm Bình Định – nghiên cứu và tuyển chú (Nxb KHXH, 2021) của TS. Võ Minh Hải)

Văn tế Hán Nôm Bình Định – nghiên cứu và tuyển chú (Nxb KHXH, 2021) là tập chuyên luận của TS. Võ Minh Hải (Hội viên Chi hội VNDG) khai thác kho di sản Hán Nôm ở Bình Định. Sách dày dặn với 360 trang, phân bổ thành 2 phần chính: Văn tế Hán Nôm Bình Định – Diện mạo và đặc điểm; Văn tế Hán Nôm Bình Định – tuyển chú. Đây là tập sách giá trị, khai thác mảng nghiên cứu văn tế ít người theo đuổi, giúp bạn đọc có thêm góc tham chiếu về những nhân vật, giai đoạn lịch sử, yếu tố văn học… liên quan đến Bình Định.

 

1.

Văn tế có xuất xứ từ Trung Hoa, khi nói đến thể văn này người ta thường nghĩ đến loại văn có tính chất ai điếu. Theo TS. Võ Minh Hải, văn tế có nội hàm lớn hơn nhiều, nó là một dạng thể loại văn học có chức năng tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh được sử dụng trong các cuộc tế lễ nói chung, nó đã phát triển thành một bộ phận đặc biệt của văn học Việt Nam với số lượng nổi trội, vượt khỏi phạm vi của một thể loại chức năng, vươn tới tầm cao nội dung, nghệ thuật và giá trị tư tưởng.

Trong các thể loại văn học, văn tế được đánh giá là khó, ít người tiếp cận. Tiếp bước những dang dở của các nhà nghiên cứu Hán Nôm trước đây ở Bình Định, TS. Võ Minh Hải đã dày công đi sâu vào khai thác, tìm hiểu và nghiên cứu hệ thống văn bản văn tế Hán Nôm Bình Định; phác thảo diện mạo lịch sử phát triển và sự vận động văn hóa. Đồng thời xác định, giới thuyết về lực lượng sáng tác, thể loại, văn tự và phân tích những đặc điểm về nội dung, nghệ thuật của các tác phẩm văn tế Hán Nôm cụ thể.

Từ góc nhìn văn học sử, văn tế Hán Nôm giúp chúng ta tiếp cận gần hơn những đóng góp của các nhân vật lịch sử. Qua những bản văn tế còn lưu giữ, giúp người đọc hình dung ra những nghĩa sĩ, danh nhân, nhà yêu nước một thời như: Quang Trung, Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, Võ Tánh, Trần Đức Hòa, Đào Duy Từ… Bởi thế, trong sách tác giả viết rằng: “Những tác phẩm tế văn của họ đã góp phần nêu cao tinh thần trọng nghĩa, trọng tình mà các thế hệ nhân dân Bình Định đã hun đúc trong lịch sử hình thành và phát triển văn hóa, văn học của tỉnh nhà”.

Trên những cứ liệu khai thác cụ thể, tác giả cung cấp nhiều thông tin hữu ích trong sách, như: “Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Văn thư lưu trữ Bình Định, tính đến nay (2021), số lượng văn bản văn tế bằng chữ Hán và chữ Nôm đã được sưu tầm và lưu trữ tại cơ quan này là 86 văn bản (26 văn bản Hán Nôm và 60 Quốc ngữ)”. Hay: “Trong Văn tế ở Bình Định (2008), nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch đã sưu tập 32 văn bản văn tế. Trong đó, văn tế bằng chữ Hán có 09 văn bản, văn tế bằng chữ Nôm có 17 văn bản và số còn lại là văn tế bằng chữ Quốc ngữ (06 văn bản)”. Bản thân tác giả cùng một số cộng sự, trong nhiều lần đi điền dã, cũng đã sưu tập được 27 văn bản văn cúng và văn tế, trong đó phần văn tế có 06 văn bản chữ Hán, 04 chữ Nôm, 05 văn bản đã phiên âm chữ Quốc ngữ (có bản Nôm kèm theo) và 12 văn tế bằng chữ Quốc ngữ. Từ những văn bản tiếp cận, tác giả đã thực hiện thao tác đối chiếu, phân loại để nêu bật lên sự phong phú, đa dạng trong văn tế Hán Nôm của Bình Định.

Trong công trình nghiên cứu này, nhà nghiên cứu Võ Minh Hải đã giới thiệu đến bạn đọc 3 tác giả văn tế Hán Nôm Bình Định tiêu biểu: Lê Ngọc Hân (Ai tư vãn, Văn tế vua Quang Trung), Đặng Đức Siêu (Văn tế Châu Văn Tiếp, Văn tế Bá Đa Lộc, Phụng dụ tế Phò mã Chưởng Hậu quân Võ Tánh, Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu…) và Đào Phan Duân (Văn tế mẹ, Tế trận vong chiến sĩ văn). Mỗi người một xuất thân, mỗi hoàn cảnh và số mệnh lịch sử nhưng văn tế của họ đã thể hiện được sự phong phú của thể loại đồng thời cho thấy tài văn, tình cảm tâm tưởng của các tác giả văn tế. Ví như trong Văn tế vua Quang Trung, Ngọc Hân có những dòng xúc động: “Gió lạnh buồng đào, rơi cầm nẩy sắt/ Sương pha cung đỏ, hoen phấn mờ gương/ Tiệc vầy vui hãy nhớ rành rành, nhịp ca múa bỗng khuây chừng Thần Ngự/ Buổi chầu chực tưởng còn phảng phất, chuông điểm hồi sao vắng chốn Cảnh Dương/ Vấn vít bấy, bảy năm kết phát/ Đau đớn thay, trăm nỗi đoạn trường”.

2.

Đặc biệt, trong tập sách, tác giả đã tuyển chú 14 văn bản Hán Nôm (07 bài văn tế chữ Hán, 07 bài văn tế chữ Nôm) giúp người đọc tiếp cận và hiểu sâu hơn về các bản văn tế ở Bình Định. Trong những văn tế ấy, có những văn bản quan trọng như Văn tế ngài Cống quận công Trần Đức Hòa, Văn tế ngài Hoằng quốc công Đào Duy Từ, Văn tế nguyên soái Mai Xuân Thưởng, Văn tế tạ ơn cầu đảo được mưa, Văn tế vua Quang Trung, Văn tế Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Bài văn tế chiến sĩ trận vong của Bình Định… Mỗi bản văn tế đều được nêu rõ xuất xứ, tường chú, thích nghĩa rõ ràng.

Võ Minh Hải hiện là tiến sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, giảng dạy tại khoa KHXH&NV, đại học Quy Nhơn. Văn tế Hán Nôm Bình Định là tình cảm ông dành cho quê hương Bình Định và là công trình tâm huyết của một nhà giáo gắn bó với công việc nghiên cứu Hán Nôm. Cũng bởi vậy, ông đã bộc bạch trong sách rằng: “Nhìn chung, không chỉ chứa đựng nhận thức, tư duy, triết lý nhân sinh quan của tiền nhân, hệ thống tác phẩm văn tế Hán Nôm Bình Định còn mang trong mình tinh thần và hồn cốt dân tộc. Nó chính là nhân chứng của lịch sử, là sợi dây liên hệ quá khứ với hiện tại. Trong dòng chảy của cuộc sống đương đại, bộ phận di văn này ngày càng xa dần và rơi vào quên lãng. Nếu không gắn kết việc bảo tồn, phát huy những giá trị của văn tế Hán Nôm với việc phát triển toàn diện văn hóa xã hội hiện nay thì e rằng không bao lâu nữa hệ thống văn bản này sẽ dần tuyệt bản”.

Liên quan đến nghiên cứu văn tế Hán Nôm, ngày 14.11.2021, tại đại học Quy Nhơn, TS. Võ Minh Hải đã có buổi báo cáo tổng kết cấp cơ sở đề tài cấp Bộ (đề tài Văn học Hán Nôm của miền Nam Trung bộ trong tiến trình văn học cổ điển Việt Nam) do ông chủ nhiệm đề tài, các thầy cô tổ Ngữ văn, khoa KHXH&NV làm thành viên. Văn tế Hán Nôm Bình Định là một trong những mục nằm trong công trình nghiên cứu quy mô này.

Văn tế Hán Nôm Bình Định được xây dựng dựa trên những nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu và biên phiên dịch, chú giải di sản Hán Nôm Bình Định trong nhiều năm của TS. Võ Minh Hải và các cộng sự. Công trình này mở hướng cho những nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo về văn tế Hán Nôm Bình Định và khu vực lân cận của tác giả. Chỉn chu và giàu tính khoa học, Văn tế Hán Nôm Bình Định là nguồn tư liệu quý cho những ai yêu thích nghiên cứu văn tế Hán Nôm và muốn tìm hiều về lịch sử, văn hóa Bình Định.

VÂN PHI

(Văn nghệ Bình Định số 103 tháng 11.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…