Từ Đoàn Văn công Giải phóng đến Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Giữa miền đất võ kiêu hùng, nơi từng con sóng vỗ bờ như còn ngân nga câu hô thai thuở trước, có một tiếng lòng âm thầm mà bền bỉ vang lên suốt bao thập kỷ – đó là thanh âm của Bài chòi, vang lên từ những mái rạp đơn sơ đến ánh đèn sân khấu chuyên nghiệp của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, như mạch ngầm văn hóa chảy mãi trong lòng người xứ sở.

1.

Tôi không sao quên được những ngày đầu thành lập Đoàn văn công giải phóng, rồi từ đó, sau hành trình dài đã phát triển thành Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định hôm nay. Những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, cuộc chiến tranh xâm lược đặc biệt của Mỹ ở miền Nam Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt. Trước tình hình đó, để góp phần tuyên truyền cho cuộc kháng chiến của cách mạng trong giai đoạn mới, tháng 2 năm 1962, Tỉnh ủy Bình Định quyết định thành lập Đội Tuyên truyền văn nghệ trực thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh. Bước đầu, đội có 14 anh chị em là những nghệ nhân và những người có năng khiếu văn nghệ được Tỉnh ủy điều động từ các địa phương và các ban, ngành của tỉnh, do đồng chí Võ Xuân Đào làm đội trưởng. Căn cứ của đội được xây dựng tại Nước Miêng (sông Miêng), xã Tu Kroong, huyện Vĩnh Thạnh. Đội được Ban Kinh tài tỉnh cấp một số lương thực (gạo, mì, bắp, muối), một số nhạc cụ, một số dụng cụ sản xuất, một số dụng cụ nhà bếp.

Thời kỳ này, đội gặp rất nhiều khó khăn, phải tự túc 50% lương thực. Do vậy, để tiết kiệm gạo, tập thể đội phải “ăn độn” nhiều loại rau rừng (cải bay, cải trời, môn dóc, môn thục, rau ranh…). Người xưa có câu “đói ăn rau, đau uống thuốc”, anh chị em toàn đội vẫn lạc quan, mạnh khỏe, tích cực phát rẫy sản xuất, tự biên tự diễn một số tiết mục văn nghệ: các tiết mục độc tấu, song tấu Bài chòi, kịch ngắn Bài chòi Súng Mỹ lòng ta, song tấu hài Đế quốc Mỹ cút đi, hai điệu múa: Chàm rông và Sắc bùa, hai đơn ca: Giải phóng miền NamDu kích quân đánh giặc.

Tháng 8 năm 1962, thành quả lao động của toàn đội: một rẫy lúa, một rẫy mì và bắp lên xanh tươi tốt. Một chương trình văn nghệ hơn một tiếng đồng hồ. Đội tổ chức buổi báo cáo chương trình, đồng chí Tô Liễu – Phó Ban Tuyên huấn tỉnh – đến dự, động viên, khen ngợi. Anh chị em toàn đội vui mừng, phấn khởi đến trào nước mắt. Từ kết quả này, tháng 10 năm 1962, Tỉnh ủy quyết định đổi tên Đội Tuyên truyền văn nghệ thành Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Bình Định, đồng chí Trương Huy Nghĩa làm đoàn trưởng, đồng chí Hồ Quang làm Chính trị viên – Bí thư Chi bộ.

Năm 1963, đoàn được bổ sung nhân lực, tiếp tục sáng tác các tiết mục bổ sung chương trình, và bắt đầu một cuộc lưu diễn, phục vụ Hội nghị Tỉnh ủy, Mặt trận, phục vụ các làng đồng bào Ba Na: 01 – 02 – 03 xã Tu Kroong, trại tề phạm K18 của Ban An ninh tỉnh…

Năm 1964, vùng giải phóng từng bước được mở rộng. Buổi biểu diễn đầu tiên tại thôn Tả Giang, xã Bình Giang, huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn). Trong đêm diễn này, các gia đình có con em đi lính bảo an phối hợp cán bộ, du kích địa phương đưa một tiểu đội lính bảo an ở đồn Đồng Phó đến xem văn công cách mạng. Sau đêm diễn, các gia đình động viên con em trở về với gia đình, với cách mạng. Tiếp theo, đoàn hành quân lưu diễn các vùng giải phóng trong tỉnh.

Từ thất bại Chiến tranh đặc biệt, cuối năm 1965, Mỹ tiến hành Chiến tranh cục bộ. Chúng đưa quân viễn chinh Mỹ và lính chư hầu Nam Triều Tiên vào Bình Định đánh phá rất ác liệt. Đầu năm 1966, đoàn hành quân phục vụ chống âm mưu chiến dịch mùa khô của Mỹ – Ngụy. Trong một trận càn ác liệt, địch đổ quân bao vây, tấn công trực tiếp vào nơi đóng quân của đoàn tại xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ. Trong trận càn này, đồng chí Hoàng Ngọc Ẩn (Đoàn trưởng) và đồng chí Nguyễn Mẹo (diễn viên) hy sinh. Một số anh chị em trong đoàn bị thương. Đồng chí Đào Xuân Lộc (đội trưởng Bài chòi) bị thương quá nặng, bị địch bắt đưa vào trại tạm giam ở Nhà lao Quy Nhơn. Sau đó, được đồng chí Đinh Bá Lộc – Chính trị viên Tỉnh đội – chỉ đạo du kích mật đưa đồng chí Lộc vượt ngục trở về căn cứ. Với tinh thần không ngại hy sinh, khó khăn, gian khổ, sau một thời gian, anh chị em trong đoàn tập trung về căn cứ, tiếp tục sản xuất, luyện tập chuyên môn chuẩn bị cho những đợt ra quân tiếp theo.

Mùa xuân năm 1968, đoàn ra quân phục vụ chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân. Địch đổ quân càn quét, đánh phá rất ác liệt. Chúng đánh trực tiếp vào nơi đóng quân của đoàn tại xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn. Trong trận càn lần này, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh (đoàn trưởng) và đồng chí Nguyễn Văn Minh (đội phó Đội Bài chòi) hy sinh. Đồng chí Hoàng Thu An – Đoàn phó – tiếp tục đưa đoàn phục vụ chiến dịch…

Mùa hè năm 1970, Mỹ – Ngụy thực hiện âm mưu “bình định đặc biệt”, rồi “bình định cấp tốc”. Lãnh đạo Ban Tuyên huấn tỉnh chỉ đạo hai tổ công tác của đoàn, mỗi tổ 5 đồng chí. Tổ 1 hoạt động ở vùng đông huyện Phù Mỹ, tổ 2 hoạt động ở vùng đông huyện Phù Cát. Nhiệm vụ của hai tổ là phối hợp với cán bộ và du kích các địa phương đột nhập vào các vùng giáp ranh (giữa ta và địch), vùng kìm kẹp, ấp chiến lược của địch để phục vụ Nhân dân, chống âm mưu bình định của Mỹ – Ngụy.

Tổ công tác ở huyện Phù Mỹ bị địch phục kích, 5 đồng chí đều bị thương. Tổ công tác ở huyện Phù Cát phối hợp với cán bộ và du kích các xã đột nhập vào các vùng tranh chấp giữa ta và địch, các vùng địch tạm chiến: Kiều Huyên, Phong An (xã Cát Trinh); Vĩnh Trường, Vĩnh Kiên, Khánh Lộc (xã Cát Hanh),… tuyên truyền, vận động Nhân dân chống âm mưu bình định của địch. Vào một đêm đột nhập vào ấp chiến lược thôn Thái Bình (xã Cát Tài), biểu diễn văn nghệ và tuyên truyền, vận động Nhân dân phá ấp chiến lược trở về làng cũ, lúc trở ra bị địch phục kích, đồng chí Nguyễn Ngọc Hà (nhạc công) hy sinh. Bốn anh chị em chúng tôi và một số cán bộ địa phương bị thương…

Cuối năm 1971, Tỉnh ủy chỉ đạo giao Ban Tuyên huấn thành lập một tổ hát Bội tại đoàn. Bước đầu, tập hợp được 9 nghệ nhân hát Bội đang công tác ở các địa phương và các ban, ngành của tỉnh. Sau khi đoàn phục vụ chiến dịch Xuân – Hè 1972, tổ hát Bội được bổ sung lực lượng, tập luyện được hai vở tuồng: Trần Bình Trọng và Ngọn lửa Hồng Sơn. Tháng 3 năm 1973, Tỉnh ủy quyết định tách tổ hát Bội thành lập Đoàn hát Bội Bình Định. Đồng chí Võ Văn Nhơn làm đoàn trưởng, đồng chí Huỳnh Lý làm đoàn phó, Bí thư Chi bộ. Đoàn Văn công Giải phóng vẫn giữ tên cũ, do đồng chí Hoàng Thu An làm đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn An Pha làm đoàn phó, Bí thư Chi bộ.

Hơn 13 năm kháng chiến chống Mỹ, đoàn luôn có mặt phục vụ các chiến dịch, các vùng giải phóng. Mỹ – Ngụy quyết tiêu diệt văn công cách mạng, liên tục đổ quân bao vây, tập kích vào nơi đóng quân của đoàn. Trong chặng đường gian khổ, ác liệt đó, đoàn có 10 liệt sĩ, nhiều đồng chí bị thương, nhiễm chất độc da cam của Mỹ. Nhưng với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”, lớp người trước ngã xuống, lớp người sau tiến lên, góp một phần công lao, xương máu của anh chị em Văn công Giải phóng tỉnh Bình Định vào thắng lợi chung của đất nước.

2.

Sau khi hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi hợp nhất, hai đoàn văn công Quảng Ngãi – Bình Định hợp nhất thành Đoàn Văn công tỉnh Nghĩa Bình. Đến đầu năm 1977, Đoàn Văn công Giải phóng được chia thành hai đoàn: Đoàn Dân ca kịch Nghĩa Bình và Đoàn Ca múa nhạc Nghĩa Bình. Từ đây, Đoàn Dân ca kịch tập trung lực lượng xây dựng những vở chuyên nghiệp hơn như: Đoàn tụ (của Kính Dâng), Đội kịch Chim Chèo Bẻo (của Nguyễn Văn Niêm), Thoại Khanh Châu Tuấn (của Nguyễn Tường Nhẫn)… Cuối năm 1980, đoàn tiếp nhận lớp diễn viên và nhạc công Bài chòi khóa I của Trường Trung học Văn hóa – Nghệ thuật Nghĩa Bình đào tạo. Nhờ có lực lượng trẻ giỏi nghề, cộng với các nghệ sĩ lớn tuổi giàu kinh nghiệm, đoàn mời thêm các cộng tác viên giỏi nghề tham gia xây dựng những vở kịch dài như: Núi rừng năm ấy, Hoa Sơn Mỹ, Thánh Gióng, Trận mới bắt đầu… Đoàn đưa quân đi biểu diễn khắp các địa phương trong tỉnh Nghĩa Bình.

Lãnh đạo Đoàn qua các thời kỳ chụp ảnh lưu niệm tại Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập. Ảnh tư liệu

Năm 1985, lần đầu tiên đoàn tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại thành phố Cần Thơ với vở Tội lỗi (tác giả Nguyễn Đình Chính, đạo diễn Mai Ngọc Căn, âm nhạc Phó Đức Phương, họa sĩ Lê Huy Quang). Vở diễn đoạt Huy chương Bạc, một Huy chương Vàng và bốn Huy chương Bạc cho diễn viên. Đây là một thắng lợi lớn, tạo tinh thần phấn khởi cho cán bộ, nghệ sĩ, tiếp tục hăng say lao động sáng tạo nghệ thuật cho những năm tiếp theo.

Năm 1989, sau khi tách tỉnh Nghĩa Bình thành hai tỉnh: Bình Định và Quảng Ngãi, Đoàn Ca múa nhạc về Quảng Ngãi, Đoàn Dân ca kịch ở lại Bình Định. Lãnh đạo đoàn tập trung đầu tư chuyên sâu, chuyên nghiệp, mời một số chuyên gia, nhà nghiên cứu, tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa về giúp đoàn xây dựng những vở kịch dài, chính quy, chuyên nghiệp… Năm 2000, Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Bình Định được UBND tỉnh quyết định đổi tên là “Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định”. Sự kiện đổi tên đoàn là bước ngoặt: nghệ thuật Bài chòi được trở về với cội nguồn.

Đến nay, Đoàn Nghệ thuật Ca kịch Bài chòi Bình Định (thuộc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Bình Định) đã bổ sung diễn viên, nhạc công thế hệ thứ 5, tốt nghiệp tại Trường Văn hóa – Nghệ thuật Bình Định. Trong đó, có một số diễn viên tốt nghiệp lớp đại học nghệ thuật sân khấu Bài chòi do Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa – Du lịch tỉnh Khánh Hòa tổ chức đào tạo. Đến thời điểm hiện nay, đoàn có nhiều nghệ sĩ tài năng: 2 NSND, 9 NSƯT, một số nghệ sĩ đoạt danh hiệu “Tài năng trẻ”. Hằng năm, đoàn hoàn thành các chỉ tiêu Nhà nước giao: số đêm diễn, doanh thu, lượt người xem đều vượt trội. Mỗi năm, tỉnh giao cho đoàn 20 buổi biểu diễn không doanh thu để phục vụ các nhiệm vụ chính trị: các ngày lễ, Tết, các ngày kỷ niệm lớn của tỉnh và của đất nước. Hằng năm, đoàn phối hợp với Đài PTTH Bình Định thu và phát sóng trên từ 1 đến 2 vở diễn hay phục vụ Nhân dân. Nhiều vở diễn của đoàn đoạt giải cao tại các kỳ hội thi, hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp, khẳng định vị thế của đoàn ở mảng ca kịch Bài chòi cả nước.

Năm 2017, Nghệ thuật Bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây là niềm tự hào cho nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam nói chung và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định nói riêng. Như vậy, từ một nhóm biểu diễn nhỏ bé, sơ khai trong những ngày đầu đầy gian khó, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đã vươn mình thành ngọn lửa văn hóa sáng rực nơi miền đất võ. Nơi ấy, từng câu hô thai, từng nhịp trống rộn ràng, từng bước chân nghệ sĩ ròng rã khắp các miền quê đã góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc trong dòng chảy hiện đại hóa không ngừng. Mỗi nghệ sĩ, mỗi cán bộ từng gắn bó với đoàn là một phần máu thịt của hành trình ấy, hành trình gìn giữ, bồi đắp và lan tỏa giá trị di sản. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể tự hào mà nói rằng: Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định không chỉ là nơi lưu giữ một loại hình nghệ thuật, mà còn là biểu tượng sống động của khát vọng sáng tạo, của tình yêu quê hương, và của bản lĩnh bảo tồn văn hóa dân gian giữa thời đại biến thiên.

Một số vở diễn tiêu biểu, xuất sắc của đoàn đoạt giải cao tại các kỳ hội thi, hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc của Bộ Văn hóa Thông tin (Bộ VH,TT và Du lịch) và Hội NSSK Việt Nam tổ chức: Đồng tiền vạn lịch: HCV năm 1990; Huyền Trân công chúa: HCV năm 1995; Người tử tù mất tích: HCV năm 1996; Khúc ca bi tráng: HCV năm 2013 (tác giả Văn Trọng Hùng đoạt giải tác giả xuất sắc, đạo diễn NSND Hoài Huệ đoạt giải đạo diễn xuất sắc); Chuyện tình làng võ: HCV năm 1917; Chói rạng Sơn hà: HCV năm 1919; Cô thần: HCV năm 2022 (tác giả Văn Trọng Hùng đoạt giải tác giả xuất sắc, đạo diễn NSND Hoài Huệ đoạt giải đạo diễn xuất sắc)…
Về thi đua khen thưởng của đoàn: Trong kháng chiến chống Mỹ: Huân chương giải phóng hạng Ba; Huân chương kháng chiến hạng Nhì; Huân chương quyết thắng hạng Nhất. Sau ngày miền Nam giải phóng thống nhất đất nước: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương lao động hạng Ba. Nhiều cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen của Bộ VHTT&DL và UBND tỉnh.

NGUYỄN AN PHA

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vẻ đẹp của quê hương

Ngày 13.6.2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 202/2025/QH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Từ đây, Bình Định sẽ mang một tên gọi mới, mở ra một thời kỳ phát triển mới…