Tự do mênh mông! Tự do giới hạn!

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Lê Thành Nghị là nhà thơ trước khi là nhà lý luận – phê bình văn học. Nhưng khi cả hai tư cách cùng tồn tại, thì chúng tương hỗ nhau, nương tựa vào nhau để đồng hành/ song hành đi tìm tự do cho con chữ, cho hình tượng thơ và tư tưởng thơ. Chúng không loại trừ nhau mà có khả năng cộng hưởng nhau, hô ứng nhau để tạo sinh nghĩa cho thi ca từ miền sâu, miền sau, miền xa của ngôn từ, từ đó, làm hiển minh những thông điệp triết mỹ nhân sinh ảo diệu và nhân ái.

Tôi muốn chọn bài thơ Tự do của Lê Thành Nghị để phần nào minh định cho xác tín nói trên của mình. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả chọn câu thơ có cánh của Hữu Thỉnh làm đề từ cho bài thơ: “Tự do xanh quá, mênh mông quá”. Về mặt triết học mà nói thì Tự do là một phạm trù thể hiện cái tất yếu được tri nhận của con người thông qua khả năng biểu hiện ý chí, thực hiện ý muốn của họ trên cơ sở nhận thức được quy luật vận động và phát triển của mọi sự vật và hiện tượng trong tự nhiên và xã hội. Nhưng với thi ca cũng như những hình thái ý thức xã hội – thẩm mỹ khác thì chúng lại thể hiện phạm trù đó bằng thứ ngôn ngữ riêng của mình: Đa dạng, ảo ẩn và hàm ngôn, nhưng lại có khả năng tạo ra những nội hàm ý nghĩa và tư tưởng lóe sáng, bất ngờ.

Khổ đầu của bài thơ, tác giả đã mượn hình tượng đôi cá vàng đang bơi trong mơ giữa bốn vách không gian giới hạn của bể kính thủy tinh trong suốt và nước cũng trong suốt:

Nước trong suốt và kính trong suốt
Một đôi cá vàng đang bơi trong mơ!
Hình như cá biết
Bốn vách kính kia là bờ!

Cá biết bốn vách của bể kính kia là bờ chính là cách nhà thơ nhân hóa để nói quy luật thích nghi và tồn tại tự do của loài cá mà Ivan Petrovich Pavlov (nhà sinh lý học, tâm lý học người Nga; viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Peterburg) đã thí nghiệm đối với chúng theo một vách ngăn, lâu ngày thành quen, khi lấy vách ngăn ra, cá vẫn bơi trong giới hạn quen thuộc từ trước. Đó chính là tự do trong khuôn khổ quán tính của loài cá, khi chúng không được bơi lội giữa sông biển bao la của thiên nhiên. Còn với chim, tự do lại mang tầm vóc khác vì chúng không bị nhốt trong chiếc lồng con chật hẹp nên chúng mang khát vọng bầu trời rộng lớn để tung bay. Vậy là, Lê Thành Nghị đã khái quát một quy luật có tính hằng cửu của mọi vật, muôn loài trong tự nhiên và xã hội bằng tiếng nói thi ca súc tích mà hiển minh:

Với cá, tự do đôi khi có hình chữ nhật
Với chim, đôi khi mang dáng bầu trời
Dẫu sải cánh vẫn thấy trời quá chật

Vậy đối với con người thì sao? Có thể mượn hình tượng đôi cá vàng và cánh chim này để quy chiếu, tìm ra ý nghĩa đích thực cho sự tự do của họ hay không?

Có những ngày muốn nhẹ như mây
Muốn bay như mây
Trong khi nỗi buồn như đá đè ngực!

Lê Thành Nghị đã khái quát một hiện thực cụ thể, rằng không phải lúc nào con người muốn gì là được nấy. “Muốn nhẹ như mây”, “muốn bay như mây” thì vừa dễ vừa khó, nhưng sự thật bao giờ vẫn có giới hạn gián cách với những gì mình mong muốn, bởi khi đó “nỗi buồn như đá đè ngực!” thì dù có muốn bay cũng đành bất lực.

Tác giả tiếp tục truy chứng cho những giới hạn của mỗi chủ thể người trong từng mối quan hệ cụ thể:

Có những ngày muốn buông như nước
Muốn thả như nước
Trong khi vướng vít hương cỏ hương cây trên bờ!

Mỗi trạng thái quan hệ là mỗi hệ quả hành động có thực, tạo nên những giới hạn không giống nhau. “Muốn thả như nước”, “muốn buông như nước” thì cũng vừa dễ vừa khó, nhưng khổ nỗi, chủ thể đã bị “vướng vít hương cỏ hương cây trên bờ!”, chúng có sức quyến rũ bội phần đã níu giữ tâm hồn đa cảm, khiến họ từ bỏ ý định buông xuôi để ở lại với thiên nhiên vương vít và nhân hậu.

Lại có những giới hạn mang khát vọng đường chân trời với cánh buồm tung gió trùng khơi. Khi ấy, dù có “muốn mờ như khói”, “muốn nhòe như khói” cũng không thể nào mờ nhòe, u ám được. Tầm mắt và trái tim mang hình cánh buồm ước vọng lại thúc giục lên đường:

Có những ngày muốn mờ như khói
Muốn nhòe như khói
Trong khi cánh buồm cuối chân trời giục đi!

Vậy đến đây, bài thơ Tự do của Lê Thành Nghị muốn thông điệp với chúng ta điều gì? Không gì khác ngoài khát vọng truy tìm ý nghĩa đích thực của hai chữ TỰ DO mà mỗi chủ thể người đang tôn thờ, mang vác và thực hiện. Tự do không phải tự nhiên mà có, không phải từ trời cao rơi xuống hay từ mặt đất trồi lên. Tự do là sự thức nhận và hành động trong trạng thái làm chủ và phán đoán đúng, hợp quy luật của tự nhiên và xã hội để dẫn đến hành vi đúng của mỗi chủ thể.

Vậy nên, thuận lợi hay giới hạn, có khả năng hay không đủ khả năng để chiếm lĩnh tự do luôn phụ thuộc vào nhiều đối tượng và quan hệ mà ở đó, con người – với tư cách là chủ thể ý thức, trước hết phải chịu một phần trách nhiệm. Chúng tích cực hay tiêu cực lại tùy vào trạng thái làm chủ hoàn cảnh, tâm trạng và sự lựa chọn hành động của từng chủ thể nghiệm sinh:

Sóng ở xa kia, người ở xa kia
Một lời gọi gió đưa đi mất!

Bài thơ khép lại trong tự thoại, tự thức của nhà thơ. Nó như là một kinh nghiệm buồn và đáng trách của những ai chưa biết tiên đoán những khó khăn và hệ lụy của mình trên hành trình đi đến Tự do:

Tôi là kẻ bộ hành qua sa mạc
Mà quên mang theo bầu nước nhỏ cho mình!

Nhưng dù gì thì con người vẫn luôn là chủ thể biết mơ mộng và giàu đức tin nên họ không bao giờ từ bỏ khát vọng tự do. Vì vậy mà “Tự do xanh quá, mênh mông quá” (Hữu Thỉnh) lại luôn là sự vẫy gọi tin yêu giúp con người biết vượt qua những giới hạn để làm chủ bản thân, làm chủ nhân vị của mình trong từng mối quan hệ để đi đến Tự do đích thực.

***

Sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo thi ca bao giờ cũng là hành trình đi tìm chữ nghĩa và khắc phục những con chữ yếu ớt, vô nghĩa của mình, để được tự do trong tình cảm và tư tưởng. Qua bài thơ, Lê Thành Nghị đã giúp người đọc hiểu được nội hàm của hai chữ Tự do bằng tiếng nói thi ca hàm ngôn, giàu biểu trưng và ẩn dụ.

Tự do

LÊ THÀNH NGHỊ

“Tự do xanh quá, mênh mông quá”
(Hữu Thỉnh)

Nước trong suốt và kính trong suốt
Một đôi cá vàng đang bơi trong mơ!
Hình như cá biết
Bốn vách kính kia là bờ!

Với cá, tự do đôi khi có hình chữ nhật
Với chim, đôi khi mang dáng bầu trời
Dẫu sải cánh vẫn thấy trời quá chật

Có những ngày muốn nhẹ như mây
Muốn bay như mây
Trong khi nỗi buồn như đá đè ngực!

Có những ngày muốn buông như nước
Muốn thả như nước
Trong khi vướng vít hương cỏ hương cây trên bờ!

Có những ngày muốn mờ như khói
Muốn nhòe như khói
Trong khi cánh buồm cuối chân trời giục đi!

Sóng ở xa kia, người ở xa kia
Một lời gọi gió đưa đi mất!

Tôi là kẻ bộ hành qua sa mạc
Mà quên mang theo bầu nước nhỏ cho mình!
2015

HỒ THẾ HÀ

(Văn nghệ Bình Định số 112 tháng 8.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…