Truyền thống khoa bảng và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị của di tích Nho học ở Bình Định

(VNBĐ – Bình Định mến yêu).

Từ truyền thống khoa bảng Nho học
Bình Định là vùng đất học, có đóng góp lớn cho lịch sử khoa cử Việt Nam. Trong tiến trình lịch sử, Bình Định đã có những đóng góp khá tiêu biểu về số lượng sĩ tử cũng như các nhà khoa bảng đã đỗ đạt, cống hiến cho đất nước qua các thời kỳ. Đặc biệt, Bình Định là một trong những địa phương được triều đình cho xây dựng Văn miếu khá sớm. Theo Đại Nam nhất thống chí (Bản Duy Tân), Văn miếu Bình Định được vua Gia Long cho xây dựng năm 1802 để thờ Khổng tử và các tiên Nho. Ngoài ra, hệ thống các văn chỉ cũng được văn thân địa phương quyên góp thiết lập như văn chỉ Tuy Phước (1847), văn chỉ Phù Mỹ – Phù Cát (dựng thời Minh Mệnh), văn chỉ Hoài Nhơn (1867), văn chỉ An Nhơn (1900).

Trường thi Bình Định được thiết lập sau Văn miếu đúng 50 năm vào thời vua Tự Đức (1852). Nếu không kể trường thi An Giang chỉ tổ chức được một khoa (1863), thì đây cũng là một trong 07 trường thi lớn thời Nguyễn. Mỗi khoa thi, số lượng cử nhân được lấy đỗ đều do bộ Lễ quy định. Theo Quốc triều hương khoa lục (Cao Xuân Dục), tính đến năm 1918, Trường thi Bình Định đã tổ chức 23 khoa lấy đỗ tổng cộng 355 cử nhân. Trong đó, số lượng sĩ tử người Bình Định đỗ cử nhân có 186, Giải nguyên 12 người, Á nguyên 10 người. Người đỗ cử nhân trẻ tuổi nhất là ông Văn Vĩ (thôn Hữu Pháp, Phù Cát), đỗ năm 16 tuổi (khoa Mậu Ngọ, 1918); người lớn tuổi nhất là ông Phan Hành (thôn Biểu Chánh, Tuy Phước), đỗ năm 55 tuổi (khoa Quý Mão, 1903).

Một điểm thú vị rằng, hầu hết các danh sĩ ứng nghĩa Cần vương ở khu vực Nam Trung bộ, phần lớn đều xuất thân từ Trường thi Bình Định như Nguyễn Tự Tân (Quảng Ngãi, đỗ Tú Tài khoa Mậu Thìn, 1868), Nguyễn Duy Cung (Quảng Ngãi, đỗ Á nguyên khoa Mậu Thìn, 1868), Lê Trung Đình (Quảng Ngãi, cử nhân khoa Giáp Thân, 1884) – lãnh tụ Cần vương Quảng Ngãi, Đào Doãn Địch (Bình Định, đỗ Tú tài khoa Mậu Dần, 1878), Mai Xuân Thưởng (Bình Định, đố Cử nhân khoa Ất Dậu, 1885) – thủ lĩnh phong trào Cần vương Bình Định, Nguyễn Trọng Trì (Bình Định, đỗ cử nhân khoa Bính Tý, 1876), Võ Phong Mậu (Bình Định, đỗ cử nhân khoa Quý Dậu, 1873), Lê Thanh Phương (Phú Yên, đỗ Tú Tài khoa Ất Mão, 1855) – thủ lĩnh Cần vương Phú Yên,… Các danh sĩ xuất thân từ Trường thi Bình Định đã đóng góp lớn cho đất nước và địa phương trên nhiều phương diện văn hóa, xã hội và nghệ thuật như: Đào Tấn, Đào Trọng Tập, Hồ Sĩ Tạo, Đặng Cao Đệ, Trần Trọng Giải, Đào Phan Duân, Lâm Thúc Mậu, Kiều Lâm, Đỗ Quân,…

Các nhà nghiên cứu văn hóa tìm hiểu Văn chỉ Hoài Ân. Ảnh: Tư liệu

Truyền thống hiếu học, khoa bảng là niềm vinh dự cho Nhân dân Bình Định trong hàng trăm năm qua. Truyền thống ấy đã được tiếp nối bởi nhiều thế hệ anh tài Bình Định hiện đang công tác trên mọi miền đất nước và cống hiến trên nhiều lĩnh vực khoa học. Tuy nhiên, bên cạnh việc tiếp nối ấy, vấn đề để tôn vinh, khắc sâu truyền thống, ngoài các chủ trương chính sách hiệu quả mà địa phương đang triển khai, thiết nghĩ, việc quan tâm đến những di chỉ cựu học Bình Định cũng là một vấn đề cần lưu ý trong thời gian đến.

Cấp thiết phục dựng, trùng tu văn miếu, văn chỉ ở Bình Định
Nho học là câu chuyện của quá khứ nhưng có sự lan tỏa và tác động lớn trong đời sống xã hội, tiềm thức văn hóa của mỗi con người, mỗi vùng miền. Hiện nay, hệ thống di tích Nho học Việt Nam đã và đang nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp như: Văn miếu Hà Nội, văn miếu Bắc Ninh, Hải Dương và Hương Yên. Ở Trung bộ, các di tích như: Văn thánh Huế, Khổng Tử miếu (Hội An), Văn miếu Diên Khánh (Khánh Hòa),… Ở Nam bộ có Văn miếu Trấn biên (Đồng Nai), Văn thánh miếu Vĩnh Long và nhiều văn chỉ, văn từ với hiện trạng khác nhau.

Ba cặp liễn đối còn lại của Văn chỉ Tuy Phước. Ảnh: M.T

Tại Bình Định, Văn miếu chỉ còn là di chỉ, hệ thống văn chỉ ở các huyện, ngoại trừ văn chỉ Tuy Phước, hầu hết là phế tích. Võ Nguyễn Phong trong Dấu xưa văn miếu Bình Định đã nhấn mạnh: “Khá nhiều địa phương trong cả nước cũng như ở Bình Định đã và đang tổ chức phục dựng công trình Văn miếu, Văn chỉ địa phương nhằm biểu dương tinh thần học tập và phát huy giá trị truyền thống. Vì vậy việc quan tâm nghiên cứu về Văn miếu Bình Định nói riêng và các công trình cổ liên quan trong khu vực nói chung nhằm mục đích giương cao truyền thống uống nước nhớ nguồn, đề cao tinh thần trọng học, hiếu học đến các thế hệ mai sau là việc mà ngành VH&TT cũng như chính quyền thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định nên quan tâm nhiều hơn”. Chia sẻ với tác giả, chúng tôi nhận thấy cần nêu rõ mấy lý do để chúng ta có thể kiến nghị chủ trương phục dựng các di chỉ Nho học trên địa bàn tỉnh như sau:

Thứ nhất, đây là minh chứng cho truyền thống khoa cử và tôn sư trọng đạo của địa phương. Việc phục dựng hệ thống di tích này đồng nghĩa với việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa hiện nay.

Thứ hai, hệ thống di tích này nếu được phục dựng và khai thác đúng mức sẽ là cơ sở để các nhà khoa học tập trung tìm hiểu về lịch sử văn hóa thời kì phong kiến, góp phần khẳng định sự truyền thừa, tiếp nối truyền thống hiếu học luôn được Nhân dân Bình Định phát huy.

Thứ ba, văn miếu, văn chỉ sẽ là nơi tôn vinh các cá nhân, tập thể đóng góp về giáo dục, khuyến học, khuyến tài. Giá trị và ý nghĩa giáo dục sẽ được gia tăng bội phần bởi sự kế tục truyền thống hiếu học của tiền nhân. Bên cạnh đó, Văn miếu, văn chỉ ở Bình Định sẽ là điểm tham quan tiêu biểu trong hành trình giới thiệu văn hiến Bình Định.

Văn miếu, văn chỉ là chứng nhân cho truyền thống trọng chữ của người Bình Định từ xưa đến nay. Những câu chuyện tốt đẹp về lễ nhạc, thi thư cũng như tinh thần trượng nghĩa, hiếu học của đất và người Bình Định sẽ được tôn vinh thêm nếu những di tích này thực chất trở thành nhân chứng sinh động, đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

VÕ ĐỊNH PHONG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hoài Nhơn quê hương tôi

“Hoài Nhơn quê hương tôi” là chủ đề triển lãm ảnh thời sự nghệ thuật của NSNA Nguyễn Ngọc Tuấn diễn ra từ ngày 10 – 22.12.2024 tại Trung tâm VH-TT&TT TX. Hoài Nhơn…

Vũ Ngọc Liễn: Kẻ sĩ “ham chơi”

Mỗi thời một khác, nhưng con người và sự nghiệp của Vũ Ngọc Liễn đã mặc nhiên xếp ông vào hàng kẻ sĩ. Phải, kẻ sĩ của đất Thang Mộc, quê hương mà ông dành trọn đời dâng tặng…