Trong lặng im những mùi…

(VNBĐ – Tản văn). Tôi vẫn nhớ con đường về ngập nắng, tưởng như mình đâu bỏ tất cả để ra đi. Ngày qua ngày, tháng qua tháng cứ như chưa từng chạm đến nỗi buồn, mùa vội vã ùa vào cuốn đi tất cả. Tôi bước trên triền đê lộng gió, nghe hương vị quê nhà cứ dậy lên trong sóng mũi. Để tôi quên đi một thời chỉ biết bấu víu mỗi tình yêu…

Dắt nhau về lối nhỏ, tôi vẫn nhớ mùi dầu khuynh diệp của nội giữa trưa lặng gió. Mùi của trầu cau cứ dậy lên theo từng tiếng võng đung đưa mà đã có lần nội nhắc, thầy Tây nó gớm ghê không dám lại gần nên nội mới sống được rồi mới đẻ ra thằng cha của mày đó. Nội cười hề hề rồi ngó lên bàn thờ nhìn di ảnh của cô út đầm đìa nước mắt, phải chi cô út mày biết ăn trầu thì đâu bị thằng Tây nó… Nội buông tiếng thở dài tay vẫn không ngơi nhịp võng…

Những mùi hương ấy thơm cả giấc mơ tôi. Nó như trói tôi lại giữa những dấu yêu thời tuổi nhỏ. Mùi chai rượu xoa bóp của ông cứ miên man đuổi theo tôi trong từng nếp nghĩ. Cái mùi khó chịu mà ông thường bảo tôi tránh đi mỗi khi ông bắt đầu tha vào cánh tay khi nó đã mỏi nhừ, vào đôi bàn chân đã bắt đầu chùn lại… Để tôi cứ tưởng ông giấu tôi uống một mình. Đến khi tôi thấy mặt đỏ bừng, chân nọ xọ chân kia, đầu đau như búa bổ cũng là lúc chai rượu xoa bóp của ông vơi đi một nửa. Mùi hương ấy cứ vấn vít trong tôi mãi đến tận sau này. Mái nhà tranh vách lá, có hàng dừa xanh bắt cái võng tòn ten với chiếc ra-đi-ô rè rè đổ xuống tiếng hát nghệ sĩ Thanh Nga nghe mùi ác chiến, mùi hương của tách trà đun bằng chén nước mưa ngòn ngọt, thấm vào đầu lưỡi. Nhấp ngụm trà, nội nằm gác kèo ong ca vọng cổ rồi bỏ bộ y như mấy anh kép trong đoàn hát Hương Tràm…

Hít một hơi thật sâu. Mùi thuốc rê, giấy quyến mà ba vẫn để trong cái nón kết cứ phảng phất theo từng nhịp thở. Mùi thuốc hanh nồng giữa khuya ba thức dậy ém mùng cho những đứa con gác chân làm rơi xuống. Là những vòng khói trắng giữa đêm khi ba nghe tin đài báo bão, là lúc ba đọc đi đọc lại lá thư anh Tư học ở Sài Gòn gởi về xin tiền đóng học phí.

Tôi thèm được ăn trái ổi chua, trái bần chua từ túi áo của ba mỗi khi đi đồng về. Mùi vị ấy, tôi đã rong ruổi kiếm tìm suốt những tháng ngày ở phố. Và bỗng nhận ra chỉ nhà mới có…

Đã có lúc tôi thấy mình khóc cười no nê với cuộc đời. Tôi chỉ muốn chạy về nhà, được nép sau áo má, để thấy mình còn lắm dại khờ, để được cuộn vào mái tóc có hương bồ kết thơm nồng của má, để được má vỗ về, cha mày lớn tồng ngồng rồi con nhõng nhẽo, bộ bây tính ở với má hoài hả.

Má ngồi cời bếp lửa. Má bảo, bây chạy ra sau hái mớ bông súng chấm mắm kho, hủ mắm cá lóc má chao thính rồi, đợi bây về má mới dám dỡ. Tôi bước ra vườn, đôi mắt đỏ hoe, ngước mặt lên nhìn vòm trời quê yên bình có lọn khói phả lên từ gian bếp của má. Tôi thấy mình dù có đi trăm núi nghìn sông cũng chưa thể nào hiểu hết tấm lòng của má. Mùi mắm kho thơm lừng, mùi của quê hương xứ sở. Mùi mà đã có lần má mang lên phòng trọ bị bà chủ la, mùi của má con thằng nhà quê. Má cười hề hề, mùi hôi vậy chứ ăn là ghiền. Chị lấy ít ăn thử, dưới quê tôi cái này là đặc sản đó. Để mỗi lần gom tiền trọ, bà chủ lại bớt chút tiền điện, tiền nước rồi nhắc, má con gởi mắm lên chưa.

Bạn nhắn tin hỏi khi nào lên thành phố. Tôi bảo, tao chưa hít được mùi thum thủm cá khô của má, chưa ngửi được mùi khét nắng của thằng em trai, tao chưa muốn rời đi. Bạn kêu trời, thơm tho gì mà đòi ngửi cho bằng được. Thì đành. Ai biểu quên sao được khi đã là thương, là nhớ. Từng dòng kí tự bạn nhắn cứ dày lên, có thể chữ nghĩa không làm bạn xa lạ. Mà nó làm con người xa nhau, lìa nhau mà chẳng biết phải bắt đầu từ đâu?

Thằng em nó rù rì, trên thành phố sướng lắm hả anh. Đâu như dưới quê mình. Buồn thỉu buồn thiu. Tôi cười, ờ thì buồn mà đi xa lại nhớ…

Bận nó dắt tôi đi bắt hôi, cái thằng đúng là tay sát cá, tay nó thoăn thoắt bắt bao nhiêu là cá. Chợt thấy chạnh lòng, đã có thời tôi như thế, chẳng lạ lẫm gì với con cá lóc bông, con cá sặc bướm, con rắn nước… Giờ lại thấy nhọc nhằn cầm nắm con cá, con tôm. Nhấn chân mình vào đất. Mùi ngai ngái của đất, mùi phân trâu nhão nhượi trong bùn, mùi hoa dại bung nở bên đường. Những mùi hương của con đường về cuối gió.

Lối dẫn vào nhà. Cây dừa lửa ngày nào cao bằng tầm tay giờ đã sai trĩu quả. Xoắn ống quần, tôi leo tọt lên cây dừa trong tràng pháo tay của thằng Đực. Uống nước dừa phải uống ở dưới gốc cây dừa mới ngon. Thằng Đực tiện tay bẻ ống sậy làm ống hút cắm vào trái dừa mà “kéo” rồn rột. Tôi uống trái dừa quê giữa chiều im ắng. Gian nhà nhỏ ba gian “trước cau sau chuối” vọng tiếng má gọi, tụi bây vào dọn cơm tiếp má. Mâm cơm nhà quê có chén nước mắm đại gia đình chấm chung, có tô canh tập tàng ngọt lịm, có mùi rượu đế hăng hăng của nội và ba. Và ở đó có những nụ cười không gượng gạo mỏi mê.

Tôi thấy mình trưởng thành sau mỗi chuyến đi xa. Đã đủ khả dĩ để khát khao hình bóng quê nhà. Đã biết được chẳng nơi nào bằng ở nhà, rằng mọi yêu thương ngoài kia đều có giới hạn của nó. Và hương vị quê nhà vẫn hiện lên trong từng nếp nghĩ, nó chẳng bao giờ đứng lẫn vào đâu, dẫu cho đời tôi đã lớn. Cho nên tôi vẫn về để được sống trong những mùi hương ấy, mùi hương chẳng đâu có được. Mùi của nơi tôi gọi là: Nhà…

NGUYỄN CHÍ NGOAN

(Văn nghệ Bình Định số 96 tháng 4.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…