Trở lại Trung đoàn 739

(VNBĐ – Bút ký dự thi)

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù mà đã trải nhựa dẫn vào khuôn viên trung đoàn được bê tông hóa với các block xây cất khang trang, bề thế. Lòng chợt bồi hồi nhớ cảnh cũ người xưa.

Hồi ấy, Trung đoàn trưởng là Trung tá Trần Thanh Hải, người đã truyền rất nhiều cảm hứng khi dẫn tôi tham quan toàn bộ cơ ngơi còn khá khiêm tốn của đơn vị, để tôi hoàn thành bài bút ký Ở một Trung đoàn huấn luyện. Ấn tượng về một đơn vị làm công tác huấn luyện lúc ấy chỉ có bộ khung chỉ huy và khá ít chiến sĩ nhưng đã nỗ lực vượt khó xây dựng đơn vị, bảo đảm công tác huấn luyện lực lượng dự bị động viên. Thiếu thốn trăm bề nhưng đơn vị đã tự làm đường ống dẫn nước về tăng gia sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi… bảo đảm sinh hoạt. Giữa một không gian mênh mông, nếu vào mùa mưa là trung đoàn hầu như bị cô lập bởi nước lụt dâng trắng xóa, còn mùa nắng thì hầm hập đổ lửa vì cây xanh chưa đủ thời gian tạo bóng mát trong khuôn viên…

Giờ đây, trở lại trung đoàn, ngay sau thời điểm đơn vị vừa có các hoạt động kỷ niệm 15 năm đóng quân trên địa bàn, tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự lột xác tươi mới và quy mô phát triển khó tin. Cảnh cũ đổi thay, người chỉ huy đơn vị năm ấy – Đại tá Trần Thanh Hải –  giờ đã chuyển về Quân khu làm Phó Tham mưu trưởng, sau khi giữ cương vị Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định. Đón tiếp chúng tôi là Thượng tá Trần Quang Trung, Chính ủy Trung đoàn. Giữa buổi trưa nắng, chúng tôi được nghỉ ngơi sau một chặng đường dài đi thực tế trước khi đến đơn vị, cảm nhận thật sự thú vị khi anh em văn nghệ sĩ được đưa đến khu nhà khách trung đoàn, phòng nào cũng trang bị máy điều hòa mát rượi, khác hẳn so với 10 năm trước phải túm tụm “ở tranh” phòng ban chỉ huy đơn vị. Anh nhạc sĩ đi cùng đoàn chúng tôi cứ tấm tắc: tầm cỡ trung đoàn của quân đội hiện đại hóa phải dzẫy chớ!

***

Trung đoàn bộ binh 739 được thành lập năm 1983, tiền thân là Trung đoàn 889 đóng quân tại phía Bắc tỉnh. Năm 2009, đơn vị được điều chuyển về khu vực phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn, nằm cạnh khu vực núi Vũng Chua. Mười năm trước, khi chúng tôi đến, trung đoàn vẫn đang trong thời điểm cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng doanh trại huấn luyện bảo đảm nhiệm vụ đào tạo lực lượng dự bị động viên của tỉnh. Các cấp chỉ huy phải lăn lộn ngoài thực địa cùng chiến sĩ, ai nấy cũng đen sạm vì dãi dầu mưa nắng, nhưng gương mặt lúc nào cũng ánh lên nét lạc quan rạng rỡ, tự hào. Còn giờ đây, được tiếp xúc cùng anh em, từ chỉ huy đến chiến sĩ, chúng tôi cảm nhận được một không khí khẩn trương và tác phong quân sự chỉn chu. Người nào việc nấy, quân kỷ nghiêm minh, nền nếp tác phong đâu vào đấy, như một sự khẳng định vững vàng ở một trung đoàn đã trải qua kinh nghiệm hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành. Chúng tôi có dịp trò chuyện chớp nhoáng với Chính ủy Trần Quang Trung để tìm hiểu quy mô và tốc độ phát triển hiện tại của đơn vị, để được biết thêm những điều mới mẻ sau những gì đã biết của 10 năm trước. Không cần giấy tờ, anh nói với chúng tôi bằng tất cả sự cởi mở chân tình như một người quen lâu ngày gặp lại: “Hồi trước các anh tới thì cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị mới bắt đầu được thành hình và cố gắng đạt chuẩn quy mô cấp tiểu đoàn, còn từ đó tới nay, hàng năm trên cơ sở kinh phí của cấp trên, đơn vị tiếp tục tiến hành xây dựng các hạng mục và đã hoàn thiện, đạt chuẩn cấp tiểu đoàn và đang tiến tới hoàn thiện quy mô chuẩn cấp trung đoàn…”. Chúng tôi còn băn khoăn, anh cho biết thêm: “Năm 2014, chúng tôi mới chỉ được giao nhiệm vụ huấn luyện lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ. Còn hiện tại, trung đoàn được sáp nhập thêm D.52 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trung tâm Giáo dục An ninh Quốc phòng Phù Cát nên đảm nhận luôn việc huấn luyện chiến sĩ mới cho các đơn vị, bồi dưỡng kiến thức an ninh quốc phòng, tập huấn dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên… với rất nhiều nội dung huấn luyện khác nhau. Cho nên có những đợt tập trung tại đây rất đông, chẳng hạn vừa rồi có đến 500 chiến sĩ mới, chúng tôi phải bảo đảm đủ điều kiện ăn ở, tập luyện cho chiến sĩ trong thời gian sinh hoạt, rèn luyện tại đây. Cùng với bảo đảm cơ sở vật chất còn là xây dựng đội ngũ tại chỗ, đáp ứng nhiệm vụ được giao”. Quả thật, dạo một vòng quanh đơn vị, chúng tôi đã thực mục sở thị những gì người chỉ huy trao đổi. Một không khí tập luyện nghiêm túc ở thao trường, một không gian sạch sẽ ngăn nắp ở nơi đóng quân Tiểu đoàn 52, một khu hậu cần tất bật chuẩn bị bữa ăn theo thực đơn tuần trên bảng cho toàn đơn vị… đem lại niềm hứng khởi cho anh em văn nghệ sĩ đi thực tế như chúng tôi khi thu thập được nhiều tư liệu cho tác phẩm của mình! Tại khu vực hội trường, chúng tôi được xem bộ phim tư liệu nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Trung đoàn (1983 – 2023), được nhìn lại những gương mặt thân quen của 10 năm trước với bao nỗi bồi hồi. Hình ảnh của những ngày sơ khai như nhắc nhở rằng: có được hôm nay là công sức của bao thế hệ đã miệt mài tạo dựng ngôi nhà chung, và cũng chính nơi đây đã có bao chiến sĩ, sĩ quan trưởng thành, đảm trách những nhiệm vụ quan trọng cấp Quân khu, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, chỉ huy các đơn vị quân đội…

***

Khi bắt đầu giờ huấn luyện buổi chiều, chúng tôi được hướng dẫn ra khu vực thao trường, nơi vẫn thường xuyên tổ chức huấn luyện các bài tập chiến thuật, chiến lược cho chiến sĩ trong đơn vị. Từ chỗ nghỉ tại trung tâm đến thực địa phải băng qua một đoạn đường đất dài với nguyên vẹn nét hoang sơ của cảnh quan núi rừng giống như mười năm trước. Tôi ngờ ngợ bởi một cảm giác rất quen, hóa ra đây chính là con đường cũ năm xưa khi chúng tôi từ Long Vân đi vào trung đoàn, xe U oát cày mù bụi đất. Còn bây giờ, cả đoàn văn nghệ sĩ “hành quân” ra thực địa, tha hồ nhìn ngắm hai bên là những ụ, những hố, những khối bê tông được tạo dựng đan xen giữa bãi cỏ khô cằn vì nắng hay lẩn khuất sau rừng cây lá. Cách bố trí địa điểm huấn luyện thực địa tạo cảm giác chân thực để có thể có nhiều bài tập vận động đa dạng, linh hoạt chuyển đổi trạng thái chiếm lĩnh mục tiêu. Từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy những lá cờ được cắm trên các mô hình giả lập, những hố đào công sự, đường hào ẩn hiện giữa những tán lá. Vẳng từ xa có tiếng hô: “Nghiêm!” thật rắn rỏi, đanh và vang, nhìn kỹ mới thấy màu xanh áo lính hòa với màu xanh cây lá.

Chiến sĩ diễn tập chiến thuật vận động tiến công chiếm lĩnh trận địa. Ảnh: P.N

Đến địa điểm diễn tập rồi! Chúng tôi cùng các thủ trưởng đơn vị chọn một nơi có bóng mát phía xa để quan sát buổi diễn tập. Còn đội hình vẫn ngay ngắn trong nắng chiều đổ lửa. Các chiến sĩ tham gia huấn luyện chỉnh tề quân trang, vác trên vai đủ bia bắn các kích cỡ, đang đứng nghiêm nghe chỉ huy trung đội phổ biến nội dung tập luyện. Những khẩu lệnh dứt khoát, ngắn gọn và ngay sau đó là những bài tập dành cho từng tổ có sức cuốn như được xem một bộ phim chiến đấu. Trung đội trưởng cầm cờ lệnh ra hiệu, từng tổ lần lượt tiến vào vị trí, thực hiện bài diễn tập chiến thuật vận động tiến công chiếm lĩnh trận địa.  Mặt đất nóng hầm hập hơi nắng đầu buổi chiều, tôi ước lượng khoảng cách vận động tiếp cận mục tiêu và tưởng tượng để hoàn thành quãng đường đó phải toát hết mồ hôi. Nhìn những bóng áo xanh thoăn thoắt và thành thục ngụy trang, lợi dụng địa hình địa vật nhanh chóng hoàn thành bài tập chiến thuật, trên người lại đủ thứ vũ khí, quân trang quân dụng, tôi cảm nhận được độ dẻo dai, thần tốc của chiến sĩ ta trực tiếp chứ không phải chỉ trên phim ảnh. Đứng một chỗ quan sát mà mồ hôi tôi túa ra lã chã, còn trên thực địa, chiến sĩ vẫn tập luyện hăng say. Một thế đánh gọng kìm, có hỏa lực yểm trợ phía sau cho chiến sĩ vượt qua địa hình trống, một hướng khác lợi dụng địa hình địa vật di chuyển bọc sườn, khi tiếp cận sát mục tiêu, là những tiếng hô “xung phong!” đồng loạt vang lên, cùng với những cái vung tay dứt khoát rót thẳng lựu đạn vào công sự và lô cốt địch, và thoáng chốc cả đội hình đã chiếm lĩnh mục tiêu, sau những tiếng “uỳnh, uỳnh” liên tiếp… Tất cả diễn ra nhanh, gọn và chuẩn xác, chỉ trong vòng hơn ba phút cho một tổ thực hiện. Cứ thế, từng tổ hoàn thành bài tập của mình theo hiệu lệnh và cờ phất của chỉ huy. Thiếu tá Nguyễn Thế Vinh, Chính trị viên Tiểu đoàn 52 cho chúng tôi biết: “Để có thể làm tốt công tác huấn luyện chiến sĩ mới, từ cấp Tiểu đội trưởng trở lên phải trải qua đợt tập huấn tại Quân khu, qua kiểm tra đánh giá nghiêm ngặt mới về triển khai tập luyện cho anh em chiến sĩ mới một cách thuần thục. Đến cấp Trung đội trưởng là giỏi đủ thứ, giờ là quân đội chính quy nên cái gì cũng phải thật sự chuẩn mực, bài bản”. Tôi tò mò ngắm nhìn khung sắt hai bên cắm cờ Tổ quốc và cờ Đoàn, với tấm biển màu đỏ cùng dòng chữ in hoa màu vàng: “GIAN KHÓ KHÔNG SỜN, NẮNG MƯA CHẲNG QUẢN – BÊN NHAU CÙNG ĐOÀN KẾT, HĂNG SAY LUYỆN RÈN” và bên dưới là một hộp sắt cũng được in cẩn thận dòng chữ “Hộp báo thao trường”, lãng mạn hơn là có cả một cây đàn ghi ta. Giờ giải lao, được lệnh của chỉ huy, sau khi giá súng trên bãi tập, anh em chiến sĩ ngồi quây thành một vòng tròn để giao lưu cùng “đoàn nhà báo, văn nghệ sĩ”. Lúc này, chúng tôi mới có dịp quan sát rõ hơn từng gương mặt chiến sĩ trẻ. Anh chàng Trung đội trưởng ban nãy hô khẩu lệnh khí thế, bây giờ đứng trước toàn các chú các bác cùng với các thủ trưởng bỗng trở nên lúng túng, e ngại! Những người lính vừa dũng mãnh tiến công mục tiêu lúc này bỗng trở về nguyên vẹn là những chú bé vừa rời ghế nhà trường, gương mặt lộ rõ nét non tơ. Duy chỉ có bộ quân phục cùng dáng vóc rắn rỏi săn chắc qua thời gian huấn luyện mới làm nên sự khác biệt với buổi đầu quân ngũ còn lả lướt thư sinh. Các nhạc sĩ trong đoàn chúng tôi nhanh chóng làm nhiệm vụ mở đầu buổi giao lưu bằng cách bắt nhịp cho các bài hát truyền thống của quân đội. Tiếng hát vang vang đều tăm tắp của dàn đồng ca chiến sĩ trẻ hòa cùng các chú các bác văn nghệ sĩ: “Là người chiến sĩ nhiệm vụ đẹp biết bao, một chiếc ba lô, một khẩu súng trường, một ngôi sao trên mũ…”. Nhạc sĩ S. trẻ nhất trong đoàn, tuổi cũng đã ngoài ngũ thập, ôm đàn ghi ta mời chiến sĩ đơn ca. Hôm nay có khách toàn nhạc sĩ chuyên nghiệp nên cây văn nghệ của trung đội nhường khách đệm đàn và say sưa khoe giọng trong veo vút cao với bài hát Tự nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh: “…là chim, tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm, từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền. Là người, xin nguyện một lần nằm xuống, cùng anh em, đứng lên phất cao ngọn cờ…”. Nhạc sĩ T. tuổi đã tròn thất thập, có lẽ xúc động và hào hứng như được trở về tuổi thanh xuân, đứng ôm đàn biểu diễn bài Đất nước của Phạm Minh Tuấn: “…Xin hát về Người đất nước ơi, xin hát về Mẹ Tổ quốc ơi…”. Những bài ca đi cùng năm tháng giờ đây được hát trong không khí giao lưu đặc biệt này, bỗng có một sức lan truyền yêu thương rất mạnh. Khi khoác lên màu xanh áo lính, khi đã từng được sống một thời thanh xuân rực lửa và cống hiến, bỗng thấy yêu hơn đất nước quê hương, bỗng cảm nhận một cách sâu sắc ý nghĩa thiêng liêng của bao hy sinh gian khổ mà các thế hệ “lớp cha trước, lớp con sau – đã thành đồng chí chung câu quân hành”! Các chiến sĩ hôm nay thuộc thế hệ con cháu, chúng tôi ngắm nhìn những gương mặt sáng bừng, lắng nghe những nhịp vỗ tay nhịp nhàng mà lòng bỗng bồi hồi yêu thương.

Cán bộ chiến sĩ giao lưu văn nghệ cùng văn nghệ sĩ sau giờ luyện tập. Ảnh: P.N

Chia tay các chiến sĩ tại thao trường, chúng tôi trở về đại bản doanh tiếp tục hành trình thực tế. Tại doanh trại của Tiểu đoàn 52, các chiến sĩ đang thực hiện bài tập bảo quản vũ khí khí tài, công việc thường xuyên nên từng động tác tháo lắp súng, thông nòng, bôi mỡ… từ AK đến trung liên, đại liên đều thoăn thoắt. Trên đường tham quan các hạng mục công trình của trung đoàn, chúng tôi tranh thủ khai thác tư liệu từ ban chỉ huy, để hình dung rõ hơn về công việc thường ngày, thực hiện nhiệm vụ được giao cho đơn vị. Nhiệm vụ của người lính trong thời bình không chỉ là huấn luyện kỷ luật, chiến thuật, thành thạo sử dụng vũ khí khí tài, sẵn sàng chiến đấu mà còn được học tập nâng cao nhận thức, rèn luyện bản lĩnh trên tinh thần đồng bộ, chuyên sâu. Danh hiệu “chiến sĩ quân đội Nhân dân” được mỗi cá nhân ý thức sâu sắc khi được học tập cả công tác cứu hộ cứu nạn, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ Nhân dân khi có thiên tai, bão lũ. Đặc biệt, trong đợt đại dịch thế kỷ Covid-19, nhiều người dân vẫn còn nhắc đến Trung đoàn 739 với tất cả sự trìu mến tin yêu, khi đơn vị được chọn là địa điểm tập trung cách ly phòng dịch của tỉnh. Việc chọn đơn vị không phải ngẫu nhiên vì ngay từ những buổi đầu, cán bộ chiến sĩ trong trung đoàn đã đưa vào nội dung huấn luyện về việc tổ chức bệnh viện dã chiến. Cứ ngỡ chỉ áp dụng trong thời chiến, hóa ra lại phát huy hiệu quả cao trong đợt “chống giặc Covid”. Trong thời điểm triệt để áp dụng biện pháp “zero covid” vô cùng khó khăn và đầy bất trắc, toàn thể cán bộ chiến sĩ trong trung đoàn đã hạ quyết tâm, động viên nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các khu vực cách ly được bảo đảm điều kiện an toàn chống lây lan, lây nhiễm chéo. Khổ nhất và vất vả nhất có lẽ là việc tuyên truyền giải thích, giữ nghiêm trật tự an ninh, vệ sinh môi trường và phục vụ sinh hoạt cho hàng trăm người cùng lúc. Công việc khẩn trương “chống dịch như chống giặc” không phải chỉ của riêng Ban hậu cần mà phải huy động toàn lực lượng trong đơn vị, từ chỉ huy đến chiến sĩ đều căng mình đối mặt. Chăm sóc sức khỏe, tầm soát dịch cho hàng trăm con người xa lạ, trong khi bản thân nhiều cán bộ chiến sĩ phải cách ly tại chỗ, không về lo cho gia đình, người thân được. Nhưng các anh đều xác định coi các đối tượng phải cách ly như người thân của mình, để giúp cho họ được trấn an tinh thần, tin tưởng các chiến sĩ để vượt qua nỗi lo sợ con quái vật virus Covid vô hình lúc bấy giờ!

***

Đi qua khu vực hậu cần, khu tăng gia sản xuất của đơn vị, tôi cảm nhận được ý nghĩa câu nói “thực túc binh cường” của người xưa. Mười năm trước, tôi đã từng tham quan vườn rau xanh, vườn thuốc Nam của trung đoàn cũng như dành nhiều sự quan tâm đến đàn heo rừng lai nuôi thả núi của đơn vị. Một địa hình khô cằn, nhưng “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, đường ống dẫn nước từ núi Vũng Chua về đã phải đầu tư đến hàng trăm triệu… Ấy là nói chuyện ngày xưa! Còn bây giờ đơn vị không những luôn bảo đảm đủ nước để tăng gia sản xuất mà khi dạo một vòng còn bắt gặp những ao cá ăm ắp nước, dưới những lớp bèo tây là hàng đàn cá trê, cá rô phi… béo núc bảo đảm nguồn thực phẩm bổ sung do các sĩ quan, chiến sĩ thuộc các Ban trong trung đoàn trực tiếp chăm sóc. Không những thế, trên các bãi cỏ là hàng chục con bò thảnh thơi gặm cỏ, một khu chăn nuôi vịt quây lưới cạnh các dãy rau xanh. Cảnh quan môi trường có nét hài hòa tuyệt diệu: giữa những dãy nhà quét vôi vàng tươi lợp tôn chống nóng màu rêu là đường lát bê tông, những ô vuông cỏ xén đều tăm tắp và cây xanh tạo bóng mát, vườn cây cảnh non bộ, sạch sẽ quang đãng. Cảnh quan môi trường được cải tạo bắt mắt, nên trong buổi chiều mát dạo chơi, anh em chúng tôi tan biến mọi cảm giác nóng, mệt, oi bức. Anh Trương Mừng Phó chỉ huy, anh Hoàng Chủ nhiệm chính trị trung đoàn đưa chúng tôi ra “thực mục sở thị” thành quả nuôi cá: hàng chục người, cả sĩ quan cả lính đánh trần lội ao, nắm mép lưới rộng quây cá về một góc. Khi thu lưới, tất cả chúng tôi cùng ồ lên kinh ngạc khi chứng kiến những con cá trê dài đến hơn nửa mét, vùng vẫy cố thoát ra khỏi mắt lưới. Cá nhỏ cỡ bàn tay được thả trở lại ao, vậy mà xô đựng không đủ, phải huy động thêm một cơ số bao tải để chứa. Đang say sưa dõi theo cảnh người đánh vật với cá để đưa vào bao, trên bờ một anh chàng thượng úy kính cận đang dùng vòi phun tưới vườn mai la toáng lên: “Các ông vừa phải thôi, công tui khổ cực lượm từng cái bao về chứa phân bò bón mai, mỗi lần thu hoạch các ông lượm sạch là sao!”. Chủ nhiệm Hoàng cười he he: “Thông cảm, hôm nay đột xuất làm món tươi đãi khách quý! Có mấy cái bao mà cũng keo!”. Dũng cận – anh chàng thượng úy chăm cây – vẫn làu bàu: “Nhớ hôm nào phải trả lại cho tui mấy cái bao chớ các ông chơi dzẫy ai chơi lại!”. Vậy là huề cả làng! Tối đó, chúng tôi đã được thưởng thức một bữa tiệc cây nhà lá vườn với lẩu cá, cá nướng ngon tuyệt, được chế biến bởi những “đầu bếp trứ danh” của trung đoàn. Chả trách ngày trước nhiều cô mê lấy chồng là anh nuôi bộ đội vì đảm đang, nấu ăn ngon…

Trở lại Trung đoàn bộ binh 739 lần này, dù thời gian ngắn ngủi nhưng chúng tôi cũng kịp cảm nhận bước phát triển mạnh mẽ, sự trưởng thành của một đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong công tác huấn luyện bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, là niềm tin tưởng tự hào của lực lượng vũ trang tỉnh, Quân khu V và Nhân dân Bình Định. “Đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm”, “Cống hiến tài năng, xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ” không chỉ là những khẩu hiệu mà đã biến thành hành động, tạo thành nền nếp, thành các phong trào thi đua hiệu quả thiết thực của đơn vị, hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Từ nơi đây, đã có biết bao nhiêu thế hệ chiến sĩ mới, lực lượng dự bị động viên được đào tạo bài bản, khi bàn giao cho các đơn vị và trở về công tác, đã phát huy được tinh thần chiến sĩ vững vàng, bản lĩnh và tài năng cả trong và ngoài quân đội. Chuyến đi này với bản thân tôi như một cuộc trở về, để cảm nhận những nụ cười lấp lánh, những ánh mắt tự tin và để tôi thấu hiểu sâu sắc hơn vẻ đẹp người chiến sĩ – anh bộ đội Cụ Hồ – trong thời bình, gần gũi thân thương biết bao nhiêu như câu hát của những chàng lính trẻ trên bãi tập cứ ngân nga: “Mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính. Mãi mãi lòng chúng ta, hát mãi khúc quân hành ca”.

Tháng 9 năm 2024

TRẦN HÀ NAM

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trọn tình yêu với đảo xanh

Tôi may mắn có chuyến đi thực tế đến Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh lần thứ hai, sau gần 10 năm. Bao cảm xúc thân quen chợt ùa về khi chiếc tàu vừa cập cầu cảng…

Lính đảo

Dường như, tôi có duyên nợ với Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh đóng quân ở xã Nhơn Châu, nên ngay sau lễ phát động Cuộc thi viết về đề tài LLVT, tôi chọn lính đảo…

Sức trẻ ở đảo tiền tiêu

Sự bất ngờ thú vị nhất của tôi trong chuyến đi này là được “ba cùng” với những người lính Cụ Hồ: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt…

Bí ẩn La Vuông

Khám phá La Vuông, không chỉ khám phá vẻ đẹp, không khí mát mẻ sảng khoái mà còn khám phá những bí ẩn được kể dưới mây ngàn…