Trên sóng nước Thị Nại

(VNBĐ – Tùy bút). Kế hoạch thực hiện chuyến tham quan đầm Thị Nại bằng thuyền được Chi hội Văn học kết hợp cùng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Bình Định vào ngày rằm tháng Hai âm lịch xuất phát điểm từ ý tưởng có chút lãng mạn gắn với một áng văn tuyệt diễm của thi sĩ Hàn Mặc Tử: Chơi giữa mùa trăng. Trăng và cái đẹp siêu thực của chủ soái Trường thơ Loạn tính sau; một ngày trên thuyền và lãng đãng mây nước, và trăng, cùng bạn văn chương, trên vùng danh thắng cận kề Quy Nhơn, thú vị lắm chứ. Hầu hết thành viên đều lần đầu đi thuyền trên đầm Thị Nại. Cảnh sắc non thanh thủy tú từ đầm nước lưu giữ một phần văn hóa, lịch sử Bình Định đã đành; cái trầm trồ ngạc nhiên chung của mọi người là thiên nhiên tuyệt diệu: ngay thành phố mình đang sống vẫn còn có những vẻ đẹp đến giờ mới ngỡ ngàng khám phá!

Như cái bến du thuyền Sáu Cali, gần cửa một nhánh sông Hà Thanh, nhiều người ngỡ ngàng so sánh với bến Ninh Kiều của Cần Thơ bên bờ sông Hậu. Nhất là phong cảnh rừng cây ngập mặn bờ bên kia sinh sắc, đủ gần, sống động để gợi niềm luyến ái mà cũng kín đáo một riêng biệt kỳ thú.

Chiếc ca nô tách bến bắt đầu hải trình, chủ ý và ngẫu hứng. Người tài công có kinh nghiệm phục vụ khách du lịch khi chạy chậm những đoạn ngắm cảnh, chụp ảnh đẹp, như khi qua hàng chân cầu Thị Nại, cây cầu vượt biển “chia đôi” đầm nước 5.000ha, khi tăng tốc sảng khoái bạt gió, lướt sóng.

Tháp Thầy Bói, rạn đá lắp xắp trên mặt đầm, một địa chỉ tâm linh của ngư dân, từng nghe nhắc trong Nước non Bình Định của Quách Tấn, giờ lô nhô hơn chục am thờ những Phật Bà, Thánh Mẫu… lớn nhỏ, có khi được xây từ một doanh nghiệp đất liền chẳng dính dáng gì ngư nghiệp “cúng”, mới thấy thời buổi càng ăn nên làm ra con người càng tin vào âm trợ siêu nhiên. Có ông thầy bói xưa che chòi trên gộp đá coi sóc phần tín ngưỡng sông nước cho dân hay những con chim thầy bói (người Bình Định gọi chim bói cá là chim thầy bói) tụ lại ăn cá quanh rạn mà thành tên? Chẳng biết sao, nhưng giữa muôn trùng sóng nước, mỗi cái am nhỏ với những bài vị, hình ảnh thờ khác nhau, lúc chúng tôi đến đều nghi ngút khói hương. Con người quá bé nhỏ trước tự nhiên!

Tháp Thầy Bói giữa sóng nước đầm Thị Nại. Ảnh: S.P

Nhưng đúng là, tự nhiên, với quy luật và năng lượng phi phàm của mình, có những biến cải, tạo tác vô song, con người chỉ có thể trầm trồ chiêm bái. Như cuộc “hàn biển” thần sầu cuối thế kỷ XVIII tạo nên vùng núi cát dài đến 8 km bây giờ, lấp cửa Cách Thử, biến núi Triều Châu thành bán đảo Phương Mai. Thương cảng Cách Thử tấp nập một thời của xứ Đàng Trong đã tuyệt mù dấu tích, mở ra thành phố cảng biển Quy Nhơn thịnh đạt hôm nay.

Chúng tôi đi thuyền trong đầm Thị Nại mà hình dung về cuộc xuôi thuyền của quan Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung đưa công chúa Huyền Trân từ thành Đồ Bàn ra cửa biển, cướp về, để tránh lên giàn hỏa thiêu cùng vua Chế Mân băng hà, cuộc “bội tín” dẫn tới chiến tranh liên miên mấy chục năm sau Chiêm Thành – Đại Việt thời Chế Bồng Nga. Thăng Long khói lửa. Rồi vua Trần Duệ Tông tử nạn vì kiêu ngạo, sa bẫy phục binh đâu đó ở động Man, trên đường vào kinh đô bỏ trống. Trước đó, thời Lý, vị hoàng tử thứ 8 – Uy Minh Vương Lý Nhật Quang – đem quân vào trợ giúp dẹp loạn Chiêm quốc, đóng ở núi Tam Tòa, đầm Thị Nại, được người Chăm lập đền thờ tưởng nhớ công tích; rồi những trận thủy chiến khốc liệt của quân Tây Sơn và quân Nguyễn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX… Đâu đó trên sóng nước, khuất lấp bóng thời gian, những máu xương, khói lửa, những khốc liệt tranh đoạt, mưu toan và nước mắt vương quyền, thành đạt và uất hận, bại vong. Và hơn nửa thế kỷ trước, từ những rừng cây ngập mặn bần, mắm, sú, đặc chủng ven bờ, hoặc bạt ngàn tán lá Cồn Chim phía bắc đầm, những đội thuyền nan – mũi “giáp công” quần chúng nổi dậy Mậu Thân 68 – hăm hở quai chèo dưới đạn bom; những đặc công thủy tập luyện trong sóng nước vào đánh tàu chiến Mỹ ở cảng Quy Nhơn… Mang mang những sự kiện lớn ngót mười thế kỷ được lưu lại trong sử sách, bóng người xưa xa hút và cận kề trên mặt gương trong.

Nước. Lạ lùng sao sóng nước biến chuyển khôn lường và bí ẩn. Mọi vết thương nhanh chóng được nước khỏa lấp, ẩn giấu lạnh lùng nhất những bi hoan của con người và thời cuộc. Nước sông Thiên Mạc thoáng chốc biến mất cái thông điệp đớn hèn “nhập Tống”của Thái úy Trần Nhật Hiệu trả lời vua anh Thái Tông khi được hỏi kế sách chống giặc trong cuộc kháng Nguyên lần I. Nước đầm Thị Nại cũng khép lại trận thủy chiến – hỏa công lớn nhất, quân Nguyễn đánh tan thủy quân Tây Sơn đầu năm 1801: hàng ngàn chiến thuyền, hàng vạn người, hàng trăm đại bác, quân nhu, vũ khí…, sau mười tiếng đồng hồ đối chiến sinh tử, đã chìm vào đáy nước. Sử Nguyễn khen “Đệ nhất võ công”, còn mặt nước rồi thản nhiên xanh, dù kẻ thắng người thua, dù trận thủy chiến góp phần quyết định sự sụp đổ một vương triều.

Đầm Thị Nại, cửa ngõ thành Đồ Bàn, thành Hoàng Đế, với các cuộc chiến trải từ triều Lý, Trần, Lê với Chiêm Thành, cuộc chiến Tây Sơn – Nguyễn…, nơi ghi dấu những cạnh tranh quyền lực sống mái các vương triều cả ngàn năm qua. Chúng tôi đi, trong cái khoáng đạt tầm mắt và những tri kiến, những giả định về các sự kiện, nhân vật. Thật hiếm có nơi can dự vào lịch sử đất nước, dân tộc, lịch sử một vùng đất như đầm Thị Nại, nơi các chi lưu những con sông lớn Bình Định đổ vào để hội nhập với biển.

Mọi dòng sông đều chảy về biển. Phải rồi. Như lẽ tự nhiên những thịnh suy thời cuộc, cả vật đổi sao dời, gọi chung là quy luật. Đầm Thị Nại chỉ tình cờ hiện diện cùng bao tranh đoạt của con người. Nhưng đầm có quy luật của chính nó. Và con người, với lòng tham vô hạn của mình, đang cư xử riết róng, bòn bóc đến cạn kiệt tặng vật quý của tự nhiên này.

Mặt nước mênh mông, ba bề bốn bên núi và rừng cây ngập mặn, xa xa những tòa tháp của thành phố Quy Nhơn, những con tàu nơi bến cảng, những chòi rớ yên bình, đây đó thuyền ngư dân khai thác, đánh bắt… – một không gian tươi đẹp và trù phú. Chỉ là bề nổi thôi: người tài công đã bắt đầu loay hoay, vất vả. Chúng tôi muốn đến làng chài Bình Thái đang chuẩn bị lễ hội cầu ngư, cái làng chài từng là nơi truyền bá bài bản kịch hát chèo Bả trạo độc đáo của cụ Tú Diêu rồi lan truyền khắp các vạn chài Nam Trung bộ. Vấn đề là, giờ nước triều thấp, đi luồng lạch nào trong bốn bề mênh mông nước để chiếc ca nô du lịch không mắc cạn. Chạy cầm chừng và hỏi thăm mấy thuyền ngư dân. Nước và những chòm cây, ẩn giấu lạch chảy các vệt cửa sông Hà Thanh như ma trận. Chạy, và hỏi. Vẫn rất mơ hồ thủy trình đâu đó bên kia những vùng xanh lá. Loay hoay xoay trở, thỉnh thoảng chân vịt sủi lên những vệt bùn cảnh báo.

Chúng tôi đành từ bỏ cuộc thâm nhập một không gian văn hóa sông nước. Ai đó gợi địa chỉ Nhà lưu niệm Xuân Diệu ở Gò Bồi. Tất thảy chúng tôi đều đến đây rồi nhưng là bằng đường bộ, giờ thử lộ trình ngày xưa Xuân Diệu từng “nằm một đêm đò sáng tới nơi”, những năm tháng tuổi nhỏ đi đi về về Gò Bồi – Quy Nhơn, những chuyến đò chèo tay kẽo kẹt cả đêm qua 10 cây số mặt đầm. Nhưng người tài công ái ngại: phía ấy cửa sông Côn, trên đầm cũng đổi dời luồng lạch, giờ nước ròng, không quen đường dễ mắc cạn, mấy tiếng chờ triều lên.

Thì ra, chàng tài công lâu nay chỉ quen đưa khách du lịch đến những địa điểm bãi biển đẹp, thức ăn ngon như Cù Lao Xanh, Hải Giang, Hòn Khô, Eo Gió, Kỳ Co… Giờ loanh quanh trong đầm với những địa chỉ văn hóa, gặp lúc nước ròng thật lúng túng: con người phần đông vẫn muốn hưởng thụ những nhu cầu thiên về các thỏa mãn bản năng hơn tri thức…

Và chúng tôi trực chỉ Cồn Chim, khu rừng sinh thái ngập mặn rộng hơn 500ha phía Bắc đầm, nơi bảo tồn và trồng mới rừng, bảo tồn cỏ biển, sân chim, các loài động thực vật đặc chủng… Đã có những dự án được sự quan tâm các nhà khoa học trong nước, quốc tế. Đã có những can dự tích cực của con người về quản lý, về ý thức cộng đồng, những hài hòa quyền lợi cư dân nơi đây. Có xóm mới trù phú hơn 1.200 dân trong cồn ngập mặn. Những vuông tôm trong rừng cây, chiều chim về rợp trời, khua động. Bên kia, phía bờ là những địa chỉ hải sản tươi ngon có tiếng, thu hút khách gần xa. May thay, chỉ là những nhà hàng hải sản. Còn chim trời, nơi đây có vẻ vẫn là “đất lành” để xào xạc bóng hoàng hôn trên tán lá. Trong nhập nhoạng chiều, các loài chim tụ về mang vẻ đẹp có chút huyền hoặc, rụt rè niềm tin pha lẫn cảnh giác.

Bầu trời của những cánh chim là bầu trời yên bình. Cho chính con người. Đó là từ cách sống hòa hợp với tự nhiên, một lựa chọn mang lại lợi ích bền vững, lâu dài. Tuổi nhỏ của ai cũng từng nhìn ngắm các bức tranh minh họa “xứ thần tiên”, nơi cỏ cây, muôn thú và con người chung sống ngập tràn yêu thương. Xứ ấy không chỉ là mơ ước: con người có thể tạo dựng nên từ chính hành xử của mình. Liệu rồi trong dài lâu, đàn chim trời nơi Cồn Chim còn tin cậy con người mỗi chiều về trú ngụ? 500ha Cồn Chim sẽ lớn dần thêm từ phù sa sông Côn, con sông chảy qua suốt trầm tích văn hóa lịch sử Bình Định ngàn năm, tụ lại từng mảng rừng ngập mặn trồng mới; con người và sinh cảnh, chim cá nơi đây hòa cư thành môi trường lý tưởng của cái đẹp và lòng nhân ái; một “Xứ Thần Tiên”, một viên ngọc quý giữa báu vật Thị Nại cách đô thị Quy Nhơn mươi phút du thuyền chăng? Có thể hoạch định viễn cảnh này bằng sự chung tay có chủ đích và tích cực hơn nữa chứ không phải được chăng hay chớ.

Đầm Thị Nại là một báu vật tự nhiên dành tặng cho Quy Nhơn, Bình Định. Cảnh quan, môi trường, lịch sử, văn hóa, cảng biển và nguồn lợi thủy hải sản. Nơi cửa những con sông lớn: sông Côn, sông Hà Thanh đổ vào làm dồi dào các loại tôm cá, bao đời nuôi sống những làng chài Quy Nhơn, Tuy Phước. Nhưng giờ tôm cá tự nhiên đã cạn kiệt. Ban ngày, chiếc ca nô chúng tôi rẽ sóng chỉ làm giật mình bầy cá đối nhép, nhảy trắng lóa trên mặt nước. Những ngư dân Bình Thái có kể với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha hôm về tiền trạm trước chuyến đi rằng, trước đây, một ngày, nhà ghe đánh bắt trên đầm thu hoạch được năm – bảy trăm ngàn, giờ chỉ còn vài trăm, chưa kể chi phí. Hàng chục năm qua, nạn đánh bắt xung điện đã tận diệt nguồn lợi tôm cá. Báo chí cũng lên tiếng nhiều lần; cơ quan quản lý cũng có lệnh cấm. Nhưng con người trộm lén làm đêm: vòng về chúng tôi gặp rất nhiều ghe tắt đèn âm thầm khai thác. Chiếc ca nô du lịch thỉnh thoảng phải né mấy tín hiệu ghe xiết máy xung điện. Một thiên nhiên rộng lượng và hào phóng, một nguồn lợi quần tụ cửa sông và biển cả đang bị truy sát.

Khai thác thủy hải sản trên đầm Thị Nại. Ảnh P.V

Những cửa sông Côn, sông Hà Thanh và đầm Thị Nại thật quá quan trọng với đô thị Quy Nhơn. Có thể lập bản đồ quy hoạch mặt nước để quản lý và khai thác hiệu quả hơn chăng? Rồi các nguồn nước thải những hồ tôm cá quanh đầm, nguồn nước thải sinh hoạt thành phố có thể xử lý tích cực hơn. Nạn khai thác kiểu tận diệt cần kiên quyết loại trừ… Nhiều việc đáng làm, phải làm.

Năm trời “hàn cửa” Cách Thử, Quy Nhơn chỉ là một làng chài, một đồn lính, đồn canh thu thuế. Ba thế kỷ biến cải quanh đầm Thị Nại, đã có một đô thị Nước Mặn rơi vào quên lãng và xuất hiện một Quy Nhơn trẻ trung, đầy sức sống. Số phận một thành phố gắn với dòng sông chảy qua nó. Như sông Seine ở Paris, sông Thames ở London, sông Hoàng Phố ở Thượng Hải… Một Angkor rực rỡ đã suy tàn vì sông đổi dòng. Phố Hiến, Hội An cũng mất hẳn ưu thế khi sông thay đổi dòng chảy. Ứng xử “phải đạo” với đầm Thị Nại là hướng tới phát triển bền vững một Quy Nhơn tương lai.

Trăng rằm đã lên cao, lạc lõng. Thì đúng. Cái bảng lảng sương khói, tơ tưởng mơ mòng của thời Hàn thi sĩ đã xa tít vào văn chương lãng mạn, siêu thực một thời. Vẫn trăng, vẫn nước với thuyền nhưng cái đẹp bây giờ khác.

Một ngày trên đầm Thị Nại mang lại cho chúng tôi nhiều xúc cảm. Niềm cảm khái về vật đổi sao dời, về lẽ hưng phế, thành bại các vương triều, về con người và thời cuộc. Thán phục và tự hào một thiên nhiên tuyệt đẹp, kỳ vĩ. Với niềm hy vọng và những âu lo. Mặt đầm Thị Nại vẫn mênh mang, vẫn đầy sức sống rừng ngập mặn và Cồn Chim, vẫn dồi dào năng lượng các bến cảng. Nhưng ẩn giấu dưới mặt nước không còn xanh trong là cuộc vận hành bồi lấp, lặng lẽ và mệt mỏi một bà mẹ cạn kiệt nguồn sữa, một cảnh báo nhỡn tiền.

Chúng tôi nhiều lặng trầm, suy tư chuyến về.

Con người đã thực sự đối diện với nỗi niềm Thị Nại chưa?

Không phải tự hào chung chung rồi tham lam, kiêu ngạo bòn bóc. Mà là ứng xử biết điều trong ân hưởng và nghĩ cách thương lượng với Thị Nại. Bằng nỗ lực, bằng thiện chí của mình. Trước khi quá muộn.

25.6.2021

LÊ HOÀI LƯƠNG

(Văn nghệ Bình Định số 99 tháng 7.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Duyên nợ trùng sinh

Lê Văn Hưng lại nhớ Ngọc Bích. Bao nhiêu năm tháng trôi qua nhưng bóng dáng người xưa vẫn da diết không thôi. Ánh mắt tuyệt vọng sầu thảm của nàng phút biệt ly luôn vò xé tâm can…

Thơ dự thi của Thái An Khánh

An Nhơn ẩn vào ta bằng ngôn ngữ của lúa
đôi vai của mẹ gánh trĩu mặt trời
lấm tấm mồ hôi mặn mòi non nước
đất nặng nghĩa tình gieo hạt trái tim ai.