Trên những dòng hồi ức…

(VNBĐ – Đọc sách).

(Đọc sách Đăk Glei – Đăk Tô ngày ấy của tác giả Tạ Văn Sỹ, NXB Lao động, 2023).

Ngoài mảng thơ quen thuộc được nhiều người biết đến, nhà thơ Tạ Văn Sỹ còn có nhiều tác phẩm khảo luận về văn hóa, lịch sử của vùng đất Kon Tum. Gần đây, anh ra mắt bạn đọc tập sách Đăk Glei – Đăk Tô ngày ấy do anh sưu tập, biên soạn. Tập sách phác họa lại hai địa chỉ: Căng an trí Đăk Glei và trại giam Đăk Tô. Đây là nơi gắn liền với một thời kỳ lịch sử mà thực dân Pháp đã chọn để giam giữ tù chính trị Việt Nam giai đoạn 1940 – 1945. Hai địa chỉ này cùng Nhà đày Kon Tum là ba cơ sở tù đày mà thực dân Pháp lập ra ở Kon Tum để giam giữ những nhà yêu nước và chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

Cuốn sách cung cấp nhiều tư liệu qua nguồn tư liệu chính từ các hồi ký của các cựu tù của hai cơ sở này, như hồi ký Trở lại Kon Tum của Lê Văn Hiến, Nhớ lại một thời của Tố Hữu, Thời sôi động của Chu Huy Mân, Kể lại cuộc đời của Nguyễn Trọng Vĩnh, hồi ký của Hoàng Anh… Với từng cơ sở được đề cập, một cách khái lược, tác giả đã cung cấp những thông tin cần thiết về lịch sử hình thành, quy mô cấu trúc, những sự kiện chính của cơ sở, ký ức của những cựu tù, hiện trạng của di tích…

Căng an trí Đăk Glei là nơi giam giữ “các thành phần chưa bị kết án, chưa bị áp dụng chế độ tù nhân, tức vẫn còn được một phần “thoải mái” trong sinh hoạt thường nhật”. Nơi đây, từ giữa năm 1940 đến 1942, Pháp đã đưa nhiều đợt “chính trị phạm” đến giam giữ. Nhiều nhân vật bị giam tại đây sau này giữ nhiều chức vụ quan trọng của đất nước như Lê Văn Hiến (nguyên Bộ trưởng Bộ Tài Chính, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động), nhà thơ Tố Hữu (nguyên Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), đại tướng Chu Huy Mân (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước)… Qua những dòng hồi ký của các “cựu tù”, Căng an trí Đăk Glei hiện lên qua nhiều góc tiếp cận. Đăk Glei nằm trên một ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn, vây quanh là núi rừng trùng điệp. Căng an trí theo mô tả trong hồi ký Trở lại Kon Tum của Lê Văn Hiến: “Trại giam chúng tôi làm bằng gỗ, tre, nứa, lợp tranh, chung quanh rào dây kẽm gai rất kỹ và cắm chông dày đất. Trại khá rộng, có thể chứa được trăm rưởi người”. Nơi đây, các tù nhân vẫn tổ chức nhiều hoạt động như thành lập những tờ báo, thành lập “Chính phủ cách mạng Đăk Glei”, học tập nâng cao tinh thần cách mạng…

Được xem như một trại tạm giam nhưng cũng chính Đăk Glei cũng không kém phần thơ mộng bởi sắc vóc núi rừng. Cũng nơi đây là chốn giam cầm nhà thơ Tố Hữu trong thời gian đầu hoạt động cách mạng của ông. Con người và cảnh sắc, những ấm áp nghĩa tình đồng đội khoảng thời gian ở Đăk Glei đã cho ông nhiều xúc cảm để viết cả một bản thảo tập thơ, trong đó có bài Tiếng hát đi đày (in trong tập Từ ấy) với những câu thơ buồn và đẹp khi nói về Đăk Glei: “Đường lên đỉnh núi Đăk Glei/ Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim/ Gà đâu gáy động im lìm/ Mơ mơ mấy xóm tranh chìm trong mây/ Đồn xa heo hắt cờ bay/ Hiu hiu phất lại, buồn vây vây lòng…”. Điều thú vị, là Đăk Glei từng diễn ra một sự kiện đặc biệt khi các tù nhân tổ chức truy điệu nhà thơ Tố Hữu khi nhà thơ… vẫn còn sống. Hồi ký của Lê Văn Hiến viết rằng: “Khoảng cuối năm 1941, một số đồng chí mình lại bị đưa lên tiếp ở Đăk Glei, trong đó có Tố Hữu rồi Huỳnh Ngọc Huệ và một số anh em khác. Gặp lại Tố Hữu thật là bất ngờ, vì cách đây ít lâu chúng tôi được tin Tố Hữu bị chết trong nhà giam Qui Nhơn. Chúng tôi ở đây đã làm lễ truy điệu nhà thơ cách mạng trẻ tuổi! Nay thấy anh mang khăn gói vào trại, tươi cười chào anh em! Gặp nhau mừng tủi, chúng tôi kể chuyện đã làm lễ truy điệu cho anh nghe, cả bọn cùng cười xòa”. Có lẽ bởi những dấu ấn đậm nét của nhà thơ Tố Hữu với Căng an trí Đăk Glei, nên nơi này còn được gọi là Ngục Tố Hữu. Đến đầu tháng 6.1942, sau khi xảy ra sự kiện hai “chính trị phạm” là Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ trốn thoát khỏi Căng (ngày 14.3.1942) thì Pháp cho chuyển hết tù chính trị về Trại giam Đăk Tô, chỉ còn giữ lại tù thường phạm là những người dân tại chỗ bị bắt đi phục dịch, làm không công cho Pháp. Ngày nay, đồn binh Pháp và Căng an trí Đăk Glei đã được phục dựng và được Bộ Văn Thông tin và Thể thao công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia năm 1991.

Trại giam Đăk Tô là sự tiếp nối của Căng an trí Đăk Glei, khi tù chính trị tại Đăk Glei được chuyển về đây giam giữ. Đây là một trong những nơi Pháp lập đồn binh sớm nhất ở Kon Tum – ngay từ năm 1920, và từ 1928 đã giam giữ tù chính trị. Trong số tù nhân của Đăk Tô, về sau có nhiều người là nhân vật quan trọng trong hàng ngũ lãnh đạo đất nước, ngoài Lê Văn Hiến, đại tướng Chu Huy Mân, còn có Nguyễn Duy Trinh (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), Nguyễn Trọng Vĩnh (Thiếu tướng quân đội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Trung Quốc), Hoàng Anh (Phó Thủ tướng), Hà Huy Giáp (Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ Văn hóa)… Trại Đăk Tô có quy mô cấu trúc kỹ càng hơn Căng an trí Đăk Glei và có thời gian giam giữ tù chính trị lâu hơn. Nơi đây, từng xảy ra vụ lính Pháp sát hại hai tù nhân vào năm 1944, cũng là nơi lưu dấu nhiều ký ức trong những hồi ký của các cựu tù về tinh thần đấu tranh của người lính cộng sản. Nổi bật là cuộc đấu tranh bằng cách tuyệt thực đến 5 ngày để phản đối khủng bố, thủ tiêu của thực dân Pháp và cuộc trốn trại thành công của bốn tù nhân chính trị quan trọng. Đăk Tô cũng là nơi cuối cùng giam giữ tù chính trị ở Kon Tum, khi sau ngày 09.3.1945 (ngày Nhật đảo chính Pháp) thì tù chính trị được thả hết về địa phương. Một thời kỳ đã xa của trại giam Đăk Tô được tái hiện qua những trang hồi ký của Lê Văn Hiến, Chu Huy Mân, Hoàng Anh, Nguyễn Trọng Vĩnh. Bên cạnh đó, tác giả còn lược trích một số bài viết từ tập tạp văn Đi đày của Đoàn Bá Từ trong miên man nhớ về những tháng năm giam cầm ở Đăk Tô, gợi lên bao miên man xúc cảm với bạn đọc.

Trại giam Đăk Tô được đánh giá là “hậu Căng an trí Đăk Glei” với vai trò quan trọng tương đương, là nơi “đáng tin tưởng” để Pháp chuyển hàng trăm tù chính trị về quản thúc. Đây là địa chỉ ghi dấu một thời kỳ lịch sử quan trọng trong tiến trình lịch sử của vùng đất Kon Tum. Tuy nhiên đến hôm nay, trại giam Đăk Tô xưa đã không còn vết tích gì lưu lại, cũng chưa có Bia chứng tích để xác lập một “tọa độ” từng tồn tại trong lịch sử đấu tranh của Kon Tum. Bởi lẽ ấy, tác giả tha thiết rằng: “Theo chúng tôi, nếu tận cùng không thể có chứng cứ gì nữa thì cũng nên dựng một Bia chứng tích ở khu vực này để ghi nhớ một… “hậu Căng an trí Đăk Glei”!”.
Cuốn sách cho thấy tâm huyết và tình cảm của tác giả với vùng đất Kon Tum mà ông đã có nhiều gắn bó tâm huyết. Dù chưa nhiều dấu ấn của khảo cứu, khảo luận mang tính chuyên sâu nhưng điều đáng ghi nhận và trân trọng là tác giả đã kỳ công tập hợp, hệ thống, chỉnh lí, cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin, tư liệu hữu ích, đáng tin cậy về hai cơ sở giam cầm những người yêu nước một thời trên vùng đất Kon Tum.

ĐỨC LINH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thành Bình Định: Đau đáu dấu xưa

Đã in hàng chục đầu sách, nhưng những trang viết của nhà văn Trần Duy Đức luôn nhất quán một dòng chảy về nơi “chôn nhau cắt rốn” An Nhơn…