Trái tim nhân tạo

(VNBĐ – Truyện ngắn). 

1.

Sài Gòn, mùa đông năm 2501.

Rốt cuộc, nhà văn Cổ Lai Hy cũng phải nhập viện theo quyết định của bác sĩ. Vào thời này, mọi người đều được theo dõi sức khỏe và khám bệnh từ xa theo thời gian thực. Máy theo dõi sức khỏe là con nano chip nhỏ xíu được cấy dưới da. Người ta có thể ngủ nhưng nó thức 24/24, liên tục báo cáo về cơ sở dữ liệu lớn big data kết nối toàn cầu. Với trí thông minh nhân tạo AI siêu máy tính sẽ xử lý thông tin và ra quyết định đối với từng bệnh nhân từ khi mới chào đời cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Những yếu tố trừu tượng có thể tác động đến sức khỏe như vui, sướng, đau, khổ, hoan lạc, giận dữ,… đều được ghi nhận và xử lý kịp thời. Máy tự động sẽ can thiệp bằng ký hiệu hay tín hiệu ngôn ngữ: bạn nên uống thuốc X để cắt cơn giận có hại cho tim, bạn không nên làm tình hai lần đêm nay vì thận của bạn đang có vấn đề, bữa tối bạn nên ăn nhẹ và không được uống giọt rượu nào, v.v…

Nhà văn Cổ Lai Hy rất ghét bị can thiệp vào cuộc sống riêng tư nhưng là công dân ông phải chấp hành luật pháp toàn cầu, kẻ nào không thi hành, cố ý làm hỏng con chip sẽ bị xử lý hình sự, bị phạt tiền và tù. Năm nay ông đã 151 tuổi, chưa phải già vì tuổi thọ trung bình của nước ông là 162. Ông vốn là người hoài cổ, thường nhớ lại thời kỳ tuổi thọ trung bình dưới 70, ai sống tới 70 là “xưa nay hiếm”, nên ông đã lấy bút hiệu Cổ Lai Hy để hoài niệm một thuở xa xưa…

Hôm qua, ông được thông báo phải nhập viện từ con chip dưới da của ông. Nó tự động gửi y lệnh trực tiếp lên não của ông mà không cần hỏi ý kiến ông có sẵn sàng nhập viện hay không. Bởi ông nhiễm phải con virus sao hỏa MarsCoVi, xuất xứ từ hành tinh này đang gây đại dịch toàn cầu. Con virus sao hỏa (Mars) do các phi hành gia, du khách và kiều dân đang định cư trên hành tinh này mang về Trái đất, nó ẩn nấp suốt mấy trăm năm để thích nghi với điều kiện của Trái đất, tự chuyển đổi thành một chủng mới, xâm nhập vào người và một số động vật. Vật chủ nhiễm virus không có triệu chứng bệnh lý, nhưng con chip gắn trên người thì phát hiện ra nó từ khi nó mới xâm nhập và khẩn báo đến trung tâm phòng dịch CDC. Quyết định tẩy virus phải thực hiện trong 48 giờ, nếu để lâu hơn, con MarsCoVi sẽ sinh sôi theo cấp số nhân thì vô phương cứu chữa, nó sẽ xơi tái tất cả những tế bào trong cơ thể vật chủ. Chúng rất khoái các mô mềm nên trước tiên hủy hoại lục phủ ngũ tạng và não bộ. Nếu không can thiệp kịp thời của thầy thuốc thì bệnh nhân sẽ ra đi trong vòng hai tuần. Cũng như các loài virus giết người khác, khi vật chủ chết thì chúng cũng chết theo.

Bệnh nhân sẽ được truyền vào cơ thể vaccine truyền thống kết hợp với hàng tỉ con robot nhỏ có kích thước của tế bào gọi là nanorobot, đó là một cỗ máy chiến binh nhỏ xíu có thể tìm và diệt virus, giết chết từng con một. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cứu bệnh nhân, đạo quân nanorobot sẽ được lệnh rút theo đường bài tiết, sẽ được thu hồi và tái sử dụng.

Nhà văn Cổ Lai Hy biết mình nhiễm virus sao Hỏa nên không dám trễ nải, mặc dù thời gian ấy ông đang tập trung hoàn thành bộ tiểu thuyết thứ 82 của mình. Đúng 8 giờ sáng hôm ấy, một chiếc ô tô điện lưỡng cư không người lái vừa có thể chạy trên đường vừa bay được gửi đến để đón ông vào bệnh viện. Tiếp nhận ông là con robot y tá dìu ông lên một xe lăn tự động đưa ông vào giường bệnh sau khi đã được phun thuốc tẩy trùng ở module tiệt trùng.

Nhà văn đi một mình, vì vợ ông qua đời mấy chục năm trước và con trai của ông 123 tuổi đang làm việc trên sao hỏa. Ông có báo tin cho con nhưng anh ta không về được. Anh ta là nhà đầu tư nông nghiệp, cộng đồng cư dân hơn 300 triệu dân di cư ở hành tinh này đang cần lương thực thực phẩm truyền thống như ở Trái đất. Nước trên sao Hỏa là tài nguyên quý hiếm hiện diện ở vùng gần xích đạo dưới dạng hạt băng đá lẫn trong đất sâu trong lòng đất, phải khai thác khó khăn và tốn kém cho cây trồng và sinh hoạt. Nhưng không có nước sao Hỏa mãi mãi là hành tinh chết. Nông nghiệp sẽ tạo cảnh quan xanh tươi cho hành tinh chết với những cánh đồng xanh phủ bằng nhà kính hàng ngàn hecta.

Nói chung ông không có gì để lo lắng, và cũng không lo sợ nếu qua đời. Ông sống đủ lâu rồi. Từ lâu ông sống và chờ đợi cái chết. Dù tuổi thọ con người được kéo dài gấp đôi so với mấy trăm năm trước, nhưng về cơ bản đời người không thay đổi: sống là đi dần đến cái chết dù nhanh hay chậm, kết cục cũng giống nhau. Ông chờ đợi cái chết nhưng không sợ nó. Sau khi vợ chết, ông đã làm di chúc cho con mọi tài sản vật chất và tài sản trí tuệ với hàng trăm tác phẩm văn học các loại. Nói là phi vật chất nhưng gia tài văn chương của ông nếu bán bản quyền sẽ là một tài sản đáng kể.

Ông không định tục huyền, nhưng mười năm trước ông yêu Hoa Đào, một giáo sư văn chương sau nhiều năm quen biết nhau ở Hội Nhà văn thế giới. Hoa Đào nay mới ngoài 90, trẻ hơn ông ngót nghét nửa thế kỷ. Vào thời đại của ông, ở tuổi 90 cô ấy mới là phụ nữ trung niên, đầy sức sống. Họ không cưới nhau, không sinh con, không sống chung để khỏi vướng víu chuyện đời thường nhưng rất yêu thương và quý trọng nhau, giống như trường hợp của cặp vợ chồng Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir, nhà văn và triết gia Pháp ở thế kỷ XX.

Khi được thông báo sắp nhập viện ông đã điện cho Hoa Đào biết. Cô ấy rất lo lắng nhưng cũng không về được mà có về cũng chẳng gặp được vì ông bị cách ly hoàn toàn.

2.

Dịch bệnh lây nhiễm virus sao Hỏa đã trở thành bệnh đặc hữu. Người ta có thể sống chung với con virus ấy vì từ hơn trăm năm trước đã có vaccine và thuốc điều trị hiệu quả với mọi biến thể MarsCoVi. Nhưng Cổ Lai Hy có bệnh tim bẩm sinh thuộc nhóm nguy cơ cao nên phải nhập viện. Sau khi tẩy xong virus ông được hội chẩn và bác sĩ quyết định thay tim cho ông. Hoa Đào là người thân duy nhất của ông có thể trực tiếp chứng kiến qua camera. Từ trang trại trên sao Hỏa, con trai ông cũng đã gửi giấy thỏa thuận và theo dõi ca phẫu thuật thay tim nhân tạo cho cha.

Ca mổ thay tim hay bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể người từ lâu đã trở thành chuyện bình thường như thợ cơ khí thay bánh xe, bougie, quạt tản nhiệt… từ mấy trăm năm trước. Tất cả đã có computer tính toán rồi truyền lệnh cho robot phẫu thuật thực hiện, các chuyên gia chỉ chọn lựa giải pháp, ra quyết định và theo dõi. Cả bệnh nhân và bác sĩ đều yên tâm giao sinh mệnh cho máy móc, tỉ lệ rủi ro rất thấp.

Cổ Lai Hy có thể nói chuyện với Hoa Đào từ xa nhưng ông da diết muốn gặp nàng bằng xương bằng thịt trước khi quyết định. Thực lòng ông muốn được cầm bàn tay nhỏ nhắn của nàng, muốn ôm nàng trong vòng tay siết chặt. Không có thứ gì trên đời này có thể thay thế một nụ hôn, hơi ấm từ cơ thể nàng, hơi thở nồng nàn tỏa từ vồng ngực căng tròn, và hơn hết là ánh mắt biết cười của nàng… Đó là ánh lửa thuở hồng hoang, là ánh sao xa từ triệu năm ánh sáng. Đó là sự thèm muốn bản năng di truyền từ nguyên thủy loài người. Khoảng thời gian ba trăm năm hay cả ngàn năm rất ngắn so với ba triệu năm của lịch sử loài người, cũng là lịch sử của bản năng sinh vật hình thành từ hàng triệu năm trước.

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Lời cuối trong cuộc trò chuyện với nàng ông nói: “Anh nhớ em và thèm được hôn em”. Lúc ấy Hoa Đào đang ở Paris, nàng vội lên máy bay siêu thanh của Air France và ba giờ sau, nàng có mặt ở Sài Gòn.

Chiều đã xuống ở đầu sông ráng đỏ. Họ ngồi bên nhau ở khu an dưỡng bên bờ sông Sài Gòn. Cổ Lai Hy thoảng nghe mùi hương tóc của Hoa Đào. Gió từ mặt sông thổi tung tóc nàng. Ông đưa tay vén lọn tóc rơi xuống bờ vai nàng, khẽ hôn những sợi tóc óng ả mềm như nhung. Ông thèm vùi trong mái tóc nàng rồi ngủ say, giấc ngủ cuối cùng trong gần 160 năm cuộc đời.

Hoa Đào ngả đầu trên vai ông. Ông nghe hơi thở của nàng nhè nhẹ bên tai. Ông quàng tay ôm nàng và khi bàn tay run run của ông khẽ vuốt má nàng ông nhận ra nước mắt của nàng thấm ướt những ngón tay khẳng khiu của ông.

– Em khóc đấy ư? Ông hỏi khẽ.

– Em đâu có khóc… Nàng rướn người hôn má ông… Em yêu anh. Em thương anh quá. Anh luôn cô đơn. Em muốn từ nay mình sống bên nhau. Thay tim rồi anh sẽ khỏe. Mình bớt làm việc để dành thời gian cho nhau nghen.

Ông cúi xuống hôn nàng. Đã nhiều tháng rồi họ chưa hôn nhau. Những nụ hôn từ xa ngàn dặm chỉ là hôn ảo, không đem lại cảm xúc nào.

Sau nụ hôn ấy họ lại im lặng. Mãi sau ông mới lên tiếng:

– Anh không muốn thay tim nhân tạo hay tim của người. Anh muốn sống với quả tim của mình.

– Sống bằng quả tim nào đâu có gì quan trọng. Tim chỉ là một máy bơm hút máu vào và đẩy máu đi nuôi cơ thể, chẳng liên quan gì đến tình yêu như người ta quen dùng hình ảnh quả tim làm biểu tượng cho tình yêu. Chắc anh biết rõ điều đó.

– Vâng, anh biết! Anh đã từng thay khớp gối bằng xương nhân tạo. Một ngày nào đó, thận anh có thể hỏng và sẽ thay thận mới cũng bằng máy. Cứ thế, cơ thể anh sẽ là một con robot sinh học lai cơ khí, điện tử. Sự sống của anh đã khá dài rồi. Sống nữa để làm gì?

– Để yêu em! Sống để yêu nhau anh à. Em không thể sống không có anh.

– Anh cũng muốn thể. Sống để yêu em. Nhưng kéo dài được bao lâu. Sau 1.000 năm tuổi thọ trung bình của loài người tăng gấp đôi hay gấp mấy lần đi nữa nhưng rồi cũng già yếu và chết đi. Vẫn là sinh, lão, bệnh, tử dù vòng đời dài hơn. Trường sinh bất tử chỉ là ảo vọng.

– Anh không muốn sống nữa ư?

– Không phải thế. Anh vẫn muốn sống nhưng sống lâu để làm gì, cho mục đích gì mới là điều quan trọng. Người ta có quyền được sống. Và cũng có quyền được chết. Đó là tự do đầu tiên và cũng là tự do cuối cùng.

Cuộc phẫu thuật thay tim cho Cổ Lai Hy bị đình hoãn theo ý muốn của ông. Con nano chip cài trong cơ thể ông thường xuyên thông báo dữ liệu sức khỏe của ông về trung tâm quản lý y tế cộng đồng, nguy cơ bệnh tình của ông ngày càng cao. Người ta hối thúc ông nhập viện nhưng ông lần lữa trì hoãn. Hoa Đào đã khóc rất nhiều nhưng ông vẫn khăng khăng từ chối. Không thể cưỡng chế ông nhập viện vì bệnh tim không phải bệnh truyền nhiễm như dịch MarsCoVi.

Việc phải đến đã đến. Cổ Lai Hy qua đời sau một cơn đột quỵ. Chết là quyền tự do cuối cùng của ông. Một cái chết tự nhiên hơn sống nhờ một trái tim máy. Đó là lựa chọn của ông.

NAM THI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

2 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Trần mười
2 tháng trước

Đọc truyện ngắn này của huynh , ráng mà đọc chứ dài quá. Đúng là 0 ngắn tí nào. Truyện cho thấy tác giả giàu óc tưởng tượng, hư cấu, dự đoán tương lai …

Pham Văn Hải
2 tháng trước

Thật tuyệt vời…

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tường ảo

Bức tường tối đen. Tôi có thể cảm nhận qua tiếng còi xe. Có ba mặt tường. Bên ngoài mỗi mặt là một thế giới khác nhau. Mặt vẽ hình đầu người là một trong ba bức tường ấy…

Cây cô đơn

Cây cô đơn có tự bao giờ và vì sao người ta gọi là cây cô đơn. Chắc có lẽ, cây cũng như người, khi đơn lẻ, cô độc giữa thế gian rộng lớn thì cũng chỉ như một minh chứng về sự hiện hữu…

Tấm áo Điện Biên

Cha mang trên mình tấm áo Điện Biên
Áo trấn thủ với bao đường ngang dọc
56 ngày đêm lấn từng thước đất
Xẻ dọc chiến hào siết chặt vòng vây.