Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

(VNBĐ – Nghiên cứu phê bình). Trong tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam mặc dù còn mới mẻ, bỡ ngỡ, nhưng lĩnh vực du lịch đã được sử dụng hiệu quả từ mười năm cuối của thế kỷ 20. Công nghiệp văn hóa với mục đích và mục tiêu sử dụng, sáng tạo các thành tố văn hóa, dạng thức văn hóa, trong đó có cả văn hóa vật thể và phi vật thể để chuyển thành các sản phẩm hàng hóa có chức năng thương mại nhằm phát triển kinh tế. Đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng là chủ thể để bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa của các sản phẩm du lịch đó.

Hiện nay, thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng cho việc tổ chức du lịch nội địa vào các ngày nghỉ cuối tuần, du khách đến thưởng ngoạn thiên nhiên kỳ thú cùng bạn bè, người thân và gia đình.

Qua thực địa, chúng tôi nhận thấy rất nhiều điều thú vị từ nơi đây. Đến thôn An Hội, xã Hoài Sơn rẽ trái theo con đường đèo bê tông dài khoảng 6km, được đặt tên từ những năm kháng chiến là con đường Hòa Bình đưa các bạn lên độ cao 700m so với mực nước biển. Đến cao nguyên La Vuông, con đường chạy vòng qua những ngọn đồi, hồ nước, đồng cỏ xanh mướt. Một bên là cánh rừng thông non, một bên là những đồi sim, chà là, ổi núi thấp thoáng trong mây bay nhè nhẹ. Đứng từ nơi này nhìn xuống các rãnh núi, mây trắng giăng kín những triền thung, trông giống những lũng nước đọng giữa núi rừng trùng điệp. Gần gần xa xa, cảnh vật đẹp thơ mộng pha chút mơ màng và đượm màu huyền thoại. Bởi lẽ giữa mênh mông đại ngàn cất lên những địa danh như núi Chúa, Trường Lũy, Đồn Thứ, thác Ba Tầng, truông Tấu, hồ La Vuông, suối Oan Hồn gồm chứa huyền cơ. Mặc dù người dân nơi đây đã thay tên gọi bằng suối Cô Tiên, nhưng tôi rất ấn tượng với cái tên Oan Hồn. Thoạt nghe, tôi có cảm giác rùng mình với điều gì đó không lành, nhưng cũng vụt hiện sự liên tưởng đến những linh hồn phiêu bạt, khuất chìm đau đáu giữa rừng xanh.

Hoài Sơn là vùng địa đầu của huyện Hoài Nhơn và của tỉnh Bình Định. Nơi có con đường thiên lý Bắc Nam dẫn từ kinh đô Thăng Long đến Phủ Hoài Nhơn sau khi vua Lê Thánh Tông đưa dân đi mở cõi vào thế kỷ 15. Đến thời chúa Nguyễn lập xứ Đàng Trong thì vùng đất này được cai quản do Cống Quận Công Khám lý – Trần Đức Hòa, và cũng là nơi dừng chân của Đào Duy Từ trong hành trình đi tìm chân chúa đầu thế kỷ 17.

Hoài Sơn nằm giữa thung lũng phía Đông của dãy Trường Sơn. Các ngọn núi nối liền nhau: núi Đá Lửa, núi Le, núi Ông O chạy dài ra tận biển. Giữa thung lũng nổi lên một số gò đồi như gò Núi Bé, gò Sặt, núi Nhiệm, đồi Chùa. Dọc các rìa núi có các hang động: hang Chình, hóc Phi, đá Hang. Nước từ thượng nguồn cao nguyên La Vuông và các dãy núi xung quanh đổ xuống tạo nên bốn con suối: suối Vàng, suối Đồng Tranh, suối An Đỗ, suối Hóc Ráy. Tất cả đều hợp lưu vào sông Bến Đò rồi chảy ra biển. Địa hình xã Hoài Sơn được bao bọc bởi những dãy núi xung quanh, tạo ra các hồ nước xen giữa các ngọn đồi thoai thoải, hội tụ đầy đủ các yếu tố long – sa – thủy – khí, phong thủy của một vùng địa linh.

Đến với La Vuông còn có quần thể di lích lịch sử, văn hóa như: mộ Cống Quận Công Khám lý – Trần Đức Hòa, mộ Đội Thục, ngả ba Đình, chùa Thắng Quang, giếng Mạch Lồi, suối Vàng. Đặc biệt là Nhân dân xã Hoài Sơn – một cộng đồng là chủ thể của các di sản văn hóa địa phương. Phát triển du lịch La Vuông không thể thiếu nguồn lực hậu cần ổn định và bền vững này. Xây dựng và nâng cao ý thức du lịch cộng đồng là điều kiện cần và đủ, là yếu tố quyết định của sản phẩm công nghiệp văn hóa, và cũng là phương thức để hướng tới phát triển du lịch bền vững ở cao nguyên La Vuông. Bà con Nhân dân xã Hoài Sơn là địa chỉ tin cậy cung cấp các món ăn đặc sản, văn hóa ẩm thực của vùng đất Hoài Nhơn như: nước mắm, bánh tráng nước dừa, mật ong, phấn hoa…

Trước hoặc sau chuyến nghỉ dưỡng ở cao nguyên La Vuông, du khách có thể trải nghiệm thực tế để tìm hiểu về đời sống văn hóa, phong tục tập quán và thưởng thức các món ăn dân dã của con người nơi đây; thăm viếng mộ Cống Quân Công Khám lý – Trần Đức Hòa, đến ngắm hồ An Đỗ nằm giữa gò núi Bé và gò Sặt – Nơi có bóng cây ngô đồng nở hoa đỏ rực vào cuối mùa hạ bên mộ Đội Thục, uống ngụm nước mát lành của giếng Mạch Lồi. Hoặc lên vãng cảnh chùa Thắng Quang và nghe những câu chuyện đậm màu văn hóa tâm linh. Ngôi chùa Thắng Quang được tạo lập năm 1692, người dân nơi đây thường gọi chùa Cây Xay, là một trong những ngôi cổ tự trong tỉnh Bình Định. Tương truyền, tổ sư đã cất công tìm địa cuộc long thiệt (lưỡi rồng) để đặt đá xây dựng ngôi chùa tọa lạc nơi này. Người dân Hoài Sơn trong thời kỳ chiến tranh thường tản cư lên tá túc quanh chùa. Kể rằng, máy bay trực thăng của giặc quần thảo bắn giết tàn sát, nhưng chỉ chết trâu bò, còn người thì an toàn. Từ đó người dân càng tin tưởng sự mầu nhiệm tâm linh của Thắng Quang tự.

Thức dậy cùng La Vuông. Ảnh: Hometown Discovery

Để du lịch La Vuông thực sự hấp dẫn du khách gần xa, trước hết địa phương cần phải tập huấn kỹ năng du lịch cộng đồng cho bà con nhân dân xã Hoài Sơn về cách giao tiếp và phục vụ du khách, về giá cả, về an toàn thực phẩm, về vệ sinh môi trường…; khuyến khích phát huy các món ăn dân gian, đặc sản địa phương, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ bán hàng lưu niệm; tập huấn về khai thác tài nguyên du lịch, chuẩn hóa các thông tin, tư liệu về hệ thống di tích lịch sử, văn hóa theo hướng chính xác, khoa học, ngắn gọn, súc tích và chọn các thông tin “đắt” theo nghĩa độc đáo, đặc sắc riêng của địa phương; tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, vui chơi giải trí…

Hiện nay, trên thế giới phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Trước những tiềm năng và lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa, chúng ta cần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh; cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đột phá trong cách làm, xây dựng du lịch La Vuông đảm bảo các tiêu chí: Sáng tạo – Bản sắc – Độc đáo – Chuyên nghiệp – Cạnh tranh, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, sắc thái địa phương và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

NGUYỄN DỰ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…