Tôi đọc sách

(VNBĐ – Tản văn). Thế hệ chúng tôi sinh ra trong chiến tranh và trưởng thành trong thời bao cấp đói khổ, vì thế cuộc sống rất khó khăn. Gia đình tôi làm nghề nông, lại ở một làng quê xa trung tâm cho nên việc tiếp xúc với sách báo thời đó rất hiếm.

Cha tôi sắm một cái radio hiệu Panasonic chạy pin để nghe thời sự buổi chiều hoặc sáng. Ông ưu tiên cho tôi với ông anh kề nghe vào buổi tối. Vì thế tôi thích mục Đọc truyện đêm khuya, Đọc chuyện cảnh giác, Tiếng thơ… của Đài Tiếng nói Việt Nam từ đó.

Còn sách thì phần lớn là mượn để đọc. Mượn của bạn bè, mượn của người lớn, chứ hầu như không có thư viện như bây giờ. Cuốn nào không mượn được thì nhờ bạn bè đọc rồi, kể lại cho nghe… Có những cuốn chỉ mượn được một hôm, nên có khi chong đèn thức cả đêm để đọc cho kịp trả. Sáng ra, lấy tay ngoáy mũi, thấy đen thui vì khói muội đèn dầu. Cha mẹ tôi thấy con thức suốt đêm, tưởng nó lo học, chứ không biết là nó mải mê đọc sách.

Hồi ấy, tôi đọc tất cả những gì mình có được chứ không có quyền lựa chọn như bây giờ. Và thường đọc xong thì đánh dấu, ghi lại những đoạn văn hay, chép lại những câu nói hay, bài thơ hay vào sổ tay. Rồi có lúc viết lại những cảm xúc của mình về một nhân vật trong sách mà mình ngưỡng mộ, yêu thích…

Vì mê đọc sách, nên từ nhỏ, tôi đã tích cóp được một tủ sách cho riêng mình. Những cuốn sách thời niên thiếu dù in trên giấy hẩm, tôi vẫn giữ mãi đến giờ, và thỉnh thoảng lấy ra dụ con gái: Thời bằng tuổi con, ba đọc cuốn này, cuốn kia… Dụ thế mà hai con gái tôi, ban đầu cũng tò mò đọc rồi mê luôn chuyện đọc sách, sưu tầm sách. Con gái út đang học đại học năm thứ hai, nó không chỉ mê đọc, mà còn ghi chép, viết cảm nhận sách rồi giấu nhẹm trong tủ, gần đây tình cờ tôi mới thấy.

Thói quen đọc sách được tôi giữ mãi. Bây giờ, công việc nhiều, mắt mũi kém, nhưng tôi vẫn không thể bỏ được thói quen này. Tối nào, sau khi lên giường, trước khi ngủ, tôi cũng phải đọc. Có khi là truyện ngắn, thơ hay tiểu thuyết. Nhất là những đêm mất ngủ, tôi đọc tiểu thuyết. Vì thời gian nằm chờ giấc ngủ rất dài, nhiều khi thức trắng mà không được gì. Cho nên đọc sách có thể giấc ngủ sẽ đến. Nếu không ngủ được thì bù lại mình đã đọc được một cuốn sách hay… (tối qua, tôi vừa đọc xong tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai, và cứ thổn thức về cuộc đời, thân phận của chị Ba Sương, của anh Hai Hùng… những người lính đi qua chiến tranh).

Với tôi, đọc sách, sưu tầm sách đã trở thành một thói quen. Và cũng nhờ thế cho nên bây giờ mỗi khi viết gì, nghiên cứu về điều gì, chỉ cần lục trong tủ sách gia đình là cũng đã có đủ.

Khi sáng tác, tôi thường lôi tác phẩm của các tác giả yêu thích ra đọc lại, đọc đến nát nhừ, từng chữ, từng tứ. Và bằng cách đọc ấy, tôi bật ra được cái xúc cảm, cái tứ của riêng mình.

Nhớ hồi đọc tập truyện ký “Chinh chiến nơi miền đất lạ” của nhà văn Nguyễn Tam Mỹ, một người lính trở về từ chiến trường K, tôi rất xúc động và nể phục. Cuốn sách như những thước phim giàu hiện thực về cuộc sống, chiến đấu vô cùng gian khổ, nguy hiểm của tác giả và đồng đội. Tôi chơi với Nguyễn Tam Mỹ, nên khi đọc cuốn sách này, càng xúc động mạnh hơn. Những chi tiết anh kể trong sách về những cái chết ở chiến trường K; về mùa khô rát khô cuống họng, nhưng bộ đội “Dù khát và mệt, cũng chỉ được nhấm không quá nửa nắp bi đông nước” đã khiến tôi liên tưởng đến cái tứ của bài thơ này. Và ngay trong đêm, tôi vùng dậy, viết một mạch.

Kỷ vật của nhà văn

Trong căn phòng của nhà văn
rất nhiều kỷ vật
những người bạn
phần đời
cùng ông tháng năm

kìa cái bình toong
trong cuốn sách về cuộc chiến
chủ của nó đã chết ở trang chín hai
miểng pháo khô một ngày trên lưng bạn

cái bình
bỏng rát từng cuống họng
vét cạn những dòng sông
đựng đầy ký ức

đêm đêm thao thức
rót tràn trang văn
những con chữ
thẳng hàng
tiếp cuộc hành quân.

MAI THÌN
* Ảnh minh họa: internet

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…