Tóc và khóc

(VNBĐ – Văn học thiếu nhi). Phi ư? Hỗn hào và hoang lung. Và những điều đó khiến một thằng nhỏ mới mười bốn tuổi như nó vui sướng và hãnh diện vô cùng. Chớ ngoan ngoãn há? Học giỏi há?… Đồ bèo. Số má gì cái ngữ đó và đừng bao giờ tìm cách so đọ với Phi xóm Nại cho nó mệt nghen. Cũng vì làm biếng đến trường mà Phi bỏ ngang hồi lớp sáu và rồi đó, có chết ai đâu. Ông ba, bà má rồi một tá anh chị của nó kể cả rể cả dâu và cả đống con cháu của họ vẫn sống nhăn răng, mắc gì! Cũng phải công nhận, là không bị làm học trò và được thoải mái tự do, coi bộ Phi nhổ giò và phởn phơ thấy rõ. Mới chừng đó tuổi mà cao gần thước bảy và đẹp trai như nam tài tử trong các bộ phim của Hàn Quốc, mà hết thảy, những người phụ nữ của gia đình Phi đều mê mẩn và theo dõi mỗi ngày. Không chịu bỏ sót tập nào và luôn háo hức trước mỗi lần, phim được chiếu trên ti vi. Đâu đã hết vì coi xong lại tiếp tới chắc lưỡi hít hà vì diễn viên hấp dẫn quá, cảnh tượng đẹp quá, phim hay quá!

Phi đâu rảnh để ngồi trước màn hình, lâu gần cả tiếng nhưng bữa nào, cũng chịu khó ghé mắt vô liếc xeo xéo coi mấy cái thằng diễn viên đó ăn mặc ra sao, đầu tóc như thế nào. Để chi? Để bắt chước. Nên không lạ, khi nó mặc đồ mô đen nhất xóm rồi mái tóc thường kiểu cọ và được thay đổi thường xuyên. Biết mình đẹp nên Phi càng trau chuốt thêm cho bản thân và biết mình út ít trong nhà, được cưng chiều dữ, nên nó càng làm nư hung. Gia đình Phi đông anh chị nên không vòi được người này thì xoay qua người khác, mấy hồi. Không ông ba thì bà má, không ông anh thì bà chị, không ông rể thì bà dâu. Khỏe. Đâu phải đến trường và các tụ điểm học thêm, lại chẳng có việc gì để làm. Nên lêu lổng chưa lâu nhưng coi bộ, Phi ra cách ăn chơi rạc rài dữ lắm. Rạc rài là tiếng mấy người trong nhà gán ghép cho nó. Chớ cái đám Phi kết bạn, hết sức là ngưỡng mộ. Nói thằng này nhỏ nhưng mà có tuổi. Nhỏ đây là mười bốn theo giấy khai sinh. Và có tuổi, có nghĩa, là đẳng cấp chơi và điệu nghệ trong ăn bận trưng diện. Đại khái vậy mà. Cái đám Phi theo, đã lắm! Nói tục và nói bậy trời sợ và hành vi nhỏ nhẹ này được tụi nó kêu là bung mỏ. Ai chọc giận đấm đạp ngay. Đạp, phải dùng chân. Đấm, phải dùng tay. Và bất kể tay hay chân đều kêu là bung thủ.

Thành tích gần đây nhất của Phi, là dợt gọn một thằng ở xóm trên tại quán cà phê chị Hà vào ngày hôm qua. Tự vì, thằng đó làm xui buổi mai hết sức hoành tráng của mấy đứa nó. Nói là buổi mai nhưng khi cả bọn tụ tập được đủ hết mấy mạng, cũng phải gần 9 giờ. Dậy trễ là thói quen cố hữu của cả bọn và riêng Phi, hôm đó lãnh trách nhiệm chung chi nên phải lòng vòng hết trong nhà ra tới các địa điểm, để gom góp. Ở nhà thì xuống bếp thủ thỉ với má rồi lên nhà trên, ngồi một chút với ba, ẵm giùm cháu cho chị Tư trong vòng mấy phút. Nếu nhắm đủ là biến ngay mà không lại phải ra gánh bún của chị Năm, ghé chợ tới sạp thịt của chị Ba, tới chỗ chị Bảy bán dừa trái. Trong tất cả, chị Năm luôn là người chi mạnh nhất, đã vậy, còn khuyến mãi cho Phi một tô bún cao đụng mũi với hai cục giò to tổ chảng. Chị này nấu bún ngon mà tính tình rộng rãi xởi lởi lắm. Hiểu chuyện liền, khi thấy thằng em chồng quần áo bảnh bao, giày vớ bóng lộn sà vô, kéo ghế ngồi sát bên mình.

Sáng đó, Phi nổ bắt rách miệng vì quá sướng bởi rủng rỉnh tiền, do trúng đậm. Cũng nhờ, chiều qua cả gia đình đông đúc của nó trúng đề. Mọi người trong nhà đeo con 13, nửa tháng ròng giờ mới quắp nổi. Mừng nên có rộng rãi tấm lòng hơn với thằng út mà thằng này cũng dày mặt ghê gớm, khi lòng vòng đủ mặt để kiếm bạc xài chơi. Tiền có bao giờ là không thiếu? Đang chíu chíu tá lả, đâu ngờ, thằng bàn bên bước qua, gằn giọng: “Em trai, ngừng bắn. Để thằng anh mày bàn công việc làm ăn với đối tác nhé!”. Phi liếc qua, trời! Cái hội bên đó nó đâu lạ. Toàn một lũ lêu bêu. Đâu khác gì tụi nó. Chẳng qua có lớn tuổi hơn một chút vậy thôi. Thế là điên máu nó xấn sang và gây sự ngay:

– Mỏ tui, tui bung được không?

– Và mỏ anh, anh bung. Sao không được chú em?

Vừa nghe tới đó, Phi bung thủ ngay và kịp nháy mắt cho đám bạn. Nhìn năm bảy đứa to con, dáng dấp du côn, hai anh trai biến gấp. Rời cà phê chị Hà không kịp trả tiền, khiến chị la chí chóe. Phi bập một hơi thuốc dài ngúc ngắc đầu: “Có hai ly đen thôi mà. Bà tính vô chỗ tui luôn đi. Để tiền đó, các anh sang quán khác uống hộp sữa, rửa nhục. Mẹ. Mỏ, kiểu đó lo khép may ra sống yên chưa bày đặt bung. Mà có bung cũng dòm mặt chớ!”.

***

Rời đám bạn, Phi ghé tiệm hớt tóc của chú Thành. Chú này là bạn với chú út ở nhà nó và cũng già rồi. Theo nghề, từ hồi ba nó còn thanh niên nhưng đừng tưởng vậy mà tay nghề chú cũ nghen. Lão vậy, chớ mà kiểu già mốt trẻ, chú đều bén hết. Cả cái xóm này rồi lòng vòng mấy con đường gần đây, đều chỉ hớt tóc duy nhất ở chỗ của chú. Tính trong nhà Phi thôi, đã thấy bộn… đầu. Trước tiên là ông nội rồi tới ba, mấy chú và các anh nó. Chú Thành nói: “Mày chắc đời cuối, mà ông nhỏ, vẽ vời dữ? Tao theo khỏe re nhưng ớn… Mẹ nó! Ba cái mô đen tóc như bay, khùng khùng, tao đếch hiểu và đếch ham”. Nói là vậy thôi! Chớ mỗi lần làm tóc, Phi đưa mẫu mã mới, mắt ổng sáng trưng hà! Ba nói chú Thành cầu tiến, chớ mà, tính kỳ. Khách đông mấy, chú cũng không một chút nôn nóng. Cứ chậm rãi từng thao tác và đủng đỉnh từng công đoạn, dòm, nóng ruột chết luôn. Khách chờ hoài có hồi bực bội bỏ đi, chú cũng không tiếc. Nhiều người nói ông lo kiếm một hai thằng đệ, đặng tụi nó phụ. Chú cũng không đồng ý. Thì cái cần cổ ổng không chịu cụp xuống, nghĩa là, không ưng thuận là từ chối, chớ sao nữa! Và vậy đó, chú một mình một tiệm. Cứ thủng thẳng làm, xong người này rồi mới tới người khác, ai chờ kệ ai và người nào đợi mặc xác người đó. Thợ hớt tóc đâu mấy ai đại ca cỡ như chú Thành đây. Và đó, cũng là điểm Phi rất ưa ổng. Chú Thành ít nói, hơi cộc và tiệm quán cũng lèng xèng nhưng nhờ làm đẹp mà giá rẻ, khách chưa bao giờ thiếu. Vào dịp lễ lạt, gần tới Tết thì thôi chớ khỏi bàn. Khách xếp hàng xếp lớp và ngồi đầy khoảng hè chật hẹp.

May, hồi Phi ghé chú Thành đang không có ai. Đã quen, nó móc túi lấy cái smart phone, lướt nhẹ và chỉ kiểu mình đã nạp sẵn. Chú gật, nói trọn lỏn: “Hiểu”. Như vậy có quyền yên tâm vì hồi hớt, có gì còn thắc mắc, chú sẽ hỏi thêm và chắc chắn là sẽ không làm trật. Mới đi được vài nhát kéo thì chú Thành có thêm hai người khách nữa, một lớn một nhỏ. Cái người lớn rút liền tờ báo để trên kệ, xách ghế ra sân ngồi trong khi người nhỏ leo ngay lên cái ghế sát bên và lia ngay cặp mắt qua phía Phi, nhìn chằm chằm. Thằng này chắc cũng đồng tuổi Phi, chớ mà, nhỏ con hơn và có bộ dạng vui vui. Nó chỉ cần nhìn xéo qua tấm gương là ngắm thằng nhỏ đã đời. Nó cười hoài à! Cười ngây ngây sao đó nhưng không chối bỏ, cười rất có duyên với hai má lúm đồng tiền sâu hoắm. Cặp má thằng này phinh phính hồng au hơi lấm tấm mụn và môi trên của nó, ria mép đã lún phún. Thằng này thấy thật hay à nghen. Không hiểu sao mà nó cứ há hốc miệng và bắt sững người, nhìn chú Thành cắt xén, tỉa rồi nhuộm tóc cho Phi trong sự thích thú. Miệng nó có những lúc há hốc ra coi bộ khoái chí lắm! Cái này mới vô duyên và không được đâu hén. Phi dòm thằng nhỏ một chặp lâu và lòng cờn cợn mấy thắc mắc vừa nảy sinh. Có cái gì không chút bình thường ở cái thằng đây khiến Phi vừa thấy thích nó vừa thấy bực mình.

Chú Thành o bế đầu cổ của Phi đã xong nhưng tóc còn ướt nên nó phải ngồi lại. Không thèm mở điện thoại chơi game như mọi lần, Phi ngồi coi chú Thành cắt tóc cho thằng đây luôn. Khi cái khăn được choàng qua cổ, thằng nhỏ chỉ sang cái đầu của Phi, ú ớ gì đó rồi nhoẻn miệng cười rất tươi, hai chân khuỳnh ra như chờ đợi. Tới lúc đó Phi mới biết thằng này câm. Chú Thành không hề để ý tới cử chỉ đó của khách mà ngước mắt về phía cái ông người lớn, khi nãy, đã đi với thằng câm đây và giờ, đang cắm cúi với tờ báo, hỏi vọng ra:

– Sao đây, anh?

– Thì vẫn vậy. Như hồi giờ thôi mà.

Khi nhát tông đơ thứ nhất, đẩy hết một góc đầu thì thấy thằng này ngước mắt lên nhìn chú Thành, tỏ vẻ kinh ngạc. Rồi tiếp tới nhát tông đơ thứ hai thì đôi mắt ấy biến sắc. Đang sáng trưng bỗng tối sầm. Và, từ nhát thứ ba trở đi là sự phản đối và không chỉ gói gọn trong một đôi mắt, mà cả cái miệng rất có duyên của nó với những tràng ú ớ liên miên. Hai bàn chân nó dậm thình thịch dưới sàn nhà và đôi tay nắm lại ra vẻ rất tức tối. Gần như chú Thành chẳng khó nhọc mất công chút nào với mái tóc của thằng câm. Chỉ gọn lỏn và trụi lủi mấy nhát tông đơ đẩy sát và thật mạnh là rồi.

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Khi chú gỡ tấm khăn che khỏi khoảng ngực của nó thì Phi thấy thằng nhỏ làm thinh, co rút cả người lại với đôi mắt cúi gằm và từ hai khóe, những giọt nước mắt ứa ra. Ban đầu còn rón rén sau mạnh bạo dần và chỉ một lát sau, hết cả khuôn mặt thằng nhỏ ràn rụa… Nước mắt trào lên sống mũi, chảy tràn qua cặp má phinh phính và trôi xuống cái miệng có duyên. Khoảnh khắc ấy xảy ra rất nhanh nhưng lại có một lực đẩy, thật mạnh vô thẳng con người Phi. Khiến đầu nó nóng bừng lên, tim nhảy lia lịa và bóp thắt. Phi cảm thấy nhói đau từ những nhịp nhanh và gấp gáp như vậy. Đồng thời cổ họng nghẹn đặc, dù rất muốn thốt lên một câu gì đó như là câu chửi thề, Phi thường hay nói. Chân tay nó nặng trịch, không sao giơ lên và nhấc xuống cho nổi. Còn cả con người nó buốt lạnh đến mức độ đông cứng. Chết rồi. Có phải nó không ta. Là thằng Phi xóm Nại không vậy? Khi mỏ không chịu nghe nó ra lệnh: Bung. Khi chân không mà tay cũng không. Mỏ không bung mà thủ cũng không bung, thì làm ăn được cái con mẹ gì đây hở trời! Đây là thứ cảm giác lần đầu Phi có và với cái đầu tối hù của mình, làm sao mà nó hiểu cho nổi. Chớ sao kỳ dị dữ? Hai chiếc ghế hai tấm gương soi rõ mái tóc vừa được hớt của hai thằng con trai cùng tuổi, vậy mà mái tóc Phi đẹp đẽ kiểu cách vầy, còn mái tóc thằng câm thì xấu xí tới mức đó, là sao!

***

Sau khi cha con họ đã đi khuất, chú Thành mới cho Phi biết thằng này tên Tâm và tự nó bị câm, mới bị ông già xử ép. Thằng Tâm rõ ràng là bị đì, chớ bữa nay, thiếu gì kiểu mà cứ một hai bắt nó cúp vậy. Chú Thành cau ráu khuôn mặt và đăm đắm đôi mắt, khi bật ra câu này: “Mẹ cha ơi! Cũ lắm rồi. Xưa hung rồi. Lỗi thời hết biết luôn. Cái đời con gái thì bum bê mà con trai thì ca rê ấy mà”. Qua chú, Phi mới biết kiểu tóc đó là kiểu ca rê chớ hồi giờ nó cứ tưởng tóc đó là mấy người đi lính, ở trong quân đội có kỷ luật sắt thép nên mới bị cắt cụt ngủn vậy. Đâu dè, ngay ngoài xã hội và giữa thời buổi này, mà còn có một thằng nhỏ, bị cắt cúp như thế. Càng nghĩ Phi càng thêm bồn chồn và bần thần nên cứ cái ghế đó, xoay trở miết bộ mình. Nhìn vô tấm gương đối diện, tự nhiên, Phi hết thấy hình ảnh của mình mà chương ướng ra đó, mái tóc xấu xí và cụt ngủn của của thằng Tâm rồi hết cả khuôn mặt của thằng này với đôi mắt mở to, buồn xo, và tự đấy những giọt nước mắt ứa tràn và chảy dài.

Lần đầu, rời tiệm hớt tóc cái cần cổ của Phi không thẳng đuột, khuôn mặt của Phi không ngẩng cao để khoe với mọi người một mái tóc đẹp đẽ nhất, hiện đại nhất. Cũng lần đầu từ chỗ chú Thành bước ra, cái đầu Phi cứ cúi cụp xuống và với tư thế đó, nó lủi thủi đi giữa phố không thèm chào hỏi một ai rồi hấp tấp bước vô nhà với nụ cười khép chặt. Không cười nổi, dù ai cũng khen đẹp và nhiều người khen chừng nào, Phi buồn chừng đó. Buồn tới mức má nó để dành cho một mâm cơm tú hụ và toàn đồ ngon. Vậy mà, Phi ăn uống ơ thờ và miếng thịt miếng cá trong miệng sao đắng nghét. Ai hỏi cũng không muốn nói, thật khác với mọi lần, được khen Phi thích chí cười híp mắt và trông có người hỏi, để nổ cho nó đã cái mỏ. Nhiều bận Phi nổ tới mức, mấy người nói đây cái nhà không phải cái kho đạn đâu nghen mày. Ráng nhai nuốt cho hết chén cơm, Phi lầm lũi đi xuống nhà sau rửa miệng, uống hớp nước rồi cun cút leo mấy bậc thang lên gác và ình ngay cái bộ mình xuống chỗ nằm quen thuộc.

Nhắm mắt, Phi cũng thấy mái tóc cụt ngủn của thằng Tâm và mở mắt cũng thấy… Dỗ hoài giấc ngủ không tới, Phi bật dậy ra đứng trước gương. Thật lạ! Từ đó phản chiếu ra đôi má phinh phính và lấm tấm mụn của thằng Tâm cùng những giọt nước mắt, ràn rụa. Rồi đôi mắt buồn thiu buồn thít của cái thằng đây, tự nhiên, ghim chặt đôi chân của Phi trong tư thế đó. Một thế đứng cứ như trời trồng. Trong khi, nó chỉ muốn lách mình thật nhanh ra khỏi tấm gương để khỏi dòm khỏi thấy. Sao kỳ? Cũng tấm gương này và mái tóc đẹp cỡ này mà sao Phi hết muốn săm soi, ngắm nghía và vui thích như tự hồi giờ. Phi, đã không thể như trước được nữa rồi sao? Hết cười nói rổn rảng và khoe cùng hết với các anh chị trong nhà và đám bạn rồi sao? Phi tự nhận ra lần này, không cách gì nó làm được như vậy. Không muốn làm mà có muốn, chắc gì có gan để mà làm đã chứ!

Không hề soi gương thêm bất cứ một lần nào, sau buổi chiều ấy ở trên gác. Đó, là thằng Phi của bây giờ với một mái tóc hết sức là kiểu cọ và rất hợp thời trang. Thêm nữa, luôn sùm sụp trên đầu nó là một cái mũ rộng vành. Điều này càng kỳ cục hơn, vì bấy lâu nay, ngay cả đi xe gắn máy mà né được chuyện đội mũ bảo hiểm là Phi né liền. Bất biết, chuyện gì xảy ra và bất kể, bị người nhà chửi la hù dọa. Vậy mà, hồi này cái mũ dính cứng trên mái tóc của nó hết ngày rồi tới đêm. Ăn cơm cũng đội, đi uống cà phê cũng đội, vô nhà cầu cũng đội… Và không biết, nó cứ thế cho tới chừng nào.

NGUYỄN MỸ NỮ

(Văn nghệ Bình Định số 99 tháng 7.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Về yên bình dưới bóng cây

Có lẽ, chỉ khi làm bạn với cây, chứng kiến vòng luân hồi của cây, từ những ngọt ngào mà cây mang lại cho đến những mất mát mà cây nhắc nhở thì con người cũng được trải nghiệm…

Bữa tiệc ly

Tôi sẽ không kể cho ai về kết quả chẩn đoán. Tôi sẽ chỉ đơn giản là tiếp tục đeo chiếc mặt nạ mà tôi đã đeo suốt nhiều năm nay, ngay cả khi cơ thể bên trong tôi sẽ thối rữa…

Về nhà sớm mai

Chị ngẩng mặt lên. Lần đầu chị dùng mắt để đối diện với bà Bá. Chị nói câu từ chối bằng mắt, và cũng dùng mắt để van lơn. Đôi mắt của chị đục và mờ dần như chực chờ…

Con thuyền xuôi dòng

Một dòng sông và người con gái đang trôi. Anh cố gắng chạy theo nhưng không được. Anh muốn cô biết có người đang chạy theo mình…