(VNBĐ – Đời sống văn nghệ). Sáng 06.4, Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội VHNT Bình Định) phối hợp với Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (Sở Nội vụ) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đặc trưng nhà lá mái Bình Định và hướng bảo tồn, phát huy di sản”. Tham gia buổi tọa đàm có nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian và sinh viên Khoa KHXH&NV Trường ĐH Quy Nhơn.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã trình bày các tham luận với những hướng tiếp cận đa chiều. Trong đó, tập trung làm rõ những nét đặc trưng của nhà lá mái Bình Định; nét văn hóa Việt – Chăm trong ngôi nhà lá mái; nhà lá mái trong thực tiễn đời sống của người dân; vấn đề bảo tồn nhà lá mái hiện nay…
Nhà lá mái Bình Định là một kiểu nhà vườn nông thôn, đã tồn tại trên dưới 200 năm. Theo các nhà nghiên cứu, nhà lá mái của Bình Định có những nét đặc trưng riêng. So với các kiểu nhà cổ dân gian truyền thống ở các địa phương khác, nhà lá mái Bình Định có phần nhỏ hơn nhà rường Huế, nhà cổ Nam bộ. Nhà có đuôi mái nhà thấp, nhiều cột, kết cấu khá vững chắc, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Vách nhà lá mái thường trét đất ở trong, tô vôi ở ngoài, hoặc xây toàn đá ong hay gạch, rồi tô vôi láng. Thường thì nhà nào cũng ba gian hai chái, có nhà đến năm gian hai chái, tùy theo khả năng vật lực của mỗi gia đình.
Trải qua thăng trầm của thời gian, những ngôi nhà lá mái ở Bình Định đã dần mất đi, việc bảo tồn loại hình di sản nhà lá mái Bình Định vẫn chưa được chú trọng. Tọa đàm nhằm góp phần nhận diện hiện trạng, định hướng công tác bảo tồn, phát huy di sản nhà lá mái – di sản quý của kiến trúc truyền thống và đặc trưng của văn hóa Bình Định. Đồng thời, tạo điều kiện để các chuyên gia, nhà nghiên cứu có dịp trao đổi, chia sẻ chuyên môn, đề xuất giải pháp đến các ngành chức năng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Dịp này, Hội VHNT tỉnh cũng bàn giao tủ sách với 1.300 đầu sách là những công trình nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian cho Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh tiếp tục bảo quản, khai thác, phục vụ bạn đọc.
PHI NGUYỄN