Tình hình sưu tầm, nghiên cứu văn bản tác phẩm Hán Nôm của các tác gia văn học khu vực Nam Trung bộ

(VNBĐ – Nghiên cứu phê bình). Nam Trung bộ là một trong những khu vực văn hóa có tính đặc biệt. Nó không chỉ là “trạm trung chuyển” trong hành trình Nam tiến của các danh gia văn học, các nhân vật lịch sử, tiêu biểu như: Đào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh, Đặng Đức Tuấn, Đặng Đức Siêu, Nguyễn Thông, Nguyễn Thuật… Tìm hiểu về lực lượng sáng tác này, chúng ta không thể không tính đến hệ thống văn bản được lưu truyền, khắc bản và in ấn trong mấy thế kỷ trở lại đây, tính từ thời kỳ khởi phát cho đến nay. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để kiện toàn hồ sơ tác gia văn học địa phương, phục vụ cho công tác giảng dạy và hoạt động du lịch văn học.

Hiện nay, theo nhận định của giới chuyên môn, văn bản là một trong những vấn đề trọng yếu của khoa nghiên cứu văn học Hán Nôm. Đối với vùng Hán Nôm miền Nam Trung bộ từ khi khởi phát đến nay, hệ thống văn bản Hán Nôm đã nhận được sự quan tâm và chú ý của các chuyên gia nghiên cứu và các cấp quản lý. Từ năm 1975 đến nay, vấn đề văn bản tác phẩm của các tác giả Hán Nôm đã được các cấp chính quyền, các nhà quản lý chuyên môn bắt đầu lưu tâm và có những hướng khảo sát thực trạng và đề xuất những phương hướng sưu tầm, chỉnh lý và bảo tồn với tư cách là di sản văn hóa vật thể của địa phương, là “giấy chứng nhận” cho bề dày văn hóa của văn học khu vực.

Qua thực tế tìm hiểu, nhóm nghiên cứu chúng tôi nhận thấy hầu hết các địa phương ở Nam Trung bộ từ năm 1975, đặc biệt là sau 1999 đều có những đợt khảo sát, thu thập các thể loại văn bản Hán Nôm để phục vụ cho công tác nghiên cứu văn hóa địa phương.

1. Tình hình sưu tầm văn bản tác phẩm Hán Nôm của các tác gia văn học khu vực Nam Trung bộ

Sưu tầm và biên dịch, lưu hành những tác phẩm Hán Nôm của các tác gia thuộc khu vực Nam Trung bộ là một chủ trương văn hóa đã và đang được các địa phương quan tâm và triển khai thành các dự án lớn nhỏ tùy thuộc vào phạm vi, nhân lực, trữ lượng hiện có. Trong số tám tỉnh thành của khu vực, Đà Nẵng, Quảng Nam là những địa phương đi đầu và đạt những thành tựu lớn trong công tác sưu tầm và phát huy giá trị của văn bản tác phẩm của các tác giả Hán Nôm ở địa phương.

Tính cho đến năm 2020, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quang Nam đã có sáu đợt sưu tầm lớn do các cơ quan chuyên môn chủ trì. Hầu hết kết quả của các đợt sưu tầm đó đã được công bố trong 13 tài liệu như sau:

Phan Chu Trinh toàn tập (3 tập) (2005), Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập (2011), Giá Viên toàn tập (26 quyển chữ Hán), Sắc phong ở Đà Nẵng (2013), Giá Viên toàn tập (2 tập), Di sản Hán Nôm tại Đà Nẵng (2015), Bia Văn thánh và một số văn bia Hán Nôm tại huyện Thăng Bình (2015), Di sản Hán Nôm Hội An, tập 1: Về văn bia (2014), Di sản Hán Nôm Hội An, tập 2: Tư liệu dòng họ Nguyễn Tường (2016), Di sản Hán Nôm Hội An, tập 3: Tư liệu xã Minh Hương (2017), Di sản Hán Nôm Hội An, tập 4: Hoành phi liễn đối (2018), Di sản Hán Nôm Hội An, tập 5: Tài liệu lưu trữ dòng họ (2019), Làng xã ở Hội An qua địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí (2020).

Sau hai tỉnh thành đã nói trên, Bình Định, Quảng Ngãi và Ninh Thuận là những địa phương đã triển khai sâu rộng việc sưu tập, biên dịch và công bố những di văn Hán Nôm tiêu biểu có liên quan đến các tác giả văn chương. Kết quả của hoạt động đó được thể hiện qua một số công trình như sau: Học văn dư tập (Trương Quảng Khê tiên sanh tập), Đặng Đức Tuấn – Tinh hoa công giáo ái quốc Việt Nam (1970), Trương Đăng Quế, cuộc đời & sự nghiệp (2008), Trường lũy Quảng Ngãi (2011), Cuộc đời và tác phẩm của linh mục Đặng Đức Tuấn (2014), Tuyển tập Trương Đăng Quế (2018), Di sản Hán Nôm tỉnh Ninh Thuận (bộ 3 tập) (2019), Ôn Khê Nguyễn Tấn, Vũ man tạp lục thư (2019), Di sản Hán Nôm ở Quảng Ngãi: Các loại hình và giá trị đặc trưng (2020).

Riêng ở Bình Định có các công trình thật giá trị của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn: Lê Đại Cang và Lê thị gia phả (2011), Quỳnh phủ Nguyễn Diêu – Ông đồ nghệ sĩ (2011), Đào Tấn – Thơ và từ (2003), Đào Tấn – Tuồng hát bội (2005). Trong đó một số đã mang lại cho ông Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Đặc biệt thời gian này, nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch cũng đã công bố một loạt tác phẩm Hán Nôm do ông sưu tầm được: Đào Duy Từ khảo biện (1998), Đào Phan Duân, lý lịch và tác phẩm (2002), Trần Đức Hòa – Tư liệu (2005), Mai viên cố sự (2005), Song trung miếu và thơ xướng họa (2007), Hương sơn cố sự (2008), Văn tế ở Bình Định (2008), Bình Định Hán văn trích diễm (2008). Mới đây, Võ Minh Hải cũng đã công bố tập: Văn tế Hán Nôm Bình Định (nghiên cứu và tuyển chú) (2021), góp phần làm phong phú cho thể loại này ở Bình Định.

Từ tháng 01.2019 đến tháng 12.2020, nhóm nghiên cứu của chúng tôi (Huỳnh Chương Hưng – Võ Minh Hải) đã điền dã sưu tầm trên địa bàn các tỉnh thành thuộc phạm vi khu vực Nam Trung bộ và thu thập được hơn 417 đơn vị văn bản, trong đó có 02 tập tuồng Nôm của Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu (66 tờ). Số đơn vị văn bản tập trung ở các thể loại văn bia, các văn bản thơ được đề tạc hoặc lưu hành nội bộ của các gia đình khoa bảng trên địa bàn khảo sát. Số lượng văn bản đã được chúng tôi dịch chú và công bố trong thời gian thực hiện đề tài gồm:

– Gia phả ngài Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ (2019), Gia phả Lê Đại Cương (2019), Nguyễn Diêu, Tuồng Nôm Liệu đố (2019), Nguyễn Diêu, Tuồng Nôm Ngũ hổ bình Liêu (2 hồi) (2020).

2. Những nghiên cứu cơ bản về văn bản tác phẩm của các tác gia Hán Nôm khu vực Nam Trung bộ

Trực tiếp bàn thảo về hệ thống văn bản và tác giả quan trọng trong văn học Hán Nôm miền Nam Trung bộ là một số công trình, chuyên luận đã được xuất bản từ trước năm 1945 đến nay. Trước hết là có một số nhà nghiên cứu thế hệ tiền chiến đã chú ý đến một số tác giả tiêu biểu như: Bùi Văn Lăng, Tô Văn Cần biên soạn Lịch sử Đào Duy Từ do Trung Bắc Tân Văn ấn hành tại Hà Nội năm 1937. Dương Tụ Quán viết Đào Duy Từ tiểu sử và thơ văn do Đông Tây thư quán xuất bản tại Hà Nội năm 1944.

Năm 1960, nhà nghiên cứu Thái Bạch đã công bố Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp do nhà sách Khai Trí ấn hành tại Sài Gòn. Với mục đích ghi lại những thi văn bị cấm trong thời thuộc Pháp, tác giả muốn nêu cao những di sản tinh thần quý giá của tiền nhân để hun đúc tinh thần yêu nước của người Việt Nam trong bối cảnh mới. Mặc dù tập sách chỉ giới hạn trong thời đoạn Pháp thuộc nhưng tác giả cũng đã sưu tập được một số lượng lớn văn bản Hán Nôm (hơn 50 tác phẩm) và phân chia rải rác trong 03 mục cụ thể: Phần Thi ca; phần Phú, văn tế; Phần văn xuôi. Trong số 50 tác phẩm Hán Nôm được ghi nhận, chúng tôi thống kê có 11 văn bản Hán Nôm của 5 tác giả có liên quan đến vùng văn học được khảo sát. Năm 1965, Vương Đình Quang cho công bố quyển Thơ Văn Huỳnh Thúc Kháng (NXB Văn học, Hà Nội ấn hành). Quyển sách này đã cung cấp khá nhiều tư liệu Hán văn về Huỳnh Thúc Kháng. Năm 1974, Lam Giang Nguyễn Quang Trứ đã ấn hành cuốn Trần Quý Cáp và tư trào cách mạng dân quyền (do Đông A xuất bản). Tuy là một chuyển khảo sử liệu nhưng trong công trình này khá nhiều tác phẩm Hán văn của Trần Quý Cáp đã được Lam Giang tìm hiểu với tư cách là một công cụ bộc lộ, giãi bày lòng yêu nước của nhà chí sĩ đất Quảng.

Sau năm 1975, một số nhà nghiên cứu bắt đầu đi chuyên sâu hơn đối với các tác giả cụ thể vùng văn học này. Năm 1991, Phan Hứa Thụy đã sưu tầm, dịch chú và giới thiệu toàn bộ di sản Hán Nôm về sáng tác của Nguyễn Cư Trinh qua công trình Thơ văn Nguyễn Cư Trinh, do NXB Thuận Hóa ấn hành. Đây là công trình bao quát và hiệu khảo rất chất lượng về một tác gia tiêu biểu của vùng Hán Nôm Nam Trung bộ. Tiếp đến, Trần Thị Liên tìm hiểu về thành tựu văn học, chính trị của Hoàng quốc công qua chuyên luận Đào Duy Từ con người và tác phẩm (NXB Văn hóa, Hà Nội, 1992). Bùi Duy Tân đề cao và giới thiệu Đào Duy Từ – một sự nghiệp văn chương khiêm tốn (trong cuốn Khảo và luận một số tác gia – tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999)…

Năm 1997, với công trình Phong trào nghĩa hội Quảng Nam, Nguyễn Sinh Duy đã có những khái quát khá sơ lược về tiến trình văn học Hán Nôm khu vực này gắn liền với sự lớn mạnh của phòng trào Nghĩa hội. Qua việc khảo sát các tác phẩm yêu nước như Văn tế Nguyễn Duy Hiệu, Câu đối về Nguyễn Duy Hiệu, Hịch văn thân Quảng Nam… ông đã nêu bật tư tưởng yêu nước và có những chú khí văn bản Hán Nôm khá công phu. Điều này có giá trị tham khảo khi tìm hiểu những vấn đề về văn học Hán Nôm Quảng Nam hoặc các tác giả thuộc phong trào Nghĩa hội. Tác giả Nguyễn Hồng Sinh với Văn thơ trên đất Tây Sơn quật khởi (2005), đây là một công trình khảo lục công phu về văn thơ của 100 tác giả họ Nguyễn ở khu vực Nam Trung bộ trong quãng thời gian từ thời Tây Sơn đến trước khi cách mạng tháng Tám thành công (1945). Đáng tiếc là chuyên luận chỉ tập trung vào bộ phận văn học yêu nước và văn học Cần Vương nên giá trị tổng quát vẫn còn bộc lộ một số hạn chế.

Năm 2011, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên đã biên soạn quyển Văn học Phú Yên 400 năm (1611 – 2011). Đây là một tập sách khảo cứu về văn học Phú Yên từ thời Lương Văn Chánh đến 2011. Trong nội dung nghiên cứu này, các soạn giả đã dành một dung lượng vừa phải để đánh giá về các tác phẩm văn học Hán Nôm. Tuy chưa thật đầy đủ nhưng ít ra cũng đã lưu tâm đến một bộ phận văn học quan trọng trong tiến trình văn học cổ điển của địa phương. Cũng trong xu thế này, ở Bình Định, nhà văn Lê Hoài Lương đã công bố quyển Văn nhân Bình Định một góc nhìn (2015). Mặc dù vẫn còn những vấn đề cần bàn thảo thêm nhưng đóng góp quan trọng của Lê Hoài Lương đối với lịch sử văn học địa phương Bình Định và Nam Trung bộ là đáng ghi nhận. Ông đã tiếp cận lịch sử văn học từ góc nhìn tác gia, trong đó có tác gia Hán Nôm và khảo tả họ một cách cụ thể từ văn nghiệp đến tác phẩm. Những trải nghiệm nghiên cứu của ông về Đào Tấn và một số tác gia trung đại khác của Bình Định cũng tạo nên những hứng thú nhất định khi nghiên cứu về vùng văn học này.

Tác giả có những chuyên luận cá nhân khảo sát về các tác gia văn học Hán Nôm ở khu vực Nam Trung bộ này cũng chính là Nguyễn Q. Thắng. Từ 1971 đến năm 2019, ông đã xuất bản gần 10 đầu sách liên quan đến các tác giả văn học và khảo cứu di sản văn Hán Nôm vùng Quảng Đà: Huỳnh Thúc Kháng con người và thơ văn, Quảng Nam – Đất nước và nhân vật (I, II, III), Trần Văn Dư và phong trào Nghĩa hội, Hà Đình Nguyễn Thuật, Tam Kỳ qua sóng phế hưng, Sống đẹp với Hà Đình, Tiểu La Nguyễn Thành – Thủ lãnh Duy Tân hội – Đông Du, Danh, Hiền & cố sự quê xưa… các công trình này là tâm huyết của một đời nghiên cứu của tác giả đối với quê hương Quảng Nam. Do vậy, nó có vai trò quan trọng trong việc khẳng định những giá trị vô giá của văn học Hán Nôm vùng Quảng Nam và ảnh hưởng đến những vùng miền khác trên dải đất miền Trung. Tương tự như Nguyễn Q. Thắng, Lộc Xuyên Đặng Quý Địch từ năm 1998 đến 2009 đã công bố một loạt tư liệu liên quan đến văn học Hán Nôm Bình Định nói riêng và Nam Trung bộ nói chung. Cùng với Nguyễn Q. Thắng, Đặng Quý Địch, chúng ta không thể không ghi nhận vai trò của Chương Thâu với Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng (chọn lọc) (1989), Phan Phụng với Tú Quì – Văn chương và giai thoại (1992), Vũ Ngọc Liễn với Tuyển tập Đào Tấn (03 tập) (2002 – 2009), Nguyễn Diêu ông đồ nghệ sĩ (2011), Thy Hảo Trương Duy Hy với Thơ văn Tú Quỳ (2008), Dị Cổ Nguyễn Hoàng Thân với Phạm Phú Thứ với Giá Viên toàn tập (2011), Nguyễn Công Thuần với Non nước – Ngũ Hành Sơn qua thơ văn (2017),…

Cùng với thời gian, nhiều cuốn sách liên quan đến các tác giả – tác phẩm văn học Tuồng cụ thể lần lượt được công bố, tuy nhiên, chúng tôi đánh giá chỉ có ý nghĩa về mặt tư liệu – văn bản học, như: Lê Ngọc Trụ, Phạm Văn Luật sao lục Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh (Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1969), Vũ Ngọc Liễn với Tuồng Đào Tấn (2 tập) (1986). Việc khảo cứu các văn bản tuồng Hán Nôm miền Nam Trung bộ trong bối cảnh văn học Hán Nôm ở khu vực giai đoạn này để thấy được những đặc điểm riêng và chung của chúng, từ đó xác định giá trị cũng như những đóng góp của thể loại – với tư cách là một đặc điểm chuyên biệt đối với nền văn học Hán Nôm miền Nam Trung bộ.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải kể đến một số hội nghị, hội thảo lớn mang tầm quốc gia được UBND các tỉnh Nam Trung bộ tổ chức nhằm tôn vinh các tác gia Hán Nôm tiêu biểu của địa phương, như: Hội nghị Đào Tấn – nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc (Nghĩa Bình, 1977), Hội thảo khoa học về Trương Đăng Quế lần thứ nhất (Quảng Ngãi, 1994), Hội thảo Danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh (Quảng Nam Đà Nẵng, 1996), Hội thảo Đào Tấn – Trăm năm nhìn lại (Bình Định, 2007), Hội thảo khoa học Hà Đình Nguyễn Thuật – Danh nhân văn hóa (Quảng Nam, 2015)… Các tác gia Hán Nôm miền Nam Trung bộ cũng trở thành đối tượng nghiên cứu của một số luận án, luận văn khoa học Ngữ văn và Hán Nôm được thực hiện trong khoảng 20 năm trở lại đây. Tiêu biểu có thể kể đến Phạm Phú thứ và Giá viên thi tập (Nguyễn Hoàng Thân, luận văn thạc sĩ Hán Nôm, 2010), Thế giới nghệ thuật thơ chữ Hán Đào Tấn (Nguyễn Đình Thu, Luận án tiến sĩ Văn học Việt Nam, 2015), Kịch bản tuồng Đào Tấn – Một số vấn đề nội dung và nghệ thuật (Đinh Thị Kim Thương, luận án tiến sĩ Ngữ văn, 2017), Ngôn ngữ tuồng Nguyễn Diêu từ góc nhìn văn hóa (Võ Thị Thu Hòa, luận văn thạc sĩ Văn học Việt Nam, 2020)…

3. Một số kết luận bước đầu

Như vậy, cùng với thời gian, văn học Hán Nôm miền Nam Trung bộ đã dần dần giành được sự quan tâm của học giới với những mức độ và hình thức công bố khác nhau: sách chuyên khảo (coi văn học Hán Nôm Nam Trung bộ là một đối tượng độc lập, chuyên biệt), công trình văn học sử (coi văn học Hán Nôm Nam Trung bộ là một bộ phận, một thành tố trong quá trình nhận diện tiến trình văn học), luận văn, luận án (sự phổ biến trong nhà trường)…

Từ đó có thể thấy “diện” quan sát của các nhà nghiên cứu tương đối rộng. Bên cạnh những công trình, bài viết, chuyên khảo mang tính khái quát về các giai đoạn trong lịch sử văn học miền Nam Trung bộ nói riêng và văn học Đàng Trong nói chung đã có những nghiên cứu chuyên sâu về các tiểu vùng văn học của xứ này, hoặc chú ý đến tầm ảnh hưởng của một số tác giả tiêu biểu, sức sống của một số thể loại đặc thù… nhưng tất cả mới chỉ gây ấn tượng về “điểm” (tức là những vấn đề cụ thể, những thành tựu của một số cá nhân, tác giả cụ thể); đặc biệt, chưa có những nghiên cứu chuyên sâu đặt văn học Hán Nôm miền Nam Trung bộ và xét trên lịch trình thời gian để xác định dấu ấn, vai trò của văn học vùng trong tiến trình văn học dân tộc.

TS. VÕ MINH HẢI

(Văn nghệ Bình Định số 108 tháng 4.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…