Tình địch già

(VNBĐ – Văn học nước ngoài). Nếu vào quán U Štajniců qua lối từ phố Mostecká, ta sẽ thấy ở tiền sảnh phía trước, nơi đặt bàn bida, có ba cái cửa sổ trông ra phố Lázeňská. Bên cạnh mỗi cửa sổ kê một cái bàn nhỏ và một cái ghế dài hình móng ngựa. Ở mỗi bàn bao giờ cũng có ba người ngồi. Một người ngồi quay lưng về phía cửa sổ, hai người còn lại ngồi ở hai đầu ghế đối diện nhau. Khi ba ngồi quay lưng về phía cửa sổ thì trước mặt họ là bàn bida, họ giải trí bằng cách xem người ta chơi.

Ở cái bàn bên cạnh cửa sổ thứ ba phía bên phải lối ra vào, ngày nào cũng thấy bóng dáng hai người công dân đáng kính trọng yên tọa. Đó là ông Ryšánek và ông Schlegl. Dù hai ông này rất ghét nhau nhưng bao giờ họ cũng ngồi ở đấy từ sáu giờ chiều đến tám giờ tối.

Chỗ của hai ông lúc nào cũng để trống. Bởi lẽ không một người nào dám mạo muội ngồi vào ghế quen của người khác, đây là một trong những điều mà bất kỳ công dân nghiêm chỉnh nào của Malá Strana cũng hiểu rõ. Ông Schlegl và ông Ryšánek chia nhau hai phía đầu ghế và ngồi quay lưng về phía cửa sổ. Tức là trước mặt họ là bàn bida chứ không phải khuôn mặt của người kia. Chỉ khi muốn uống hay nhồi tẩu thì họ mới quay vào bàn. Đã mười một năm qua, ngày nào họ cũng ngồi như thế. Và suốt mười một năm trời, họ không hề nói với nhau một lời, thậm chí chẳng ai để ý đến ai.

Cả khu Malá Strana đều biết hai ông ác cảm với nhau ra mặt. Mối thù địch không đội trời chung giữa họ đã có từ lâu. Nguồn gốc của mọi cái xấu xa ấy là người đàn bà. Cả hai ông cùng yêu một người. Đầu tiên, nàng cảm tình với ông Ryšánek, sau đó không ngờ nàng quay ngoắt và đột ngột rơi vào vòng tay ôm của ông Schlegl. Có thể là do ông Schlegl trẻ hơn gần chục tuổi. Thế là nàng trở thành bà Schleglová.

Tôi không biết liệu có phải vẻ đẹp của bà Schleglová là nguyên nhân, giải thích cho nỗi đau triền miên của ông Ryšánek, cũng như cho việc ông ta cứ ở vậy suốt đời hay không. Bà ta là người thiên cổ đã lâu. Bà ta mất ngay sau khi sinh lần đầu và để lại một cô con gái, cô Schleglová. Cô ấy giống mẹ như đúc. Vào thời điểm mà tôi nói đến thì cô Schleglová tròn 25 tuổi.

Tôi biết cô Schleglová, vì cô ấy thường đến tầng bên trên căn hộ của chúng tôi để thăm bạn. Người ta nói rằng cô Schleglová là người đẹp. Có thể như vậy. Nhưng là đẹp đối với kiến trúc sư thôi, khi mọi thứ đều nằm đúng chỗ, mọi kích thước đều đúng chuẩn và tất cả cái gì cũng rõ ràng. Nhưng đối với ai không phải kiến trúc sư, thì điều đó thật gượng gạo. Mặt cô ấy ít cử động, quả giống như mặt tường ngoài của một cung điện. Mắt cô ấy sáng loáng như cửa sổ mới lau nhưng chẳng mang ý gì. Miệng cô ấy, xinh như nét trang trí kiểu Arabesque, mở ra chậm chạp như cánh cổng để rồi cứ mở toang, hoặc là đóng lại cũng bằng một cách chậm chạp. Thêm vào đó, nước da cô ấy luôn trắng như tường mới quét vôi. Có thể bây giờ nếu còn sống thì cô ấy không còn đẹp như thế nữa, mà duyên dáng hơn. Tương tự như các ngôi nhà, chúng chỉ duyên dáng hơn khi đã cũ đi.

Đáng tiếc là tôi không thể kể được cho bạn đọc nghe về chuyện tại sao ông Ryšánek và ông Schlegl lại ngồi cùng nhau ở cái bàn cạnh cửa sổ thứ ba ấy. Lỗi lầm ở đây là do sự tình cờ định mệnh đáng nguyền rủa nào đó, ngày này qua ngày khác muốn gây cay đắng cho hai ông già. Khi sự tình cờ lạ lùng ấy đưa họ đến ngồi với nhau, thì lần đầu họ ngồi chắc do sĩ diện đàn ông. Lần thứ hai có thể là bởi sự ngoan cố. Rồi sau đó họ ngồi để chứng tỏ sự cứng rắn. Đã từ lâu ai ở quán U Štajniců cũng thấy, đối với cả hai ông thì việc đó đã trở thành vấn đề danh dự, thế nên không một người nào lùi bước.

Họ đến quán vào lúc sáu giờ chiều, hôm nay người này đến sớm một phút, hôm sau thì người kia. Họ lịch sự cúi chào mọi phía và chào từng người, chỉ không chào nhau. Vào mùa hè, họ giao cho người hầu bàn mũ vành và ba toong, vào mùa đông thì mũ lông rậm và áo khoác ngoài, để người này treo lên bức tường phía sau chỗ ngồi. Sau đó, họ lúc lắc nửa thân trên như chim bồ câu, rồi chống một tay xuống góc bàn quen thuộc của mình (ông Ryšánek chống tay trái còn ông Schlegl chống tay phải). Họ chậm chạp ngồi xuống, lưng quay về cửa sổ, mặt hướng về bàn bida. Ông chủ quán, tươi cười và luôn mồm, chạy tới bàn họ để mời họ liều thuốc lá bột đầu tiên, nhưng phải đến tận từng người, gõ vào vào hộp thuốc và nói là hôm nay đẹp trời. Chưa bao giờ có một người nào có thể nói chuyện được với cả hai ông già cùng một lúc. Bằng bất kỳ giá nào họ cũng không bao giờ để ý đến nhau. Cái kẻ ngồi cùng bàn hoàn toàn bị coi như không tồn tại.

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Người hầu bàn đặt trước mặt họ hai cốc bia. Sau một lúc, nhưng không bao giờ cùng một lúc, họ quay mặt về bàn, rút từ túi ngực cái tẩu lớn bằng đá bọt biển có viền bạc, lôi từ túi bên một gói đựng thuốc lá rời, nhồi tẩu, châm lửa rồi lại xoay lưng về phía cửa sổ. Họ cứ ngồi như thế suốt hai tiếng đồng hồ, uống ba cốc bia, rồi đứng lên. Một người hôm nay đứng dậy trước một phút, kẻ kia thì hôm sau. Họ nhét tẩu vào túi, cất bọc thuốc lá, người hầu bàn giúp từng người mặc áo khoác. Mặc xong rồi thì họ lịch sự chào chia tay mọi phía và chào chia tay từng người, chỉ không chào chia tay nhau.

Tôi cố ý ngồi ở cái bàn gần lò sưởi. Từ đó tôi nhìn thẳng được tới mặt ông Ryšánek và ông Schlegl, và có thể theo dõi họ một cách thuận tiện, kín đáo.

Trước đây, ông Ryšánek bán hàng vải, còn ông Schlegl bán hàng sắt. Bây giờ cả hai đã giàu có và đã thôi buôn bán, nhưng khuôn mặt họ dường như vẫn còn gợi lại nghề xưa. Khuôn mặt ông Ryšánek luôn khiến tôi nghĩ đến tấm vải có sọc trắng đỏ, còn ông Schlegl thì tôi thấy giống một cái cối cũ.

Ông Ryšánek cao hơn, gầy hơn và nhiều tuổi hơn. Ông ta không còn khỏe mạnh nữa, thường hay mỏi mệt và hàm dưới đã trễ xuống. Đôi mắt xám có đeo kính gọng đen. Đầu ông ta đội một bộ tóc giả sáng màu và theo cặp lông mày còn chưa xám hẳn. Đôi má sâu hoắm nhợt nhạt tới mức mà cái mũi dài trở nên đỏ như son, ở đầu mũi thường có giọt nước mũi chảy ra. Tôi phải nói rằng có lúc ông Ryšánek không kịp lau, khi nhớ ra thì nước mũi đã nhỏ giọt xuống đùi.

Ông Schlegl là người béo mập, tôi nghĩ là ông ta không có cổ. Cái đầu ông ta giống như đầu cọp. Mái tóc đen đã bạc nhiều. Trên khuôn mặt, chỗ nào đã cạo râu thì có màu xanh đen, chỗ nào không có râu thì hồng hào, chỗ sáng chỗ tối giống như bức chân dung tối tăm của Rembrandt.

Tôi rất kính trọng và khâm phục hai người anh hùng ấy. Bởi cái cách họ ngồi ở đây, ở chiếc bàn này, ngày này qua ngày với cuộc chiến vĩ đại, gay gắt và dữ dội. Họ chiến đấu với nhau bằng vũ khí của mình, đó là sự im lặng độc địa và ánh nhìn khinh bỉ đến cùng cực. Cuộc chiến ấy luôn luôn không phân thắng bại. Nhưng cuối cùng thì nào biết ai thắng ai! Ông Schlegl khỏe mạnh hơn, cái gì ở ông ta cũng ngắn gọn, cộc lốc. Khi nói thì nghe như tiếng sấm vậy. Còn ông Ryšánek nói năng nhẹ nhàng, chậm rãi. Tuy ốm yếu, nhưng ông ta bọc bên ngoài vẻ im lặng và căm thù một cách dũng cảm.

***

Có một việc đã xảy ra.

Hôm thứ Tư, trước ngày Chủ nhật thứ ba sau lễ Phục sinh, ông Schlegl đến quán và ngồi vào chỗ quen của mình. Ông ta ngồi xuống, nhồi tẩu rồi nhả khói, hệt như đám khói bốc ra từ đống lửa. Ông chủ quán đi vào và đến thẳng chỗ ông Schlegl. Ông chủ quán gõ vào hộp đựng thuốc lá bột và đưa cho ông Schlegl một liều. Khi đóng hộp đựng thuốc lá lại rồi lắc lắc, ông chủ quán nhìn ra phía cửa và bảo:

– Vậy là hôm nay ông Ryšánek không đến được.

Ông Schlegl thờ ơ và vẻ mặt lạnh như tiền. Ông ta không trả lời, chỉ nhìn về phía trước. Ông chủ quán đứng quay lưng về phía lối ra vào của quán, ngoảnh lại nhìn mặt ông Schlegl và nói tiếp:

– Bác sĩ quân y đã bảo, buổi sáng ông Ryšánek dậy như thường ngày, nhưng tự nhiên thấy rét quá, thành ra lại phải vào giường, thế là phải vội đi gọi bác sĩ. Sưng phổi mà. Hôm nay bác sĩ đã đến đấy ba lần rồi. Ờ, tuổi già, nhưng may là có bác sĩ tốt. Chắc là khỏi thôi.

Ông Shclegl mím môi ậm ừ. Không nói lấy một câu, không chuyển hướng nhìn. Ông chủ quán đi sang bàn bên cạnh. Tôi chăm chú nhìn mặt ông Schlegl. Ông ta không hề tỏ ra xúc động, chỉ có đôi môi mở ra để nhả khói thuốc, cái cán tẩu thỉnh thoảng được chuyển từ mép bên này sang mép bên kia. Có một người quen đi đến chỗ ông ta và nói chuyện gì đó. Ông Schlegl mấy lần cất tiếng cười to. Tôi thấy khó chịu vì tiếng cười đó.

Hôm nay ông Schlegl xử sự hoàn toàn khác mọi khi. Thường thường thì ông ta ngồi dính ở chỗ mình nhưng hôm nay lại đứng ngồi không yên, lăng xăng chỗ này chỗ kia. Ông ta còn chơi bida với ông lái buôn Kohler. Lượt chơi nào ông ta cũng gặp may và ăn điểm. Và thú thật, tôi mong cho ông ta không đánh trúng được bóng vào lỗ để cho ông lái buôn Kohler có thể theo kịp.

Sau đó, ông Schlegl lại ngồi xuống, lại uống và hút thuốc. Khi có người nào đi đến thì ông ta lại nói to hơn, nói câu dài hơn so với mọi khi. Tôi nhận thấy cả thay đổi nhỏ nhất của ông ta. Rõ ràng ông ta đang khoái cảm trong lòng. Ông ta không hề có lấy một chút thương cảm bình thường nhất đối với kẻ thù đang bị ốm của mình. Và với tôi, ông ta đang trở thành một con người đáng ghét.

Vài lần, ông ta liếc nhanh về phía tủ đựng chén, nơi ông bác sĩ quân y đang ngồi. Chắc chắn ông ta còn vui hơn nếu tay vị bác sĩ đó không cố gắng bận bịu với ca bệnh của ông Ryšánek. Ông Schlegl thật là một con người độc ác, rất độc ác.

Lúc tám giờ, ông bác sĩ quân y đứng lên đi về. Khi đi tới bàn thứ ba, nơi ông Schlegl đang ngồi, ông bác sĩ quân y dừng lại để chào.

– Chúc ông ngủ ngon nhé. Bây giờ tôi còn phải đến nhà ông Ryšánek một lần nữa. Cần phải thận trọng để ý ông ấy.

– Chúc ông ngủ ngon – ông Schlege lạnh nhạt đáp lời.

Hôm nay ông Schlegl uống bốn cốc bia và ở quán cho đến tám rưỡi.

Nhiều ngày qua đi, nhiều tuần qua đi. Tháng Tư lạnh giá ít nắng cũng qua đi, tháng Năm ấm áp đã tới. Năm ấy mùa xuân đẹp tuyệt vời. Vào tháng Năm, khi trời đẹp thì Malá Strana là thiên đường. Hoa nở phủ trắng đồi Petřín như sữa chảy, cả khu Malá Strana chìm trong hương thơm ngây ngất của hoa cơm cháy.

Ông Ryšánek đã qua cơn nguy kịch. Mùa xuân như mang nhựa dưỡng đến cho ông già. Tôi đã gặp ông Ryšánek đi dạo trong công viên. Ông ta chống gậy, đi lại chậm chạp. Vốn đã gầy gò, bây giờ còn gầy hơn nữa, hàm dưới của ông ta vẫn xệ xuống. Trông ông Ryšánek đã đến mức có thể để cho người ta quấn khăn dưới cằm, vuốt đôi mắt lờ đờ rồi đặt vào quan tài. Vậy mà ông ta đã dần dần bình phục, chỉ không thấy ông ta đến quán U Štajniců. Thế là ông Schlegl cứ làm vương làm tướng một mình ở cái bàn thứ ba, muốn quay đi quay lại và ngồi thế nào cũng được.

Nhưng cuối tháng Sáu, vào ngày lễ các thánh Peter và Pavel, tôi bỗng thấy ông Ryšánek và ông Schlegl lại ngồi cùng nhau. Ông Schlegl lại ngồi đóng đinh ở chỗ quen của ông ta. Cả hai ông già đều ngồi xoay lưng về phía cửa sổ. Khách ở các bàn lân cận và người quen đến bắt tay ông Ryšánek. Mọi người chào đón ông ta rất thật lòng. Ông Ryšánek run run vì xúc động. Rồi những cái cười mỉm, giọng nói rất nhẹ nhàng, rưng rưng cảm động. Ông Schlegl ngồi hút thuốc và nhìn chăm chăm vào bàn bida.

Vào những lúc không có người đến, ông Ryšánek lại nhìn sang tủ đựng chén, nơi ông bác sĩ quân y của ông đang ngồi và ngầm tỏ tấm lòng biết ơn to lớn. Khi ông Ryšánek hướng mắt sang phía đó, ông Schlegel nghiêng đầu rất nhanh sang một bên. Ông ta chậm rãi nhìn từ chân ông Ryšánek nhìn lên, qua hai đầu gối nhọn hoắt đến bàn tay chỉ còn da bọc xương của đối thủ đang nằm ở góc bàn. Quan sát bàn tay ấy một lúc, sau đó ngước lên tận cái hàm trễ, liếc nhìn khuôn mặt tàn tạ ấy, rồi vội vàng đảo mắt đi và giữ thẳng đầu lại như trước.

Ông chủ quán vừa đi ra liền trông thấy ông Ryšánek, bèn vội vàng chạy đến:

– A, ông đã khỏe rồi, mừng quá! Thế là nhờ trời ông lại khỏe rồi, lại đến với chúng tôi rồi.

Ông Ryšánek cười đáp:

– Vâng, nhờ trời, nhờ trời! Lần này tôi thoát chết đấy. Tôi cảm thấy khoan khoái rồi.

– Nhưng thấy ông không hút, hay là vẫn chưa thèm thuốc?

– Hôm nay là ngày đầu tiên tôi thấy thèm đấy, tôi sẽ hút.

– Có thế chứ, vậy là tốt rồi – Ông chủ quán đóng hộp thuốc lá bột, lắc lắc, rồi lại đưa một liều cho ông Schlegl, nói một câu gì đó và đi.

Ông Ryšánek rút tẩu ra, lần vào túi áo để lấy gói thuốc sợi. Đột nhiên ông ta cau mày lắc đầu, thọc tay vào túi lần thứ hai, lần thứ ba, thế rồi gọi người hầu bàn lại: “Cháu chạy sang nhà bác. Có biết nhà bác ở đâu không? Ừ, ở góc đường này. Cháu bảo người nhà đưa cho bác cái túi thuốc, chắc nó ở trên bàn đấy”. Người hầu bàn chạy đi.

Lúc ấy ông Schlegl hơi động đậy. Ông ta chậm chạp giơ tay phải với lấy túi thuốc đang mở và đẩy dịch nó lại gần trước mặt ông Ryšánek. “Cứ tự nhiên. Thuốc Ba Vua màu đỏ đấy!”. Ông Schlegl nói cộc lốc như thường lệ rồi hầm hừ trong miệng.

Ông Ryšánek không trả lời. Cũng không nhìn sang. Đầu ông ta vẫn ngoảnh đi, thờ ơ lạnh lùng như mười một năm đã qua. Mấy lần, tay ông ta run lên, miệng ông ta mím chặt.

Bàn tay phải của ông Schlegl như bị dính trên túi thuốc, mắt dán xuống đất. Ông ta hít một hơi thuốc, rồi hầm hừ trong họng.
Nhưng người hầu bàn đã quay trở lại.

– Cám ơn, túi thuốc của tôi đây rồi – Mãi bấy giờ ông Ryšánek mới cảm ơn ông Schlegl, nhưng không quay lại.

Một lúc sau ông Ryšánek nói thêm, tựa như cảm thấy phải nói thêm cái gì đó:

– Tôi cũng hút thuốc Ba Vua màu đỏ – Ông Ryšánek nhồi thuốc, châm lửa và bập bập hút.

– Ngon không? – Ông Schlegl hỏi, cộc lốc gấp trăm lần lúc bình thường.

– Ngon… Nhờ trời.

– Ờ, nhờ trời – Ông Schlegl nhắc lại.

Xung quanh mép ông Schlegl hằn vết nhăn như các tia chớp trên bầu trời đen, ông ta nói nhanh: “Chúng tôi ở đây đã lo lắng về ông”.

Mãi lúc này, ông Ryšánek mới chậm chạp quay đầu sang phía ông Schlegl. Ánh mắt họ gặp nhau.

Từ đấy, ở cái bàn thứ ba ấy, hai ông già nói chuyện với nhau.

Jan Neruda (1834 – 1891) là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình văn học. Ông là tác giả tiêu biểu của nền văn học Séc thế kỷ XIX. Tại Việt Nam, tác phẩm của Jan Neruda chưa được dịch và giới thiệu rộng rãi. Năm 2019, lần đầu tiên tại Việt Nam, tập truyện ngắn Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông của Jan Neruda do Bình Slavická và Dương Tất Từ dịch, NXB Văn học ấn hành đã ra mắt bạn đọc.

JAN NERUDA (Czech)

HIẾU VĂN dịch

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tường ảo

Bức tường tối đen. Tôi có thể cảm nhận qua tiếng còi xe. Có ba mặt tường. Bên ngoài mỗi mặt là một thế giới khác nhau. Mặt vẽ hình đầu người là một trong ba bức tường ấy…

Cây cô đơn

Cây cô đơn có tự bao giờ và vì sao người ta gọi là cây cô đơn. Chắc có lẽ, cây cũng như người, khi đơn lẻ, cô độc giữa thế gian rộng lớn thì cũng chỉ như một minh chứng về sự hiện hữu…

Tấm áo Điện Biên

Cha mang trên mình tấm áo Điện Biên
Áo trấn thủ với bao đường ngang dọc
56 ngày đêm lấn từng thước đất
Xẻ dọc chiến hào siết chặt vòng vây.