Tiếng sáo hoàng cung

(VNBĐ – Văn trẻ). Đêm tịch mịch. Làn mưa xuân phủ bụi lên màn đêm êm mịn như nhung. Đã sang canh ba mà bạch lạp trong ngự thư phòng vẫn cháy. Ánh sáng hắt lên mặt rồng, phác họa những khoảng sáng tối đan xen. Người nội thị đôi lần định lên tiếng mời vua đi nghỉ nhưng không dám. Cuộc chiến vừa kết thúc. Chiến tranh vừa qua đi thì biết bao công việc bộn bề sau một cuộc chiến phải cần giải quyết. Ở ngôi “cửu ngũ chí tôn”, trách nhiệm đặt trên vai đức vua chẳng một ai có thể gánh vác thay, có thể hiểu được. Người nội thị nhẹ nhàng đi ra ngoài, gọi cung nữ đi ngự thiện phòng lấy một chén tổ yến chưng. Mấy ngày nay, ngài ăn ít lại thức khuya. Chẳng dám nhìn thẳng thiên nhan nhưng chỉ cần nhìn bóng lưng ngài cũng đủ nhận thấy sự tiều tụy.

Ngày mai, nàng sẽ bước qua cánh cửa biệt cung luôn im lìm suốt bao năm qua. Hai mươi năm, cả quãng tuổi xuân tươi đẹp nhất của cuộc đời người con gái chôn vùi trong khoảng sân nhỏ u tịch, lúc nào cũng vọng tiếng mõ u hoài. Nàng có chờ mong không? Ta không biết. Nàng có trách ta là kẻ bạc bẽo không? Nàng không nói. Suốt hai mươi năm qua nàng chưa từng nói. Ngay cả cái đêm cuối cùng của hai mươi năm trước, cái đêm ta ưng thuận cho nàng được dọn ra biệt cung, nàng cũng chỉ khẽ mỉm cười tạ ơn. Nàng có trách móc ta là kẻ bạc bẽo hay không, có lẽ ta không có quyền nghe chính nàng nói.

Đức vua đứng dậy, bước ra khỏi ngự thư phòng. Cơn gió đêm lạnh lẽo ập vào ngay khi cánh cửa được hé mở. Ngài biết, đêm này trong hoàng cung, chẳng riêng gì ngài thức trắng.

Ngày mai nàng lấy chồng.

Chồng ư! Lần đầu tiên lấy chồng, nàng mang cả giang sơn làm sính lễ. Chỉ một câu “Nhà vua đã có chồng”, nàng thành hoàng hậu, kết thúc cơ đồ nhà Lý. Ngày ấy, nàng mới có tám tuổi đầu. Biết đâu rằng trao tấm áo bào là trao lại cả lịch sử hai trăm năm cơ nghiệp của dòng họ. Còn lần này, nàng chấp nhận lấy chồng để chuộc lấy sự bình yên cho tôn thất nhà Lý, chuộc lấy sự bình yên cho chính nàng. Hoàng thành, chốn kinh kỳ phồn hoa cất giấu bao nhiêu tủi hờn, nước mắt uất nghẹn của nàng. Nàng muốn rời xa nơi này, lãng quên đi quãng thời gian đằng đẵng ấy.

Nhưng liệu nàng có quên được không.

Đêm u hoài quá. Làn mưa bụi giăng những tiếng thật khẽ lên phiến lá. Ánh sáng từ cây hồng lạp hắt lên chấp chới, in bóng nàng lặng câm trên vách. Nhỏ nhoi. Cô độc. Vàng son đã phủ bụi. Nàng chẳng phải là nữ vương, cũng chẳng còn là hoàng hậu. Từ lâu rồi, nàng trở về làm công chúa. Chính người chồng bên nàng từ thời thơ ấu đã tự tay phế truất nàng. Nàng là công chúa. Nhưng nhà Lý chẳng còn. Vua cha cũng chẳng còn. Cả mẹ nàng cũng không còn là mẹ nàng nữa mà là một người đàn bà xa lạ, người đàn bà có công lớn với nhà Trần. Chị gái nàng cũng đã theo cha đi về miền xa thẳm. Trước khi nhắm mắt còn đau đáu lời tạ lỗi với nàng. Chị ấy có lỗi gì chứ. Lỗi là chị và nàng sinh ra là công chúa nhà Lý. Vậy thôi. Chị gái nàng đã đi rồi. Còn lại nàng, bơ vơ không nhà, một con cờ tốt thí trong ván cờ thế cuộc đổi xoay.

Nàng nhắm mắt. Tiếng thở dài dằng dặc vươn về phía đêm. Nàng không khóc. Những buồn vui dường như đã khép lại từ ngày nàng giam mình trong căn phòng nhỏ tại biệt cung. Nước mắt có lẽ cũng đã quên rơi từ những năm tháng tìm quên trong tiếng mõ, trong kinh Phật. Tự nhiên, nàng nhớ cha.

Người đời bảo cha nàng không tỉnh táo. Trong ký ức của nàng, cha say say, tỉnh tỉnh. Lúc say, cha bảo mình là thiên tướng giáng trần, được trời phái xuống bắt hết bọn nghịch tặc. Cha cầm thanh gươm bằng gỗ, xoay tít, miệng ê a hát những khúc hát chẳng rõ lời. Tiếng hò hét của cha vọng khắp cả hoàng cung. Cha say thật không hay thời thế khiến cha phải say để quên đi thực tại. Lúc tỉnh, cha ôm nàng khóc. Cha khóc vì nàng là con gái. Cha khóc vì bất lực, vì nhận thấy mệnh trời đã không còn đứng về phía nhà Lý hay cha khóc vì thương nàng. Mà cũng có thể là vì tất cả những lý do ấy. Đôi lúc, nàng nghĩ, nếu như mình sinh ra là con trai thì sẽ ra sao. Nàng vẫn là đức vua nhà Lý. Hay nàng cũng sẽ say say tỉnh tỉnh như cha. Hoặc có thể nàng chỉ kịp cất tiếng khóc chào đời rồi vĩnh viễn biến mất. Nàng chẳng biết nữa.

Đêm lạnh quá. Người cung nữ già choàng áo lên vai nàng rồi lặng lẽ lui ra. Nàng ít nói chuyện, nên người cung nữ già hầu hạ nàng cũng câm lặng. Trong căn phòng này, âm thanh duy nhất vang lên mỗi ngày là tiễng mõ và tiếng rì rầm tụng kinh.

Ngày mai, nàng đi lấy chồng. Người chồng đầu gối tay ấp của nàng, người chồng còn sống sờ sờ của nàng nhưng khiến nàng sống như góa bụa suốt hai mươi năm qua. Người chồng vừa mới đây thôi oai hùng dẫn dắt thiên quân vạn mã lao vào chiến địa sống mái với kẻ thù xâm lược bờ cõi nhưng hai mươi năm trước lại chẳng thể bảo vệ được vợ của mình. Người ấy ngày mai gả chồng cho nàng.

Nàng có oán không, có hận không?

Nàng có oán không, có hận không? Oán hay hận ta cũng là lẽ thường tình. Ta chấp nhận. Dòng họ ta nợ nàng một giang sơn, một cơ đồ mấy trăm năm tổ tiên nàng gây dựng, nợ nàng mối thù giết cha. Ta nợ nàng tấm long bào hoàng quyền, nợ nàng ngôi cửu ngũ chí tôn. Chẳng nói đến quyền lực, chẳng nói đến giang sơn, ta nợ riêng nàng ước mơ chồng vợ trăm năm bạc đầu giai lão. Ta biết nàng hận ta. Hãy cứ hận, hãy cứ oán, hãy cứ trách ta. Nhưng ta mong một lần được bày tỏ với nàng, được nói cho nàng biết rằng ta không phải là kẻ phụ bạc. Ta cũng đã từng chỉ là một quân cờ…

Đức vua ngắm mãi cây sáo trên tay. Cây sáo đã cũ lắm rồi. Thân sáo đã được phủ lên một lớp thời gian sáng bóng. Bao năm, cây sáo vẫn theo ngài, bên cạnh ngài để nhắc nhở ngài về món nợ với một người con gái. Món nợ mà dù có dùng hết cả cuộc đời này, ngài cũng không thể nào trả được. Chần chờ. Bâng khuâng. Ngài đưa sáo lên thổi. Chuệch choạc. Lạc nhịp. Rồi như ký ức cuồn cuộn chảy về quấn quýt theo giai điệu, tiếng sáo day dứt vang lên trong đêm, hòa vào tiếng gió xao xác.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Có những oán hận theo thời gian sẽ lắng xuống, dịu đi, hóa thành trầm tích trong dâu bể đời người. Có những oán hận tích tụ thành tâm bệnh, ôm theo xuống tuyền đài. Cũng có những oán hận chẳng thể nào quên được nhưng cũng chẳng thể nào đành lòng mà buông thành lời nhiếc móc, mỉa mai. Chính bởi chẳng đành lòng nên hóa ra cứ day dứt mãi.

Người cung nữ già ngập ngừng tiến vào, nhẹ giọng mời nàng đi nghỉ. Ngày mai sẽ là một ngày thật bận rộn với nàng. Nàng đưa tay cho người cung nữ già lui xuống. Hồng lạp đã cháy gần hết, hắt lên ánh sáng leo lét. Hình như nàng nghe thấy tiếng sáo. Nàng cười giễu mình. Trong đêm hoàng cung, ai dám thổi sáo ngoài nhà vua. Nhưng giờ này nhà vua thổi sáo lại càng là chuyện khó tin hơn. Ngài còn bộn bề với bao công việc. Có lẽ… Ừ có lẽ là tiếng sáo vọng lên trong tâm tưởng nàng đấy thôi.

Nàng bảy tuổi. Người đời bảo những đứa trẻ sinh ra trong hoàng tộc thường trưởng thành sớm bởi những mưu mô, những tranh đấu quyền lực. Nhưng nàng chỉ là một đứa trẻ ngây thơ. Không phải vì nàng được bao bọc, yêu thương nên trở nên vô lo vô nghĩ. Mà bởi chẳng ai dạy nàng những mưu mô, toan tính, lọc lừa, những tàn nhẫn của vương quyền. Cha nàng say say tỉnh tỉnh trong giấc mơ thiên tướng hạ phàm. Mẹ nàng còn bận suy tư về trách nhiệm của một người con gái họ Trần, dòng họ ôm mộng đế vương. Nàng bảy tuổi, đôi mắt trong veo nhìn người bạn cùng tuổi thổi sáo. Nàng bảy tuổi, hoàng bào rộng quá, ngai vàng rộng quá. Những lời tấu chương của các quan nàng nghe không hiểu. Những khuôn mặt già nua, nhàu nhĩ nhìn vừa thấy chán vừa thấy phiền. Nàng mới bảy tuổi. Nàng chỉ muốn có một người bạn cùng chơi các trò trẻ con với nàng. Trần Cảnh tám tuổi. Tiếng sáo của chàng lúc ấy hãy còn trong trẻo, rộn rã. Tiếng sáo vọng ở hành lang cung điện như muốn bay qua những mái ngọc, cột vàng, bay qua lớp tường thành rộng lớn mà tù túng để vươn tới bầu trời cao xanh xa tít. Tiếng sáo không toan tính, chẳng mưu mô. Lúc ấy Trần Cảnh cũng như nàng, mới chỉ là một đứa trẻ, hẳn rằng cũng thích chạy nhảy, vui đùa, vọc nước, nghịch cát. Chẳng có đứa trẻ con nào lại thích giam mình vào một nơi xa lạ không phải nhà mình, ngày ngày khép nép, nhìn vào sắc mặt người khác mà sống.

Nàng bảy tuổi, có một người bạn cùng lứa chơi cùng vui biết bao nhiêu.

Bởi vậy, nàng thích nghe tiếng sáo, ngày nào cũng bắt Trần Cảnh thổi cho nghe. Nàng chụm đôi bàn tay bé xíu, vốc nước trong cái thau vàng té vào mặt Cảnh. Nàng bật cười còn Cảnh thì sợ hãi quỳ xuống xin tha tội. Cảnh ngày ấy khép nép và nhút nhát. Nàng có bao giờ có ý nghĩ phạt Cảnh đâu. Nàng chỉ muốn được nhìn thấy khuôn mặt Cảnh đỏ bừng, muốn nghe giọng Cảnh ấp úng xin nàng tha tội. Nàng không thích hoàng bào rộng thùng thình, vướng víu. Nàng không thích mũ miện nặng nề kéo ghì cổ nàng. Nàng không thích phải làm khuôn mặt nghiêm trang nhận quỳ lạy của quần thần. Nàng còn là một đứa trẻ. Nàng muốn chơi. Nàng muốn đùa. Nàng muốn nghịch. Nàng giẫm lên cái bóng của Cảnh. Nàng bắt Cảnh chơi trò đóng mẫu hậu và phụ hoàng. Cảnh về thưa với chú. Trần Thủ Độ biết nàng thích Cảnh.

Tám tuổi, nhà vua có chồng.

Chàng là chồng vua. “Thuyền theo lái, gái theo chồng”. Nàng nhường ngôi cho chồng, lui về hậu cung. Những tưởng là vẹn cả đôi đường, những tưởng sẽ ấm êm, viên mãn. Nhưng chú chàng bảo “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”, rằng ngai vàng của họ Trần chưa vững, còn chưa được sự quy thuận của lòng dân. Nàng lại thành quân tốt thí. Nàng bị giáng xuống làm công chúa. Và rồi chàng lại gả nàng cho công thần.

Mẹ nàng bỏ chồng, bỏ con, bỏ cả cơ ngơi nhà chồng để vui vầy cùng nhân tình. Có bao giờ mẹ nàng thấy có lỗi với đứa con mà bà đã rứt ruột đẻ ra. Mẹ nàng họ Trần. Với người chồng họ Lý và hai đứa con gái họ Lý, mẹ nàng bạc như vôi. Chồng nàng họ Trần. Chàng gả chồng cho nàng. Chàng có bạc như vôi?

Nàng chẳng thể nào quên được những khổ đau nhưng cũng chẳng thể chối bỏ những hạnh phúc đã từng có. Sớm chiều bên nhau, cùng lớn lên, từ niềm yêu thích trẻ con thành tình yêu. Nhân gian bảo đế vương vô tình, bạc bẽo, không biết đến tình yêu. Nhưng nàng tin vào đoạn tình cảm ấy. Là yêu nên chàng đã vui biết bao nhiêu khi nàng có tin vui. Là yêu nên chàng đã cùng chờ đợi từng ngày đón con chào đời. Là yêu nên chàng đã đau nỗi đau của một người cha, đã đau cùng nàng nỗi đau của một người mẹ, rơi những giọt nước mắt xót xa, đau khổ đến tận cùng khi đứa bé của hai người yểu mệnh. Là yêu nên chàng đã phản kháng chuyện phế hậu, bỏ lên Yên Tử đòi đi tu. Nhưng giữa nàng và dòng họ, giữa mối tình thanh mai trúc mã với ngai vàng, giữa giấc mơ trăm năm chồng vợ của nàng với mưu đồ của dòng họ, chàng cũng chỉ có thể phản kháng đến thế. Nàng chẳng trách chàng bạc tình nhưng đến cuối cùng, chàng cũng ép mình trở thành kẻ vô tình.

Hai mươi năm làm bạn với tiếng mõ, câu kinh, chỉ duy nhất một lần nàng xin Phật phù hộ cho nhà Trần. Ấy là khi tin tức từ tiền tuyến đưa về hành cung. Giặc vây hãm nhà vua và đội quân triều đình ở sông Cà Lồ. Trần Nhật Hiệu đòi “nhập Tống”. Giang sơn này không còn là giang sơn của nhà Lý. Nhưng con dân vẫn là con dân đất Việt. Nếu họ Trần đánh mất giang sơn vào tay giặc Thát, cuộc sống của muôn dân sẽ đi về đâu. Tiếng mõ của nàng đêm ấy nguyện cầu cho chiến thắng của họ Trần.

Tin thắng trận đưa về. Nhà Trần có công đuổi giặc ngoại xâm khỏi bờ cõi. Nhân dân sẽ nhớ ơn những người đã giúp họ thoát khỏi cảnh lầm than, cảnh đầu rơi máu chảy. Vương triều nào, dòng họ nào lên nắm quyền không còn quan trọng, miễn là mang lại thái bình cho đất nước. Nàng không còn oán, không còn hận. Nhưng vì yêu nên còn trách. Chỉ có điều, những trách móc của một người đàn bà dành cho người từng là chồng mình, nàng sẽ giữ vĩnh viễn trong lòng, mãi mãi chàng sẽ không thể biết được nàng trách chàng những gì.

Giờ nàng đã sang tuổi bốn mươi. Qua đêm nay, nàng lại đi lấy chồng.

Chàng gả nàng cho Lê Tần, người đã liều mình cứu vua ở phòng tuyến sông Cà Lồ, đã lấy thân mình che chắn cho vua khỏi trận mưa tên của địch, đưa vua lên thuyền vượt sông. Không có Lê Tần thì nhà vua đã suýt mất mạng. Người lập được công to thì phải thưởng để khích lệ ba quân tướng sĩ.

Chàng gả nàng cho Lê Tần để ban thưởng. Nàng là công chúa, là vua, là hoàng hậu rồi lại thành công chúa. Và ngày mai, nàng gả cho một vị tướng.

Lê Tần có thực lòng đồng ý, hay ở vào thế lệnh vua không thể bất tuân. Nàng đã qua thời xuân sắc mà người ấy thì là một viên tướng có tài, tương lai đầy hứa hẹn.

Hồng lạp đã cháy hết. Ngoài trời cũng đã mờ mờ sáng. Ít giờ nữa thôi, nàng sẽ rời khỏi nơi này, bắt đầu một cuộc sống mới. Dinh thự của Lê Tần phải rời xa Hoàng thành là một trong những điều kiện để nàng đồng ý gả chồng. Những ước mơ thời thiếu nữ, những vàng son rực rỡ như mây khói mộng ảo. Cả những khổ đau, nàng xin chôn chặt chúng ở nơi này mãi mãi.

Trời đã gần sáng rồi.

Phật Kim.

Từ thật lâu rồi ta chẳng còn dám nhắc đến tên húy của nàng. Sợ rằng khi thốt lên thì những ký ức như gai cào vào vết thương buốt tấy. Ta cũng như mọi người, gọi nàng là Công chúa Chiêu Thánh. Ta gả chồng cho nàng, hẳn rằng nàng sẽ trách ta. Ừ. Bạc bẽo cũng được. Vô tình cũng được. Không hợp với đạo lý luân thường cũng được. Ta chỉ muốn giải phóng cho nàng khỏi chốn tù túng nơi biệt cung, trở về với cuộc sống tự do. Muốn cho nàng một gia đình, hi vọng rồi nàng sẽ có những đứa con của riêng mình.

Người ta chọn cho nàng là người tài trí, có dũng khí và đức độ. Người ấy sẽ mang lại hạnh phúc cho nàng, sẽ mang đến cho nàng một cuộc sống gia đình đúng nghĩa.

Ta sẽ truyền ngôi lại cho Hoảng, đứa con trai họ Trần mang một nửa dòng máu là họ Lý. Con trai ta gọi nàng một tiếng “dì ruột”. Chắc hẳn nàng cũng đã nghe chiến công của Hoảng tại Đông Bộ Đầu khiến quân Mông Cổ phải bỏ chạy về nước. Ở cõi ta bà, hẳn Thuận Thiên cũng được ngậm cười. Chị gái nàng cho đến lúc sắp buông tay vẫn còn day dứt nỗi đau lúc nào cũng cứa buốt tâm khảm rằng mình là kẻ cướp chồng của em gái. Nhưng nàng ấy cũng chỉ là một nạn nhân.
Còn ta, ta sẽ chuyên tâm tu đạo. Vàng son, ngôi vị, những năm tháng đã qua chớp mắt như gió thổi mây bay.

Người nội thị khom lưng, chờ tiếng sáo dứt mới dám lên tiếng:

– Bẩm quan gia, đã gần sáng rồi ạ.

Nhà vua giấu chiếc sáo cũ vào áo, cất bước. Tiếng bước chân ngài vang dọc lối hành lang cung điện. Cơn mưa đêm đã tạnh. Ngài rẽ bước vào lối ngự hoa viên. Nơi này, vào một năm rất xa xôi nào đó, có một nữ vương nhỏ tuổi thường hay bắt kẻ Chánh thủ mới tám tuổi thổi sáo cho nghe. Đức vua khẽ mỉm cười. Ngài sai người nội thị nhóm lửa. Cây sáo ánh lên sắc màu rực rỡ một lần cuối cùng rồi hóa tàn tro.

ĐÀO THU HÀ

(Văn nghệ Bình Định số 100 tháng 8.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Biển quê

Anh có về uống giọt quê xưa
nơi căng phồng cả một thời tuổi trẻ
nơi mẹ khom lưng cạy hà, chiếc nón nhấp nhô 
biển chưa bao giờ lặng lẽ

Hỗn loạn

im lặng nghe đời mặc cả
im lặng trước lời khen chê
im lặng bên bạn bè, bên người thân đang vội vã

Câu xường rám khói

Mây lay bay gầm trời
Mơ nắng vàng chảy trên da chầm chậm
Mường dưới buông dài mái sàn dáng khói
Mường trên hoa trăng chín đỏ dập dờn

Trôi trên tầng mây

Nắm chặt tấm vé, cô thả trôi nỗi đau trên những tầng mây. Chắc là ngoài kia, sẽ có khoảng trời thuộc về riêng cô. Không có khổ sở, không có hối tiếc…