Tiếng sáo diều cô đơn

(VNBĐ – Truyện ngắn). 

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

1.

Trời bắt đầu nhá nhem tối, bà Miền hì hụi nấu xong bữa cơm liền bưng lên gian nhà ngang. Nhìn thấy con trai đang mở tủ như tìm kiếm gì đó, quần áo bị quăng vương vãi khắp nền nhà một cách không thương tiếc, bà Miền chép miệng nói: “Sổ đỏ của nhà mình vẫn đặt ở ngân hàng để vay tiền, anh không nhớ việc bị thua bạc tháng trước hay sao? Nếu không có sáu mươi triệu đem nộp cho chủ nợ, liệu anh còn được yên thân ngồi ở nhà à! Thôi, anh ra ăn tối đi kẻo cơm canh nguội mất, người ta nói cờ bạc là bác thằng bần cấm có sai”. Hận đang lục tìm sổ đỏ, nghe mẹ mình nói vậy liền cau có đóng mạnh cánh cửa tủ lại, nhìn thấy con mèo đang lảng vảng gần mâm cơm, Hận giận cá chém thớt nên co chân đá mạnh vào con mèo. Con mèo tội nghiệp bắn vào góc nhà, nó gào lên một tiếng… meo… thảm thiết rồi chạy biến đi mất. Dường như không hết buồn bực, Hận không ăn mà bỏ ra khỏi nhà, để mặc bà mẹ già ngồi trơ trọi bên mâm cơm.

Bà Miền buồn bã nghe tiếng chó sủa râm ran theo bước chân của đứa con bất trị. Dù Hận không nói đi đâu, nhưng bà biết rõ, điểm đến quen thuộc của con mình chính là sới bạc nhà lão Hùng sói ở cuối làng. Ngay từ nhỏ, Hận đã là một đứa ngỗ ngược và lêu lổng. Mặc cho bà đã hết lời khuyên nhủ, nhưng Hận vẫn bỏ ngoài tai. Ngày trước, mỗi lần Hận gây chuyện, bà Miền lại muối mặt đi xin lỗi thay con. Có nhiều đêm bà thức trắng đợi con, con bà đi chơi với đám bạn đến sáng cũng thèm về. Những lúc như vậy, bà Miền mới thấm thía câu nói “Con không cha như nhà không nóc”. Thời gian thấm thoắt như thoi đưa, con bà năm nay gần bốn mươi tuổi, vậy nhưng chưa một ngày bà được thanh thản để an hưởng tuổi già. Rít xong điếu thuốc lào ngoài hiên, Hận len vào chiếu bạc đang vào hồi gay cấn. Một kẻ cầm cái đang lắc chiếc bát úp vào chiếc đĩa và xóc lên, tiếng những đồng xu vang lên một cách ma quái, kèm theo đó là tiếng các con bạc hò nhau đặt cược. Như có một ma lực hấp dẫn, Hận cũng hô đặt cược, nhưng chưa kịp nhìn thấy nhà cái mở bát. Bất chợt bả vai của Hận tê buốt, vừa kịp nhìn thấy một bàn tay cứng như thép đang bóp mạnh. Hận đã nghe thấy giọng của chủ sới bạc là Hùng sói vang lên đầy uy lực:

– Mày còn tiền không mà dám nhảy vào gỡ gạc? Ở sới bạc này của tao, nếu mày định chơi gian hay cướp bạc, nhẹ thì cũng chặt tay làm gương, còn không thì…

Hận mặt tái mét miệng nói lảm nhảm như kẻ mất hồn:

– Anh Hùng cho em chơi nốt đêm nay, kiểu gì em cũng sẽ trả hết nợ cho anh.

Hùng sói nhếch mép cười rồi hất hàm ra hiệu, ngay lập tức Hận bị mấy tên đàn em của Hùng lôi ra sau vườn. Hùng sói cầm cuốn sổ xem xét cẩn thận, sau đó y chậm rãi thông báo:

– Đến hôm nay mày đang nợ tao một trăm hai mươi triệu, bao gồm cả vốn lẫn lãi. Có chiếc xe máy kiếm cơm, mày cũng cắm ở hiệu cầm đồ, vậy mày lấy gì để trả nợ.

Hận bất ngờ vì số nợ quá lớn, vội kêu to:

– Em vay của anh có ba mươi triệu, sao bây giờ đã thành một trăm hai mươi triệu?

Hùng sói lừ mắt nhìn Hận, sau đó y giải thích:

– Đồ ngu, vậy mày nghĩ tao nuôi đám đệ tử bằng nước lã sao? Nói chưa dứt câu, Hùng sói cuộn ngay cuốn sổ nợ lại, y đập mạnh vào đầu Hận rồi rít lên: Thôi không nhiều lời vòng vo nữa, một là tao đưa mấy thằng này đến xiết nhà, hai là mày phải sang Trung Quốc bán thận. Nếu mày chấp nhận bán thận, họ sẽ trả cho mày hai trăm triệu.

Hùng sói lẩm nhẩm tính cho Hận biết: Bán thận lấy tiền trả hết nợ cho tao, mày vẫn còn tám mươi triệu nhét túi. Lúc đó chơi bạc tiếp, hay tậu con xe máy mới để kiếm cơm là tùy mày. Thấy Hận vẫn không muốn sang Trung Quốc, Hùng sói nhìn đồng hồ rồi nghiến răng nói, 21 giờ 30 sẽ có tàu khách Bắc Nam chạy qua đây, mày còn mười lăm phút để suy nghĩ. Nếu không chấp nhận trả nợ, tao nói tụi đàn em kê hai chân của mày lên đường ray, khi tàu chạy cán qua đôi chân, coi như tao xóa nợ cho mày.

Tiếng còi tàu từ xa vọng lại, ngay tại con đường dân sinh chạy vắt qua đường tàu để ra Quốc lộ 1A, người gác ghi đã hạ thanh barie xuống. Trong tâm trạng hoảng loạn, Hận đã phải gật đầu chấp thuận phương án sang Trung Quốc bán thận trừ nợ. Những ngày sau đó, Hận luôn bị kèm sát bởi hai tên đàn em của Hùng sói. Sau khi vào viện làm các xét nghiệm cần thiết, Hận lại được áp giải về một ngôi nhà nhỏ trong làng Tám và bị giam lỏng tại đó. Hùng sói đưa thông tin và hình ảnh của Hận lên một nhóm chuyên mua bán thận, sau một tuần y đã tìm được người mua thận với giá tròn một tỷ. Trừ mọi chi phí, kể cả số tiền tám mươi triệu ném lại cho Hận bồi dưỡng, Hùng sói nhét túi tám trăm triệu một cách ngon lành. Khi sang đến bệnh viện bên Quảng Châu của Trung Quốc, Hận có bốn ngày nghỉ ngơi, sau đó được đưa lên bàn mổ để lấy thận. Gần hai ngày sau ca phẫu thuật, Hận mới tỉnh dậy trên giường bệnh và được bác sĩ cho tập ăn cháo, tập đi đứng. Đến ngày thứ năm, mặc dù vết thương còn gây đau đớn, nhưng tay bác sĩ thông qua người phiên dịch đã nói Hận khỏe rồi, y khuyên Hận nên về Việt Nam ngay. Trước khi xuất viện, tay bác sĩ đưa cho Hận một hộp thuốc, y dặn khi nào thấy đau ở vết thương thì hãy uống. Hận đã phải uống liều thuốc giảm đau, lúc đó mới đủ sức cho hành trình quay về. Khi cùng tên đàn em thân tín của Hùng sói, kẻ có nhiệm vụ kèm sát Hận về đến đất Móng Cái, tên đàn em của Hùng sói đưa cho Hận một phong bì có tám mươi triệu rồi nói:

– Đại ca gửi cho ông số tiền như đã thỏa thuận. Tôi khuyên thật lòng, ông muốn sống tiếp phần đời còn lại trong yên ổn, hãy bỏ cờ bạc và chịu khó tẩm bổ đi, gần bốn mươi tuổi đã phải ra cánh đồng làng nằm thì hơi sớm.

2.
Sau mấy ngày nằm mê man trong phòng hồi sức tích cực, ông Lẫm choàng tỉnh khi có người gọi tên mình. Mùi cồn, mùi thuốc kháng sinh, kèm theo đó là tiếng bíp bíp của các thiết bị y tế. Con gái và con rể của ông đang đứng ngay đầu giường, thấy ông mở mắt, người con gái thứ hai tên là Hạ liền nói:

– Bố đã suy thận giai đoạn cuối, bây giờ có chạy thận nữa cũng không giúp được gì nhiều, bác sĩ nói bố cần ghép thận càng sớm càng tốt.

Con gái ông vừa dứt lời, cậu con rể ông tên là Nhân vội thông báo: “Con đã nhờ nhiều người lùng sục khắp nơi, cuối cùng đã tìm được người đồng ý hiến thận – Nhân ngập ngừng rồi nói tiếp – Kể ra so với giá hiện hành, ca này của bố họ đòi hơi cao, nhưng bù lại người hiến thận khỏe mạnh. Bệnh viện đã kiểm tra, mọi chỉ số đều thích hợp để ghép thận cho bố.

Anh con rể nhấn mạnh:

– Con biết bố vốn kĩ tính, nên con đã chụp ảnh người hiến thận cho bố xem, dù việc này không được phép.

Cầm bức ảnh người hiến thận trên tay, ông Lẫm mấp máy môi hỏi con rể:

– Họ đòi bao nhiêu tiền?

Nhân cắm ống hút vào chai lavie rồi đỡ ông Lẫm ngồi lên, khi bố vợ nhấp môi hút cho đỡ khô cổ, Nhân mới nói nhẹ:

– Họ đòi đúng một tỷ tám mới chịu hiến thận, chưa kể chi phí cho ca ghép bên Trung Quốc. Nhưng con nghĩ tiền không quý bằng tính mạng, bố quyết sớm thì vợ chồng con liên hệ ngay với bên Trung Quốc để họ chuẩn bị – Nhân tỏ vẻ quan trọng khi nhấn mạnh – Hôm qua con nghe ông bác sĩ bên Trung Quốc khuyên, bố nên ghép thận vào đúng ngày lễ Trùng Cửu, như vậy sẽ gặp được may mắn và sức khỏe.

Ông Lẫm mệt mỏi gật đầu chấp thuận, ngay lập tức con gái ông đưa một số giấy tờ ủy quyền để ông ký, có như vậy cô mới đi rút tiền từ ngân hàng được, số tiền này dùng để thanh toán chi phí cho ca ghép thận. Trước khi cầm chỗ giấy tờ rời đi, cô Hạ không quên nhắc bố mình:

– Chị Hoài mang tiếng là con gái lớn, vậy mà từ hôm bố nhập viện cũng không thấy mặt, nhà đó được cả hai vợ chồng. Sau này bố nhớ đừng thiên vị cho gái lớn, vợ chồng con chăm bố bao lâu cũng không ngại, nhưng con ghét nhất sự không công bằng.

Khi ra đến cửa, Nhân gọi điện thoại cho ai đó thông báo:

– Cuối tuần nhớ đưa người qua biên giới, khi nào nhập viện sẽ nhận đủ tiền như thỏa thuận.

Đợi vợ mình đi trước lo thủ tục giấy tờ, Nhân nheo mắt ngắm nhìn các cô sinh viên thực tập, họ đang đẩy xe thuốc đi dọc hành lang. Mấy cô sinh viên trẻ đẹp với thân hình nở nang, tất cả như bừng sáng dưới ánh nắng chiếu vào, điều đó khiến Nhân không sao rời mắt được. Việc Nhân chịu tháp tùng bố vợ sang Trung Quốc ghép thận, tuy hơi vất vả nhưng bù lại, Nhân kiếm được một khoản tiền lớn. Bên bán thận hôm trước đòi đúng một tỷ, không cho mặc cả, Nhân vui vẻ chốt luôn giá đó. Hôm nay tranh thủ lúc bố vợ đang nguy kịch, chỉ bằng vài câu nói đưa đẩy, Nhân đã kiếm được hơn bảy trăm triệu tiền chênh lệch giá.

Ca ghép thận bên Trung Quốc đã thành công tốt đẹp. Với ông Lẫm việc phải chi một số tiền lớn để cứu mạng mình cũng xứng đáng. Hiện ông sở hữu ba căn biệt thự cho người nước ngoài thuê ven Hồ Tây, một khách sạn có sáu mươi phòng trên Sa Pa đang kinh doanh tốt. Vài tháng sau, khi sức khỏe dần hồi phục, vì muốn có cuộc sống an nhàn khi tuổi đã xế chiều, nhân dịp cuối tuần, ông Lẫm gọi điện cho hai cô con gái là Hạ và Hoài về gặp mình. Khi hai cô con gái có mặt, ông Lẫm thông báo cho các con dự định của mình. Ông muốn chuyển giao cho vợ chồng Hoài quản lý khách sạn trên Sa Pa, còn vợ chồng Hạ sẽ nhận hai căn biệt thự đang cho thuê ở Hà Nội. Số tiền thu được từ việc cho thuê căn biệt thự còn lại, ông sẽ chi dùng cho bản thân mà không phiền đến các con. Vừa nghe xong kế hoạch của bố mình, cả Hạ và Hoài đều nhất quyết không chịu, hai cô so bì tị nạnh nhau từng xu một, người nào cũng cho rằng mình bị nhận phần thiệt hơn. Đang mệt mỏi trong người, bỗng nhiên lại chứng kiến cảnh hai cô con gái to tiếng tranh giành tài sản với nhau, ông Lẫm liền tống cổ cả hai người con ra khỏi nhà.

Căn biệt thự rộng mênh mông lại trở về sự yên tĩnh vốn có, ông Lẫm ngồi trầm tư suy nghĩ, bên cạnh ông lúc này chỉ có chú chó trung thành đang nằm phủ phục ngay dưới chân người chủ. Để hai người con gái không phải tranh giành tài sản với nhau, ông Lẫm mở két sắt lấy chiếc hộp có đựng toàn bộ giấy tờ nhà đất cùng mấy cuốn sổ tiết kiệm ra tính phương án phân chia làm sao cho công bằng. Đã lâu lắm rồi, ông mới mở chiếc hộp ra xem. Ngoài số giấy tờ, dưới đáy hộp có một lá thư đã ngả màu theo thời gian, kèm theo lá thư có tấm ảnh một đứa bé trai kháu khỉnh đang ngồi trên chiếc bàn, sau tấm ảnh có ghi rõ “Mùa hè năm 1980”. Ông Lẫm đeo chiếc kính lão rồi chậm rãi đọc lại lá thư gửi cho mình, dù không cần đọc ông vẫn thuộc làu vì bao năm nay, ông đã đọc đi đọc lại hàng chục lần. Từng dòng chữ trong thư chất chứa bao tủi hờn đắng cay, nhiều chỗ mực bị nhòe bởi nước mắt của người viết. Ngày đó ông Lẫm đọc xong lá thư, không hiểu sao ông lại cất kĩ mà không đốt đi. Hơn chục năm trước, vợ ông trước khi mất đã nắm chặt tay ông rồi nói một câu: “Chuyện từ quá khứ hãy để nó ngủ yên nếu lòng ông thấy thanh thản. Còn không thì ông tự biết mình phải làm gì”. Gấp gọn lá thư lại, ông Lẫm chăm chú ngắm bức ảnh đứa bé trai. Cuộc đời ông như những thước phim tua chậm từ từ hiện ra, con ngõ hẹp và dài đã chìm sâu trong ký ức, bỗng nhiên lung linh dưới ánh trăng mờ ảo.

3.
Hôm nay, làng Văn Xá vào hội. Đi từ trên con đê dẫn vào làng, mọi người đã nghe thấy tiếng trống chèo như giục giã, xen vào đó là tiếng pháo nổ râm ran khắp đường làng ngõ xóm. Dưới ánh trăng mờ ảo, cả con đê nhìn uốn lượn mềm mại như dải lụa vắt bên sông vậy. Trên triền đê cứ cách một đoạn hơn chục mét, lại có một đôi trai gái ngồi bên nhau, tất cả đều nhỏ to tâm sự. Ngồi tựa vào anh chàng Lẫm ở ngay gần điếm canh đê, cô Miền cứ cảm giác lâng lâng vì hạnh phúc. Cô nhìn ra mặt sông, nơi có hàng chục chiếc xà lan đang chạy ngang qua, mặt sông lấp lánh như tráng một lớp bạc. Bên cạnh hai người là chiếc xe đạp Peugeot mới kính coong, nó giá trị ngang một gia tài đối với những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Chẳng thế mà mỗi khi Lẫm đạp xe đến đầu làng, bà con ai cũng nhìn theo với đôi mắt ngưỡng mộ, còn các cô gái trong làng, tuy không nói ra, nhưng đều thầm ghen tị với Miền. Lẫm khẽ đưa tay vòng qua eo Miền rồi nói nhỏ:

– Hội làng mình kéo dài những ba ngày, tối mai anh về đón em ra thị trấn Văn Điển chơi sớm, chẳng nhẽ tối nào cũng chỉ ra bờ đê ngồi. Đã vậy cậu út nhà em và mấy đứa bạn, bọn nó vừa thả diều vừa canh chừng chúng mình.

Miền chỉ tay lên trời, nơi có tiếng sáo diều vọng lại, cô hỏi người yêu:

– Em đố anh, tại sao mọi người gọi là tiếng sáo diều cô đơn.

Lẫm lắng nghe tiếng sao diều rồi nói cho Miền biết:

– Tại tiếng sáo diều vi vu nhưng nghe rất buồn, nó làm anh nhớ đến câu thơ đã từng đọc:

Từng sợi dây duyên kết giữa trời
Nối liền dây đấy, chị Hằng ơi!
Hồn làng vơ vẩn năm canh vắng
Mãi mãi muôn đêm nhớ một người.

Miền dụi đầu vào ngực Lẫm rồi giải thích, gió càng mạnh thì diều càng lên cao, lúc đó tiếng sáo diều vang rất xa, bởi vì không chiếc diều nào bắt kịp nó. Nhiều khi cả đêm chỉ còn một cánh diều bay lượn trên bầu trời, lúc đó tiếng sáo diều vọng về từ không trung như một khúc nhạc cô đơn. Chính vì thế mọi người hay gọi là tiếng sáo diều cô đơn, anh đã hiểu chưa. Tranh thủ lúc trăng lặn vào trong đám mây đen, cả triền đê chìm trong bóng tối, những đôi trai gái vội hôn nhau một cách vụng dại. Lẫm cũng không bỏ lỡ cơ hội, môi anh dính chặt vào đôi môi mềm mại của Miền, còn bàn tay đã tìm đúng những chỗ quen thuộc để vuốt ve và mơn trớn. Miền căng cứng người theo bàn tay mò mẫm thám hiểm của người yêu. Khi mặt trăng đã rẽ mây để rọi xuống con đê tình ái, những đợt gió thổi liên hồi, khiến hàng tre chắn sóng trước mặt kêu xào xạc.

Tiếng trống chèo ở đình làng đã ngừng, mọi người bắt đầu ra về, tiếng gọi nhau í ới đi theo vệt đèn pin của người dẫn đầu. Miền hổn hển nói nhỏ vào tai Lẫm: “Thôi mình về đi anh không muộn, giờ này chắc bố mẹ em cũng sắp đóng cửa đi ngủ”. Trên con đường dẫn vào làng, Miền ngập ngừng rồi cho Lẫm biết, hình như cô bị chậm kinh hai tháng, trùng với thời gian hai người đã ăn vụng trái cấm vào dịp bố mẹ cô vắng nhà. Lẫm đưa Miền vào trong con ngõ hẹp và dài, trước khi chia tay người yêu, anh đã nói một cách quả quyết trong tiếng chó sủa râm ran. “Em yên tâm, nhất định cậu mợ anh sẽ đến thưa chuyện với bố mẹ em”. Họ lại trao nhau một nụ hôn vội vã, Miền nhìn theo bóng người yêu đạp xe rời con ngõ hẹp, dưới ánh trăng đang mờ dần, chiếc xe đạp kêu lọc cọc vì gặp vài chỗ mấp mô. Cả đêm hôm đó, tiếng sáo diều cô đơn vẫn vi vu trên bầu trời đầy sao, nhưng Miền đã mất liên lạc với người mình yêu.

4.
Vào đúng ngày hội làng Văn Xá, ông Lẫm chống gậy ba toong đi trên con đường nhiều kỷ niệm. Con đường làng ngày xưa vốn nhỏ hẹp và được lát bằng gạch vồ, bây giờ đã đổ bê tông và mở rộng để cho ô tô chạy vào tận sân đình. Ông Lẫm tần ngần hồi lâu trước con ngõ hẹp và dài quen thuộc, cây muỗm ngày nào bé xíu, nay đã thành một cây cổ thụ và xòe tán che mát cho ngôi nhà đang xuống cấp vì thời gian. Ông Lẫm nhớ lại, ngày đó ông đã không dám thưa chuyện với cậu mợ mình, dù sao nhà ông nổi tiếng gia giáo, làm sao cậu mợ ông lại chịu được khi nghe tin ông làm con nhà người ta có chửa, đó là điều quá đỗi khủng khiếp. Ngày đó không hiểu sao bà Miền lại có được địa chỉ để gửi thư, trong thư bà không đòi hỏi ông phải có trách nhiệm với đứa con trai bé bỏng của mình. Bà chỉ ân hận vì trái tim và sự trinh tiết của đời con gái đã lỡ trao nhầm người. Đang ngồi sắc thuốc trong bếp, bỗng nghe tiếng chó sủa inh ỏi ngoài cổng. Bà Miền vội lật đật ra đón khách, chiếc thìa nhôm bà cầm trên tay bỗng rơi tuột xuống đất. Bà không ngờ người yêu ngày nào đạp xe đi mất, bỏ mặc bà với cái thai đang lớn dần trong bụng cùng với sự đàm tiếu của dân làng, sau bốn mươi năm lại chống gậy tìm về. Nhìn mái tóc bạc phơ và làn da xám xịt, bà biết là ông Lẫm không được khỏe. Bao nhiêu năm sống trong tủi nhục và đắng cay, bỗng chốc nhường chỗ cho nỗi cảm thông và sự xót thương.

Sau những giây phút ngượng ngùng, ông Lẫm run run lấy ra tấm ảnh cậu con trai bụ bẫm đưa cho bà Miền xem. Không cần ông Lẫm nói ra, bà Miền hiểu ông muốn nhận lại giọt máu rơi vãi của mình. Nén tiếng thở dài xót xa, bà Miền mời ông Lẫm vào nhà. Ngôi nhà trống trơn không có đồ vật gì đáng giá, đập vào mắt ông Lẫm là chiếc bàn thờ nhỏ kê góc nhà. Nhìn bức di ảnh, trái tim ông như có ai đang cho tay bóp nghẹt lại, ông nhận ra đây chính là bức ảnh mà cậu con rể đã cho ông xem về người chấp nhận bán thận để ghép cho ông. Ánh mắt đứa con vô thừa nhận trên bàn thờ nhìn ông Lẫm đầy căm hờn và oán hận, khiến ông không dám nhìn thẳng vào bức di ảnh. Tiếng bà Miền thổn thức bên tai ông.

Tôi có lỗi vì không dạy dỗ nó nên người, từ bé nó đã trộm cắp cờ bạc, đủ hết. Năm ngoái do vay nợ cờ bạc nhiều quá, nó theo người ta sang Trung Quốc bán thận. Khi cầm được mấy chục triệu về đến nhà, do vết mổ bị nhiễm trùng rồi gặp nhiều biến chứng khác, sức khỏe nó ngày càng suy kiệt. Nó chết mà chưa từng một lần được gọi tiếng “Cha ơi!”…

Bà Miền run rẩy châm ba nén nhang rồi đưa cho ông Lẫm, biết ông đang xúc động mạnh nên bà lui ra ngoài hiên nhà. Ông Lẫm thắp nén nhang lên bàn thờ con trai, ông khóc không thành tiếng, nhưng ông cảm thấy trái tim mình như có hàng ngàn mũi kim đâm vào. Ông thấy con ngõ hẹp lại mờ ảo dưới ánh trăng, trên con đường làng dẫn tới triền đê, cậu con trai khôi ngô tuấn tú đang đứng mỉm cười đợi ông. Trên không trung bỗng vút lên tiếng sáo diều vi vu, giai điệu du dương này đúng là của tiếng sáo diều cô đơn. Trong thoáng chốc, hồn ông đã nhẹ nhàng nương theo tiếng sáo diều cô đơn để về cõi hư vô.

BÙI NGỌC PHÚC

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Duyên nợ trùng sinh

Lê Văn Hưng lại nhớ Ngọc Bích. Bao nhiêu năm tháng trôi qua nhưng bóng dáng người xưa vẫn da diết không thôi. Ánh mắt tuyệt vọng sầu thảm của nàng phút biệt ly luôn vò xé tâm can…

Thơ dự thi của Thái An Khánh

An Nhơn ẩn vào ta bằng ngôn ngữ của lúa
đôi vai của mẹ gánh trĩu mặt trời
lấm tấm mồ hôi mặn mòi non nước
đất nặng nghĩa tình gieo hạt trái tim ai.