Tiếng rao

(VNBĐ – Tản văn). 

1.

Tiếng rao hàng có từ xa xưa, ít nhất thời con người biết trao đổi, mua bán, giúp hàng hóa lưu chuyển, phát triển mọi mặt đời sống xã hội. Nhớ câu rao lừa mị: “Ai có đèn cũ đổi đèn mới!” trong Aladdin và cây đèn thần (Nghìn lẻ một đêm – những truyện dân gian Ả Rập nổi tiếng), đánh vào lòng tham của con người và đã thành công: cái đèn cũ nhưng là đèn thần, bị gã phù thủy “đổi” lấy!

Trao đổi hàng hóa xuất hiện sớm hơn mua bán – hình thức giao dịch khi có phát minh các kiểu tiền tệ. Vậy mà, đâu chỉ tít xa trong truyện cổ, ngày nay lời rao “đổi” hàng vẫn hữu dụng. Ví dụ, buổi kinh tế khó khăn những năm tám, chín mươi thế kỷ trước, ở các tỉnh miền Trung người dân chưa quen chuyện bán chó, nên lời rao vọng cùng thôn khắp xóm: “Ai… có chó đổi mùng, màn, xoong nồi, bột ngọt…, bán – mua!”. “Đổi” trước rồi mới tới “bán mua”. Nghèo, nhưng sĩ diện, lý do cần những vật gia dụng còn thiếu nên “đổi”, đỡ thương tổn hơn “bán” chó! Lại nữa, có lời rao: “Ai… có chó lác, chó ghẻ, chó tru trăng, chó cào nhà, chó cắn chủ…, bán – mua!”. Đánh vào tâm lý cả thôi, những con chó hư, chó bệnh mới bán, nhanh chóng hóa kiếp chúng đi chứ tiếc gì… kiếp chó?

Lời rao đã đi qua chuỗi “tiến hóa” dài, thích nghi với phát triển đời sống: rao miệng, rao máy ghi âm sẵn, rao hàng bằng chữ, trên báo, đài, trên internet… Thành tựu kỹ thuật nhanh chóng hỗ trợ hiệu quả chuyện rao. Lời rao còn nhảy vọt, hình thành chuyên ngành tiếp thị, quảng cáo, cực kỳ phong phú trong kinh tế học cả trăm năm qua. Rao thành nghệ thuật, thành chiến dịch và có chủ đích, quyết định thành bại một sản phẩm, hàng hóa.

Từ tồn tại, mưu sinh một người, một gia đình đến những thành bại lớn gắn với số phận nhiều người một công ty, một tập đoàn, quốc gia…, những cung bậc lời rao hàng tạo nhiều cảm xúc khác nhau. Nhưng rao, luôn hiện lên bóng dáng con người, xã hội.

Nhớ tiếng rao vịt lộn ở phố quãng tám giờ tối trở đi, ấn tượng một thời: “Lồ…hô… ố… n…” ngân nga, vòng vọng nhạc tính. Người nữ bán vịt lộn cắp thúng hàng, không thiếu ngọn đèn dầu, đội nón đi bộ, và rao. Tiếng rao vọng buồn vào các con hẻm, nó nỗi niềm một lận đận mưu sinh, đôi khi khuya khoắt bất trắc. Cũng lời rao là một tiếng dội trong đêm: “Phở!…” gãy gọn, nhưng theo đó đều đặn tiếng gõ “cốc cốc” hai thanh tre, người đẩy xe phở đã mượn âm thanh gỗ mồi trước, gợi một liên tưởng, một phản xạ của dạ dày trước thứ hương vị quyến rũ lúc đã tiêu xong cơm chiều.

Tiếng rao đêm lan xa dần, mở rộng dần theo các tuyến đường. Bóng người, bóng xe hàng trong lô nhô bóng phố. Phố xá tới đâu, tiếng rao hàng vọng theo tới đó. Như là tiếng rao làm mọc lên phố xá!

Ở vùng ngoại ô, nông thôn quanh các đô thị, tuổi thơ nào cũng nhớ tiếng rao kẹo kéo, tiếng chuông leng keng ông cà rem. “Kẹo… kẽ… éo đây!”. Thanh kẹo kéo vừa là quà vặt ngon mà rẻ tiền, vừa ấn tượng cách ông kẹo, kéo từ khối bột kẹo ra, dài ngắn tùy tiền, bẻ cái rắc gọn gàng trao tay. Quê tôi có ông chuyên kẹo kéo một đời, nuôi các con vào đại học, báo chí viết bài ngợi ca, mục gia đình hiếu học. Họ thống kê hàng ngày ông đạp xe đạp đến các cổng trường, đều đặn ba mươi năm thành đoạn đường xa kỷ lục, giờ nào trường nào ra chơi, có ông ngay đấy. Con cái thành đạt đón về thành phố lớn sống, ông không đi, chỉ ở quê vui sống với nghề, ngày mưa ngày nắng, và rao: “Kẹo… kẽ… éo đây!”.

Nghề cũng có sang hèn. Ông kẹo kéo, ông cà rem đương nhiên ở nhóm “hèn”, ngày ngày rong ruổi xe đạp, bán cho trẻ nhỏ quà vặt trị giá tiền xu, tiền hào.

Nắng nhễ nhại, tiếng leng keng từ xa đã nghe thấy mát. Ông cà rem thuộc làu nhà nào có trẻ nhỏ, ngày thứ Bảy, Chủ nhật nghỉ học, quãng tám, chín giờ sáng là có tiếng leng keng qua nhà, cây cà rem từ thùng xốp trao tay, trao cái mát lạnh niềm vui cho con trẻ, sao mà thương. Đám trẻ lớn dần lên trong tiếng leng keng, leng keng. Lại có đám trẻ khác được sinh ra. Chỉ ông cà rem ngày mỗi già. Rồi vắng bóng ông, vắng tiếng leng keng trên đường thôn, ngõ xóm. Giờ đã có những tủ kem trong xóm thay thế. Những ông kẹo kéo, ông cà rem sẽ chỉ còn đi qua nhà trong ký ức nhiều thế hệ, như người “muôn năm cũ”.

Cũng chỉ còn trong ký ức lời rao trước ngõ bà bán muối, bán mắm, bán xu xoa, đậu hũ…, gánh bán dạo, nhịp nhàng thong thả, kĩu kịt gánh mưu sinh kiên nhẫn trên đường.

2.

Giờ ngày nào cũng có tiếng rao qua nhà, nhưng hàng mua bán khác xưa. Bà ve chai, nhôm nhựa còn đi xe đạp, rao miệng. Chứ người mua chó, mèo; mua đồ điện, điện tử hư, cũ ban ngày; hoặc chiều tối người bán bánh bao, bánh mì mới ra lò, bánh mì Sài Gòn, bánh mì thanh long…, đều xe máy, rao máy.

Có lời rao ấn tượng đặc sệt giọng một vùng quê Bình Định: “Mua “lốp tốp” hư, “lốp tốp bở”, điện thoại hư, điện thoại bở!”. Chắc cố tình vì thu âm sẵn, sai có thể sửa, nhiều người biết phát âm đúng cái laptop hay đồ bể thay vì bở. Lời rao sái âm chuẩn là một chiêu thức của nghệ thuật marketing, nhằm tạo sự chú ý. Như lời rao trên ti vi đến với hàng triệu người, có khi khá nghịch tai, ngứa mắt, phản cảm, nhưng nó ghim vào trí nhớ. Câu slogan hay, hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm độc đáo, là cuộc cạnh tranh, cuộc chiến thực sự của các thương hiệu. Nhà sản xuất nào ngày nay cũng hiểu marketing là chiến dịch sống còn. Mấy chục năm qua, giới làm marketing đều am tường những đúc kết kinh điển từ cuốn sách “Định vị, cuộc chiến trong tâm trí” của hai tác giả Al Ries và Jack Trout. Lời rao trong thương trường bây giờ hơn nhau ở khả năng “định vị”. Nhưng không có gì bất biến. Rồi sẽ có những đúc kết khác, những tiếp biến khác: con người vốn đồng bóng và luôn là sản phẩm của trào lưu, của sự phát triển do mình tạo ra.

Nó vô cảm phải không? Thoạt nghe là vậy. Nhưng không hẳn. “Miệt mài” lời rao máy, loa to loa nhỏ, hăm hở kích thích mời chào hay thiệt thà rụt rè một thông tin, cũng đều có sự giống nhau không thể che đậy được: cái chật vật mưu sinh buổi chợ đông. Người bán hàng hẳn cũng chưa chắc thu nhập khá hơn cái xe đạp kẹo kéo, cà rem một thuở. Và người mua cũng chẳng dư dả gì, tạng “liệu cơm gắp mắm”. Vì hàng đa phần loại gia công, chất liệu thấp, hoặc nông sản vào mùa, giá rẻ là chính. Dễ mua, mấy chục ngàn đã có cái áo mới, bộ đồ, đôi dép mới cho con trẻ, người lớn; mươi ngàn có ký trái cây miền khác, củ quả… Tiền nào của nấy thôi, nhìn tận mắt, sờ tận tay nhưng giá rẻ thì chất lượng cũng vậy vậy, mấy tháng sau xài hư, cũ, lại có hàng mới, khác, rao bán trước chợ. Thời hàng hóa nhiều, thượng vàng hạ cám, những người phụ nữ của gia đình có nhiều lựa chọn, nghèo cũng đỡ thương tổn khi vẫn mua được cho chồng, con cái áo mới, đôi dép mới.

Chao chát, lộn xộn đến bát nháo âm thanh rao máy buổi chợ đông bây giờ, ngay lúc sôi động “trăm người bán vạn người mua” của nó, đâu phải không chứa đựng nỗi niềm “chợ chiều” xưa cũ?

Lại có “chợ” trên cái điện thoại thông minh cầm tay, bao nhiêu lời rao bán mua hàng qua mạng. Không thiếu hàng hóa gì, cả “sugar baby”, “sugar daddy”. Vô vàn shop online. Rồi những công ty vận chuyển, có shipper, có ship COD… Tiện ích tức khắc. Có địa chỉ, cơ sở kinh doanh đàng hoàng, cũng có trôi nổi, lừa đảo hên xui… Lời rao trên “thế giới ảo” này còn kèm “người rao” phải “bắt mắt” mới thu hút. Nhiều người nổi tiếng cũng kiêm nghề rao thuê, rồi bao nhiêu sự “hố hàng” vì tiền, vì “hâm mộ”, cay cú, phẫn nộ, xin lỗi…, đủ cả.

3.

Sản phẩm văn chương, nghệ thuật cũng là hàng hóa, cũng cần lời rao, cần chiến dịch quảng bá. Có “lời rao” từ bìa sách bắt mắt, khêu gợi. Từ lời chú trên bìa: “Sách best seller”, rồi “Best seller mọi thời đại”, giải thưởng này nọ… Từ các tạng lobby trên báo, trên mạng của nhà sách muốn đắt hàng, nhà sản xuất muốn đầu tư sinh lãi; nhà phê bình, điểm sách nói quá lên, tâng bốc nhau vô tội vạ; hoặc nhấn nhá kiểu “phim có kỹ thuật quay one shot” độc lạ, bất kể kỹ thuật này hiệu quả tới đâu… Nói chung, sản phẩm văn hóa nhưng cách bán hàng câu khách thì chẳng khác mấy “Sơn Đông mãi võ”. Chất lượng thì theo đó, bạn đọc, người xem phim nếu chỉ dựa vào lời rao, sẽ có hàng xịn hàng dỏm lẫn lộn.

Cũng như mọi thứ hàng hóa khác cả thôi, chữ tín và giá trị thật sẽ quyết định, sẽ sàng lọc, ghi nhận một sản phẩm, một tên tuổi. Dần sẽ có “người tiêu dùng thông minh”, biết chọn lựa phù hợp từ bề nổi những lời rao.

Con người làm ra hàng hóa. Nhưng ở lãnh vực văn chương, nghệ thuật bây giờ, với các công cụ facebook, website…, chính con người có cơ hội thành một thứ… hàng hóa, kiểu “tự đánh bóng mình”! Không phải để “bán” hàng, mà để “sang”, để “nổi tiếng” trong xu thế a dua của các giá trị ảo. Lạ thay, chính trong “thế giới ảo”, con người lại hiện ra thật nhất!

Cũng không sao cả. Không hại gì cho văn chương nghệ thuật. Hại chăng là chính họ. Thay vì nỗ lực và bản lĩnh đi qua bao hào nhoáng ảo để vươn tới những giá trị thực của văn chương (tất nhiên chưa chắc đã đạt được), họ chỉ mãi ve vuốt mình, thán phục mình bằng niềm yêu say đắm, với các kiểu diễn trình về những cảm xúc của “cái tôi” – thực chất là bé mọn: “hàng hóa” này sẽ dần mất “thiêng” trong bạn đọc. Bởi, bản chất của sáng tạo là sự thinh lặng kỳ vĩ!

Lời rao là một phát kiến của cuộc sống, giúp xã hội phát triển. Dù biến tướng mức nào, suốt chiều dài ngàn vạn năm của nó, lời rao luôn hiện lên khá chân thật hình bóng con người…

LÊ HOÀI LƯƠNG

(Văn nghệ Bình Định số 102 tháng 10.2021)

 

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…