Thương con cá nục

(VNBĐ – Tản văn). Sáng tinh mơ, con đường trước nhà vắng hoe. Trong thời gian tránh dịch nên đám người đi bộ thể dục huyên náo cũng hạn chế ra ngoài. Thi thoảng mới nghe tiếng nổ của chiếc xe máy chở hàng ra chợ băng qua bầu không khí yên tĩnh. Tiếng rao của một chị đang đẩy chiếc xe đạp với lỉnh kỉnh đồ tạp-pí-lù làm tôi chú ý:

– Ai mua cá hông…?

Giọng chị như đánh thức mấy bà nội trợ còn ngái ngủ. Tiếng những cánh cửa sắt kéo mở nghe rổn rảng. Chỉ trong phút chốc, cái chợ chồm hổm được hình thành sát lề đường. Chị bán hàng bưng mấy rổ cá tươi roi rói đặt xuống vỉa hè cho người ta lựa. Những con cá nục bằng hai ngón tay lóng lánh ánh bạc nằm la liệt trong cái mẹt sứt vành.

Những con cá như vừa được vớt lên khỏi mặt biển, cảm giác như hai cái mang còn phập phồng. Những đôi mắt trong veo của chúng làm cho mấy chị phụ nữ tranh mua mà chả cần phải lật qua, trở lại để chọn lựa. Vợ tôi cũng ghé mua và xách về một bịch…

***

Cá nục – thứ cá bình dân nhất lại là sản vật mà đại dương ưu ái cho dải đất miền Trung này. Nó bình dị đến mức như chỉ được dành cho những người nghèo. Nó giản đơn từ cái tên “nục” của mình cho đến cách chế biến. Ở cái thời mà phương tiện đánh bắt còn thô sơ, các loại cá ngon như cá đổng, cá thu, cá mú… chỉ dành cho những người khấm khá. Chỉ có cá nục, cá ngừ, cá cơm mới là thứ hải sản quen thuộc, gắn bó với một quãng đời tuổi thơ của một lớp người như chúng tôi. Tôi ăn cá nục riết rồi đâm ghiền. Những con cá nục tươi được làm sạch, ướp qua tí muối hạt. Chỉ chờ cho nước sôi lên thả nó vào nồi rồi thêm chút lá giang và gia vị là ta có được bữa cơm ngon lành. Thịt cá nục trắng tinh chấm với chén nước mắm nguyên chất sóng sánh cùng năm ba lát ớt ngà làm cho những miếng cơm còn bốc khói đưa vào miệng không kịp nuốt.

Vị ngọt của cá, vị cay thơm của mắm quyện vào nhau tạo nên dư vị nơi đầu lưỡi. Húp chén canh chua lá giang cá nục còn nóng hổi với màng phấn trăng trắng bên trên làm mồ hôi ta cứ rịn ra. Những ngày mưa dầm dề, ngồi bên nồi cá nục kho thơm lừng mùi tiêu cay, nồi cơm vơi sạch bách lúc nào không hay.

Những khi chán cơm, cá nục được hấp lên rồi tách lấy hai miếng thịt hai bên cuốn với bánh tráng, rau sống chấm cùng nước mắm ớt tỏi làm cho dạ dày và miệng cứ như đối nghịch nhau. Những lúc trúng mùa cá nục, má tôi mua cả thúng để cho bà tôi muối mắm đầy cả cái tỉn bằng sành. Những ngày mùa đông không có thức ăn, bà tôi gắp lấy mấy con mắm cá nục vừa chín tới, thịt còn đỏ au bỏ vào chảo dầu kho quẹt cùng với ít thịt mỡ và tiêu, ớt. Đám cháu tranh nhau quẹt ăn cùng với mấy miếng cơm cháy sém dưới đáy nồi mà miệng thì cứ hít hà còn nước mắt thì chảy vì cay. Với những ai thích mặn miệng, những con cá nục tươi được ướp sơ bằng muối hạt, chờ cho thấm muối cứng vừa, đem chiên giòn chấm với muối ớt xanh và ăn với cơm nóng thì cứ phải gọi là… “ngậm nghe”. Có thời gian hơn, như những ngày giãn cách chống dịch này, cá nục đem sốt cà chua, chan nước vào cơm thấy cũng ngon như cá hộp.

Hôm rồi được anh bạn học thời phổ thông chiêu đãi ở một nhà hàng sang trọng. Tôi rất ngạc nhiên khi anh gọi một tô cá nục kho mẳn sau khi đã thưởng thức nhiều đặc sản. Anh tâm sự:

– Bọn mình là dân gốc rạ nên giờ dù sống ở đâu, ăn gì thì cũng nhớ tới những món nghèo ngày xưa ông à. Tôi vẫn thường bảo vợ mua cá nục vì thích cái hương vị như thấm vào mình từ bao nhiêu năm rồi.

Nhìn thằng bạn chan thứ nước cá mằn mặn húp sột soạt, bỗng dưng trong tôi trào dâng một thứ cảm xúc khó tả. Hóa ra dù giàu có, sang trọng, sống ở thị thành nhưng cái chất quê của nó vẫn còn giữ mãi. Nghe cái giọng nói bao nhiêu năm không đổi của nó là biết rồi. Có đứa học trò xa quê đã hai mươi năm, mỗi khi trời mưa lại điện về hối mẹ mua cho cá nục bỏ thùng xốp gởi vô ăn dần vì nhớ… không chịu nổi.

Hình như con cá nục nó biết thương người nghèo nên giá của nó bao năm vẫn cứ rẻ rề. Có hôm tôi thấy bà cụ già đặt gánh rau chưa bán hết đứng chờ cho vơi người mua cá để cuối cùng chọn những con còn lại với giá rẻ hơn. Bà rút ra trong túi vài tờ tiền lẻ đếm qua đếm lại rồi chỉ dám dè dặt chọn đôi ba con “cá nhà nghèo” bỏ bịch.

Ngày nay sự phát triển của những đoàn tàu đánh bắt xa bờ giúp con người ta dù nghèo cũng được thưởng thức được nhiều loại sản vật của biển cả hơn. Sao trong tôi cứ thấy thương con cá nục. Nó đã vì người nghèo mà sinh con đàn cháu đống để cho họ luôn có cơ hội được ăn cá.

BÙI DUY PHONG

(Văn nghệ Bình Định số 100 tháng 8.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tiếng sáo của người bán rắn

Người Đồng Dưa quen gọi tên ông Nhót bởi cái chân dị tật phải đi cà nhót. Cái lai quần xơ tướp quanh năm. Gương mặt hốc hác hằn những vết cắt thời gian lúc nào cũng trầm ngâm…

Cánh chim bằng trên đỉnh nhân văn

Đêm cuối cùng Ông ở lại với Quy Nhơn
Đông đảo bà con anh em đến cùng trò chuyện
Hương thơm ngát cả vùng trời vùng biển
Hoa trăm loài hương tỏa từ trái tim

Nỗi đau Yagi

Đồng bào tôi đang gánh chịu nỗi đau
Bão Yagi đã mang đi tất cả
Nhà cửa tan hoang, bão dông tàn phá
Vợ mất chồng, con mất mẹ, thương tâm!

Thăm quê hương Tây Sơn tam kiệt

Tiếng trống trận hành quân rộn rã hào hùng
Trầm bổng núi sông vọng vang rừng núi
Như vẫn đâu đây những đoàn quân lấm bụi
Chân đất, mũ rơm, gươm nhọn, giáo dài