Thời khắc đã định

(VNBĐ – Văn học nước ngoài). Nhà quý tộc Lotarno chậm rãi đứng dậy và ném một cái nhìn hiểm ác về phía người tù trước mặt mình.

“Ngươi đã nghe lời buộc tội mình rồi đấy”, ông nói. “Ngươi có gì để biện hộ không?”.

Kẻ cướp bị bắt giữ cười to.

“Giờ không còn là lúc nói chuyện nữa rồi”, hắn cười. “Đây hẳn là một vở hài kịch hay ho hoặc một phiên tòa công bằng. Tôi đã giết em trai ngài, và ngài sẽ giết tôi. Ngài đã chứng minh tôi là kẻ giết người và kẻ cướp; tôi có thể chứng minh được y chang như vậy nếu ngài bị trói chân tay trong lều của tôi như tôi bị trói trong lâu đài của ngài đây. Khi một con sói sa cơ, những con sói khác xé xác nó. Tôi đã sa cơ, và ngài sẽ cho chặt đầu tôi hoặc phân thây tôi trong khoảnh sân nhỏ nhà ngài, bất kì điều gì làm ngài hài lòng nhất. Đó là số phận của chiến tranh, và tôi không phàn nàn gì đâu. Khi tôi nói rằng mình rất tiếc vì đã giết em trai ngài, ý tôi là chỉ thấy tiếc khi ngài không phải là người đứng ở vị trí ông ta khi súng nổ. Hãy tuyên án đi. Tôi đã sẵn sàng rồi”.

Có một khoảng lặng sau khi tên cướp đã ngừng nói. Rồi nhà quý tộc nói khẽ nhưng giọng ông ta lại vang vọng đến từ ngóc ngách của gian xử án.

“Bản án của ngươi đó là vào ngày 15 tháng 1 ngươi sẽ bị đưa tới phòng hành hình lúc bốn giờ sáng và bị chém đầu ở đó”.

Nhà quý tộc lưỡng lự một chút khi kết thúc lời tuyên án và dường như định nói thêm gì nữa, nhưng hình như ông ta nhớ rằng biên bản của vụ xử sẽ được trình cho đức vua với đại diện đang có mặt ở đây, và ông ta đặc biệt muốn rằng không thứ gì được ghi vào hồ sơ thứ có mang hơi hướng hiểm độc xưa cũ, bởi ai cũng biết rằng nhà vua đặc biệt ghét các hình thức tra tấn cổ xưa vẫn tồn tại trong vương quốc của mình. Nhớ lại điều này, nhà quý tộc ngồi xuống.

Tên cướp lại cười to. Bản án của hắn rõ ràng chẳng mấy khủng khiếp như hắn vẫn mong đợi. Hắn đã sống cả đời trên núi và không có cách nào biết được rằng những cách xử trí khoan dung hơn đã được đưa vào chính sách của chính quyền.

“Tôi sẽ giữ đúng hẹn”, hắn nói vẻ thong dong, “trừ khi tôi có một cuộc hẹn nào cấp bách hơn”.

Tên cướp bị dẫn về buồng giam. “Ta hi vọng”, nhà quý tộc nói, “là ông chú ý đến thái độ thách thức của tên tù nhân”.

“Tôi không quên đâu thưa ngài”, ông đại sứ nói.

“Ta nghĩ”, nhà quý tộc nói, “là trong hoàn cảnh này, hình phạt cho hắn đã cực kì khoan dung rồi”.

“Thưa ngài, tôi dám chắc là đức vua sẽ có cùng quan điểm như vậy”. Vị đại sứ nói. “Bởi với một kẻ vô lại như thế thì chém đầu là cái chết quá dễ dàng rồi”.

Nhà quý tộc hài lòng khi biết quan điểm của vị đại sứ hoàn toàn giống mình.

Tên cướp Toza bị dẫn tới một buồng giam trong tháp phía Bắc nơi mà bằng việc trèo lên một chiếc ghế băng ông ta có thể nhìn thấy vùng thung lũng sâu thẳm từ cái hõm lâu đài đang nằm. Ông ta biết rõ vị trí không thể đánh chiếm được của nó án ngữ lối vào thung lũng. Ông ta cũng biết rằng nếu trốn thoát được khỏi lâu đài thì sẽ bị núi non bao vây mà trên thực tế là không thể trèo qua trong khi cái hẻm núi lại bị canh phòng nghiêm ngặt tới mức không thể nào ra được thế giới bên ngoài qua cửa ngõ đó được. Dù ông ta biết rõ vùng núi này nhưng cũng nhận ra rằng, vì nhóm người của mình đã tan tác, nhiều người bị giết, số còn lại bỏ trốn thì nhiều khả năng ông ta sẽ đói tới chết trong thung lũng chứ không thoát ra khỏi đó. Ông ta ngồi trên băng ghế suy xét tình hình. Vì sao tên quý tộc lại khoan dung đến thế? Ông ta cứ nghĩ mình sẽ bị tra tấn trong khi lại sắp được chết theo cái cách dễ chịu nhất trên đời. Có lẽ họ định để ông ta chết đói vì giờ cái vẻ ngoài của một phiên xử công bằng đã hết rồi. Mọi chuyện có thể kết thúc trong địa lao của một tòa lâu đài mà thế giới bên ngoài chẳng biết được gì. Nỗi sợ bị đói của ông ta nhanh chóng chấm dứt bởi sự xuất hiện viên cai ngục cùng với một bữa ăn còn ngon hơn cả thứ ông ta đã ăn cách đây ít lâu, bởi trong tuần vừa rồi ông ta đã lang thang trốn chạy trong vùng núi này tới khi bị người của nhà quý tộc bắt được.

“Ngươi tên gì?”, Toza hỏi viên cai ngục.

“Tôi tên Paulo”.

“Ngươi có biết là ta sẽ bị chém đầu vào ngày 15 tháng này không?”.

“Tôi có nghe chuyện đó”, người đàn ông đáp.

“Có phải ngươi sẽ trông nom ta tới lúc đó không?”.

“Tôi trông nom ông khi được lệnh. Nếu ông nói nhiều có thể tôi sẽ bị thay bằng người khác”.

“Thế thì đó là một lời khuyên giữ im lặng, Paulo giỏi lắm”, tên cướp nói. “Ta luôn đối xử tử tế với ai phục vụ ta tử tế. Do đó ta thấy tiếc vì không mang theo tiền bên mình và bởi vậy không thể thưởng cho ngươi vì phục vụ chu đáo”.

“Cái đó không cần thiết”, Paulo đáp. “Tôi nhận tiền thưởng từ quản lí của mình”.

“Chà, nhưng tiền thưởng từ quản lí và từ một tên cầm đầu băng cướp là hai thứ rất khác nhau. Có phải ở địa vị của ngươi nhận được nhiều tiền diêm thuốc tới mức giàu có không Paulo?”.

“Không, tôi nghèo lắm”.

“Chà, vậy thì ta có thể làm cho ngươi giàu đấy”.

Mắt Paulo lấp lánh, nhưng anh ta không trả lời ngay. Cuối cùng anh ta nói, giọng thì thầm hoảng sợ, “Tôi nán lại quá lâu rồi, tôi bị theo dõi. Lát nữa thôi người ta sẽ nới lỏng cảnh giác rồi chúng ta có thể nói về chuyện giàu có”.

Nói xong viên cai ngục rời đi. Tướng cướp cười nhẹ.

Tướng cướp định rằng nếu Paulo giúp mình trốn thoát được thì ông ta sẽ cho hắn ít vàng bạc giấu trong núi.

“Một khi ra được khỏi lâu đài, ta có thể tìm được đường ra khỏi thung lũng ngay”, tướng cướp nói.

“Tôi không chắc vậy đây”, Paulo đáp. “Lâu đài được canh phòng cẩn mật và khi người ta phát hiện ra ông đã trốn thoát thì chuông báo động sẽ rung lên, và sau đó đến một con chuột cũng không thể thoát khỏi thung lũng mà không bị đám lính biết”.

Tướng cướp cân nhắc tình thế một lúc và cuối cùng nói, “Ta biết rõ vùng núi này”.

“Phải”, Paulo nói, “nhưng ông chỉ có một người còn lính của nhà quý tộc thì nhiều. Có lẽ”, anh ta nói thêm, “nếu làm thế bõ công tôi thì tôi có thể cho ông thấy là tôi biết rõ vùng núi này thậm chí còn hơn ông nữa kìa”.

“Ý ngươi là sao?”, tướng cướp hỏi, giọng thì thầm phấn khích.

“Ông có biết đường hầm không?”, Paulo vừa hỏi vừa lo âu liếc nhìn ra cửa.

“Đường hầm gì? Ta chưa bao giờ nghe nói có cái nào hết”.

“Nhưng nó có đấy. Một đường hầm xuyên qua núi dẫn ra thế giới bên ngoài”.

“Một đường hầm xuyên qua núi ư? Vô lí!”, tướng cướp kêu lên. “Nếu có thì ta đã biết rồi. Công trình đó hẳn sẽ quá lớn không làm cho xong được đâu”.

“Nó được làm cách đây rất lâu rồi. Nếu lâu đài mà sụp đổ thì người bên trong có thể thoát ra ngoài qua đường hầm. Có ít người biết được lối vào lắm; nó ở gần thác nước đằng thung lũng và được cây bụi che phủ. Ông sẽ cho tôi cái gì nếu tôi đưa ông ra tới lối vào đường hầm đó?”.

Tướng cướp lạnh lùng nhìn Paulo một lát, rồi ông ta chậm rãi trả lời, “Mọi thứ ta có”.

“Và đó là bao nhiêu?”, Paulo hỏi.

“Nó nhiều hơn số ngươi sẽ kiếm được bằng việc phục vụ tên quý tộc đó cả đời”.

“Ông sẽ cho tôi biết nó ở đâu trước khi tôi giúp ông trốn thoát khỏi lâu đài và dẫn tới đường hầm chứ?”.

“Được”, Toza nói.

“Giờ ông sẽ cho tôi biết chứ?”.

“Không đâu. Mai mang cho ta một tờ giấy và ta sẽ vẽ bản đồ chỉ người cách lấy được nó”.

Khi viên cai ngục xuất hiện sau cái ngày Toza trao bản đồ, tướng cướp hăm hở hỏi, “Ngươi tìm thấy kho báu chưa?”.

“Rồi” Paulo kín đáo nói.

“Thế ngươi sẽ giữ lời chứ? Ngươi sẽ đưa ta ra khỏi lâu đài chứ?”.

“Tôi sẽ đưa ông ra khỏi lâu đài và dẫn ông tới lối vào đường hầm, nhưng sau đó ông phải cẩn thận”.

“Chắc chắn rồi”, Toza nói, “đó là thỏa thuận. Một khi ra khỏi cái thung lũng đáng nguyền rủa này rồi ta có thể thách thức toàn bộ quý tộc ở Christendom. Ngươi có dây thừng không?”.

“Chúng ta sẽ không cần tới nó đâu” viên cai ngục nói. “Nửa đêm tôi sẽ tới và đưa ông ra bằng lối đi bí mật; rồi tới sáng việc ông đào tẩu mới bị để ý”.

Nửa đêm viên cai ngục tới và dẫn Toza qua nhiều lối đi quanh co, hai người thỉnh thoảng dừng lại nín thở đầy lo lắng lúc họ tới được một khoảng sân lộ thiên có một tên lính canh đi qua đi lại. Cuối cùng họ ra được bên ngoài lâu đài vào lúc một giờ sáng.

Tướng cướp hít một hơi thật dài nhẹ nhõm khi ông ta lại một lần nữa được ra ngoài không gian tự do.

“Đường hầm của ngươi đâu?”, ông ta hỏi, giọng thì thầm vẻ hơi ngờ vực người dẫn đường.

“Suỵt!”, câu trả lời vang lên khe khẽ. “Nó chỉ cách lâu đài một đoạn ngắn thôi, nhưng từng tấc đất đều được canh phòng và chúng ta không thể đi thẳng được. Phải đi về phía bên kia thung lũng rồi đi tới đó từ phía Bắc”.

“Cái gì!”, Toza kêu lên sửng sốt. “Đi hết cả thung lũng để tới được một cái đường hầm cách đây có mấy thước hả?”.

“Đó là cách an toàn duy nhất”, Paulo nói. “Nếu ông muốn đi đường thẳng thì tôi phải để ông tự làm thôi”.

“Ta nằm trong tay ngươi rồi”, tướng cướp nói với một hơi thở dài. “Cứ dẫn ta tới chỗ nào ngươi muốn, miễn là ngươi đưa ta tới lối vào đường hầm thôi”.

Họ đi xuống và băng qua con sông nhỏ chảy cuồn cuộn bằng mấy hòn đá kê bước. Toza ngã xuống nước một lần nhưng được người dẫn đường của mình cứu. Vẫn không có tiếng báo động nào từ lâu đài khi ánh ngày hé dạng. Lúc trời sáng rõ hơn cả hai bò vào một cái hang có một khe hở ở dưới thấp mà phải khó khăn lắm mới tìm ra, và ở đó Paulo cho tướng cướp ăn sáng, thứ anh ta lấy ra từ một cái túi nhỏ đeo trên vai bằng một cái quai.

“Chúng ta sẽ kiếm thức ăn ở đâu ra nếu phải mấy ngày nữa mới tới được đường hầm?”, Toza hỏi.

“Chà, tôi đã thu xếp rồi, một lượng thức ăn đã được đặt ở nơi chúng ta có khả năng muốn ăn nhất. Tôi sẽ lấy nó khi ông ngủ”.

“Nhưng nếu ngươi bị bắt thì ta làm sao đây?”, Toza hỏi. “Ngươi không thể cho ta biết cách tìm ra đường hầm trong khi ta đã chỉ ngươi đường tìm ra kho báu sao?”.

Paulo trầm tư về chuyện này một lúc rồi nói, “Đúng vậy. Tôi nghĩ đó sẽ là cách an toàn hơn. Ông phải men theo dòng sông tới đi đến được chỗ dòng nước xiết từ hướng Đông nhập vào nó. Giữa các ngọn đồi có một thác nước và trên lưng chừng một vách đá có mớ cành cây bụi. Dọn sạch chúng đi thì ông sẽ tìm thấy lối vào đường hầm. Đi qua đường hầm tới khi đến được một cánh cửa được cài chốt phía bên này. Lúc đi qua rồi ông sẽ thấy nơi kết thúc cuộc hành trình của mình”.

Minh họa: Lê Duy Khanh

Ngay sau khi trời sáng, quả chuông lớn của lâu đài bắt đầu rung lên và trước khi trời trưa, quân lính sục sạo khắp các bụi cây quanh họ. Chúng đến gần tới mức hai người có thể nghe thấy giọng chúng từ chỗ nấp nơi họ nằm trong bộ đồ ướt, nín thở mong chờ đến lúc bị bắt từng khắc một.

Cuộc đối thoại của hai tên lính ở gần họ nhất gần như khiến cho tim họ đến ngừng đập. Cuộc tìm kiếm bị bỏ dở ngay lúc chúng đã gần đến chỗ những kẻ chạy trốn. Dù gan dạ như tướng cướp thì cũng tái nhợt còn Paulo thì cũng sắp xỉu đi rồi.

Trong những ngày đêm sau đó, hai người gần như rơi vào tay đám tay sai của nhà quý tộc. Dãi gió dầm sương, thiếu thốn đủ bề, gần như thiếu ăn, và tệ hơn cả là sự quằn quại đan xen giữa hi vọng và nỗi sợ hãi, chúng bắt đầu có tác động lên cơ thể vạm vỡ của tướng cướp. Những ngày đêm mùa đông mưa gió lạnh lẽo càng khiến họ thêm khổ sở. Họ không dám tìm chỗ trú vì mọi chỗ có thể ở được đều bị theo dõi.

Khi ánh ngày đến với họ sau cái đêm cuối cùng lê bước qua thung lũng, họ chỉ còn một đoạn ngắn nữa là đến thác nước mà tiếng gầm của nó lúc nào đến với họ thật dịu dàng.

“Đừng bận tâm tới ánh sáng ban ngày”, Toza nói, “cứ đi tiếp tới đường hầm thôi”.

“Tôi không đi thêm được nữa”, Paulo rên rỉ, “tôi kiệt sức rồi”.

“Bậy bạ”, Toza la lên, “chỉ còn một đoạn ngắn nữa thôi”.

“Quãng đường xa hơn ông nghĩ đấy. Hơn nữa giờ từ lâu đài là nhìn thấy chúng ta rồi. Ông sẽ mạo hiểm mọi thứ lúc này khi trò chơi đã gần thắng sao? Ông không được quên rằng tiền đặt cược là cái đầu ông, và nhớ hôm nay là ngày mấy đi”.

“Hôm nay là ngày mấy?”, tướng cướp hỏi và quay sang người dẫn đường.

“Ngày 15 tháng 1, ngày ông được định đoạt bị xử chém”.

Toza thở vật vã. Ông ta đã trở nên hèn nhát, lúc này ông rùng mình, điều ông đã không làm lúc đang bị xét xử và kết tội chết.

“Làm sao ngươi biết hôm nay là ngày 15?”, cuối cùng ông ta hỏi.

Paulo giơ gậy lên, nó được đánh dấu theo phương pháp của Robinson Crusoe.

“Tôi không được khỏe mạnh như ông, và nếu ông để tôi nghỉ ở đây tới chiều, tôi sẵn sàng dốc toàn lực và cố gắng đi tới được lối vào đường hầm”.

“Tốt lắm”, Toza nói ngắn gọn.

Buổi sáng đó họ nằm nhưng không ai ngủ được.

“Ngươi đã làm gì với số vàng tìm thấy trong núi rồi?”, đột nhiên Toza hỏi.

Paulo bị hỏi đột ngột nên trả lời mà không nghĩ, “Tôi để nó lại đó. Tôi sẽ lấy nó sau”.

Tướng cướp không nói gì hết, nhưng lời nói đó kết án Paulo phải chết. Toza quyết tâm sẽ giết anh ta ngay khi họ đã an toàn ra khỏi đường hầm và tự mình đi lấy vàng.

Họ rời chỗ nấp không lâu sau giờ Ngọ, nhưng vì phải trèo lên sườn dốc nên họ đi chậm tới mức phải hơn ba giờ mới tới được thác nước, nơi họ hết sức cẩn đi qua trên mấy hòn đá và súc gỗ.

“Kia rồi”, Toza vừa nói vừa rùng mình, “đó là lần cuối cùng chúng ta bị ướt. Giờ tới đường hầm thôi!”.

Paulo bò tiếp tới khi đến được một cái thềm khoảng giữa thác nước; anh ta vạt bụi rậm, bụi gai và gỗ súc qua một bên, nó liền để lộ ra một cái hố đủ lớn để một người chui vào.

“Ông đi trước,” Paulo nói và đứng qua một bên.

“Không”, Toza đáp, “ngươi biết đường nên phải đi trước. Ngươi không thể nghĩ là ta muốn hại ngươi được – ta hoàn toàn không có vũ khí mà”.

“Tuy thế tôi cũng sẽ không đi trước đâu”, Paulo nói. “Tôi không thích cái cách ông nhìn tôi khi tôi bảo vàng vẫn ở trong núi. Tôi thừa nhận là tôi không tin ông”.

“Tốt thôi”, Toza cười lớn. Và ông ta bò vào cái hố trong đá, Paulo theo sau.

Không lâu sau đó đường hầm mở rộng ra nên người ta có thể đứng thẳng lên mà đi.

“Dừng lại!”, Paulo nói. “Ở đây có một cái cửa này”.

“Phải rồi”, tướng cướp nói, “ta nhớ ngươi có nói tới một cái cửa. Nhưng nó để làm gì, và tại sao nó lại khóa chứ?”.

“Nó được chốt lại bên này”, Paulo đáp, “mở nó ra không khó đâu”.

Cái chốt dễ dàng được rút ra, và cánh cửa bật mở. Lát sau tướng cướp đã đột ngột bị đẩy vào một căn phòng và ông ta nghe tiếng cái chốt được đẩy lại về chỗ của mình gần như cùng lúc với tiếng đóng cửa. Mắt ông ta bị lóa bởi ánh sáng trong chốc lát. Ông ta đang ở trong một căn phòng sáng ánh đuốc do một tá người đứng xung quanh cầm.

Ở giữa căn phòng có một khối gì đó bọc vải đen và cạnh nó là một tên đao phủ đeo mặt nạ đứng chống mũi rìu sáng bóng trên khối phủ vải đen, bàn tay hắn ta bắt chéo trên đầu cán rìu.

Nhà quý tộc đứng đó, và vây quanh là cấp dưới của mình. Phía trên đầu ông ta có một cái đồng hồ với kim đồng hồ đang chỉ vào thời khắc bốn giờ.

“Ngươi tới vừa kịp lúc đấy!”, nhà quý tộc nói dứt khoát. “Bọn ta đang đợi ngươi!”.

Robert Barr sinh năm 1849 tại Barony Glasgow, Scotland. Ông trở thành nhà văn viết truyện ngắn và tiểu thuyết sau khi đã trải qua nghề dạy học và viết báo. Đa số tác phẩm của ông thuộc thể loại tội phạm mà thời đó khá thịnh hành. Ông mất năm 1912 tại Woldingham, một ngôi làng nhỏ phía Đông Nam London.

 

ROBERT BARR
TRƯƠNG THỊ MAI HƯƠNG dịch.
Nguồn: online – literature.com

(Văn nghệ Bình Định số 110+111 tháng 6+7.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tiếng sáo của người bán rắn

Người Đồng Dưa quen gọi tên ông Nhót bởi cái chân dị tật phải đi cà nhót. Cái lai quần xơ tướp quanh năm. Gương mặt hốc hác hằn những vết cắt thời gian lúc nào cũng trầm ngâm…

Cánh chim bằng trên đỉnh nhân văn

Đêm cuối cùng Ông ở lại với Quy Nhơn
Đông đảo bà con anh em đến cùng trò chuyện
Hương thơm ngát cả vùng trời vùng biển
Hoa trăm loài hương tỏa từ trái tim

Nỗi đau Yagi

Đồng bào tôi đang gánh chịu nỗi đau
Bão Yagi đã mang đi tất cả
Nhà cửa tan hoang, bão dông tàn phá
Vợ mất chồng, con mất mẹ, thương tâm!

Thăm quê hương Tây Sơn tam kiệt

Tiếng trống trận hành quân rộn rã hào hùng
Trầm bổng núi sông vọng vang rừng núi
Như vẫn đâu đây những đoàn quân lấm bụi
Chân đất, mũ rơm, gươm nhọn, giáo dài