(VNBĐ – Ghi chép). Họ, mỗi người một việc, nhưng chung niềm yêu thích tìm hiểu văn hóa, lần tìm dấu tích người xưa. Họ cất công điền dã về những vùng đất, tìm tòi những di chỉ, di văn của thế hệ trước, triều đại trước; tìm hiểu sâu di sản của nhiều địa phương và ban đầu đã có những kết quả đáng ghi nhận.
1.
Bình Định là vùng đất còn nhiều bí ẩn, dẫu trăm năm, ngàn năm đi qua, bao cuộc “khai quật” cất công kiếm tìm của các nhà nghiên cứu lưu dấu vào sử sách, tài liệu lưu trữ, nhưng còn nhiều điều vẫn còn lẩn khuất đâu đó sau lớp bụi mờ thời gian. Người giảng dạy trong trường đại học; người làm công tác văn hóa, thư viện; người làm việc ở Trung tâm lưu trữ lịch sử; người là nhiếp ảnh gia đi săn tìm những dấu xưa một thuở; người là nhà báo; người làm công tác du lịch… Cơ duyên kết nối họ với nhau, để những bước chân nhiệt thành dò tìm những giá trị văn hóa, lịch sử đang đứng trước nguy cơ mai một, biến mất. Qua những cuộc cất công điền dã, họ hệ thống, lưu giữ lại những giá trị cổ xưa đáng quý, những phát hiện mới từ di sản cha ông.
Anh Lâm Trường Định, Giám đốc Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh cho hay: “Một trong những nội dung hằng năm của Trung tâm lưu trữ Bình Định là đi sưu tầm, thu thập tài liệu quý hiếm từ các cá nhân, gia đình, dòng tộc. Trung tâm là đầu mối tập hợp những người có chung đam mê nghiên cứu văn hóa Hán Nôm, khảo cứu di sản văn hóa nên chúng tôi đã thành lập nhóm Di sản văn hóa Bình Định, từ đó kết nối, tổ chức nhiều chuyến điền dã về các địa phương và đã thu thập nhiều điều thú vị”. Theo anh Định, từ tháng 9.2023 đến nay, nhóm đã tiến hành gần chục chuyến đi về các huyện, thị trong tỉnh như Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, An Nhơn… Từ mỗi hành trình, mỗi thành viên đều gom nhặt nhiều kết quả đáng mong đợi.
Anh Phan Tấn Hải, một nghệ sĩ nhiếp ảnh tự do, có niềm đam mê sưu tầm lại hình ảnh Bình Định xưa thích thú khi nhớ về những cuộc khám phá mà anh tham gia. Anh chia sẻ về quyết tâm làm bộ ảnh “Bình Định xưa và nay” để tặng mọi người yêu Quy Nhơn, yêu Bình Định. Cho đến hiện tại, anh đã sưu tầm được hơn 4.000 ảnh về Bình Định xưa. “Tôi đang kết nối nhiều kênh để tiếp cận, thu thập thêm các ảnh về đất và người xứ Nẫu. Và một cơ duyên được tham gia đi điền dã cùng với nhiều nhà nghiên cứu, những người làm công tác văn hóa đã giúp tôi tiếp cận thêm nhiều địa chỉ còn lưu đậm nét xưa. Như chuyến đi về thôn Nam Tượng ở Nhơn Tân, An Nhơn; Vạn Lợi ở Đề Gi (Phù Cát) đã giúp tôi không những bổ sung nhiều hình ảnh về Bình Định mà còn hiểu thêm nhiều điều về văn hóa địa phương qua sự hỗ trợ của các thành viên trong đoàn”, anh tâm sự.
Làm việc trong ngành du lịch, nên những chuyến thực địa, tìm hiểu thêm cái mới để lại nhiều xúc cảm với anh Nguyễn Văn Hòa. Anh bày tỏ: “Tôi tham gia đi cùng đoàn vào cuối tháng 4.2024 qua Nhơn Thành (An Nhơn), Cát Tường (Phù Cát), Phước Quang (Tuy Phước). Qua chuyến đi, tôi được biết nhiều hơn, mục sở thị nhiều hơn những nét đẹp cảnh quan, kết nối thêm nhiều người rành rẽ về lịch sử, văn hóa, bổ trợ nhiều điều thú vị, có thêm “vốn liếng” giới thiệu cho du khách và bạn bè xa gần về những độc đáo của đất và người Bình Định”.
2.
Mỗi chuyến đi, lưu dấu nhiều khám phá. Có khi là sự bắt gặp một ngôi nhà lá mái tồn tại hàng trăm năm vẫn vẹn nguyên lối kiến trúc ban đầu, chưa bị thời gian và nhịp sống hiện đại phá vỡ; có khi là một phát hiện về đình làng, mộ cổ nằm lặng lẽ theo nắng mưa, rêu phong theo năm tháng; có khi là những chữ viết của triều đại trước như còn hằn in lên một thuở trăm năm…
Các thành viên nhắc nhớ nhiều về chuyến thực địa khi về xã Nhơn Phúc, TX. An Nhơn cuối năm 2023. Ở đây, nhóm nghiên cứu đã phát hiện tại chùa An Hòa (còn gọi là chùa Bà, Thiên Hậu từ, An Hòa hội quán) ở thôn An Thái còn lưu giữ nhiều sắc phong quý của các vua triều Nguyễn. Trong chuyến đi này, đoàn tìm thấy 7 đạo sắc phong tặng mỹ hiệu cho các vị thần như: Thiên phi thượng đẳng thần (Thiên hậu thánh mẫu), Tam vị thánh tượng tôn thần, Thôi sinh nương nương chi thần, Đô thiên trấn quốc hiển ứng sùng phúc đại nãi phù nhân chi thần, Bảo sản thuận ý nương nương chi thần… được các vua triều Nguyễn ban sắc phong thần và chiếu dụ cho Nhân dân An Hòa trang, phố An Thái, xã Minh Hương xưa thuộc huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định tiếp tục phụng thờ các vị thần đó theo lệ cũ. Thông hiểu Hán Nôm, nên các thành viên trong đoàn như TS. Võ Minh Hải – Phó Trưởng khoa Khoa học – Xã hội và Nhân văn, kiêm Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản (Trường ĐH Quy Nhơn), nhà nghiên cứu Hoàng Bình – cán bộ Thư viện tỉnh Bình Định đã bước đầu dịch nghĩa các sắc phong. Anh Hoàng Bình chia sẻ với chúng tôi 7 bản dịch sắc phong mà nhóm đã thu thập được. Xin trích lại nguyên văn một bản dịch sắc phong của nhà nghiên cứu Hoàng Bình về Thôi sinh nương nương:
Sắc Bình Định tỉnh An Nhơn phủ An Hòa trang phụng sự: Thôi sinh nương nương chi thần, nẫm trứ linh ứng tứ kim phi thừa.
Trẫm mệnh diến niệm thần hưu, trứ phong vi: Dực Bảo Trung Hưng, Linh Phù chi thần chuẩn kỳ phụng sự, thứ ki thần kỳ tương hữu bảo ngã lê dân. Khâm tai.
Khải Định nhị niên tam nguyệt, thập bát nhật.
Dịch:
Sắc cho trang An Hòa, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định phụng thờ thần Thôi sinh nương nương. Trước nay thần giúp cho nước bảo trợ cho dân đã tỏ rõ linh ứng.
Nay trẫm kế thừa mệnh sáng, nhớ tới ơn lớn của thần, nên phong là: Dực Bảo Trung Hưng, Linh Phù chi thần chuẩn cho thờ phụng, ngõ hầu thần bảo vệ cho lê dân của trẫm. Kính thay.
Ngày 18 tháng 3 năm 1917 (Khải Định thứ 2).
Điều đáng mừng, là các sắc phong còn được giữ nguyên vẹn, nội dung chữ Hán viết theo thể khải thư, được ban ra dưới thời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định. Theo TS. Võ Minh Hải, nội dung ghi trên sắc phong là chỉ dấu xác tín để lần tìm, giúp đoàn nghiên cứu biết được địa danh trước đó của vùng đất An Thái xưa thuộc xã Minh Hương cũ của huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định. Đến thời vua Khải Định, trang An Hòa là đơn vị hành chính trực thuộc phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Khi chúng tôi đem những phát hiện này chia sẻ với phía lãnh đạo địa phương, đã nhận được những phản hồi tích cực. Theo ông Dương Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, chính quyền địa phương đã cho dọn dẹp vệ sinh khu vực chùa An Hòa, chú tâm hơn việc giữ gìn di sản, bảo vệ các sắc phong để sau này làm các thủ tục đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Khi đề cập về bức hoành nhân vật đại thần Lâm Duy Nghĩa được nhóm thực địa tìm thấy trong chuyến đi này, nhà nghiên cứu Võ Minh Hải săm soi, rồi đọc một mạch: “Thiệu Trị ngũ niên cát nguyệt nhật. Hậu duệ binh bộ Tả tham tri, sung thị vệ đại thần Duy Nghĩa cung tạo”. Anh dịch nghĩa luôn cho chúng tôi: “Ngày lành tháng tốt năm Thiệu Trị thứ 5. Hậu duệ chức Binh bộ Tả tham tri, sung chức thị vệ đại thần, tên là Lâm Duy Nghĩa”. Bản dịch từ bức hoành như bắt một nhịp cầu để chúng tôi lần tìm về một nhân vật lịch sử. Tra tìm một số tài liệu, sách nghiên cứu lịch sử, chúng tôi thấy trong quyển Nhân vật Bình Định của nhà nghiên cứu Lộc Xuyên – Đặng Quý Địch, trang Wikipedia… có ghi chép lại về nhân vật này. Hóa ra, ông chính là Lâm Duy Hiệp (1806 – 1863), làm nhiều chức quan qua ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, trong đó có chức Thượng thư Bộ Công, Thượng thư Bộ Lễ kiêm thị vệ đại thần (1946), Hiệp tá Đại học sĩ (1948), Tổng đốc hai tỉnh Hà Nội, Ninh Bình (1853), Thượng thư Bộ Binh (1859)… Đến năm Tự Đức thứ 15, ông cùng Hiệp Biện Đại Học sĩ Phan Thanh Giản được nhà vua phái vào Gia Định thương thuyết với giặc Pháp. Khi tới Gia Định, hai ông không tranh nghị lại với người Pháp, đã ký Hòa ước 1862, đem 3 tỉnh Định, Tường, Hòa nhường cho Pháp, rồi chịu tiền bồi thường 4.000.000 lạng bạc. Do vậy, ông và chánh sứ Phan Thanh Giản đều bị vua Tự Đức khiển trách nặng nề. Cuộc đời ông nổi chìm, có khi ông và Phan Thanh Giản phải đau đớn chịu cái tiếng “Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Đến mãi về sau, chuyện ký kết Hòa ước 1862 mới được xem xét lại, ông và Phan Thanh Giản mới được soi xét, không còn bị coi là “kẻ bán nước” nữa. Không chỉ Lâm Duy Nghĩa, mà từ chuyến đi, nhiều nhân vật lịch sử ít được truyền thông, xuất hiện khá ít trong các tư liệu lưu trữ, đã được đoàn tìm thấy, từ đó cho chúng ta thêm dữ liệu để nhận ra vùng đất Bình Định xưa đã hun đúc nên bao nhân tài cho đất nước.
3.
Cái nắng hầm hập những ngày hè không làm cho các thành viên trong nhóm Di sản văn hóa Bình Định nao núng trước bao khám phá thú vị. Dù là tuyến đường dọc theo bờ biển ngắt xanh những vân sóng hay những ngõ làng nằm trầm mặc lặng lẽ theo thời gian, theo dấu di sản, họ kiếm tìm để trước hết tự cho mình những đáp án, và mong mỏi có thể góp phần nhỏ bé nào đó lưu lại di sản người xưa. Với một người tâm huyết với nghiên cứu Hán Nôm, TS. Võ Minh Hải trân quý từng chuyến đi. Anh thổ lộ: “Những chuyến đi như thế này rất cần thiết cho công tác nghiên cứu, bảo tồn văn hóa. Có những phát hiện về văn hóa người Hoa, đình làng, Hán Nôm, các sắc phong quý từ các triều đại mà chưa ai khai thác. Nếu có điều kiện để phát huy hơn hoạt động điền dã, sưu tầm, nghiên cứu này thì sẽ giúp ích rất nhiều cho vấn đề giữ gìn và bảo tồn văn hóa hiện nay”.
Trên tinh thần khảo cứu nghiêm túc, tỉ mỉ, hoạt động của nhóm đã góp phần lan tỏa việc giữ gìn và phát huy di sản, góp phần lưu lại những giá trị mang tính vững bền. Từ các chuyến đi, đoàn đã khảo cứu được nhiều tư liệu mới như các sắc phong ở chùa Bà – An Thái (xã Nhơn Phúc), Tiên Hòa (phường Nhơn Hưng) ở An Nhơn; sắc phong ở Phù Cát; khảo sát, tìm hiểu và bước đầu có những dữ liệu cho thấy vai trò của An Lương (Phù Mỹ) tương tự như cảng thị Nước Mặn nhưng quy mô nhỏ hơn; nhóm đã phát hiện những vết dấu còn lưu lại về nhân vật Lê Đức Kế ở triều Gia Long, về nhân vật Nguyễn Văn Phong – vị Thượng thư Hình Bộ của vùng đất An Nhơn… Đã có nhiều dự hướng cho hoạt động của nhóm Di sản và văn hóa Bình Định dành cho những tháng hè. Theo lịch trình của các thành viên, cuối tháng 6.2024, nhóm sẽ tổ chức thêm một chuyến điền dã về Hoài Nhơn với gần 10 thành viên đăng ký tham gia.
Anh Lâm Trường Định tâm sự: “Qua các chuyến điền dã, những tài liệu thu thập được chúng tôi tiến hành lập bản sao và số hóa để lưu trữ. Đó là nguồn tài liệu cung cấp cho các ngành các cấp phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử. Hoạt động này khá hữu ích, chúng tôi đang mở rộng thêm các kênh kết nối và lan tỏa tinh thần hoạt động của nhóm. Nhóm cũng có ý định thành lập CLB Di sản Văn hóa Bình Định, trong đó chú trọng kết nối thêm nhiều thành viên am tường, hiểu rõ về ngôn ngữ Hán Nôm”.
PHI NGUYỄN