Thất hẹn, và trận đấu không diễn ra…

(VNBĐ – Văn học thiếu nhi). Buổi trưa. Nhác thấy bóng thằng Tùng cưỡi xe đi ngang qua, Hòa ló đầu qua cửa sổ, tay dứ dứ quả bóng mới toanh:

– Nè, thấy gì không?

Hấp lực của quả bóng “lôi tuột” thằng Tùng quay ngược xe trở lại. Đưa ngón tay sờ lên lớp da mát rượi của quả bóng, thằng Tùng xuýt xoa:

– Loại bóng này tốt thiệt. Đá sướng chân phải biết.

Thằng Hòa dẩu môi:

– Chứ không à?

– Cậu kiếm đâu ra thế?

– Chú Thành mới gửi cho tớ đấy.

Nhìn quả bóng bằng ánh mắt thèm thuồng, thằng Tùng không cưỡng lại ước muốn được lướt chân trên cỏ cùng những pha “làm xiếc” khiến các đối thủ của nó phải ngỡ ngàng, thán phục. Nó là tiền đạo số một mà.

– Cậu không đi học à?

– Cậu thừa biết tớ học buổi sáng.

– Ý tớ bảo là cậu có đi học thêm không?

Thấy thằng Hòa lắc đầu, Tùng mừng rỡ:

– Chiều nay bọn mình ra sân đi. Tớ sẽ về sớm vì chỉ học có bốn tiết thôi.

– Tất nhiên rồi! Cậu đi học nhớ hẹn với bọn thằng Hải xóm Cây Me chiều nay ra sân trường bắn. Đội bóng xóm mình phải “phục thù” trận thua bọn nó hôm Chủ nhật tuần trước mới được.

– Ừ. Tớ sẽ hẹn bọn thằng Hải còn cậu có nhiệm vụ thông báo với mấy đứa ở xóm mình. Thôi, tớ đi học đây!

Buổi chiều. Bọn nhóc trong xóm tập trung đông đủ theo lệnh của thằng Hòa, nhằm hướng sân trường bắn thẳng tiến. Gọi sân trường bắn vì đây là bãi cỏ rộng nằm dưới chân núi, nơi trước đây các chú bộ đội thường diễn tập nhưng nay thì bỏ hoang. Với bọn nhóc, đây là sân bóng vô cùng lý tưởng. Cả bọn đang đi thì một đứa kêu toáng lên:

– A, hình như có một em bé đi lạc hay sao ấy!

Cả bọn quay lại. Trước mắt bọn nhóc là một em bé chừng hai, ba tuổi đang ngồi khóc trên vỉa hè. Mặt nó nhoe nhoét nước mắt, nước mũi. Thằng Tèo lém lỉnh vạnh quần em bé… xem chim rồi hét toáng lên:

– A, nó là con trai chúng mày ơi!

Cả bọn cười rộ lên. Điều này làm cho em bé càng hoảng sợ, khóc gọi “Mẹ ơi”, “Mẹ ơi”, to hơn. Thằng Hòa xua tay:

– Tụi bay im hết đi nào!

Rồi nó ôm em bé vào lòng, giọng ngọt ngào vỗ về:

– Bố mẹ em đâu?

Đáp lại lời nó là tiếng khóc gọi mẹ tức tưởi. Thằng Hòa vẫn kiên nhẫn:

– Ngoan nào, nói cho anh biết nhà em ở đâu anh sẽ đưa em về nhà với bố mẹ. Ngoan nào!

Thằng Hòa chưa có em nhưng trông cách nó vỗ về em bé thì ra dáng người anh không thể chê vào đâu được. Cả bọn thôi đùa cợt. Em bé được thằng Hòa vỗ về nên không còn khóc ấm ức. Nhưng hỏi thế nào nó cũng đều lắc đầu. Thằng Huy “bệu” nảy ra sáng kiến:

– Lục túi nó xem nào? Hồi bé, mỗi lần cho tớ đi đâu xa, bố mẹ tớ đều bỏ vào túi tớ mảnh giấy ghi địa chỉ phòng khi tớ bị lạc.

Đúng là ý kiến hay. Nhưng rồi cả bọn lại tiu nghỉu vì quần áo em bé không hề có túi!

Thằng Hòa đề nghị:

– Bọn mình sẽ ngồi đây chơi chờ bố mẹ em tới đón.

Cả bọn im lặng. Riêng thằng Tùng lên tiếng phản đối:

– Thế còn trận bóng chiều nay? Tớ đã hẹn chắc như đinh đóng cột với bọn thằng Hải rồi. Giờ này thế nào bọn nó cũng chờ dài cổ ngoài sân bóng.

Bọn mình đi còn thằng bé thì sao? Nếu thằng Ti nhà cậu đi lạc mà không có người giúp đỡ làm sao nó về nhà?

Thằng Tùng có vẻ đuối lý nên im lặng. Bọn thằng Huy “bệu”, thằng Tèo, thằng Long, thằng Nhí… đều nhất loạt ủng hộ ý kiến của thằng Hòa. Cả bọn ngồi lại vừa tán gẫu vừa chăm chú nhìn người đi đường. Có người đi gần đến, tụi nhóc lại thay phiên nhau hỏi em bé:

– Mẹ em đến phải không?

Em bé lắc đầu.

– Bố em đến phải không?

Em bé lại lắc đầu.

Người đi đường cứ nghĩ bọn nhóc ngồi chơi như bình thường nên không ai để ý.

Trời bắt đầu tối. Người sốt ruột nhất vẫn là thằng Tùng:

– Bọn mình không thể ngồi đây mãi được.

– Nhưng còn em bé?

– Ngộ nhỡ mình ngồi đến tối, đến khuya mà bố mẹ em bé không đến thì cậu tính sao?

Đến lượt thằng Hòa im lặng. Thằng Nhí rụt rè giơ tay… xin phát biểu:

– Hay là, bọn mình mang em bé về nhà nuôi?

Mọi ánh mắt đều dồn vào thằng Nhí. Điều này lại khiến nó đâm hoảng:

– Em nghĩ là thế nhưng bố mẹ em khó lắm. Em không nhận nuôi nó đâu.

Trong khi cả bọn đang lúng túng thì thằng Tùng nghĩ ra một kế. Nó bế em bé lên người rồi khoát tay với cả bọn:

– Các cậu đi theo tớ!

Điểm đến của bọn nhóc là trụ sở Công an phường gần đấy. Thấy đám nhóc lao xao trước cổng, chú công an trực ban vội chạy ra:

– Có chuyện gì thế các cháu?

Thằng Tùng lễ phép:

– Bọn cháu đi đá bóng nhặt được một em bé đi lạc muốn nhờ chú tìm giúp bố mẹ ạ!

Chú công an ôn tồn:

– Thế các cháu đã hỏi em bé tên bố mẹ và địa chỉ nhà chưa?

– Bọn cháu hỏi nhưng em lắc đầu không biết. Bọn cháu ngồi chờ mãi mà không ai đến đón nó cả.

– Thôi, các cháu cứ bế em vào trong này rồi chú sẽ tính.

Chú công an nhấc máy điện thoại gọi cho ai đó. Sau khi cúp máy, chú quay sang bọn nhóc:

– Trước hết, chú biểu dương việc làm của các cháu. Tạm thời, em bé sẽ ở lại chỗ của chú. Tối nay, chú sẽ cho thông báo lên ti vi để người thân của em bé biết mà đến đón. Bây giờ các cháu về nhà kẻo bố mẹ lại mong.

Cả bọn chào chú công an rồi lục tục kéo nhau ra cổng.

– À này, các cháu tên là gì nhỉ?

Thằng Tùng nhanh nhảu:

– Cháu tên là Tùng, bạn này là Hòa, bạn này là Huy… bọn cháu ở hẻm 2 gần đây chú ạ!

– À, chú biết rồi. Về nhé!

Cả bọn thở phào nhẹ nhõm. Mong là em bé sớm được trở về nhà với bố mẹ và người thân…

Trên đường đi về nhà, thằng Hòa vẫn không nói câu nào. Gần đến nhà mình, nó đặt quả bóng vào tay thằng Tùng:

– Cho cậu mượn đấy. Sáng mai ở nhà tâng bóng cho đỡ ghiền. Nhớ hẹn lại bọn thằng Hải vào một ngày khác.

Chiều hôm sau.

Trên đường đến lớp, thằng Tùng lo ngay ngáy không biết phải giải thích ra sao với thằng Hải về sự thất hẹn của đội bóng xóm mình. Thế nào bọn chúng cũng bảo mình không dám đến vì sợ thua, sợ ê mặt thêm một lần nữa. Mà kể chuyện giúp một em bé đi lạc chắc gì bọn chúng tin? Đang suy nghĩ không biết nên nói như thế nào thì Tùng chạm mặt thằng Hải ngay cửa lớp. Nó lúng túng:

– Cho tớ xin lỗi. Chiều hôm qua bọn tớ không đến được vì…

– Các cậu còn phải lập một kỳ công, đúng không? Thất hẹn là chuyện nhỏ ấy mà – thằng Hải phẩy tay.

– Cậu không giận tớ à?

– Sao lại giận? Nếu các cậu đến đúng hẹn thì ai sẽ giúp đưa em bé đi lạc về nhà?

Tùng trố mắt, ngạc nhiên:

– Sao cậu biết chuyện em bé đi lạc?

– Thế mới tài chứ!

Thằng Hải tủm tỉm cười rồi đi vào chỗ ngồi.

Có một điều thằng Tùng không biết bố thằng Hải chính là chú công an đã tiếp nhận em bé đi lạc. Và câu chuyện về nhóm trẻ đá bóng ở hẻm 2 nhặt được một đứa trẻ lạc đã được bố Hải kể trong bữa cơm tối. Nghe bố kể chuyện, Hải tủm tỉm cười một mình, cơn giận thằng bạn thất hẹn và trận thư hùng không diễn ra như đã hẹn tan biến từ khi nào.

KIM SƠN

(Văn nghệ Bình Định số 92 tháng 12.2020)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trăng trong sương

A Lếnh đi. Đêm bị gió bẻ nham nhở, hòn đá kê một chân kiềng gãy, mỏi tê dại, mắt Mẩy đỏ khé. Sương trắng như đàn bà đốt củi ướt hong váy ngày mưa…

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…