Tháp cổ đổ bóng

(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi). Bò lên con dốc dựng đứng, chui ra khỏi vạt rừng xanh rì chằng chịt những dây leo vắt ngang dọc không theo trật tự, đung đưa trên đầu như những chiếc võng, ngoằn ngoèo dưới chân tựa bầy rắn khổng lồ khiến người yếu bóng vía phải thót tim trong điều kiện ánh sáng nhập nhoạng không rõ, tôi nằm vật trên một tảng đá dưới chân Hòn Chuông, ngửa đầu nhìn trời. Sắp trưa, nắng xói thẳng xuống chói gắt. Mồ hôi như nước xối từ đỉnh đầu xuống chân ướt nhẹp, bốc lên mùi chua gắt. Ông Tám – người dẫn đường thủng thẳng đặt cái gậy tre còn thơm mùi vỏ xanh ngắt ngồi xuống cạnh tôi, tháo chiếc mũ vải trên đầu phe phẩy gió. Giọng ông sang sảng, vang, ấm như lúc bắt đầu cuộc hành trình:

– Mới đi độ ba tiếng thôi mà đã thấy mệt rồi hở? Thôi nghỉ một lát, tìm chỗ mát ăn cơm nắm, uống nước cho lại sức rồi tiếp tục. Còn phải trèo lên đỉnh núi nữa mới tới được. Thanh niên các cậu bây giờ thua xa chúng tớ. Ngày trước, chúng tớ hành quân, vác theo quân trang mấy chục kí lô mà cứ đi cả ngày lẫn đêm. Mà nào có phải đường bằng, cũng băng rừng Trường Sơn đồi núi trập trùng đấy.

Tôi ngồi dậy, ngước nhìn lên Hòn Chuông. Đỉnh núi cao vút với khối đá khổng lồ nhô lên như chiếc chuông úp xuống. Mờ mờ trong khoảng giao hòa giữa trời và núi, bóng ngôi tháp cổ ẩn hiện như xa, như gần. Tôi nghe tim mình dội lên những nhịp đập vừa xa lạ, vừa quen thuộc, nửa như reo vui, nửa như đắng đót. Trước ngực bỗng như có lửa cháy nóng rẫy. Tôi biết, mình đã về đến nhà.

Ông Tám chống gậy men theo con đường mòn đi trước, tôi bám theo sau. Cỏ gai rậm rịt. Núi cao quyện tới mây trời cứ vươn lên mãi, chẳng biết lúc nào mới tới nơi. Trời đột ngột tắt nắng nhưng cũng không có dấu hiệu của mưa. Ông Tám chép miệng, năm nay thời tiết lạ lùng. Ngày chỉ nắng nửa buổi nhưng lại chẳng đổ mưa, đâm ra cái gì cũng thiếu, nắng không đủ mà mưa chả thấm vào đâu. Đất đai và con người đều mong chờ một trận mưa lớn để giải tỏa những bức bối, ngột ngạt. Tôi ngước mắt nhìn trời. Chỉ có một áng mây cô độc phía tít trên dõi mặt nhìn xuống, chẳng biết tìm gì giữa thinh không hoang vắng, chẳng biết nghĩ gì trước hai cái bóng một già một trẻ nối gót nhau bò lên đỉnh núi.

Thường trước mỗi hành trình hoặc một việc quan trọng nào, tôi đều không ngủ được. Vậy mà đêm qua, trong căn nhà nhỏ vừa là chỗ sinh hoạt, vừa là nơi trông coi đất rừng của ông Tám, tôi đã chìm vào một giấc mơ nửa hư, nửa thực, thấy những ảo ảnh như trôi từ hàng ngàn, hàng vạn năm trước quyện vào những gương mặt vừa xa lạ, vừa thân quen. Mẹ tôi vẫn bảo, dù có bị bội bạc hay chịu cay đắng đến đâu, tới một lúc nào đó, người ta cũng nhớ đến dứt ruột dứt gan mảnh đất cội nguồn, quê hương, bản quán. Đến lúc mất, mẹ vẫn chưa có dịp được đặt chân về lại thăm nơi đã chứng kiến bước ngoặt đẩy mẹ đến những tháng ngày cơ cực, tủi nhục, kêu trời trời không thấu, gọi đất đất chẳng hay mà vẫn khiến mẹ thương đến quặn lòng.

Lúc biết đài chọn tháp cổ ở Phù Cát để quay vài số cho chương trình tìm hiểu những địa danh bí ẩn, như có lời thúc giục, tôi lập tức xung phong đi thực địa, khảo sát trước mà không cần suy nghĩ. Lãnh đạo địa phương giao tôi cho ông Tám, người thông thuộc địa hình rừng núi hơn cả lòng bàn tay dù không phải là dân bản địa. Có lẽ nhìn thấy chút ngần ngại đã cố giấu mà vẫn lộ ra trong lời nói của tôi, ông vỗ vai tôi đánh đét. Cái đánh đầy lực của một ông già mà còn gân guốc, khỏe mạnh hơn cả thanh niên. Cậu cứ yên tâm, tớ gốc lính, lấy vợ Bình Định, sợ bị ăn đòn nên rèn luyện sức khỏe chưa một ngày nào dám nghỉ, cả khu đất rừng này là tớ trồng, chăm sóc hết đấy. Cậu cứ để tớ dẫn đường, lên Hòn Chuông mà không thông thuộc, lớ ngớ lạc như chơi chứ chả bỡn. Tớ cất sẵn chai Bàu Đá đây rồi, đêm nay ngủ giữ sức, xong việc về xem cậu với tớ ai hơn ai. Rượu nấu bằng gạo với nước suối và men lá, ủ trong men sành, uống đến đâu thấm đến đấy. Uống xong có khi lại muốn thành rể Bình Định luôn cũng nên. Tiếng cười của ông giòn tan, hào sảng. Tự nhiên tôi nghĩ, cùng ở nơi này, có lẽ cha – người tôi chưa từng gặp cũng có giọng cười ấm áp và tính tình hồn hậu như ông chăng.

Con đường dẫn tới đỉnh Hòn Chuông nở rộ theo câu chuyện của ông Tám, tôi là người lắng nghe. Tôi tự hỏi, ông già lấy đâu ra sức để vừa đi vừa nhẩn nha kể chuyện, trong khi tôi đang thanh niên trai tráng sức dài vai rộng, may thuộc tuýp ưa dịch chuyển, ham khám phá cũng phải cố gắng hết sức mới theo kịp những bước chân của ông. Các cậu tài đấy, ở xa xôi thế vẫn biết tháp cổ này mà tìm đến. Người dân địa phương lắm người chẳng biết đến đâu, tại tháp nằm trên đỉnh núi cao, đường đi lối lại hoang vu, lắm dốc. Nhưng các cậu vẫn chưa tài bằng đoàn khảo cổ hơn hai chục năm trước, sáu, bảy con người dò dẫm, tìm đường, ăn dầm nằm dề cả năm trời nghiên cứu. Nhờ họ mà mới có đường lên tháp để hôm nay tớ dẫn cậu đi đấy.

Bàn chân tôi run lên trong nỗi thổn thức kết nối quá khứ với hiện tại. Con đường này, mẹ đã đặt dấu chân lên trong những tháng năm tuổi trẻ. Ngày ấy hẳn mẹ vui vẻ, vô tư, đầy nhiệt huyết. Lúc đưa bàn tay vạch từng đám lá, cầm cuốc tạo thành con đường mòn mở lối, mẹ đã mong ước điều gì. Những điều ước rực rỡ, tươi sáng không hề có bóng dáng của tôi. Sau bốn mươi chín ngày mẹ mất, tôi mới thấy cuốn sổ mẹ giấu kín dưới đáy hòm. Những trang tài liệu đầy tâm huyết, từng dòng ghi chú nắn nót, chỉn chu chiếm phần lớn. Còn lại mươi trang là những dòng nhật ký đẫm nước mắt. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để tôi hiểu về thân thế của mình, giúp tôi trả lời câu hỏi về cha mà suốt những năm tháng ấu thơ cho đến những ngày cuối cùng bên mẹ tôi đã không đủ can đảm để hỏi.

***

Chúng tôi tới nơi khi bóng tối bắt đầu đưa tay dò dẫm mở lối cho đêm đen ập đến. Trong bóng chiều lồng lộng, ngọn tháp với bình đồ hình vuông sừng sững bám vào tảng đá nguyên khối kỳ vĩ. La liệt gạch Champa, mảnh ngói mũi lá, ngói hình sừng bò vỡ quanh chân tháp cất tiếng thời gian hoang phế. Tôi nhớ lời mẹ ghi trong cuốn sổ cũ. Chưa tìm ra được câu trả lời người xưa đã vận chuyển vật liệu lên đỉnh Hòn Chuông để xây dựng tháp như thế nào. Chỉ biết đoàn khảo cổ năm ấy, khi nhìn ngọn tháp cổ giữa lồng lộng mây trời đã lịm đi trong nỗi phấn khích gào thét cuộn trào từng tế bào, đã ngưỡng mộ bàn tay, khối óc của tiền nhân một cách thành kính. Tôi chẳng hiểu gì về khảo cổ, nhưng giờ phút này, tôi hiểu những điều mẹ đã viết.

Đêm đặc quánh, trời lặng phắc không một ngọn gió. Im lặng đến quỷ dị. Ông Tám soi đèn, trấn an tôi. Đừng sợ, mình chẳng làm gì xấu thì thần linh chẳng bao giờ trách phạt. Bóng bò thần Nadin in trên vách gạch tháp, những dáng hình điêu khắc như đồng tình với câu nói của ông Tám, nhìn tôi hiền hòa. Cánh cửa gỗ sơn đỏ kéo ra những tiếng rin rít. Một gương mặt đen nhẻm, bù xù tóc tai lâu rồi không được cắt tỉa ló ra. Thấy ông Tám, khuôn mặt nhoẻn miệng cười ngây ngô chào đón. Ông Tám khẽ bảo tôi, chú này là người canh tháp tự nguyện. Hơn hai chục năm trước, sau một trận sốt, chú ngây ngây, dại dại, lúc nào cũng lẩm bẩm những lời không ai nghe rõ, bám núi lên canh tháp, gia đình năn nỉ, dọa nạt thế nào cũng không chịu về đành lâu lâu nhờ ông Tám mang quần áo, thức ăn lên cho. Cứ thế mà cũng sắp hết một đời người.

Người canh tháp gom củi nhóm lửa xua sương lạnh. Loay hoay một hồi, ông dúi cho tôi khúc sắn nướng, chỉ vào miệng ra hiệu ăn đi đừng ngại. Giọng ông Tám nồng đượm như lửa. Người hiền lành mà trời đày. Ngây ngây ngô ngô những chẳng hù dọa ai bao giờ. Chỉ có ai có ý đồ xấu vào tháp thì mới xù lông lên thôi. Nhưng ai mà đến nữa, tượng đồng, cổ vật đã bị trộm từ lâu rồi.

Nghe đến trộm, đến tượng, đôi mắt người canh tháp vụt lóe lên những tia đau đớn, thảng thốt.

– Mất rồi, mất hết rồi, linh hồn vua, hoàng hậu cùng con cái họ ẩn náu trong tượng phải chia lìa nhau mãi mãi rồi. Không phải Hòa lấy đâu, Hòa bị oan. Không phải Hòa lấy đâu…

Rồi ông bật khóc tu tu như một đứa trẻ. Nước mắt của ông như trăm ngàn mũi ghim khoan vào tim tôi buốt nhói.

Núm ruột của mẹ tôi được chôn ở An Nhơn, đất vua, đất lúa, đất nghề, đất võ, đất văn. Dòng sông Côn uốn lượn như dải lụa mềm bao trọn An Nhơn rồi đổ về Đông Nam Phù Cát, Đông Bắc Tuy Phước trước khi tan vào biển cả mênh mông đã nuôi dưỡng tâm hồn mẹ, đưa mẹ trở về sau những năm tháng cùng ông bà ngoại rong ruổi trên chặng đường mưu sinh nơi phương Nam trù phú. Nền văn hóa Sa Huỳnh – Truông Xe, di sản văn hóa Chăm, thành Đồ Bàn, nhà Tây Sơn anh hùng từ cội nguồn sinh dưỡng ngấm vào mẹ từ lúc nào, không hề phai nhạt bởi tháng năm xa cách đã khiến mẹ trở thành sinh viên khảo cổ mặc bao lời khuyên can của ông bà ngoại.

Những chuyến rong ruổi khắp miền Tổ quốc đã giúp tôi tiếp xúc với đủ người ở mọi ngành nghề. Phụ nữ chọn nghề khảo cổ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ lăn xả bằng đam mê chẳng khác gì nam giới. Cũng phơi mình dưới nắng chang chang, cũng tới những nơi xa xôi hẻo lánh không dấu chân người, cũng dầm mưa, đằm bùn, lội suối, đu dây leo núi hay băng qua những thung lũng hoang sơ. Tôi khâm phục họ một cách tự nhiên không cần phải tiếp xúc nhiều. Có lẽ, niềm đam mê chảy trong dòng máu của mẹ ít nhiều cũng đã truyền sang tôi qua cuống rốn từ lúc tôi còn là bào thai trong bụng mẹ.

***

Ông Tám khơi cho ngọn lửa cháy sáng hơn, tàn lửa bay lên hệt như bầy đom đóm đỏ, rực cháy một khoảnh khắc rồi tàn nhưng kiêu hãnh vì mình đã tận hiến và tỏa sáng. Ông bảo, ngày ấy ông cũng tham gia phụ giúp đoàn khảo cổ. Ông tin cô sinh viên khảo cổ tên Hòa năm ấy không phải là người đã lấy cắp những pho tượng cổ. Ông tin bằng trái tim của một người lính đã từng trải qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh, bằng tấm lòng của một người con xa quê lập nghiệp được mảnh đất của triều đại Tây Sơn cưu mang và che chở. Niềm tin xứ sở đôi khi có sức mạnh còn hơn vạn ngôn từ, lý lẽ. Chính ông cũng là minh chứng cho niềm tin ấy

Ông Tám sinh ra ở một ngôi làng ven sông thuộc đồng bằng Bắc bộ. Như những chàng trai cô gái thuộc lớp thanh niên ngày ấy, mười bảy tuổi ông dùng máu viết đơn lên đường nhập ngũ. Ông trở thành chiến sĩ trinh sát của Sư đoàn 3 Sao Vàng, đóng quân ở rừng Bà Bơi, khu rừng thuộc dãy núi Kim Sơn, nằm trong hệ thống trường Sơn Nam trải dài và bao bọc, che chở khu vực An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân. Trong những năm tháng dựa vào rừng núi để đánh giặc ấy, ông quen bà Tám. Bà là con gái Bình Định, cương trực, giỏi võ, thắng thắn, mạnh bạo mà cũng khéo léo, tình cảm. Bà Tám là y sĩ của trung đoàn. Một lần ông bị thương ở tay, chính bà là người chăm sóc, nâng đỡ ông từng bữa ăn, giấc ngủ. Chàng trai lớn lên bên nôi bằng làn điệu chèo miền Bắc chẳng biết từ lúc nào đã say đắm thêm câu hát Bội. Họ trao nhau lời hò hẹn bên dòng suối Tà Lăng với lời giao hẹn của bà Tám, nếu thương em thì thành rể Bình Định, lập nghiệp ở Bình Định. Ông Tám nhận lời chẳng cần phải suy nghĩ, đắn đo. Bố mẹ ông mất sớm, ông lớn lên bằng tình yêu thương của chú thím. Ở lại nơi này, ông có thêm người thân, có thêm bà con dòng tộc.

Lời hẹn ước sau cuộc chiến chống đế quốc Mỹ gần năm năm sau ông mới thực hiện được. Kết thúc chiến tranh, ông Tám tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quân sự tại chiến trường Campuchia, cùng đồng đội giúp nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng của Pol Pot. Là lính trinh sát, ông phải khảo sát, mở đường cho đồn đội phía sau thoát khỏi những bãi mìn, bẫy rập của lính Pol Pot gài lại. Lắm khi, cận kề với cái chết, chứng kiến máu xương của đồng đội đổ xuống, bị bao vây trong những thung lũng hoang tàn, ông nghĩ mình không thể trở về để thực hiện lời hứa. Có lẽ những lời khấn nguyện, lòng thủy chung son sắt chờ đợi của bà Tám đã giúp ông sống sót và lành lặn trở về. Ông bà nên duyên trên mảnh đất nghĩa tình. Để trả ơn rừng đã chở che cho người lính trong những năm tháng chiến tranh, đã cùng ông bà chia sẻ từng nắm rau, con ốc suối, từng hạt muối, gió sương, để tưởng nhớ những đồng đội đã từ cánh rừng mà ra đi mãi mãi, ông bà xin đất làm nhà ở bìa rừng, nhận trông coi rừng, nhận đất trồng thêm rừng và dành thời gian quy tập mộ hài cốt liệt sĩ. Đất thương mình, mình trả ơn lại đất, ở đâu cũng phải nhớ điều đơn giản ấy, phải không cậu. Gương mặt ông Tám được lửa soi sáng, tôi ngỡ ông như già làng đang ngồi kể sử thi.

Người canh tháp đã gà gật bên bếp lửa. Khuôn mặt hiền như trẻ thơ chưa biết đến những bon chen, chộp giật, lắt léo của quãng đời dài đằng đẵng phía trước. Ông Tám gỡ những cọng cỏ khô vướng trong mái tóc xơ rối của người canh tháp, đưa bàn tay vỗ về lên đôi vai gầy của ông ấy, giọng khàn đi chẳng biết vì xúc động hay bởi những điều tôi muốn biết được thần linh truyền qua giọng nói của ông gửi đến tôi.

Minh họa: Lê Duy Khanh

Ngày ấy thông tin chưa phát triển nhưng hoạt động của đoàn khảo cổ vẫn đến tai những kẻ có mưu đồ xấu. Bọn trộm mộ đến đào xới khu vực đền thờ, xô đổ cả tượng vua, tượng hoàng hậu để tìm kiếm báu vật. Đoàn khảo cổ đề xuất phương án bảo vệ các pho tượng cổ nhưng những người đứng đầu dòng tộc hậu huệ không đồng ý vì lý do tâm linh. Nếu đưa tượng đi, các linh hồn của những pho tượng đó sẽ quở trách, bắt bớ, gây bệnh cho người còn sống. Phòng người ngay, không ai phòng được kẻ gian. Những pho tượng biến mất trong một đêm mưa gió. Đêm ấy, Hòa không có mặt cùng đoàn. Dù đã đưa ra lời giải thích và không có bằng chứng nhưng tin đồn Hòa tiếp tay cho lũ trộm chẳng biết bắt nguồn từ đâu râm ran khắp đội. Người làm chứng cho Hòa không đến. Cô sinh viên năm cuối đầy năng nổ nhiệt huyết ấy đã ngậm ngùi ôm hành lý, một mình lầm lũi xuống núi, bỏ dở hành trình nghiên cứu của mình với lời thề nếu không được minh oan sẽ không bao giờ đụng đến khảo cổ nữa. Mấy tháng sau, đoàn cũng rời đi. Tháp cổ trong một thời gian dài hoang phế. Chỉ còn những vũ nữ đang múa, các vị thần linh, quái vật Kala khạc ra rắn bảy đầu im lặng cùng sương gió, biết tất cả mà không thể cất lời biện minh cho cô gái đã vén màn bí mật đưa ngôi đền ra ánh sáng.

Cô gái ấy đã vĩnh viễn rời xa những điều mình đam mê theo đuổi, chưa một lần ngoái lại. Đến lúc rời xa cuộc đời này, chưa ai lên tiếng minh oan cho cô. Những trang nhật ký đẫm nước mắt. Lời hỏi đau đáu không ai trả lời. Chẳng nhẽ lòng người lại thâm sâu và lạnh lẽo đến thế. Chỉ vì một suất biên chế ở lại trường sau khi tốt nghiệp, người ta sẵn sàng tung tin đồn để đẩy một con người vào đường cùng, loại bỏ vĩnh viễn đối thủ ra khỏi đường đua nghề nghiệp. Người con trai đồng hương đã không đến nói lời minh oan cho cô. Con người hiền lành với nụ cười ấm áp chưa từng nổi giận với ai bao giờ hóa ra lại là kẻ tệ bạc, trốn tránh trách nhiệm. Hòn máu trong bụng lặng lẽ lớn lên, sống dựa vào tình yêu thương của ông bà ngoại và gánh hàng rong mùa nào thức nấy của mẹ, lúc nào cũng kìm nén câu hỏi về cha mình vì sợ mẹ buồn lòng.

***

Người canh tháp mơ ngủ, ú ớ gọi tên ai đó. Ông Tám thở dài. Đang thanh niên khỏe mạnh, tương lai rạng ngời, sau một đêm bỗng thành ngớ ngẩn. Người làng đồn nó bị đức vua và hoàng hậu quở trách vì dòng dõi hậu duệ mà tiếp tay cho kẻ trộm cắp. Người bảo nó điên tình, tìm con bé ở đoàn khảo cổ không được nên phát điên. Cũng có thể trong đầu có cục máu bầm vì bị ngã mà gia đình không biết, chỉ chạy chữa cái chân gãy nên để lại hậu quả. Người lại bảo nó ân hận vì không kịp chạy đến minh oan cho con bé ấy mà phát rồ phát dại. Cứ như trời xui khiến, mãi chẳng sao, đúng lúc cần thì nó ngã gãy chân.

Chẳng biết mơ thấy gì, người canh tháp bật dậy. Ông cúi đầu cời lửa, sợi dây chuyền giấu trong tấm áo bạc màu rơi ra. Trái tim tôi nóng rẫy. Hai mặt dây chuyền bằng gốm ghép lại vừa khéo một hình mặt người. Người canh tháp chộp lấy chiếc dây chuyền trên tay tôi. Khóc. Cười. Điên dại. Rồi ông nhìn tôi bằng cái nhìn thấu suốt và tỉnh táo từ đôi mắt tôi nhìn thấy mỗi lần soi gương.

Tôi bảo với ông Tám, mẹ con tên Hòa. Cả cuộc đời mẹ con chưa từng cúi đầu, chưa từng cầu xin ai điều gì. Nhưng mẹ con luôn chờ đợi tin tức từ Hòn Chuông, từ những người đã từng gắn bó. Chờ một tiếng minh oan mà cuộc sống mài mòn, nhớ thương mài mòn đến độ không thể gắng gượng nổi nữa. Người canh tháp gục đầu vào vai tôi, khóc nấc lên như một đứa trẻ. Trong ánh lửa, tôi thấy đức vua và hoàng hậu, thấy tượng thần, quái vật bay về. Tất cả nhìn tôi, im lặng chào đón đứa con lần đầu đặt chân đến mảnh đất đã hoài thai mình.

Cha theo ông Tám và tôi xuống núi khi bình minh vừa ló giữa đỉnh trời. Từ trên nhìn xuống, rừng tựa cánh cung đã lên nỏ. Những đồng, những làng, những sông suối thu hết vào tầm mắt. Cha nắm tay tôi không buông, sợ rằng tôi sẽ như mẹ, biến mất không một lời khiến ông không thể nào tìm ra được. Ông Tám ngước lên nhìn trời, lẩm bẩm bảo đêm nay chắc chắn sẽ mưa. Cơn mưa vàng, mưa bạc giải khát cho núi rừng, đồng ruộng. Trời mưa ngồi nhâm nhi li Bàu Đá, mừng cha con đoàn tụ đúng là không gì bằng.

“Nghỉ đêm nay ở nhà tao, rồi mai dẫn con vào làng nhận họ hàng, dòng tộc”.

Phía sau chúng tôi, tháp vẫn lặng im đứng giữa đất trời như lời thờ vọng đến các vị thần linh ngàn đời.

ĐÀO THU HÀ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nhà thơ Đoàn Văn Mật

Nhà thơ Đoàn Văn Mật sinh năm 1980, quê ở Nam Định. Anh đã xuất bản 04 tập thơ: Giữa hai chiều thời gian; Bóng người trước mặt; Sóng trầm biển dựng và Ngoài mây trời đầy trống vắng…

Quy Nhơn ngày tập kết và ngày trở về

Đã 70 năm từ ngày chúng tôi lên đường “tập kết” và 50 năm ngày trở về giành lại quê hương, biển Quy Nhơn vẫn vậy, hiền hòa, trong trẻo và thân thiện như vòng tay, ôm cả cuộc đời này…

Thơ dự thi của Trương Công Tưởng

Bao giờ em về lại dòng sông
Cánh buồm ngày xưa giờ không còn nữa
Cha nằm lại ngọn đồi bên những thân cây đã ngã
Những vết cắt từng ứa trào nhựa đỏ
Giờ lên những chồi non