Thành Bình Định: Đau đáu dấu xưa

(VNBĐ – Đọc sách). (Đọc Thành Bình Định xưa và những điều còn đọng lại của Trần Duy Đức, NXB Hội Nhà văn, 2023)

Đã in hàng chục đầu sách, nhưng những trang viết của nhà văn Trần Duy Đức luôn nhất quán một dòng chảy về nơi “chôn nhau cắt rốn” An Nhơn. Vùng đất giàu trầm tích văn hóa cùng bao dấu ấn lịch sử ấy như nuôi cấy trong ông những cảm hứng bất tận. Ông viết nhiều về quê nhà, và với mỗi tác phẩm, công trình ra mắt độc giả, bè bạn văn chương đều mang đến những trang viết với thông tin mới và hữu ích. Gần đây nhất, tháng 12.2023, ông in tập bút ký Thành Bình Định xưa và những điều còn đọng lại. Chan ấm trong cái tình với quê hương, ta thấy những trân trọng lưu giữ và bao đau đáu nỗi niềm về lịch sử, văn hóa, đất và người An Nhơn hiện lên xoay quanh cái tâm lõi thành cổ Bình Định.

Tập sách có hơn hai mươi bài viết xoay quanh thành Bình Định xưa với đa chiều tiếp cận trong không gian xa/ gần hay theo lớp tuyến tính lịch sử, gom nhặt trong lớp bụi mờ của thời gian để phác tạc nên hình hài một tường cổ đã đi cùng đời sống người dân An Nhơn. Tác giả bộc bạch: “Xin được hệ thống, viết lại về ngôi thành cổ và những tên gọi, những điều hàm chứa cả thiện lẫn ác, hay và dở vẫn còn lưu truyền, đọng lại với thời gian, với mong muốn góp phần nhỏ vào việc sàn lọc, gạn đục khơi trong để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên quê hương An Nhơn vốn dĩ có bề dày văn hóa, chiều sâu lịch sử, mà không phải nơi nào cũng có”.

Tên thành Bình Định được bắt đầu từ năm 1799, khi Nguyễn Ánh lấy thành Quy Nhơn và đổi tên thành Bình Định. Nơi đây lưu dấu người xưa, một thuở tranh hùng để rồi hậu thế mấy trăm năm sau vẫn còn nhắc nhớ giai thoại những người anh hùng thực thụ dù họ thuộc chế độ nào. Đó là Võ Tánh, Ngô Tùng Châu của nhà Nguyễn, là Trần Quang Diệu của nhà Tây Sơn. Nhà Tây Sơn suy vi, năm 1802, thành Bình Định thuộc hẳn về nhà Nguyễn. Từ đó, thành trở thành lỵ sở của quan trấn thủ địa phương. Qua biến thiên dâu bể, thành đã bị thời gian và chiến tranh tàn phá. Mỗi triều đại đi qua, bên cạnh những dựng xây kiến thiết là những mai một, đổ nát, thậm chí bị “triệt hạ” hoang tàn. Bởi vậy, nhà văn Trần Duy Đức bùi ngùi khi dấu tích thành cũ Bình Định đã dần tàn phai theo thời gian: “Lũy xưa, hào cũ chỉ còn là dấu tích, không còn cá bơi lội quanh năm và sen nở vào mùa hạ, những hàng gòn đến mùa no trái bông nở tung trắng xóa cũng không còn cây cuối cùng, tiếng còi tàu mỗi khi tàu lửa đến sân ga Bình Định vang lên hồi dài như là đồng hồ điểm giờ cũng đã vắng dần, và cũng không còn hình ảnh chợ Gò Chàm xưa, chợ Bình Định nay nhóm ban đêm vào những phiên áp Tết”.

Cuốn sách của Trần Duy Đức đã ghi lại những hưng phế thịnh suy của một thời gắn chặt với thành Bình Định. Dù thành cổ chỉ còn là phế tích, nhưng nơi đây vẫn còn giữ lại bao hình ảnh gắn chặt với đất và người An Nhơn. Đây là nơi tổ chức Trường Thi Hương Bình Định – một trong 7 trung tâm thi cử tuyển chọn nhân tài cho đất nước dưới thời vua Tự Đức, để rồi trong dân gian còn lưu truyền những câu lục bát đối đáp “ghẹo” nhau: “Tiếc công Bình Định xây thành/ Để cho Quảng Ngãi vào giành thủ khoa”. Rồi sau đó, Bình Định đáp lại: “Tiếc công Quảng Ngãi đường xa/ Để cho Bình Định thủ khoa ba lần”.

Thành Bình Định còn là nơi sản sinh và hội tụ của nhóm thơ Bàn thành Tứ hữu: Quách Tấn, Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, để những trang viết của họ cứ lấp lánh, được văn đàn cả nước ngợi ca. Thành Bình Định cũng là nơi mà căn cứ đầu tiên của phong trào Cần Vương (1885 – 1887) khởi phát rồi phát triển ra nhiều nơi trong tỉnh. Đồng thời, nơi đây còn đánh dấu một thời kỳ đấu tranh chống thuế dưới thời Pháp thuộc mà An Nhơn là tâm điểm, do Tiến sĩ Hồ Sỹ Tạo làm đầu lĩnh. Bên cạnh đó, nhiều chi tiết thú vị khác được nhà văn Trần Duy Đức đưa ra trong sách, như chuyện chơi chữ của Bá Hộ Huệ, chuyện các quan trong thành Bình Định chơi chữ với nhau, chuyện về vị quan Tổng đốc Nguyễn Đình Hiến (1872 – 1947) khí khái nhân hậu vì muôn dân trăm họ…

Thành Bình Định xưa và những điều còn đọng lại phác tạc nên chân dung thành cổ đã nhiều hư hao, lưu lại bao vết tích của thời gian trong không gian địa lý xa xưa của thành cổ, mà rộng hơn là vùng đất An Nhơn giàu trầm tích. Tập sách tuy còn đôi chỗ thô tháp nhưng đã cho thấy những giá trị về mặt biên khảo, sự kỳ công điền dã sưu tầm và tình cảm sâu đậm của người viết, nỗi đau đáu của ông với lịch sử cha ông, văn hóa cội nguồn. Sách sẽ là một kênh tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi muốn tìm hiểu thành cổ, về lịch sử, văn hóa, đất và người An Nhơn.

ĐỨC LINH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nói với con hay tự nói với mình

Bài thơ “Sớm mai con vào lớp ba” Y Phương viết cho con gái đang ở lứa tuổi bậc tiểu học chưa có nhiều trải nghiệm sống mà còn trong trẻo thuần khiết…

Văn học và âm nhạc Nga trong tôi

Bây giờ, mỗi khi đọc lại thơ Puskin, thơ Lermantov, thơ Blok hay thơ Êxênhin, tôi vẫn cảm nhận được mùi hương đặc biệt của những cánh đồng Nga, vị ngọt của gió…

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…