(VNBĐ – Đọc sách).
(Đọc tập thơ Linh giác trắng của Trần Quốc Toàn, Nxb Hội Nhà văn, 2023)
1.
Trả lời phóng vấn nhanh của Vlaire Paetkau ở Ủy ban Nobel theo thông lệ, với câu… “bà có thông điệp gì cho các nhà văn trẻ”, nữ nhà văn Pháp Annie Erneux – Nobel văn chương 2022, gửi gắm: “Tôi nghĩ khi chúng ta viết văn điều thực sự quan trọng là chúng ta cần phải đọc nhiều. Đôi khi người trẻ nói: “Ồ không, tôi không đọc… Tôi chỉ viết!”. Không, không thể như thế được. Bạn cần phải đọc nhiều. Và thông điệp thứ hai tôi muốn gửi tới họ là không phải nỗ lực viết tốt, mà là cố gắng viết một cách trung thực. Đó là hai điều khác nhau.” – (Bản dịch của Ngân Xuyên).
Chuyện đọc nhiều đã hẳn, không bàn thêm.
Thông điệp thứ hai, “cố gắng viết một cách trung thực” rất đáng chú ý. Trong nội dung trung thực này đã hàm chứa điều am hiểu thiết thân nhất của người cầm bút, chứ không phải nói theo, viết dựa cái na ná đâu đó. Trung thực sẽ tạo ra sự khác biệt.
Văn hào Pháp Jean – Paul Sartre từng phát biểu: “Muốn viết mới hãy tự mô tả mình”. Cách nói có khác nhau, nhưng sẽ tới cái đích chung là tạo nên nét riêng không trộn lẫn, ấy là vùng sinh quyển đặc hiệu một tác giả – yếu tố góp phần quan trọng làm nên độc đáo, thành công một cây bút.
Trần Quốc Toàn, ngay trong tập thơ đầu tay của mình: Linh giác trắng đã có cách viết “trung thực” này. Đây là tập hợp thơ anh viết những năm qua, tức trong độ tuổi ba mươi trở lại, theo quy định gọi là “nhà thơ trẻ”, thì những lời khuyên kia, với tôi, khi đọc Toàn, thấy có sự trùng hợp thú vị.
2.
Linh giác trắng thực chất là một kiểu “kể chuyện làng” qua lăng kính của nhà thơ, đúng hơn, qua “linh giác” của tác giả. Ở đó có cả mọi chi tiết từ những người thân, những người làng, đến rộng hơn tầm một địa phương lớn, thoảng bóng dáng một đất nước, dân tộc; những chi tiết sông suối, đền tháp, cánh đồng, những sinh hoạt, người sống và người chết, hiện tại và hồi ức, những con chim, con kiến…, tất cả hiển hiện hết sức tùy tiện, tản mạn, mà lại nhất quán trong tổng thể.
Không thể đoán trước hình ảnh nào sẽ xuất hiện sắp tới, dù biết vẫn xoay quanh chuyện người chuyện làng, và khi nó xuất hiện sẽ thật bất ngờ: Trần Quốc Toàn đã có cách kể chuyện khá linh hoạt, độc đáo trong liên tưởng, và, hiện đại.
Ví dụ:
Trong chiêm bao tôi vặn nhỏ cây đèn dầu
Bão cuộn thành cái giếng diêm sinh
Để chạy khỏi sự diệt vong
Trên lưng tôi nặng oằn những quy luật
Trong chiêm bao bán cầu não trái đã ngưng làm việc
Tôi bắt đầu cảm nhận được giống cái đã sống hằng triệu năm
bằng bán cầu não phải
Trong chiêm bao tôi thấy rừng núi đang sạt lở
Những ngọn tháp bắt đầu mở hội lưu dân
Trong chiêm bao tôi đi mãi trong những mùa biển đói
Và gặp con sóng chết trôi.
(Linh giác trắng)
Bạn sẽ nói đó là một kiểu giấc mơ, tha hồ nói cách nói quái dị. Nhưng không hẳn phi hiện thực, đúng không? Vậy đây, đọc thêm chuyện không phải mộng mị.
Lòng tôi là ánh sáng của sương
em chạm vào
buồn xưa chưa tan
mà thêm hao gầy đêm biện thuyết
…
Ngôi nhà giữa trời mưa
là chiếc áo tơi kết bằng lá núi
tôi thức dậy lúc ba giờ sáng
sau tiếng rống sung sướng của bò cái
dùng áo tơi làm tã lót cho bò con vừa sinh ra
đứa trẻ ngày xưa kéo tôi về với ngàn năm lúa nước
nơi người đã gieo những hạt giống thần.
(Đêm sẽ làm đầy trí nhớ)
Không phải giấc mơ nhưng là ký ức – một sở trường của tác giả trong tập thơ này. Ký ức cứ hiện lên, vừa như một xa vắng đẹp đầy tiếc nuối, vừa gián tiếp thể hiện cách nhận thức thực tại.
Đôi khi là một giao thoa, một thản nhiên nhập vai người chết:
Tôi nhắm mắt để mơ về những ngôi mộ mùa xuân
Có hoa cúc và bánh kẹo
Người về ngồi uống rượu trước bia mộ đời mình
Và nói lời cám ơn lòng đất.
(Giấc mơ giao mùa)
Như tóc bà tôi giờ là cỏ,
tháng Bảy cầu kinh tiếng mõ mẹ cài hoa màu trắng,
ô cửa thời gian con mèo nằm phơi tuổi thơ em tôi tiếng khóc chào đời,
cá thia lia ngẫm ngợi bóng trăng trên ngọn khế cổ tích.
Đi ra từ giấc mơ bà tôi,
quả mít thơm từ ruộng lúa trổ đòng
bà góp nhặt từng hạt để dành cho bầy chim sẻ,
vạt áo khuya trở trời mùi dầu cù là bóp trán
tôi thấy bà gầy hơn trong ánh đèn dầu thuở xa xưa ấy.
(Tiếng hót chim sẻ)
Cách nói “người về ngồi uống rượu trước bia mộ đời mình/ và nói lời cám ơn lòng đất” thật lạ. Hoặc hồi ức chuyện bà kể chuyện mà thể hiện kiểu “cá thia lia ngẫm ngợi bóng trăng trên ngọn khế cổ tích” cũng độc đáo.
Rất nhiều lần thiên nhiên ùa vào thơ Trần Quốc Toàn bằng hình ảnh bầy chim sẻ được bà nuôi dưỡng rất nhân hậu. Người nông dân vốn không thật no đủ một thời, người với đời cỏ và ngọn đèn dầu, nhưng luôn gần gũi, thân thiết, hòa ái với thiên nhiên. Khi kể điều này, nhà thơ không hề so sánh, đối chiếu với hiện tại, chỉ như một nuối tiếc điều đẹp đẽ đã xa xưa.
Nhưng làng, với nhà thơ trẻ còn là không gian rộng lớn hơn những ký ức gia đình thân thuộc. Đó là lịch sử, văn hóa một vùng đất, và rộng ra, tầm đất nước. Những: Từ phía Đông làng tôi, Mộng Côn Giang, Tổ quốc tôi, Bức bích họa làng quê… khá phồm phàm cảm thức về quê hương, đất nước. Không phải chuyện tự hào sáo rỗng. Chỉ là vấn đề thức nhận, như một xác định mình đang đứng ở đâu.
Làng, với nhà thơ, gần gụi và thiết thân đến nao lòng, dù sao, cũng như một vin tựa, tự hào, bấu víu:
… cái lưỡi cày của người nông dân suốt đời nghiền ngẫm kinh văn đạo ruộng, sắc bén như ánh trăng rằm soi tỏ bài chầu văn cổ xưa
từ thuở cha ông hát bài ca mở đất
làng như một thực thể soi bóng qua lăng kính lịch đại
những ân nghĩa sinh ra từ gốc rạ, từ hát ru, từ củ mì
tháng Tám trời mưa mẩy hạt,
cùng bầy cò cổ tích dưới bóng mát tre trảy
tôi thấy người nông dân đang vẽ bức bích họa đồng quê.
(Bức bích họa làng quê)
Có khi làng hiển hiện trong linh giác, một đẹp đẽ vừa xa tít vừa như mơ ước:
Ra đình làng tháng Giêng cùng bọn trẻ chơi trò Ô ăn quan
người già ngồi ôn lại một năm thu hoạch thóc lúa
như có sự hiện diện của nghìn năm trên bầu trời dân dã
giữa con người và trời đất
Thần và Phật
tôi và em.
(Trong linh giác mùa xuân)
Đã thấy, dù khéo léo lấy “linh giác” làm chủ ý cho toàn tập thơ, hoặc những “linh giác” cụ thể cho từng bài, một kiểu linh cảm, dự cảm (chứ không phải linh giác nhà Phật), Trần Quốc Toàn đã bộc bạch cái tôi cá nhân khá chân thật. Chuyện làng, chuyện mình dần hiện trên góc nhìn rất riêng, nhiều sáng tạo.
Tôi muốn dành vài trích dẫn sau để bạn đọc nhận chân rõ hơn một gương mặt tác giả trẻ chúng ta vừa khảo sát:
Trong khoảng lặng buổi chiều,
tôi thấy một bông hoa,
nở vào khoảng tối,
con chàng làng bay về ngọn vú sữa ngủ sớm,
gió lang thang dưới những nấm mộ rêu
mùi bánh hỏi dắt tôi trở về chái bếp,
con nhện giăng tơ nơi góc nhà
giờ tôi mới hiểu những sợi tơ ấy lấm lem ký ức tôi
óng ánh ký ức tôi,
những ngày mặt trời không sưởi ấm ngọn khói lam chiều
con nhện nhìn tôi và vo tròn chiếc tổ dưới bụng
tôi ngơ ngẩn nhìn
vì sao những con thằn lằn cứ tặc lưỡi buổi hôm
tôi ngơ ngẩn buồn.
(Mưa chiều chủ nhật)
Tháng Bảy tôi nghe tôi và bầy người lang thang đi trên những nỗi buồn,
của người còn sống
họ còn buồn bã hơn kiếp ma,
trái tim không còn lửa người.
(Khi nghĩ về mẹ)
…
Có gì đó ở nhà thơ trẻ này nỗi buồn, sự ưu tư khác xa với nỗi buồn, sự ưu tư của các nhà thơ cùng lứa.
3.
Thực ra rất gượng khi trích dẫn thơ Trần Quốc Toàn. Bởi, các hình ảnh liên miên cập nhật rất mở, lan man ngẫu cảm, dù nhất quán toàn bài. Không có ngôn từ đắt giá kiểu thơ xưa, không có khổ thơ tập trung cho ý tưởng đầy cảm xúc mẫu mực; thơ anh tự do không chỉ thi pháp mà tự do cả những tề tựu không gian, thời gian. Nó tung tẩy vô hồi, ký ức và hiện tại, xưa và nay, mơ và thực, sống và chết… trong cái hồ lô đa năng “linh giác”. Và đạt chỉnh thể ở toàn bài. Thậm chí có bài chỉ khơi gợi chứ không cô đọng một suy tưởng. Phần nối tiếp tự lan man trong bạn đọc. Một cách viết khá hiện đại.
Người sính lý luận sẽ dễ dàng gọi thơ Trần Quốc Toàn là thơ âm tính. Tôi không quan tâm đến kiểu định danh này. Chỉ thấy anh vượt qua những khuôn mẫu, những cách nói thuận tai phổ biến có tính xu phụ, trào lưu… Vượt qua, vượt qua để cận mình nhất, có thể.
Đã thấy tác giả nhập vai, hòa hiểu cùng thế giới âm những trích dẫn trên. Trong bài thơ dài hoành tráng rất hay về quê hương Mộng Côn Giang, đoạn kết rất quái, là cuộc tiếp xúc với người muôn năm cũ, những chủ nhân của các đền tháp xưa:
Đêm,
tôi ngồi trong phòng những vị khách không tên
như những ngọn tháp quê tôi muôn đời mất ngủ
vì nhớ vua Chăm hay nhớ bầy vũ nữ Apsara?
mà soi bóng từ non nhân xuống tận dòng nước trí
để Côn Giang in bóng thành quách Đồ Bàn
để nước sông quy tụ nước trời
trong giọt rượu lửa uống vỡ con tim.
(Mộng Côn Giang)
Không chỉ cá tính “lên đồng” khi sáng tác, Trần Quốc Toàn còn tận dụng các đặc quyền táo bạo trong dàn dựng, liên tưởng – ở đây là cách diễn đạt thơ. Để có đoạn kết này, hiển nhiên trước đó là một chuỗi tiến trình; nhưng giả dụ không có gì cả thì vẫn cứ hợp lý: cuộc “ngồi trong phòng với những vị khách không tên” ngàn năm trước, là cuộc “nhìn thấy” trong bối cảnh “rượu lửa uống vỡ con tim”.
Diễn nôm cái lý của thơ vậy thôi chứ tôi tin nhà thơ đã chạm thấu cảnh giới ấy thật. Thơ anh không có chỗ cho những nhàn nhạt na ná, nói dựa.
Trần Quốc Toàn kể chuyện làng rất chân thành, và làng hiện lên thẳm xa, đầy sức sống: làng có hồn, con người hòa hợp với thiên nhiên, người sống và người chết chưa bao giờ rời nhau. Còn người kể chuyện đã mặc định một phong cách, trên hết, là sự thành thật một cá tính sáng tạo.
LÊ HOÀI LƯƠNG