(VNBĐ – Tản văn).
* Viết thay cho một người
Tôi theo bạn đến Ea Kar vào những ngày cuối Chạp. Khi tôi hỏi: “Gia đình mày có chứa chấp tao không?”, thì nó tần ngần. Cũng phải thôi! Vì cả hai đều là những đứa hư hỏng. Nhưng rồi cũng gật đầu và tôi thầm nghĩ: Thôi thì phố phường tẩy chay, đồng bằng chán ghét mình về rẫy nương núi đồi ăn Tết vậy.
Rất khác với một thành phố hoa lệ như là Sài Gòn cũng chẳng giống bất cứ một tỉnh thành hay thị xã nào đó, mà tôi đã có dịp ghé đến và ở lại. Hoặc lâu hoặc mau. Vì hết thảy những nơi ấy qua giữa tháng Chạp, là đã ra Tết. Rất Tết. Từ thanh âm sắc màu cho đến khung cảnh. Đây, Ea Kar cứ như không lại thêm cái lạnh lẽo, sự hoang vu khiến nản buồn hết sức. Nhưng tôi còn có thể đi đâu giữa khi tiền không một xu trong túi, quần áo chỉ độc nhất một bộ trên người. Vậy là liều mạng, nhắm mắt…
Gia đình bạn tiếp nhận tôi hờ hững. Chẳng biết hai bác tên gì chỉ nghe bà nội gọi bác trai là bố Cả và bác gái là mẹ Cả. Hiểu ngay bố của bạn là con trai đầu của cụ. Thì, gia đình bạn vốn là dân Bắc mà lại. Bác trai dặn: “Ở đây ai có hỏi thì bảo là bà con để đỡ phiền hà”. Bác gái thì: “Ối giời! Ở tận trong rẫy thế này có ông ba mươi hỏi chứ có ai”, rồi bỏ xuống nhà sau. Bác trai vẫn ngồi tại chỗ, im lặng rít thuốc lào liên tục. Cứ xong một hơi lại ho khùng khục. Đêm ấy, hai đứa tôi được ăn một bữa no căng bụng với món bắp hầm nhưng phải ngủ lạnh vì nhà thiếu mền, chăn. Tôi ở đấy thêm mấy ngày nữa mới nhận ra tính cách của những người trong gia đình của bạn. Thực chất, họ là những người hiền hòa mộc mạc và biết quan tâm đến người khác. Chỉ duy nhất việc họ dám chứa chấp tôi, dù biết tôi là bạn thân của ông con “phá gia chi tử”, cũng đủ hiểu họ đã tốt bụng tới đâu. Chính những tình cảm thầm lặng của cả nhà đã neo giữ tôi ở lại Tây Nguyên không chỉ là trong cái Tết ấy.
Bác Cả chẳng sắm sanh gì nhiều vì các thứ, nhà cũng đã có sẵn. Chỉ cần mua quần áo mới cho mọi người với ít kẹo bánh, ký hạt dưa. Bác trai được cái áo sơ mi sáng màu, bà nội và bác gái là quần đen vải ú. Mấy gã trai thì mỗi người một bộ đồ công nhân xanh. Riêng tôi và thằng bạn còn ưu tiên thêm đôi dép cao su đúc thay cho đôi dép nhựa rách tươm. Bác bảo quần áo vừa diện Tết vừa mặc đi làm. Sang chán! Và đôi dép có chắc chắn thì chân bước mới vững chãi cứng cáp được. Ông anh đầu rủ tôi đi kiếm mấy gộc mai trước Tết cả tuần. Tôi tham, còn chặt thêm mấy cành rất đẹp. Mai rừng ngày ấy còn nhiều chứ không hiếm hoi như bây giờ. Tôi biết chọn dáng lại biết cắt tỉa rồi còn biết xếp đặt chỗ nào đặt gộc, chỗ nào chưng cành nên gian nhà xộc xệch, nhờ thế, bừng sáng hẳn. Và ai đi ngang cũng phải liếc mắt vào, ngắm nghía. Bà nội của bạn cười móm mém và khen mãi là cái thằng, thấy tồ tề vụng về mà khéo tay ra phết.
Dù xa quê nhưng gia đình bác Cả vẫn giữ nguyên những lề thói, tập tục ngoài đó. Bởi vậy, tôi mới được hưởng nhận trọn vẹn một cái Tết Bắc với nhiều ngỡ ngàng và thích thú. Lợn, gà nhà nuôi được, nếp đậu xanh trồng trên rẫy, lá dong lá chuối ngay trong vườn. Mổ lợn vào hai sáu để kịp bó giò thủ, nấu thịt đông, làm nhân bánh… Hôm ấy, cả nhà được một bữa ngon với tiết canh, cháo lòng. Bà nội cũng nhấp mấy chén rượu và nhệch nhòa say, huyên thuyên nói cười. Trông rất hay.
Tôi cũng phụ với mọi người và hòa vào không khí rộn ràng, tất bật của cả nhà. Nhận ra mình cũng không đến nỗi vô tích sự lắm. Đêm thức canh nồi bánh chưng mới tuyệt chứ! Cả nhà xúm xít ngồi quanh bếp lửa, cháy đều và rực đỏ. Bác gái gạt ra một ít than và rang bắp khô trên đấy. Tiếng đũa đảo đều trong chảo rồi tiếng bắp nổ lép bép, lép bép… nghe êm tai đến lạ. Bác trai giấm từng bụi lạc trong tro bếp và chuyền cho mọi người. Cái nóng vừa phải khi ủ lạc trong tay rồi chậm từ tách bóc, xoa vỏ và nhóp nhép nhai mới kịp nhận ra, đời đến là thư thả. Và quá đỗi thanh bình.
Sáng mùng Một, tôi dậy sớm. Sương giăng kín hết bên ngoài nhưng bếp nhà đã đỏ lửa. Vợ chồng bác Cả vẫn có thói quen sớm sớm ngồi ở bếp với nhau. Để nấu chè xanh trong cái nồi đồng to mang từ ngoài Bắc vào và chuẩn bị nồi khoai, rổ bắp cho cả nhà ăn sáng. Tết, vẫn không bỏ được cái nếp này. Hương chè, mùi khói thuốc lào khen khét, mùi củi lửa đậm đặc trong một sớm đầu năm rồi tiếng rít thuốc sòng sọc xen kẽ với tiếng rủ rỉ chuyện trò của hai bác, làm tôi ngất ngây vì xúc động. Chưa bao giờ tôi cảm nhận hết sự đầm ấm trong không khí Tết, nơi một ngôi nhà như ngay lúc đấy. Cảnh tượng được thấy đã bất ngờ mở ra trong tâm hồn tôi những ý nghĩ tốt đẹp về cuộc đời, giữa khi tôi đang rất chán sống.
Cái Tết ở vùng kinh tế mới Ea Kar năm đó, không ngờ lại là cái Tết ý nghĩa nhất mà tôi có được trong suốt cả chặng đời phiêu bạt của mình. Ý nghĩa hơn tất cả là tôi có một mái nhà hẳn hoi để đón năm mới chứ không phải vạ vật cảnh quán xá, nhà trọ, chỗ ăn chơi… Bên cạnh những người thương quý tôi thật lòng dù không phải là ruột thịt. Tết ở gia đình bác Cả, dù tận nương rẫy vẫn bánh trái thịt thà đủ đầy. Cuộc sống hồi ấy còn khó khăn và cảnh nhà còn chật vật nhưng các bữa ăn vào khoảng ngày này, đều được chuẩn bị rất tươm tất. To nhất vẫn là tiệc Tất niên. Có cả chị gái, anh rể và ba đứa cháu ngoại từ Gia Lai về. Bà nội muối dưa thì khỏi chê và bác gái luộc gà khéo quá. Luộc vừa chín tới ăn kèm với lá chanh thái chỉ, cá suối bắt được hằng mấy ký nấu với dưa chua và nướng mọi… Rượu cũng của nhà nấu nhưng cánh đàn ông, khá là đông đúc nên gắng gỏi lắm cũng chỉ tròm trèm được dăm hôm. Ghè rượu cần đổi được của người dân tộc dành riêng cho Giao thừa, thơm sực và nồng ngọt trong từng ngụm hút. Đấy là nước đầu chứ các lượt sau cũng nhạt dần cho đến, khi không thể nhạt thêm được nữa thì đành thôi vậy.
Tết, những thằng con trai trong nhà chẳng đi chơi đâu. Không đến bãi chiếu phim trên xã, không đùm túm bạn bè quậy phá, chỉ xúng xính bộ đồ công nhân mới cứng, quẩn quanh trong nhà và đánh bài quẹt lọ vẫn vui cười hả hê, sảng khoái. Niềm vui ngày Tết sao mà dung dị, sao mà đáng yêu! Và niềm vui ấy, chẳng bao giờ tôi còn có thể được hưởng nhận trở lại. Chuyện ăn Tết ở ngoài tổ ấm gia đình, ở ngoài đường, ở nhà người là chuyện rất thường, đối với một tên giang hồ lãng tử như tôi. Những cái Tết như vậy làm lòng mình thêm lạnh lẽo và rất dễ chạnh lòng, tủi thân. Nhưng ở nhà bác Cả là hoàn toàn ngược lại, dẫu cho, khí hậu Ea Kar mấy hôm đầu năm sụt sùi gió mưa và ẩm rét.
Giờ đây, giữa buổi đông sang và một mùa xuân nữa sắp trở về. Tết, cũng đã ngấp nghé nơi hiên nhà. Lòng tôi bồi hồi bao nỗi nhớ và ngỡ như, những tươi mới và đằm vui của cái Tết năm đó vẫn choáng ngợp và ăm ắp, hết cả tâm hồn mình.
NGUYỄN MỸ NỮ
(Văn nghệ Bình Định số Xuân Nhâm Dần 2022)