(VNBĐ – Tản văn). Điển cố văn học kể rằng, thời Tam Quốc, mẹ của Mạnh Tông thèm ăn măng quá mới nói với con trai. Mạnh Tông thương chìu mẹ hết mực nhưng lúc bấy giờ là mùa đông, măng không mọc lên được. Mạnh Tông không đem cho mẹ được miếng ăn mà mẹ thèm, buồn quá vào rừng tre khóc lóc, kêu gào thảm thiết từ sáng đến chiều, từ ngày này sang ngày nọ. Đến ngày thứ chín, rừng tre cảm động rùng mình, măng phá vỡ mặt đất lạnh lẽo mà mọc lên rất nhiều, mụt măng nào cũng mởn mập, thơm ngon. Người đời sau lấy thành ngữ “khốc trúc sinh duẩn”, khóc khiến tre mọc măng đó làm điển cố về chuyện con có hiếu với cha mẹ.
Má tôi chưa bao giờ nói với tôi má thèm ăn gì, cả đời má lam lũ, tần tảo vì con cái, không có sở thích gì cho riêng mình cả.
Mỗi khi Tết đến, nhớ nhà lắm, con đường nhỏ vào nhà tôi khi xưa, cây chùm ruột, cái lẫm lúa trước nhà, dáng má tất tả, liêu xiêu với chiếc áo bà ba màu nâu đất cứ hiện lên mồn một… Lắm lúc tôi cũng ngạc nhiên một kẻ sớm bị ném vào giông bão đã trở nên sần sùi chai lì như tôi mà cũng nhũn ra mỗi khi gió heo may se se trời chiều. Hơn ai hết, tôi hiểu mình, tôi hiểu chút nữa đây, cái nồi “cơm cười” ấy lại sắp hiện lên thơm phức mà cũng nhức nhối tim gan.
Mỗi năm, dù đang tha hương hay về trú ngụ tại quê nhà, tôi đều nhớ đến má, đều cố nhớ xem lúc sinh thời má thèm gì để mua về dâng đặt trên bàn thờ gọi là tâm thành với má, nhưng đành chịu. Có một lần, má cười vui mãi trong bữa cơm. Khi nghe nồi cơm bốc mùi thơm phức, má nói: “Cơm cười rồi! Chuẩn bị cơm nước, đừng đi đâu nữa nghen con!”. Lúc ấy, tôi không hình dung nổi “cơm cười” là sao nhưng hiểu là cơm chín, tôi vẫn ngồi im lặng, không ừ hử dạ thưa gì. Đó là giai đoạn khó khăn trong đời sống tình cảm của hai mẹ con, khi má đi bước nữa, tôi vào rẫy ở một mình lúc đang là một thiếu niên học lớp tám. Hôm ấy, sau ba lần má vào dỗ dành gọi tôi về và tôi đã về duy nhất lần ấy…
Giờ, má đã đi xa, tôi đã hai thứ tóc trên đầu. Tôi đã hình dung được “cơm cười” là khi những hạt gạo đã nở chín, cười bung ra trắng tinh, hương cơm đã bốc lên, lan ra trong không gian ấm áp của gian bếp ngôi nhà. Đâu chỉ có thế, “cơm cười” không chỉ khi nồi cơm đã ráo nước, má nhấc xuống ghế vào lớp tro nóng mà còn mang ý nghĩa về tình cảm của người nấu cơm đang vui trong trong lòng, má tôi đang vui trong lòng. Không vui thì không gì có thể làm cười nổi huống là cơm, chỉ là thức ăn thường nhật, ngày nào cũng nấu, ngày nào cũng xới. Vui trong bụng thì hạt gạo nở ra cũng cười vui.
Về nhà mình, có gì đó quá đỗi bình thường nhưng với má con tôi lúc ấy là cả sự giằng xé trong lòng vậy nên giờ thì tôi hiểu niềm vui lớn lao của má khi nói “cơm cười”.
Mỗi năm một dịp Tết đến, đã là người Việt, dù làm gì, dù ở đâu thì việc cúng dâng cơm nước nhang khói cho cha mẹ, ông bà cũng là việc cần làm. Một sự thôi thúc từ tâm hồn, tâm linh! Vậy mới có câu: “Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên”. Hiếu là trên hết. Hiếu là tất cả. Ba chén cơm thơm, một bên tả mạng thần quang, một bên hữu mạng thần quang, ở giữa hướng dâng hương linh cha mẹ.
Đất nước tôi, nơi những vùng đất tôi đi qua, cứ lấy mũi kim đâm vào bất cứ đâu đều đụng đến hai chữ đạo hiếu. Vậy mà… những lúc ngồi một mình, lim dim mắt nhìn vào bên trong mình, tôi chỉ chạm phải sự trống rỗng, ngày má còn sống, tôi chỉ trách cứ, trách cứ, đòi hỏi, đòi hỏi… Tôi chưa một lần làm được điều gì cho má. Bài học măng tre Mạnh Tông sống động vậy đó mà thiếu thời tôi có hiểu gì đâu, lòng ích kỷ bé mọn đã lấn át đời sống hiếu đạo lẽ ra nên có. Giờ thì tất cả đã muộn màng.
Thời gian không đi qua chân cầu hai lần cho tôi được sửa sai với má. Qua đi. Qua đi. Qua đi. Đời sống con người là những cuộc qua đi nối nhau, miên viễn. Chỉ cái nồi “cơm cười” của má đọng lại, bám mãi vào tâm hồn tôi, là lần vui hiếm hoi của má, cũng là những dằn vặt, ăn năn với tôi.
Những lùm tre Mạnh Tông ngày nay được nhân rộng, trồng ra khắp nơi, những bài học nhắc nhở về hiếu đạo đang được nhân rộng một cách thực tế nhất. Riêng nồi cơm cười của má thì chỉ riêng mình tôi hiểu, mình tôi ngậm ngùi. “Mới đây mà Tết nữa rồi đó má! Giờ, con chỉ ước được ngồi với má, cùng cười vui bên nồi cơm cười má đang ghế bên bếp lửa!”.
NGUYỄN HIỆP
(Văn nghệ Bình Định Xuân Tân Sửu 2021)