Tản mạn từ một cuộc thi

(VNBĐ – Ghi chép).

1.

Thực lòng, sau chuỗi dài căng thẳng nhiều mặt trên toàn xã hội vì dịch Covid – 19, tôi khá ngạc nhiên và không mấy quan tâm khi tiếp nhận thông tin Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh và Hội VHNT Bình Định phối hợp tổ chức Cuộc thi sáng tác Văn học Nghệ thuật về đề tài “Cựu chiến binh tỉnh Bình Định trong thời kỳ đổi mới” (từ 17.9.2021 đến 19.8.2022; thể loại: Bút ký, thơ, ca khúc). Một phần nghĩ nội dung vấn đề thiên về “nhiệm vụ chính trị”, nặng màu sắc tuyên truyền, khá khô cứng trong sáng tác; phần thấy khó trong giao tiếp, lấy tư liệu thời “giãn cách”.

Là một “đoàn thể chính trị – xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc”, Hội CCB tỉnh có đến hơn 33.000 hội viên. Sáng tác đề tài CCB “thời kỳ đổi mới” liệu có khác hơn kiểu “Gương người tốt việc tốt” thiên về tính thời sự, báo chí, một chuyên mục đã cũ mòn mấy chục năm qua? Có thể hình dung, đó là những con người, tập thể “phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, vượt qua bao khó khăn gian khổ, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, giúp đỡ đồng chí, đồng đội, nhân dân, thành điểm sáng một miền quê, khu phố? Và với những quan sát chung thực tế về đề tài và tình thế dịch bệnh ấy, liệu có mấy cây bút tham gia cuộc thi? Và có gì để ngạc nhiên, xúc động không, kiểu khuôn mẫu đã được định dạng “sắp sáng thì nghe có tiếng gà”?

Với thơ và ca khúc, có thể biến những suy tưởng thành các hình tượng trữ tình, những tưởng tượng, nhập vai ghép nối cảm xúc, kiểu “Vết chân tròn trên cát” của Trần Tiến, chứ bút ký phải là chuyện người thật việc thật, liệu có những mới mẻ độc đáo gì không?

Tôi sớm đặt cho mình những câu hỏi, những nghi vấn về khả năng thành công của cuộc thi như vậy.

2.

Tôi đã đúng và không đúng.

Theo dõi cuộc thi, đến nay, khi đã gần một năm phát động, khi vài ngày nữa là hết hạn nộp bài, lượng bài tham gia các thể loại thi quá ít – căn cứ vào số lượng các tác phẩm “qua vòng sơ khảo được chọn đăng trên tạp chí VNBĐ”. Vì nhiều lý do, có thể khách quan như những phân tích trên, có thể giá trị giải thưởng thấp, đề tài chưa hấp dẫn, hoặc cách quảng bá chưa tốt…, nhưng quả cuộc thi chưa thật có sức hút với giới sáng tác, dù đối tượng dự thi mở rộng “các cây bút chuyên, không chuyên, trong và ngoài tỉnh”. Cuộc thi sáng tác nào cũng vậy, nếu không có nhiều cây bút tham gia, nhất là những cây bút chất lượng, hoặc ở đề tài này không có hình mẫu hay, hẳn sẽ thất bại.

Nhưng tôi bất ngờ vì những điểm sáng của cuộc thi từ mảng “chất liệu” thật cho bút ký: đã có những CCB, hoặc lặng lẽ đóng góp phần đời còn lại của mình, miệt mài nghĩa cử thiêng liêng “đi tìm hài cốt đồng đội” bằng các kết nối độc đáo từ thành tựu công nghệ thông tin; hoặc vượt qua số phận buồn đau, vươn lên khẳng định mình – với ý thức người may mắn hơn các máu xương gửi lại chiến trường -, khẳng định sức sống của người lính đã qua thử lửa, giúp đỡ nhau, chăm lo con em đồng chí đồng đội, vươn lên làm giàu, góp phần hữu ích cho xã hội.

Thời đất nước gian lao sẵn sàng cầm súng đánh giặc và phục vụ chiến đấu, đến hòa bình thống nhất, người lính trở về đời thường, với những thua thiệt hy sinh nhiều mặt, chỉ việc tự lo tốt cho mình, không trông chờ vào vào các chính sách, đãi ngộ xã hội, là đã đáng trân trọng. Huống chi.

Thật khâm phục CCB Đặng Hà Thụy, sau hai cuộc chiến chống Mỹ, cuộc chiến biên giới Tây Nam, về tham gia công tác địa phương ở Hoài Thanh Tây – TX. Hoài Nhơn, học làm quen với máy tính, theo dõi chương trình “Nhắn tìm đồng đội”, đến từng nghĩa trang ghi chép, chụp ảnh các thông tin bia mộ, giúp liên lạc nhiều người thân liệt sĩ. Đặc biệt, ông lập facebook, zalo… cung cấp hiệu quả thông tin các liệt sĩ địa bàn Hoài Nhơn, nhiều địa phương trong tỉnh: Hoài Ân, Tây Sơn… Từ các thông tin mạng này, ông làm quen với một số cựu binh Mỹ Spencer Matteson, Bob March; thư đi tin lại kiên trì, người cựu binh Mỹ lục tìm từ hồ sơ lưu trữ về chiến tranh Việt Nam, và hai hố chôn tập thể ước tính hơn 80 liệt sĩ sau trận đánh ở đồi Xuân Sơn 26.12.1966 (Ân Hữu, Hoài Ân) được “phía bên kia” cung cấp cụ thể sơ đồ; hơn nửa thế kỷ trôi qua, hài cốt đồng đội đã được tìm thấy! Người sĩ quan cựu binh này đã tự sắm các phương tiện: máy tính cấu hình lớn, máy in, máy scan, máy ảnh chuyên dụng, điện thoại thông minh…, tiếp tục mở rộng tìm kiếm của mình đến nhiều nơi: Thuận Ninh (Tây Sơn), An Quý (Hoài Châu)… trong hành trình thiêng liêng không mỏi (Nhịp cầu tri ân – Bùi Tấn Phước).

Thật ngưỡng mộ chị Trần Thị Như Hoa (thương binh 3/4), vượt qua bất hạnh, buồn đau riêng, vượt qua trần ai cơ khổ để nuôi bốn đứa con, dần gầy dựng sự nghiệp làm nước mắm; từ thành công bước đầu với cơ sở 40m2, đã phát triển lên 400 rồi 4.000m2, thành doanh nghiệp lớn với thương hiệu nước mắm “Như Hoa Tam Quan”; thành địa chỉ lan tỏa yêu thương đối với các gia đình chính sách, với con em CCB; được bằng khen từ Thủ tướng Chính phủ, Hội CCB Việt Nam, Hội TNXP Việt Nam… (Hương rừng bên bờ biển mặn – Bùi Tấn Phước).

Hoặc vợ chồng cựu binh Phạm Phú Yên – Lê Thị Hậu làm trang trại 50ha ở vùng núi Hóc Quả – chân núi Đầu Voi (Cát Hanh – Phù Cát), được tỉnh vinh danh nông dân điển hình, giúp đỡ nhiều người học tập mô hình làm ăn, cùng vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Điều đáng nói, ông Yên vốn là lính đặc công Sư 3 Sao Vàng, bị thương, bị bắt, ở tù Côn Đảo, được trao trả tù binh năm 1973; các thứ giấy tờ trục trặc vì người làm chứng cũng đã hy sinh, không được hưởng chính sách, đãi ngộ người có công gì; chẳng một oán thán, nghĩ mình và vợ còn sống qua chiến tranh là may mắn hơn bao đồng đội, và vợ chồng người cựu binh đã biến vùng đất hoang thành miền đất nên cơ nghiệp (Địa chỉ đỏ bên tán rừng xanh – Phan Văn Hổ).

Hoặc thương binh Thời Xuân Sang (Ân Tường Tây – Hoài Ân), bốn lần bị thương nặng, dù còn mảnh đạn trong đầu, buổi khó khăn làm ăn tập thể đã tiên chinh đưa gia đình lên hóc Cây Thị, một hóc sỏi cằn cỗi, kiên trì cải tạo đất làm kinh tế, và thành công. Tấm gương của người từng là đại đội trưởng trong chiến tranh đã động viên nhiều hộ dân noi theo; giờ vùng đất này thành xóm mới hơn chục hộ, xanh tươi trù phú (Hóc sỏi đơm bông – Bùi Tấn Phước). Hay “Tổ trồng cây ăn quả Phước Bình” (Ân Hảo Đông – Hoài Ân) gồm các cựu binh biên giới Tây Nam giúp nhau làm kinh tế bằng cây ăn quả, ngoài mày mò tìm học và chia sẻ những thành công cây trái hiệu quả kinh tế cao, ổn định đời sống, còn chăm lo xây nhà tình nghĩa cho hộ khó khăn, xây dựng quỹ khuyến học động viên con cháu. Những CCB vùng đất này thành những người nêu gương về ý thức công dân biết tận dụng những thông tin, thành tựu khoa học kỹ thuật vươn lên làm chủ cuộc sống của mình (Cho những mùa quả ngọt – Võ Hạnh). v.v…

Chỉ mới điểm qua một số bài bút ký, đã thấy những vẻ đẹp trong cuộc sống từ các CCB. Đúng là “thời kỳ mới”. Khi, bằng ý chí và nghị lực, bằng phẩm chất người lính đã được tôi luyện, vượt qua những khó khăn gian khổ, sức khỏe và thương tật, thậm chí cả sự thua thiệt, thiếu công bằng về chính sách được hưởng vì vướng các quy định máy móc, những CCB vẫn vượt lên, làm giàu chính đáng, là đầu tàu mẫu mực cho bè bạn, làng xóm noi theo. Tôi đặc biệt ấn tượng CCB Đặng Hà Thụy việc tiếp cận công nghệ thông tin để “nhịp cầu tri ân” được kết nối hiệu quả ngoài tưởng tượng – công việc vốn được nhiều CCB thực hiện lâu nay thuần bằng tình cảm, trách nhiệm người còn sống với đồng đội đã hy sinh bằng bao năm tháng trèo đèo lội suối xuyên rừng. Với người trẻ, tiếng Anh và công nghệ thông tin là chuyện bình thường, nhưng với người lớn tuổi, mày mò tự học, kiên trì kết nối được với những cựu binh “phía bên kia” cung cấp hồ sơ lưu trữ đâu đó trong một trường đại học, hơn nửa thế kỷ!

Cuộc sống vốn có những điều kỳ diệu. Cái tình, sự quyết tâm, phải rồi. Nhưng tôi còn muốn tin rằng, có một lẽ linh thiêng hằng cửu đã được chạm thấu, đã được kết nối, khi cái tình đủ lớn, đủ biến lương năng thành sức mạnh khả thể cho điều phi phàm.

3.

Có lần tôi hỏi thăm một hội viên chuyên viết mảng bút ký cho VNBĐ sau vài tháng anh in bài dự thi, rằng đã ấp ủ bài mới nào chưa? Anh than, cũng có khảo sát mấy nhân vật nhưng cứ na ná nhau, một khuôn mẫu kiểu vượt khó, làm ăn khấm khá, nuôi con ăn học đàng hoàng…, khó thể có bài độc, lạ.

Ừ, đúng vậy, đề tài này, nếu viết dự thi. Mới lạ, độc đáo, thì dễ thành công hơn.

Nhưng, cái khuôn mẫu, thực ra do cách nhìn theo thói quen của xã hội, chứ con người vốn khác – tâm tình và hoàn cảnh. Chính cách nghĩ đường mòn, “khuôn mẫu” này, khi hình dung về CCB, cũng là lý do người tham gia cuộc thi không nhiều.

Tôi từng đọc nhiều bài viết về CCB Trần Thị Như Hoa, nhưng đọc Hương rừng bên bờ biển mặn vẫn xúc động và nể phục người nữ TNXP, người CCB, doanh nhân này.

Như một thứ tâm lý thông thường, viết về cái xấu, cái ác dễ hơn viết về cái đẹp, điều thiện lương. Nên bao diễn đàn người ta mãi kêu gọi viết về cái đẹp, cái tốt. Đương nhiên chẳng ai đặt vấn đề thi sáng tác ngược lại: hàng ngày đã quá đủ, thiên hình vạn trạng, phơi bày quanh ta, hoặc trên các phương tiện truyền thông.

Trong Điều lệ Hội CCB, phần nhiệm vụ, ngoài chuyện “góp ý xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa…”, đoạn sau CCB có nhiệm vụ thế này: “thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và tệ nạn xã hội; tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với các hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước theo quy định”. Tôi tin, với phẩm chất người lính, nhiều CCB, ngoài nỗ lực vươn lên chuyện đời sống, làm kinh tế, giúp đỡ nhau, hẳn còn nhiều người đi đầu trong thực hiện dân chủ cơ sở, đấu tranh chống những sai trái, quan liêu, tham nhũng… Đây là “mặt trận” cũng gian nan và vinh quang không kém. Vậy mà không thấy bài viết nào đề cập đến những CCB đóng góp cho xã hội, mảng này!

Chẳng nhạy cảm gì cả: ngay trong mỗi con người, hàng ngày đều tự đấu tranh với chính mình điều nên/ không nên làm, huống chi các vấn đề xã hội. Bút lực mỗi người không chỉ là tài năng theo nghĩa hẹp. Mà còn là xuất phát điểm khi tiếp cận vấn đề. Khi ý tưởng được dẫn dắt bằng một tâm hồn trong sáng, nhân bản, bất vụ lợi, sẽ chinh phục người đọc, dù vấn đề nào.

Đọc, quan sát cuộc thi, ít nhất tôi thấy mình thêm một lần xúc động và nể phục những CCB qua các bài viết. Đó là sự lan tỏa mà cuộc thi, chữ nghĩa đem lại. Và hiểu những khó khăn của người tổ chức khi “thu hoạch” không nhiều. Còn người dự thi dường như vẫn bị đường mòn đèm đẹp ám ảnh, chưa thật “mới” trong tìm thấy “chất liệu”.

Nhìn nhận thẳng thắn những được và chưa được của cuộc thi, chỉ riêng mảng bút ký, thì cũng là thành công, đúng không?

LÊ HOÀI LƯƠNG

(Văn nghệ Bình Định số 113 tháng 9.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…

Độc đáo ẩm thực xứ Nẫu

Bình Định lưu lại trong ký ức nhiều người không chỉ bởi danh lam thắng cảnh, trầm tích văn hóa lịch sử mà còn quyến luyến lòng người bởi thế giới ẩm thực phong phú…