Tâm thức Phật giáo qua thơ Hàn Mặc Tử trong Trường thơ Loạn

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Không phải ngẫu nhiên trong tác phẩm Phật giáo và nền văn hóa Việt Nam vốn là một bài diễn thuyết của Thích Mãn Giác được Ban Tu thư Đại học Vạn Hạnh xuất bản năm 1967, khi bàn về ảnh hưởng của Đạo Phật trong quá khứ đối với nền văn hóa Việt Nam, tác giả dẫn lời của một tạp chí Phật giáo đã viết ở bài xã luận cho rằng: “…Trong tâm hồn dân tộc Việt Nam thật đã sẵn có mầm mống tinh thần Phật giáo. Đạo Phật với dân tộc Việt Nam trong gần hai ngàn năm nay, bao giờ cũng theo nhau như bóng với hình trong cuộc sinh hoạt toàn dân. Đã là viên đá nền tảng cho văn hóa dân tộc, cố nhiên Phật giáo Việt Nam vĩnh viễn phải là một yếu tố bất ly của cuộc sống toàn diện. Ngày nay những hào nhoáng của một nền văn minh vật chất đã làm mờ mắt một số đông người, nhưng cơ bản của nền văn hóa dân tộc đang còn bền chặt, khiến cho người Việt Nam dù có bị lôi cuốn phần nào trong một thời gian, cũng đã hồi đầu trở lại với cội nguồn yêu dấu ngàn xưa”(1) . Rồi ông đi đến kết luận: “Thật đúng như thế! Đạo Phật trong gần hai ngàn năm nay đã chan hòa đời sống của mình trong đời sống của dân tộc, đã vui cái vui của dân tộc, đã buồn cái buồn của dân tộc. Đạo Phật đã chi phối tất cả mọi sinh hoạt của con người Việt Nam từ triết lý đạo đức, qua kiến trúc, hội họa, âm nhạc đến văn chương, tư tưởng, tình cảm và nếp sống…”.

Còn theo Phan Xuân Sanh trong bài viết “Ảnh hưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam” (Đại học số 9/1959), thì cho rằng: “Thi ca và Đạo Phật trên xứ sở Việt Nam gặp nhau không do một sự tình cờ, cũng không do sự ép uổng mà trái lại chỉ là sự hòa nhịp của mọi tình ý cao thấp, mọi hình thức sống trong siêu nhiên cũng như trong thực tại đã kết thành thơ. Cái đêm hợp cẩn giữa thi ca với Đạo Phật thành tựu từ bao giờ chúng ta chưa biết nhưng chắc chắn nó đã tượng hình từ mấy nghìn năm khi dân tộc sửa soạn tâm tư đón Phật Giáo, khi lịch sử Việt Nam bắt đầu chớm nở. Và từ đó thi ca cùng Đạo Phật nương tựa nhau để trưởng thành và thắm đượm theo chiều tiến triển chung của lịch sử dân tộc”. Những khẳng định trên đã xác quyết việc ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đối với văn hóa Việt Nam, trong đó có văn học là một điều không thể phủ nhận.

Trường thơ Loạn, một khuynh hướng thơ ca khởi từ Nhóm thơ Bình Định, một bộ phận của phong trào thơ Mới trong nền văn học Việt Nam hiện đại cũng không nằm ngoài từ trường văn hóa này. Vì vậy, việc ảnh hưởng của Phật giáo đối với thơ của các thi sĩ trong Trường thơ Loạn như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê cũng là điều tất yếu. Tuy nhiên, đây không chỉ là sự ảnh hưởng đơn thuần thể hiện mối quan hệ giữa thi ca và tôn giáo mà đó còn là một sự hợp hôn diệu kỳ giữa thơ ca và triết lý nhà Phật vốn đã được khởi nguồn từ truyền thống văn hóa dân tộc tự ngàn xưa, để từ đó hình thành nên tâm thức Phật giáo của thơ ca dân tộc, trong đó có Trường thơ Loạn.

Vốn là “con rồng trong Nhóm “Tứ Linh” và là “Vị chúa của Trường thơ Loạn”, Hàn Mặc Tử tuy là con chiên ngoan đạo của Đức Ki tô, không những thế còn chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa phương Tây nhưng thi sĩ cũng là người biết trân quí những giá trị của văn hóa phương Đông trong đó có thơ ca. Việc ông mê làm thơ Đường từ nhỏ và làm thơ Đường rất hay, được cụ Phan Bội Châu khen ngợi cho thấy cái mật ngọt của văn hóa Đông phương đã thấm đẫm trong tâm hồn Hàn Mặc Tử như thế nào!? Song, cái chất mật ngọt của văn hóa Đông phương ấy trong Hàn Mặc Tử không chỉ có thơ Đường mà còn có tư tưởng của một số nhà hiền triết phương Đông trong đó có tư tưởng của Đức Phật. Và đây chính là cơ sở để hình thành tâm thức Phật giáo trong thi ca Hàn Mặc Tử. Vì vậy, đọc thơ Hàn Mặc Tử, bao giờ ta cũng bắt gặp sự kết hợp hài hòa giữa biểu tượng cao đẹp, tinh khiết qua hình ảnh Đức Mẹ nhân từ của Đạo Thiên Chúa với tinh thần từ bi của Phật giáo. Sự kết hợp lạ lùng này không chỉ làm cho hình ảnh Đức Mẹ Maria vốn là một biểu tượng của văn hóa phương Tây bỗng gần gũi thân thiện với văn hóa dân tộc và lời nguyện cầu của thi sĩ không những có sức nặng của sự huyền diệu mà còn tôn vinh sự nhân ái cao đẹp của Đức Mẹ : “Lạy Bà là đấng tinh truyền thánh vẹn/ Giàu nhân đức giàu muôn hộc từ bi/ Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy/ Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thếTâu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ/ Ngọc như ý vô tri còn biết cả/ Huống chi tôi là thánh thể kết tinh Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu rạng bình minh /Chiều cùng hết khắp ba ngàn thế giới…” (Thánh Nữ đồng trinh)

Nếu không có sự thấm nhuần tư tưởng từ bi của nhà Phật như một diệu pháp cứu độ chúng sinh, trong đó có Hàn Mặc Tử cũng là một chúng sinh đang cần sự cứu độ bởi căn bệnh nan y mà thi nhân phải gánh chịu như một nỗi đau thân phận thì không có những câu thơ thể hiện sự kết hợp giữa niềm tin vào “phép lạ” của Thiên Chúa và sự “từ bi” của nhà Phật như thế!? Đây chính là biểu hiện của tâm thức Phật giáo trong thơ Hàn Mặc Tử và điều này đã tạo cho thơ Hàn Mặc Tử một hệ giá trị mới, độc đáo. Bởi, nói như Quách Tấn, một người bạn thân thiết và rất hiểu Hàn Mặc Tử thì “Trong tâm hồn của Tử không có những bức thành kiên cố ngăn cách tôn giáo của mình và tôn giáo của người, nhất là đối với Phật giáo”. Phải chăng, từ cảm thức này mà Hàn thi sĩ đã xác quyết: Thơ tôi thương huyền di/ Mọc lên đạo Từ Bi… (Cao hứng). Vì ông tin “Tín đồ nhà Phật lấy phút cuối cùng làm hạnh phúc”. (Chơi giữa mùa trăng).

Không chỉ có Hàn Mặc Tử mà trong tâm thức người Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa nông nghiệp với sông nước mênh mông nên tính cách con người cũng mềm dẻo, dễ thích nghi, dễ hòa hợp và việc chấp nhận sự hiện hữu của nhiều tôn giáo trên đất nước nói chung và trong mỗi con người nói riêng cũng là điều dễ hiểu. Vì thế, ở Việt Nam không có những sự xung đột tôn giáo đến cực đoan mà trái lại có sự dung hợp giữa các tôn giáo trong từng cộng đồng, trong mỗi con người. Và sự dung hợp này, ta có thể cảm nhận qua thơ Hàn Mặc Tử. Thế nên, tâm thức Phật giáo trong thơ Hàn Mặc Tử không thể hiện riêng biệt mà đang xen cùng đức tin của ông đối với Thiên chúa. Ta hãy nghe Hàn Mặc Tử chia sẻ: Có tin đồn xa đến/ Có điềm lạ đêm nay/ Đóng cửa mười phương lại/ Dồn ánh sáng vào đây (Điềm lạ). Hay: Ta cho một dòng thơ rất mát/Mới tinh khôi và tinh sạch bằng hương/Trời như hớp phải hơi men ngan ngát/ Đám muôn nghìn tinh lạc xuống mười phương… (Nguồn thơm).

Rõ ràng, qua các diễn ngôn trong thơ Hàn Mặc Tử, ta thấy những thi ngữ mang màu sắc tôn giáo của Đạo Ki Tô vốn được dùng trong Kinh Thánh như: Phép lạ;  Điềm lạ; Thánh Nữ đồng trinh; Ơn phước; Dưới thế; Tâu lạy Bà và những thi ngữ vốn được dùng trong kinh Phật như: Từ bi; Ba ngàn thế giới; Mười phương Phật đã được tác giả vận dụng một cách tinh tế, hài hòa trong từng câu thơ, đoạn thơ. Và đây cũng là một phẩm tính của tâm thức Phật giáo trong thơ Hàn Mặc Tử như Phan Xuân Sanh đã suy ngẫm: “Hàn Mặc Tử từ niềm tin thơ đi rộng ra đã bắt gặp niềm tin đạo, qua những dòng thơ lung linh, huyền nhiệm của Hàn Mặc Tử chúng ta có nhiều dịp thấy ẩn hiện một dòng linh hồn nối từ lòng người tới trăng sao, từ Hàn Mặc Tử tới ba ngàn thế giới, một dòng linh hồn ẩn náu trong những cụm sen cổ kính mọc lên giữa dòng sông bằng ngọc, giữa suối hồ thất bảo”. (2)

Là một người am hiểu triết lý Phật giáo và văn hóa phương Đông, nên, tuy là một con chiên ngoan đạo nhưng Hàn Mặc Tử không chỉ tin vào sự cứu rỗi của Thiên Chúa mà còn tin vào sự giải thoát của Phật Pháp đối với phận số con người. Vì vậy, trước những nỗi đớn đau về thể xác và tinh thần bởi cơn bệnh nan y giày vò, Hàn Mặc Tử không chỉ nguyện cầu Thiên chúa và Đức Mẹ Maria mà thi nhân còn khẩn nguyện ở lòng từ bi và sự cứu độ của Đức Phật. Và đây cũng là sự biểu hiện khác của tâm thức Phật giáo trong thơ Hàn Mặc Tử: “Mỉa mai thay cho phượng hoàng si dại/ Là ta đây đương ở kiếp muôn chim/ Trở lại trời tu luyện với muôn đêm/ Hớp tinh khí muôn năm thành chánh quả” và “Lời nguyện gẫm xanh như màu huyền diệu/ Não nề lòng viễn khách giữa lúc mơ/ Trời từ bi cảm động ứa sương mù/ Sai gió lại lay hồn trong kẽ lá” (Hãy nhập hồn em). Vì thế, khi nghĩ về ảnh hưởng Phật giáo trong thơ Hàn Mặc Tử, Phan Xuân Sanh Viết: “Vũ Hoàng Chương nhà thơ Việt Nam giữa thế kỷ XX cũng đã nói nhiều mối tình của con người sống động qua không gian và thời gian. Nếu họ Vũ với giọng thơ nồng nàn, cổ kính đã thi vị hóa quan niệm luân hồi trong Phật giáo, thì Hàn Mặc Tử sau những ngày chạy vạy với số kiếp đọa đầy ở trần gian cũng biến thể và xê dịch đến cho gần cõi Cực Lạc, giải thoát của đức A Di Đà trong Phật giáo”(3). Rồi, ông lại tiếp tục luận giải: “Thế giới của Phật A Di Đà là thế giới của mười phương của hào quang vô lượng và đức Từ bi vô cùng. Kinh A Di Đà có lời nguyện: “Nam mô an dưỡng quốc, cực lạc giới Di đà hãi hội vô lượng quang Như Lai”.

Và cũng theo Phan Xuân Sanh khi luận giải về hình tượng chim tước trong thơ Hàn Mặc Tử trong đoạn thơ: “Ngoài không gian rất mát/ Chim thanh tước ra đời/ Nêu cao hơn tiếng nhạc/ Mùa hát sẽ xanh tươi” thì “Chim Thanh tước, thế giới mười phương đấy là hình ảnh tượng trưng của cõi đời thênh thang và giải thoát, của thời gian vô tận và không gian mênh mông đã được trình bày một cách hết sức kiều diễm và phong phú trong kinh A Di Đà”.

Là một thi sĩ đa tình và đa tài, sức mạnh tâm linh trong thơ Hàn Mặc Tử không chỉ là kết quả của niềm tin tôn giáo qua các đấng chí tôn mà còn tạo nên bởi tình yêu đối với những người con gái mà Hàn Mặc Tử đem lòng yêu thương. Những người phụ ấy có thể ông đã gặp hoặc chưa từng gặp trong đời, cũng có thể là một Sư cô đã rủ sạch bụi trần nấp mình ở chốn thiền môn. Nhưng với Hàn Mặc Tử, điều đó không thể ngăn cản cảm xúc của ông khi mà hình ảnh họ đã chạm vào trái tim của Thi sĩ, đã trở thành một niềm thổn thức trong thơ ông. Đây phải chăng, cũng là một biểu hiện của tâm thức Phật giáo trong thơ Hàn Mặc Tử. Ta hãy nghe thi sĩ tự tình: “Mới lớn lên trăng đã thẹn thò/ Thơm như tình ái của Ni cô/ Gió say lướt mướt trong màu sáng/ Hoa với tôi đều cảm động sơ” (Huyền ảo). Và nói như Phan Xuân Sanh: Phật giáo ảnh hưởng đến thơ Hàn Mặc Tử, ngoài phần ảnh hưởng về ngôn từ trong hình thức câu thơ, còn có phần cảm giác mầu nhiệm có thể xem như những ảnh hưởng của tâm hồn thoảng đượm tinh thần đạo Phật khi nhà thơ quên thực tại chua cay biến thể và hòa mình vào “Bất giác”, vào cõi trời Đạo lỵ, Đầu xuất mơ về những cảnh sắc lung linh, kiều diễm nơi chốn giải thoát của đức A di đà. Đạo Phật đến với nhà thơ Hàn Mặc Tử và gây nên ít nhiều ảnh hưởng còn cho chúng ta cái cảm tưởng này: tinh thần Phật giáo thấm qua cuộc đời thi sĩ như sự tràng chiếm tiềm tàng của một niềm yêu nối từ nhà thơ đến người thiếu nữ hiền lành, đến Thương Thương, đến những cô gái đồng hương, hay bất cứ ai dù một ni cô trong đám giai nhân từ xa xôi giữ lại.

Những tình cảm đơn sơ, thanh đạm đượm một hương vị Phật giáo này của Hàn Mặc Tử phải chăng là những tình cảm thực nhất? Thực vì đơn sơ thanh đạm, thực là vì tiếng vọng của tâm tư là âm hưởng của một linh hồn đang xê dịch bên cạnh cánh cửa từ bi của đạo Phật?(4). Và đây cũng là cảm nhận của Thế Phong trong tác phẩm Hàn Mặc Tử,  Quách Thoại – Cuộc đời rướm máu – nhà thơ siêu thoát, thì : “Ngoài đạo học Thiên Chúa Giáo, Hàn còn yêu mê đạo Phật và nhất là tình ni cô, Hàn đã từng cảm tâm hồn cao cả thanh khiết. Thế cho nên Hàn cầu mong: “Cho tôi hoa đền Ngự/  Cho tôi lòng ni cô(5).

Phải chăng, từ sự huyền diệu này mà thi nhân đã khát khao một ân sủng để có thể “Trở lại trời tu luyện với muôn đêm/Hớp tinh khí muôn năm thành chánh quả” (Phan Thiết! Phan Thiết!). Và đây là biểu hiện thiêng liêng của tâm thức Phật giáo trong thơ Hàn Mặc Tử.

Kết

Sự xuất hiện của Trường thơ Loạn có thể nói là một bước đột phá được khởi đi từ Nhóm thơ Bình Định. Và như tên gọi, thật sự nó đã tạo nên một sự “nổi loạn” mang tâm thức hiện sinh được thể hiện qua những “tuyên ngôn” về thơ của Hàn Mặc Tử, của Chế Lan Viên, của Bích Khê mà đương thời không phải ai cũng cảm thông và chấp nhận. Nhưng dù chấp nhận hay không thì Trường thơ Loạn vẫn hiện hữu, vẫn tồn tại, vẫn đóng góp cho sự cách tân của thơ Việt về nhiều phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Đây là một hệ giá trị không thể phủ nhận mà sự bất tử của các tác phẩm như: Gái quê, Đau thương; Xuân như ý; Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử; Điêu tàn của Chế Lan Viên, Tinh huyết, Tinh hoa của Bích Khê trong tâm thức và tâm cảm của người tiếp nhận, dù có trải qua những truân chuyên, những lận đận, thậm chí những sự vùi dập một cách có ý thức của một thời không xa, trong đời sống văn học dân tộc là một minh chứng cho những giá trị vĩnh hằng ấy. Và trong các hệ giá trị này có hệ giá trị của Tâm thức Phật giáo qua thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê trong Trường thơ Loạn như đã phân tích ở trên. Phải chăng, Tâm thức Phật giáo này đã góp phần cùng với những hệ tư tưởng Đông Phương và Tây Phương khác làm nên giá trị nhân văn cho Trường thơ Loạn. Bởi lẽ, nói như Phan Xuân Sanh: “Đạo Phật đến với nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng, chỉ có nghĩa là con người phải trở về năng lực cao cả của mình, sự có mặt của Phật giáo chỉ có nghĩa như sự đập vỡ những bất công, những mê muội để đòi hỏi cho nhân sinh cái quyền sống, quyền tự lập và sáng tạo”(6). Và còn gì cao đẹp hơn trên cõi đời nầy, khi con người được phát huy “năng lực cao cả của mình” để “đập vỡ những bất công, những mê muội để đòi hỏi cho nhân sinh cái quyền sống, quyền tự lập và sáng tạo” trong một xã hội được xây nên bởi lòng từ bi và tinh thần bác ái. Và đây cũng là thông điệp mà bài viết này muốn được chia sẻ…

PGS.TS. TRẦN HOÀI ANH

(Văn nghệ Bình Định số 92 tháng 12.2020)

(1). Thích Mãn Giác, Phật giáo và nền văn hóa Việt Nam, Ban Tu thư Đại học Vạn Hạnh xuất bản, Sài Gòn, 1967, tr.17,18

(2). Phan Xuân Sanh, “Ảnh hưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam”, Tạp chí Đại học số 9/1959, tr.40

(3). Phan Xuân Sanh, “Ảnh hưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam”,  Tạp chí Đại học số 9/1959, tr.38

(4). Phan Xuân Sanh “Ảnh hưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam”, Tạp chí Đại học số 9/1959, tr.42

(5). Thế Phong, Hàn Mặc Tử, Quách Thoại – Cuộc đời rướm máu – nhà thơ siêu thoát, Đại Nam Văn Hiến xuất bản, Sài Gòn,1965, tr.49

(6). Phan Xuân Sanh, “Ảnh hưởng Phật giáo trong thi ca Việt Nam”, Tạp chí Đại học số 9/1959, tr.21

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…