Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ

(VNBĐ – Thơ & lời bình).  Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ Việt Nam có phong cách cách tạo riêng, nhưng trước hết, anh được xem như nhà thơ của Huế. Anh viết nhiều, viết hay về Huế và để lại sự trân trọng, yêu quý trong lòng độc giả. Mặt đường khát vọng, Đất ngoại ô… là những tác phẩm lớn, làm nên phẩm chất và thi pháp thơ Nguyễn Khoa Điềm. Những chùm thơ lẻ viết về Huế của anh cũng mang những phẩm tính trên rất đa dạng, phong phú, đọc lên, chúng ta nhận ra đó là phong cảnh Huế, con người Huế, văn hóa Huế mà có khi không cần đến một địa danh cụ thể, con người cụ thể nào. Chiều Hương Giang, Tuổi trẻ không yên, Cõi lặng, Lời chào… là những tác phẩm kết tinh hồn thơ, chất thơ độc sáng ấy của Nguyễn Khoa Điềm.

Thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng như con người anh: thâm trầm, kín đáo, ẩn bên trong con chữ, hình tượng là những dự báo, bùng nổ tình cảm và tư tưởng bất ngờ. Tôi chọn Lời chào để chứng minh cho nhận định trên của mình. Bài thơ gắn với những kỷ niệm vui buồn, ân nghĩa cùng cảnh vật và con người Huế quê hương anh. Những kỷ niệm ấy chìm khuất trong ký ức tuổi thơ hồn nhiên, nhưng sâu nặng, để bây giờ nó bừng tỉnh, lòng anh thấy bùi ngùi, xao xuyến về những tháng năm xa:

Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ
Vô tư quá để bây giờ xao xuyến
Bèo lục bình mênh mang màu mực tím
Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông…

Đồng hiện quá vãng trong điểm nhìn hiện tại là cách tốt nhất để anh nhận ra những kinh nghiệm quan hệ của mình với sự trưởng thành trong hành trình ra đi và hành trình trở về của tâm linh, sự sống. Thời khắc của sự nhận ra điều kỳ diệu ấy, đối với anh, như là sự đột ngột, bùng nổ dữ dội tự bên trong tâm hồn mình:

Ta lớn lên bối rối một sắc hồng
Phượng cứ nở hoài như đếm tuổi
Như chiều nay, một buổi chiều dữ dội
Ta nhận ra mình đang lớn khôn…

Từ sự đồng hiện, hoài vãng những điểm tựa tinh thần và vật chất có thật của mình, Nguyễn Khoa Điềm đã vực dậy những trầm tích và hiển minh văn hóa cũng như những cổ mẫu gắn bó sâu nặng để anh thức nhận và biết ơn cuộc sống, thiên nhiên đã cho mình bài học sinh thành và bài học làm người cao cả, có ý nghĩa kể từ khi mở mắt chào đời cho đến khi nhắm mắt ra đi. Đó là những điều tưởng giản đơn, nhưng vô cùng kỳ diệu để anh biết yêu và biết sống:

Biết ơn những cánh sẻ nâu đã bay đến cánh đồng
Rút những cọng rơm vàng về kết tổ
Đá dạy ta với cánh diều thơ nhỏ
Biết kéo về cả một sắc trời xanh
Biết ơn mẹ vẫn tính cho con thêm một tuổi sinh thành
“Tuổi của mụ” con nằm tròn bụng mẹ
Để con quý yêu tháng ngày tuổi trẻ
Buổi mở mắt chào đời, phút nhắm mắt ra đi…

Những câu thơ Đá dạy ta với cánh diều thơ nhỏ và ‘Tuổi của mụ’ con nằm tròn bụng mẹ làm chúng ta bất ngờ và không khỏi suy nghĩ về nội hàm của chúng. Chín tháng mười ngày trong bụng mẹ được tính thành một tuổi là minh triết của người xưa để công nhận sự hiện hữu một con người, một tuổi sinh thành trong bụng mẹ. Còn câu thơ Đá dạy ta với cánh diều thơ nhỏ lại giúp ta liên hệ với câu thơ cũng của Nguyễn Khoa Điềm: Nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng (Hy vọng). Hai câu thơ đều được nhà thơ nhân hóa hình tượng “đá”. Cho nên đá dạy là một phát hiện đầy bất ngờ của nhà thơ. Con người hiểu ra điều đó cũng có nghĩa là họ đã biết tạc vào thiên nhiên để hiểu mình, để tồn tại có ích, có ý nghĩa.

Nhà thơ lại tiếp tục liên hệ, đồng hiện những trò chơi đánh chuyền tuổi nhỏ cùng bạn bè với động thái tay chuyền, miệng đếm. Từ đó, tác giả liên tưởng đến ngôn ngữ tiếng Việt ngân nga theo sưốt cuộc đời mình. Đây là sự biết ơn tưởng vô hình mà thành hữu hình để hiểu cội nguồn của tình cảm và lý trí Nên một đời tiếng Việt mãi ngân nga. Phải nói là suy nghĩ của nhà thơ đã vượt qua những liên tưởng logic thông thường:

Biết ơn trò chơi tuổi nhỏ mê ly
“Chuyền chuyền một…” miệng, tay buông bắt
Ngôn ngữ lung linh, quả chuyền thoăn thoắt
Nên một đời tiếng Việt mãi ngân nga…

Cứ thế, những liên tưởng đồng hiện có liên quan đến tuổi thơ của tác giả hiện về, đánh thức trong anh một dáng đi, dáng cuộc đời – tư thế làm người trong hiện tại và cả tương lai rồi sẽ đến:

Biết ơn dấu chân bấm mặt đường xa
Những dấu chân trần, bùn nặng vết
Ta đi học quen dẫm vào không biết
Dáng cuộc đời in mãi dáng ta đi…

Từ dáng đi tuổi học trò, tác giả đẩy liên tưởng đến dáng của con sông quê hương xanh ngời như kiếm trong câu thơ xuất thần của một nhà thơ yêu nước Cao Bá Quát: “Trường giang như kiếm lập thanh thiên” (Sông dài như kiếm dựng trời xanh). Con sông dài như kiếm ấy giờ còn nguyên trong ký ức tự hào và biết ơn của anh, thúc giục anh trong hiện tại:

Biết ơn dòng sông dựng dáng kiếm uy nghi
Trong tâm trí một nhà thơ khởi nghĩa
Cao Bá Quát ngã mình trên chiến địa
Trăm năm rồi sông vẫn sáng màu gươm…

Khổ cuối của bài thơ như là kết quả của nhận thức, nó đồng nghĩa với sự bừng ngộ về tư duy và hành động, giúp nhà thơ nói lên tiếng nói khát vọng cho cả một thế hệ, một thời đại, một dân tộc trong hành trình đi tới và khẳng định mình. Khi ấy, không chỉ nhà thơ mà biết bao thế hệ tuổi trẻ nối tiếp như nhà thơ nhận ra mình, soi mình trên dòng Hương tuổi trẻ để biết yêu thương và căm giận khi đất nước bị kẻ thù giày xéo. Một hành động yêu nước, một khát vọng lên đường là không thể khác:

Trăm năm rồi ta đếm bước sông Hương
Vẫn soi thấy niềm đau và nổi giận
Khuôn mặt trẻ bỗng già trên lớp sóng
Ngẩng đầu lên, ta thấy mặt quân thù!

Bài thơ đến đây đã thực hiện trọn vẹn lời chào đầy ân nghĩa và tự hào, giúp chúng ta nhận ra những năm tháng không ngờ mà đã thành hiện thực lung linh, kỳ diệu trong tâm hồn luôn lạc quan, thơ trẻ của nhà thơ và của mỗi chúng ta.

***

Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ có tiềm năng nghệ thuật và trữ lượng thi ca mãnh liệt. Thơ anh nhẹ nhàng mà lắng sâu, bền bỉ tiếp nhận những trầm tích văn hóa thông qua cảm xúc thi ca đến độ không thể không biểu hiện ra thành tiếng nói nghệ thuật. Một thế giới hướng nội lặng lẽ được kết tinh, dồn nén thành thế giới nghệ thuật hướng ngoại sôi nổi, nhiệt thành như nhà thơ Thanh Thảo – bạn thơ thân thiết của Nguyễn Khoa Điềm đã nhận định: “Người ta nói thơ như Nguyễn Khoa Điềm là thơ hướng nội. Tôi không nghĩ có những nhà thơ hoàn toàn hướng nội hoặc hoàn toàn hướng ngoại. Nhà thơ nào cũng phải hướng nội mới làm được thơ, nếu không thì chỉ được những câu vần vè tuyên truyền hay quảng cáo. Và nhà thơ nào cũng phải có phần hướng ngoại khi muốn thơ mình có người đọc, có người chia sẻ. Vấn đề để phân biệt ở đây là có những nhà thơ chỉ hài lòng khi kiếm càng đông người hâm mộ càng tốt, và có những nhà thơ chỉ mong được một ít, thậm chí vài ba người chia sẻ, là đủ vui rồi. Có thể Nguyễn Khoa Điềm thuộc dạng “những nhà thơ thứ hai”, những người chỉ thích “lặng”.

Lời chào

NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ
Vô tư quá để bây giờ xao xuyến
Bèo lục bình mênh mang màu mực tím
Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông…

Ta lớn lên bối rối một sắc hồng
Phượng cứ nở hoài như đếm tuổi
Như chiều nay, một buổi chiều dữ dội
Ta nhận ra mình đang lớn khôn…
*
Biết ơn những cánh sẻ nâu đã bay đến cánh đồng
Rút những cọng rơm vàng về kết tổ
Đá dạy ta với cánh diều thơ nhỏ
Biết kéo về cả một sắc trời xanh
Biết ơn mẹ vẫn tính cho con thêm một tuổi sinh thành
“Tuổi của mụ” con nằm tròn bụng mẹ
Để con quý yêu tháng ngày tuổi trẻ
Buổi mở mắt chào đời, phút nhắm mắt ra đi…

Biết ơn trò chơi tuổi nhỏ mê ly
“Chuyền chuyền một…” miệng, tay buông bắt
Ngôn ngữ lung linh, quả chuyền thoăn thoắt
Nên một đời tiếng Việt mãi ngân nga…

Biết ơn dấu chân bấm mặt đường xa
Những dấu chân trần, bùn nặng vết
Ta đi học quen dẫm vào không biết
Dáng cuộc đời in mãi dáng ta đi…

Biết ơn dòng sông dựng dáng kiếm uy nghi
Trong tâm trí một nhà thơ khởi nghĩa
Cao Bá Quát ngã mình trên chiến địa
Trăm năm rồi sông vẫn sáng màu gươm…

Trăm năm rồi ta đếm bước sông Hương
Vẫn soi thấy niềm đau và nổi giận
Khuôn mặt trẻ bỗng già trên lớp sóng
Ngẩng đầu lên, ta thấy mặt quân thù!

* Ảnh minh họa: internet

HỒ THẾ HÀ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tóc có còn đau

Viết về người phụ nữ biết vượt qua số phận, Trương Công Tưởng đã chọn một tín hiệu nghệ thuật riêng biệt để thi triển tứ thơ. Chân dung “người chải tóc” cứ dần lộ diện theo chuyển động…

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…