Suy ngẫm và giải đáp về nhân nghĩa

(VNBĐ – Đọc sách). (Đọc tập thơ Mùa đông thương nhớ của Bùi Thị Xuân Mai).

Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Bùi Thị Xuân Mai về làm phóng viên, biên tập viên ở Đài phát thanh Giải phóng A, tại Hà Nội. Tuy không “trực tiếp” đụng độ với bom đạn như mấy bạn đồng học đi Nam, nhưng công việc cũng gắn bó chặt chẽ và thường xuyên với tình hình chiến sự ở miền Nam kháng chiến. Bởi vậy, trong tâm hồn và suy nghĩ của người con gái quê Bình Định ấy rất sát với tình hình chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và bà con cô bác ở quê nhà. Những trang viết, những bài thơ của chị cũng gắn bó với miền Nam anh hùng chiến đấu. Hiện thực cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và những năm tháng dựng xây cuộc sống sau ngày hòa bình hiện rõ trong nhiều tập thơ của chị. Sau hơn bốn mươi năm sáng tác, phong cách thơ chị đã ổn định, tình cảm chung riêng chan hòa trong giọng thơ hiền dịu, đằm thắm, yêu thương. Đó cũng là tình cảm, chỗ đứng của chị trong tập thơ mới xuất bản mang tựa đề Mùa đông thương nhớ, vào tuổi “xưa nay hiếm”. Đây là những vần thơ nhiều tâm tình, chiêm nghiệm về cuộc đời, về giá trị của kháng chiến. Dường như, càng trải nghiệm nhiều thêm thì thơ càng đằm lại, gợi ngẫm nghĩ nhiều hơn. Thơ chị vẫn chân thành, dịu dàng như đã có, nhưng cô đọng, sâu lắng hơn.

Chỗ đứng của người viết cho chị cảm xúc khi gặp gỡ với Tây Nguyên đại ngàn, nơi người anh hùng Đinh Núp, người Bana từng khố vải mình trần, trong thiếu thốn gian khó, chỉ với chông, thò, bẫy, ná mà dám đứng lên đánh lại bọn giặc ngoại xâm đến tàn phá buôn làng, để hình dung:

Ánh mắt chim ưng, nụ cười cây lá
Chòm râu trắng bay cùng mây gió
Người về trời danh tiếng mãi thơm
(Bên ché rượu cần)

Tiếp cận với những hồ sơ người lính đi B, chị nhận ra đó là những người anh hùng – bình thường, nhiều người hy sinh thầm lặng, nhưng chính họ là những người góp sức để đất nước có ngày hôm nay. Trên dư luận, có người không còn nhớ, thậm chí muốn lãng quên, phủ nhận. Nhưng chị thì khẳng định:

Mỗi bộ hồ sơ đâu giản đơn lưu giữ một dòng tên
Mà gửi trọn trái tim người đi giữ nước
Dâng hiến máu xương mình tô thắm cờ Tổ quốc
Là một nguyện thề với Độc lập Tự do.
(Hồ sơ kỷ vật)

Cô đọng mà kín đáo hơn, là bài viết về tín hiệu ngọn đèn của những người mẹ trong thời kháng chiến. Việc làm như là bình thường của những người mẹ, nhưng đó là cả một tấm lòng với lý tưởng cách mạng, đưa thông tin cho du kích và bộ đội hoạt động ở vùng tranh chấp biết và ứng phó kịp thời. Đèn sáng – tắt qua tay người biến ảo/ Ngọn đèn – trái tim mẹ làm lá chắn hiểm nguy (Ngọn đèn – trái tim).

Đến với cánh đồng làm muối, trong những câu chuyện được nghe của người làm báo, chị phát hiện ra:

Lấp lánh dưới nắng vàng những vồng muối trắng tinh
Anh ngồi tàng hình giữa bao la trời đất
Ai biết nơi đây là căn hầm bí mật
(Giản đơn hầm muối)

Lòng dân là sức mạnh che chở cho cán bộ, cho cách mạng. Chuyện ấy có từ nhiều nơi, nhưng với chị, câu chuyện được nhắc lại với sự trân trọng và mang tính khái quát: Chí anh hùng lớn thêm từ nồng mặn tình dân.

Còn nhiều dẫn chứng có thể đưa ra để người đọc cùng chị tri ân cuộc đời, bởi chị nghĩ có được cuộc sống hôm nay là có công của bao trái tim, bao tấm lòng như thế: Trọn trái tim son Người hiến dâng Tổ quốc/ Trang thắm cuộc đời gửi lại cháu con (B trọc).

Đấy là những câu chuyện của thời chống Mỹ, nhưng thời sự hơn là chuyện hôm nay, khi chúng ta đang phải đối diện với dã tâm của kẻ thù mới, ẩn giấu sau ngôn từ hoa mỹ hơn, nhưng hãy cảnh giác, bởi cuộc hải chiến nơi đảo Gạc Ma còn nóng bỏng:

Những giọt máu đào Gạc Ma bất tử lời nguyền
Như những ngọn đuốc giữa trùng khơi cháy sáng
Soi rõ mặt kẻ thù dẫu chúng tàng hình dưới muôn mĩ từ lớp sóng
Tiếng súng Gạc Ma chập chờn trong giấc ngủ hằng đêm…
(Tiếng súng Gạc Ma)

Đấy là cái nhìn vĩ mô, trên bình diện cấp quốc gia. Sự tri ân đó cần nhắc lại nhiều lần để các thế hệ hiện tại hiểu về lịch sử, về sức mạnh của dân tộc hôm nay.

Năm lên tàu tập kết ra Bắc, Bùi Thị Xuân Mai mới sáu, bảy tuổi, lần đầu gặp cái rét thấu xương nơi đất Bắc. Nhiều bà mẹ nghèo tự nhận chịu rét đã quen, nhường phần chăn ấm cho chị. Tình yêu thương ấy đi vào tâm khảm, thành ấn tượng suốt cuộc đời. Bây giờ, nhớ lại chị hiểu ân nghĩa ấy thật sâu nặng. Bài thơ là cảm xúc đơn lẻ, xuất phát từ một tình huống trong cuộc sống riêng, nhưng cũng là tư tưởng bao trùm cho chủ đề của tập thơ này:

Ơi mùa đông những mùa đông nhớ thương
Thấu giá buốt càng biết chắt chiu từng ngọn lửa
Gian khó qua càng trân quý hơn tấm lòng nhân nghĩa
Mỗi mùa đông vạt những nấc thang nâng bước ta đi.
(Mùa đông thương nhớ)

Hiểu được các sắc màu nhân nghĩa ở đời để ứng xử thích hợp không chỉ tự răn mình mà còn là động lực cho những bước đi tiếp. Hay trong một tâm sự khác, phải nặng lòng lắm, người thiếu nữ còn quá trẻ, khi nghe tiếng tàu điện leng keng đã hiểu những tất bật của đời sống phố phường, để hình dung những thăng trầm lịch sử của thủ đô, của số phận người lao động: Mà nghe dào dạt phù sa/ Tiếng tàu khắc khoải nỗi ta nỗi mình (Tiếng tàu tri âm). Phải giàu yêu thương và tinh tế lắm mới chưng cất những chi tiết như vậy thành thơ.

Phần thứ hai của tập thơ mang tên Đôi lời tâm sự nhưng lại có giá trị khái quát. Chị lấy ca dao, dân ca quê mình làm nền cho triết lý sống được đúc kết bao đời. Mượn câu “Còn cha gót đỏ như son/ Đến khi cha mất gót con như chì” để nói về tình nghĩa cha con nhân sự việc thắng cảnh Hòn phụ tử gãy đổ. Biết cuộc sống người chăn vịt là vất vả “Ngày nối đêm nắng cháy trăng suông/ Dầm ruộng rạ đầu sông cuối bãi”, nhưng chị nhận ra trong sâu thẳm tâm hồn, họ vẫn vui như là “vua suốt đời”, vì có những ”giấc mơ hoa” như hoàng tử công chúa, như người chỉ huy đầy uy quyền, không bị những ràng buộc của lề lối thường nhật. Mượn câu chuyện cổ tích xưa, chị nhắn gửi ý tưởng của lòng mình: Người chịu khó chân lấm tay bùn cày sâu cuốc bẫm/ Mùa thơm thảo nghĩa nhân đơm tự bước ngọt lành/ Cánh phượng hoàng sẽ biết ai là chủ nhân cây khế tươi xanh/ Hạnh phúc chỉ đến khi trái tim ấm nồng cất tiếng (Mảnh đất tình người).

Từ những quan niệm như vậy, chị thấy quý trọng hạnh phúc gia đình thường ngày. Đón người thân từ bệnh viện về, chị cảm thấy đó là một sự đầm ấm, sướng vui: “căn nhà bỗng như nhà mới”, “cả đồ vật cũng cất tiếng lanh canh mừng bà chủ/ Sóng gió đã qua. Xin tất cả yên bình”.

Chị có những phát hiện bình thường nhưng ngẫm kỹ, lại thấy mang tính triết lý sâu sắc, dường như đó là từ tâm lý người phụ nữ, sự trải nghiệm được cô đúc từ cuộc sống: Nước mắt rơi đúng nơi là những hạt ngọc/ rớt nhầm chỗ sẽ thành quả trứng ung (Nước mắt).

Nó không chỉ là một hiện tượng cảm nhận, còn là tấm gương soi phân biệt tốt xấu, thiện ác ở đời: sẽ là bóng gương nhận rõ quỷ dữ, thiên thần/ qua dòng đời đục trong và mặn chát (Nước mắt).

Bởi thế, chị tâm niệm sẽ cố gắng hết sức làm người tử tế, mong làm đẹp cho đời, mang lại niềm vui cho con người:

Đã nguyện tâm sống xứng đáng con người
Lòng thanh thản cùng bạn bè chân thật
Nắm chặt tay nhau trong hành trình tất bật
Góp nhỏ bé phận mình chia sẻ với nhân gian. 
(Góp nhỏ bé phận mình)

Tuy đôi chỗ sự ví von không vượt ra ngoài những so sánh quen thuộc kiểu “con tằm oằn lưng rút ruột”, hay lối suy nghĩ của những người ưa lớn tiếng như: “Vắt kiệt/ rần rần máu đỏ// vắt kiệt/ hỉ nộ sân si ái ố/ cho những hình hài lạ biệt/ mỗi bình minh bụ bẫm một sinh linh” để nói về khát vọng nghệ sĩ, người đọc thấy có vẻ khiên cưỡng, còn lại, hầu như mọi suy nghĩ, tâm sự của chị đều xuất phát từ tấm lòng thành thật, suy nghĩ thành thật, của người đã có tuổi, nhưng tâm hồn vẫn trẻ trung giàu khát vọng, nhiều niềm tin như “những cánh buồm đỏ thắm”, luôn vươn tới mãi trên đường vui phía trước:

Đã là “hiếm” theo quan niệm cổ xưa
đã là đủ khi ta biết đủ
vẫn cánh buồm thắm dạt dào dưới nắng vàng rực rỡ. 
(Phác thảo vui)

Có lúc hoài niệm thời đã qua, chị cảm thấy như còn nợ với vầng trăng ngoại ô, với những sôi nổi yêu thương lãng mạn trôi qua, để chút lòng ân hận “Đằm giếng mắt một ánh rằm chịu nhiều hao khuyết”. Nhưng cơ bản chị vẫn thấy vui với tình yêu trong hiện tại. Bởi chị thấy đó là sức mạnh, là niềm vui sống thường ngày:

Trái tim bên trái tim đã đẩy lùi bệnh tật
cho thêm yêu ngày mai về ấm áp
càng yêu hơn những năm tháng đã qua.
(Về nhà)

Giữ gìn hạnh phúc thường ngày, giữ gìn ngọn lửa say mê sáng tạo luôn luôn là vấn đề hệ trọng. Nó là khát vọng đồng thời là mục đích cho cuộc đời ý nghĩa. Nó bình thường nhưng không hề nhỏ, vì đó là chuyện cụ thể gặp gỡ hằng ngày. Giải đáp bài toán ấy là một công việc khó, nhưng đọc tập thơ này, ta có thể tìm thấy nhiều trả lời thỏa đáng, bằng cảm xúc và nhịp thơ giản dị, chân thành, đôi khi pha chút tếu táo, hài hước, chứng tỏ một sự tự tin và bản lĩnh. Đấy là tiếng nói tích cực, thiết thực, thanh lọc tâm hồn, trong thời buổi các trường phái thơ phong phú pha chút xô bồ hiện nay, nếu không tỉnh táo, rất dễ sa vào trận đồ bát quái này, có khi vô thức viết ra những điều vô bổ, mà vẫn nghĩ mình là người “cấp tiến”!

LÊ QUANG TRANG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…