Sự lãng quên của thành đạt

(VNBĐ – Tản văn). Chúng tôi đang làm việc trong một văn phòng đại diện, chuyên môn chủ yếu là “quan hệ” với các tỉnh. Buổi sáng nọ, có khách ghé thăm. Tôi rủ chị đồng nghiệp cùng đi “tiếp khách”, bởi đối tác này chị cũng biết. Đáp lại sự nài nỉ của tôi, chị thật tình rằng: Thật sự chị ngại phải gặp gỡ, thêm mối quan hệ. Chị thấy quanh mình bấy nhiêu người quen là nhiều quá rồi. Thậm chí còn dư nữa. Bởi chị còn chưa đủ thời gian dành cho những mối quan hệ hiện có. Đôi khi còn quên mất bạn bè người thân, không thể chu đáo được. Giờ nghĩ cảnh phải ra quán ngồi thiền, hỏi han nhau những câu xã giao, xin số điện thoại, chị thấy ngán ngẩm và tiếc mấy giờ đồng hồ đó lắm…

Tôi hơi giật mình bởi suy nghĩ ấy của chị. Bởi tôi sực nhớ ra, đứa em gái ruột của mình đã lâu tôi chẳng có dịp gặp mặt. Chỉ “nói chuyện” với nhau qua bàn phím. Em ổn không, có gì mới chưa, công việc thế nào, dạo này có ghé má không… Đại khái thế. Chị em trong nhà nhưng đành hẹn nhau bữa nào cà phê ăn uống này nọ, y như những cảnh xã giao bây giờ. Ừ thì bữa nào thu xếp được…

Từng có lần, tôi vô cùng hối tiếc vì hai chữ “bữa nào” của mình. Đó là dạo người bạn học chung nhóm ngày trước vừa phát hiện khối u, bắt đầu chữa trị. Tôi cùng mấy cô bạn khác nhắn nhau “bữa nào ghé thăm”. Rồi thì hôm người này bận, bữa đứa khác kẹt, dịp người kia đi công tác vắng. Lần lữa dời ngày, dù cũng có nhắc nhau “tranh thủ”, bạn bệnh hiểm nghèo, chưa biết ngày mai thế nào đâu. Cuộc sống cứ cuốn trôi, hết việc này tới việc khác, lời hẹn ghé thăm bạn còn treo ở đó, thì bạn tôi đã đi rồi…

Hôm đưa bạn về quê, lũ chúng tôi may mắn đủ mặt. Ngậm ngùi im lặng, hổ thẹn day dứt bên người bạn năm nào nay đã mãi mãi chẳng còn có thể nói cười cùng nhau một lần nữa. Giá như, chúng tôi đừng quá bận rộn, đừng quá lo toan những điều cơm áo, đừng chủ quan rằng mọi thứ vẫn còn mãi đó, việc gì phải gấp gáp dành thời gian cho nhau kia chứ… Thì hôm nay, đã chẳng ân hận vì “gặp” bạn trong cảnh muộn màng.

Chúng ta đang dần dà sống như một thói quen, một sự hối thúc “cố lên”, mai sẽ khác, mà quên không nhớ mình đợi gì ở ngày mai hoặc liệu có kịp không. Chị đồng nghiệp kể trên của tôi từng chua chát bảo, một năm chị gặp được em trai mình ba lần. Chính xác là ba ngày. Tết Tây, Tết ta và lễ 30.4. Hết. Mỗi dịp một ngày. Nghe thì có vẻ lạ lùng khó tin. Nhưng khi chị giải thích, rằng em chị là bác sĩ, ngoài công tác ở bệnh viện còn có phòng mạch tư vô cùng đông khách. Nếu muốn về nhà ba mẹ, gặp chị em gia đình, thì phải đóng cửa phòng mạch. Đồng nghĩa với hụt mất một khoản thu nhập kha khá. Em trai chị cần tiền tới mức đó không? Hẳn là không rồi, nhưng cuộc đời của nó, chị không can thiệp ý kiến được. Chị đã góp ý với em nhiều lần mà chẳng khác, còn biết nói gì thêm đây?

Trong nhà có sự kiện, lễ lạt hay sinh nhật, em trai nhờ chị đặt mua quà dùm, rồi chuyển khoản thanh toán lại cho chị gái. Hàng năm, chị có nhiệm vụ nhắc em: Đã tới kỷ niệm ngày cưới của ba mẹ, hay sinh nhật đứa cháu kêu em bằng cậu… Chị hỏi xem em có muốn hùn tiền hay không. Sợ nó lu bu rồi quên mất. Chị cười buồn kể, lần nào cũng phải nói dối ba mẹ là em chị chủ động nhờ chị chọn quà này, mua thứ kia cho mọi người. Để cả nhà cảm nhận được sự hiện diện của em, còn thấy vui hơn bởi ý nghĩ, em bận không qua được nhưng lòng vẫn nhớ tới gia đình…

Nghe sao mà xa xót. Tự hỏi, chúng ta đang làm gì mà vội thế? Bận thế? Thật ra ai cũng có lý do chính đáng, có những điều vất vả khổ nhọc áp lực mà chỉ bản thân mình mới hiểu. Nhưng thật sự có đáng đánh đổi tới mức đó không? Khái niệm “biết đủ là đủ” dường như quá xa xỉ, cao sang và dành cho bậc đại gia nào đấy, chứ chẳng phải của chúng ta, những người thật ra chưa hề thiếu ăn thiếu mặc hay thiếu tiền trong thẻ cho những nhu cầu bình thường…

Hôm qua, cô bạn thân của tôi ghé lại, vội vàng nuốt chút đồ ăn nhanh qua bữa. Bạn là sếp phó của một công ty nhập khẩu, chuyên đánh hàng cho hệ thống siêu thị của thành phố. Đủ hiểu bạn tất bật tới mức nào. Câu chuyện phiếm vô tình dừng lại ở món nữ trang đắt đỏ cô ấy từng mua ở nước ngoài về. Bạn tôi ngơ ngác hỏi, cuối cùng mình đã vứt nó ở đâu nhỉ, sao quên mất rồi! Tủ đồ, tủ áo quá nhiều, chật cứng váy vóc giày nón, túi lớn túi nhỏ, khiến cho cô ấy chẳng nhớ nổi đang sở hữu những gì. Đâu như ngày xưa, luôn biết bản thân có bao nhiêu bộ quần áo, cái nào ưa thích cái nào còn mới mà không nỡ mặc. Bởi lúc đó, sắm được thứ gì cũng khó, nên vô cùng trân quý nâng niu. Còn bây giờ, nhiều khi vừa mắt thì mua về, đôi khi cơ hội để khoác lên người cũng rất ít. Mỗi người thường có nhiều phụ kiện trang sức, và thật chẳng biết, mình còn bao nhiêu dịp rảnh rỗi sử dụng chúng?

Hay là chúng ta, để trả giá cho sự thành đạt, dư giả của mình, đã đốt đời trong sự lãng quên những điều đáng giá khác?

HOÀNG MY

(Văn nghệ Bình Định số 98 tháng 6.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trăng trong sương

A Lếnh đi. Đêm bị gió bẻ nham nhở, hòn đá kê một chân kiềng gãy, mỏi tê dại, mắt Mẩy đỏ khé. Sương trắng như đàn bà đốt củi ướt hong váy ngày mưa…

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…