Sóng hát…

(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi). Hì hụi một lúc lâu, Nhàn cũng trèo lên được đỉnh ngọn đồi cao nhất. Trước mặt Nhàn là biển cả mênh mông, xanh ngắt đến tận chân trời.

Một mình trước biển. Tâm trí Nhàn trôi về nhiều năm trước, khi còn là một cô gái nhỏ. Chiều chiều, cha đưa Nhàn lên đỉnh đồi, hai cha con vắt vẻo ngắm nhìn trời biển. Nhàn thường đếm xem có bao nhiêu chiếc thuyền thúng đủ màu đang nằm ngơi nghỉ. Cha bất chợt lên tiếng. Nhàn xao lãng sự chú ý, quên mất đếm đến số bao nhiêu, làm mình làm mẩy bắt cha đếm lại. Hai cha con ngồi mãi đến khi hoàng hôn buông xuống, cha mới cõng Nhàn về…

Mặt trời rót những tia nắng cuối cùng xuống biển, bóng đêm mon men đến gần. Nhàn dò dẫm từng bước xuống đồi. Về đến nhà, mùi cơm nóng thơm từng ngóc ngách. Mẹ Nhàn nấu ăn rất ngon, chỉ vài nguyên liệu đơn giản, qua tay mẹ trở thành mỹ vị. Hai mẹ con yên lặng dùng cho xong bữa. Cơm ngon không bù đắp được nỗi trống vắng. Căn nhà quạnh quẽ, từ khi thiếu đi bóng hình của cha.

Nhàn đứng lên dọn dẹp. Mẹ nhìn đôi bàn tay trắng nhợt của Nhàn, xót xa.

– Con để mẹ rửa, cả ngày ngâm tay trong nước rồi. Về nhà bớt vọc nước đi.

Mẹ quay đi, Nhàn thấy sương mù giăng trong mắt mẹ.

– Dạ, con không sao. Dân biển làm công việc liên quan đến biển, là nhất đó mẹ.

Nhàn tươi cười trả lời cho mẹ yên lòng.

Nhàn đang làm việc tại công ty chế biến thủy sản, cách nhà hơn chục cây số. Là dân lớn lên ở làng chài, quen mặt với từng con tôm, con cá, vậy mà khi đi làm, Nhàn mới biết mọi việc không đơn giản như mình nghĩ. Cái gì cũng phải học. Chỉ khâu phân loại đã có nhiều tiêu chí, nào là chủng loại, màu sắc, kích thước, chất lượng đạt hay chưa. Công đoạn chế biến càng có nhiều khâu hơn, cạo vảy, phi lê, rọc thịt, cắt tỉa râu, bỏ ruột… đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết, để sản phẩm sạch mà vẫn nguyên vẹn tươi ngon.

Những ngày đầu đi làm, Nhàn mỏi nhừ vì đứng quá lâu, đôi tay tê dại do tiếp xúc đá lạnh. Nhàn chưa thạo việc, làm chậm, bị tổ trưởng nhắc nhở, khiến Nhàn càng cuống. May có Tâm, là quản đốc nhưng rất hiền lành, tận tình chỉ dẫn, dần dần cô mới quen việc. Ban đầu Nhàn làm ở khâu phân loại. Sau có kinh nghiệm được chuyển sang khâu chế biến, lương cao hơn, cũng mệt nhọc hơn.

Cực nhất là khi hàng về nhiều hoặc có đơn hàng gấp, phải tăng ca cho kịp tiến độ. Tám tiếng lạnh lẽo mệt nhoài, cộng thêm tăng ca khiến mọi người như bị đổ chì, không sức nói chuyện. Đôi tay múp míp ngày nào giờ nhăn nhúm do đeo găng, tiếp xúc nước mỗi ngày. Cái lạnh giúp hải sản tươi ngon, lại làm cho những công nhân như Nhàn đông cứng. Mỗi khi hơi lạnh xâm nhập vào da thịt, Nhàn lại thắt ruột nhớ đến tấm lưng ấm nóng của cha cõng mình thuở nào.

***

Cha là người con của biển. Cái tên Biển của cha đủ nói lên điều đó. Cha hay chỉ mặt mình đùa, tại biển trang điểm lố tay, nên cha mới đen vầy. Mỗi khi màn đêm buông xuống, cha cùng trai tráng trong làng hào hứng đẩy thúng ra biển. Đến khi bình minh thức giấc, cha mang về lưới đầy cá tôm. Mẹ tỉ mẩn gỡ từng con, phân loại đem bán, hoặc phơi khô để dành mùa mưa bão.

Lúc Nhàn còn bé, cha cho Nhàn lên thúng cùng cha ra biển, chỉ cách chèo. Mẹ phản đối, con gái cần gì biết nghề này. Cha và Nhàn thè lưỡi nhìn nhau, ăn ý trong thỏa thuận ngầm. Đợi mẹ đi vắng, hai cha con mình tiếp tục.

Ở nhà Nhàn, người dạy bảo là mẹ, người luôn bênh vực là cha. Lần duy nhất cha giận là năm Nhàn lớp sáu, học xong đến nhà bạn chơi mà không xin phép. Chiều muộn, cha mẹ lo lắng tìm khắp làng. Lúc Nhàn vội chạy về nhà, cha đánh Nhàn một roi. Tối đến, Nhàn giận dỗi vờ ngủ, nghe tiếng cha bảo mẹ nhìn xem có bị sưng không, xức dầu cho nó. Lúc Nhàn sốt, cha chắp tay đi qua đi lại, nóng ruột nhìn mẹ lau mát cho Nhàn, giậm chân tặc lưỡi. Sao không thấy bớt, hay đưa nó đi bệnh viện.

Nhàn lên cấp ba, chi phí ngày càng nhiều, trong khi sản vật đánh bắt ngày càng ít. Cha quyết định bỏ thúng, vay tiền cùng bạn đi tàu lớn. Mẹ không đồng ý. Cha khăng khăng, cha muốn khám phá đại dương, quanh quẩn gần bờ không thỏa chí của cha.

Chuyến đầu tiên, hai mẹ con Nhàn trông ngóng từng ngày. Mong trời yên biển lặng. Hơn tháng sau cha về, niềm vui vỡ òa. Tàu cha trúng được mẻ cá to. Cha vuốt tóc Nhàn cười sảng khoái. Con gái lớn tướng, không cõng được. Hai cha con kẻ trước người sau, men theo mùi thơm ngào ngạt của món ngon mẹ nấu lần về.

Nghỉ ngơi chưa được bao lâu, cha tiếp tục ra khơi. Lúc đó vào cuối tháng Mười Một âm lịch, mùa biển động. Nhiều tàu chọn cách trú bờ. Cha nói biển động mới nhiều cá tôm, chỉ cần trúng mẻ cá ngừ đại dương, cha về ăn Tết cùng hai mẹ con. Mẹ và Nhàn lại thắc thỏm từng ngày, cầu trời phù hộ cha bình an.

Cuối tháng Chạp, trong lúc hai mẹ con hồ hởi đợi cha về, thì nhận tin dữ. Tàu bị đắm lúc quay về. Cha mất tích. Nghe những người sống sót kể, cha giúp một người mới đi biển lần đầu, gặp sự cố luống cuống tay chân. Giúp được người đó xuống xuồng cứu sinh, còn cha kẹt lại không kịp thoát. Nỗi đau quá lớn, quá đột ngột. Mẹ ngất xỉu. Nhàn gào khóc thảm thiết. Không tìm thấy xác cha. Hai mẹ con nuôi hy vọng. Chưa thấy xác là còn cơ hội, không chừng đâu đó giữa đại dương sâu thẳm, cha vẫn tìm đường sống quay về.

Mẹ và Nhàn chạy khắp nơi dò hỏi. Lực lượng cứu hộ, những người bạn biển của cha cũng tích cực kiếm tìm. Mỗi ngày, Nhàn ngồi đợi cha trên bờ cát. Ngày qua ngày, hy vọng mong manh theo nắng chiều tắt lịm. Nhàn như quả bóng xì hơi, nước mắt tuôn chảy cùng nỗi đau mất cha. Mẹ kiên cường động viên. Cha trên trời dõi theo chúng ta. Con cố gắng học hành cho cha tự hào. Đêm đến Nhàn choàng tỉnh, thấy mẹ rấm rứt khóc. Giọt lệ nhòe nhoẹt bị bóng đêm nuốt chửng. Hai mẹ con Nhàn chật vật đi qua chuỗi ngày quạnh hiu, nguội ngắt tiếng cười.

Cha ra đi, mẹ vẫn kiên quyết ở lại làng chài. Mẹ nói, cha còn lạnh lẽo ngoài khơi, mẹ ở cạnh bầu bạn. Biết đâu một ngày, thân xác cha tìm về, không ai đón thì tội.

Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, Nhàn đem lên bàn thờ, thấy đôi mắt cha lấp láy cười. Nhưng giấc mơ làm cô sinh viên đành gác lại, phần vì Nhàn không nỡ đi học xa nhà để mẹ một mình nơi căn nhà quạnh vắng, phần vì nợ nần chồng chất, mẹ bươn chải cách mấy cũng không xoay sở nổi, Nhàn phải đi làm để phụ giúp mẹ trả dần số nợ.

***

Một chiều nọ tan làm, hai chân mỏi nhừ, Nhàn nán lại ngồi nghỉ, dùng đôi tay tái nhợt xoa xoa. Đến lúc định đứng dậy ra về thì thấy chị Hoài trưởng bộ phận nhân sự đến. Nhàn còn đang ngạc nhiên thì chị lên tiếng.

– Em đến văn phòng, chị có chuyện trao đổi với em.

Theo sau chị, Nhàn đầy một bụng thắc mắc. Hơn một năm qua, Nhàn luôn chăm chỉ làm việc, không lần nào vi phạm nội quy công ty. Sao tự nhiên chị Hoài gọi mình?

Hiểu suy nghĩ của Nhàn, chị Hoài cười, “chuyện tốt mà, em đừng căng thẳng”.

Đến văn phòng, chị rót cho Nhàn ly nước, Nhàn lúng túng cầm lấy. Một công nhân bé nhỏ như Nhàn, nhận được sự quan tâm ân cần như vậy, Nhàn thật không biết làm sao cho phải phép.

– Nghe nói trước khi vô làm, em thi đỗ đại học mà hoãn lại.

Nhàn ngước nhìn chị Hoài, đầy kinh ngạc.

– Dạ, sao chị biết ạ.

– Chị nghe anh Tâm nói…

Ngừng một chút, chị Hoài nói tiếp.

– Chị thấy có trường đại học tổ chức học từ xa. Công ty sẽ tạo điều kiện, em không phải tăng ca để dành thời gian học buổi tối. Còn ngày nào thi cử cần nghỉ thì báo trước cho chị Hằng tổ trưởng là được.

Nhàn nghe mà mừng rơi nước mắt. Cứ nghĩ giấc mơ vào đại học đành bỏ dở, nào ngờ có cơ hội thực hiện. Nhàn rối rít cảm ơn chị Hoài, mang theo niềm vui về nhà.

Vừa học vừa làm, Nhàn phải nỗ lực gấp đôi, nhưng cô không nản chí. Ban ngày đi làm, tối và những ngày nghỉ cô tranh thủ học, hết môn thì lên thành phố thi. Được Tâm và đồng nghiệp giúp đỡ, Nhàn vẫn hoàn thành công việc, vừa có thời gian cho chuyện học hành. Nhàn luôn biết ơn Tâm, nhờ anh mà giấc mơ của Nhàn tưởng tắt lịm nay được thắp sáng trở lại. Có lần nghỉ trưa, Nhàn nghe chị Hằng nói, công ty thăng chức mà Tâm chưa chuyển đi, chắc thích ai trong phân xưởng chế biến rồi. Bất chợt, Nhàn thấy mặt mình nóng ran, nảy sinh nhiều suy nghĩ, vu vơ…

***

Sau năm năm miệt mài, cũng đến ngày nhận bằng tốt nghiệp, Nhàn òa khóc trong vòng tay của mẹ. Giọt nước mắt hạnh phúc lấp lánh tuôn trào. Mẹ lau nước mắt cho Nhàn, cười rạng rỡ. Lần đầu sau bao năm vắng cha, Nhàn mới thấy nụ cười trên gương mặt mẹ. Nụ cười nhẹ nhõm. Nụ cười mãn nguyện. Tâm ôm bó hoa rực rỡ từ xa bước đến chúc mừng cô. Cảm giác ấm áp trào dâng trong lòng, như tia nắng vàng ruộm đang nhảy múa ngoài kia. Ngước lên khoảng trời lộng gió, Nhàn như thấy gương mặt cha cười hạnh phúc, hòa cùng niềm vui của cô.

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Học xong, Nhàn được bổ nhiệm làm quản lý. Cô bắt tay học hỏi kinh nghiệm. Trước đó một thời gian, Tâm đã chuyển qua vị trí mới. Cứ ngỡ không còn được làm việc cùng nhóm với anh, ngờ đâu ở vị trí mới, Tâm tiếp tục hướng dẫn cô, khiến cô yên tâm hơn. Đã nằm lòng từng công đoạn nhỏ nhất, cộng thêm sự bảo ban tận tình của Tâm, Nhàn nhanh chóng làm quen với công việc. Những lần làm kế hoạch, những buổi họp hội, thuyết trình, Nhàn luôn nhận được sự động viên khích lệ từ Tâm. Công việc của cô hết sức thuận lợi. Tháng lương đầu tiên ở vị trí mới, Nhàn háo hức đem về khoe với mẹ. Hai mẹ con vui mừng nhẩm tính, thêm ba năm là có thể trả hết nợ. Nhàn mơ nhanh đến lúc đó để mẹ được nghỉ ngơi ở tuổi xế chiều.

Mỗi lần có thành tích, Tâm đều cổ vũ Nhàn. Đồng nghiệp, ban đầu còn nói bóng nói gió, sau trực tiếp chọc ghẹo. Nhàn thẹn thùng đỏ mặt, cúi mặt tránh ánh nhìn sâu thẳm của Tâm. Trái tim cô như có sợi tơ mềm mại chạm vào.

***

– Ngày mai là giỗ của ổng. Mới đó mà gần chục năm rồi. Lẹ thiệt.

Mẹ khẽ nói, không biết là nói với Nhàn hay nói với chính mình, tay cẩn thận lau khung ảnh của cha, dẫu nó vẫn sạch bong sáng bóng. Mẹ đã già, nhiều thứ quên nhớ lẫn lộn. Chỉ có ngày giỗ của cha là mẹ nhớ như in. Như cột mốc giúp mẹ trụ lại, không bị cuốn theo dòng chảy của tháng ngày cô quạnh. Mẹ thường ra ngôi mộ gió của cha quét dọn, nhổ cỏ, lặng ngồi thật lâu. Ngôi mộ chơ vơ giữa triền cát, hướng mặt ra biển, trống rỗng bên trong, như nhiều ngôi mộ khác của dân xóm vạn chài.

Trước đó cả tuần mẹ đã tất bật chuẩn bị, nhẩm lại những món cha thích, gọi điện lên xóm Bàu Đá dặn lò quen nấu rượu nếp, món uống ưa thích của cha với những người bạn biển mỗi khi nhàn rỗi. Cha ít uống rượu nhưng khi uống thì rất kén, chỉ rượu Bàu Đá nức tiếng mới chịu. Cha nói sở dĩ rượu ngon là nhờ thợ nấu theo cách thủ công, tỉ mỉ trong từng công đoạn, còn nhờ nguồn nước ngọt lành chảy ra từ mạch ngầm của bàu nước. Nhàn nhớ lúc nhỏ, Nhàn hay lăng xăng ở bên giúp cha rót rượu, vừa mở nắp chai, mùi thơm ngào ngạt, mùi cay nồng đã xộc vào mũi, dù không uống, cô muốn chếnh choáng say, khiến cha và các chú vỗ đùi cười ngất.

Nhàn giúp mẹ quét dọn bàn thờ. Mẹ không đưa cha lên thờ cùng tổ tiên, mà để giữa nhà. Mẹ nói, cho ổng ở gần gia đình. Mỗi tối, hai mẹ con đốt nhang, rì rầm trò chuyện cùng cha những chuyện vui buồn, chuyện của xóm giềng như lúc cha còn.

Thấy giỏ hoa quả gói ghém trang trọng đặt một bên, Nhàn hỏi:

– Của ai vậy mẹ?

– Cậu Tâm mới đưa tới hồi chiều, nói là công ty thắp hương cho ổng.

Môi Nhàn bất giác cong lên nụ cười ngọt ngào, thầm nghĩ. Tâm thật tinh tế, biết cả ngày giỗ của cha, còn chu đáo gửi quà cúng.

Tối đến, Nhàn không tài nào chợp mắt. Cô hết nhớ cha, nhớ những trò vui của hai cha con thuở nào, lại nghĩ đến Tâm, hồi tưởng những gì anh dành cho mình từ hồi mới đi làm. Nhàn muốn nhắn tin cảm ơn anh. Lại nghĩ. Để mai giỗ xong, gửi anh ít quà bánh rồi cảm ơn luôn cho có thành ý.

Sáng sớm, Nhàn và mẹ tất bật nấu những món cha thích, vừa để cúng cha vừa đãi bà con làng xóm. Xế trưa, khi mọi người quây quần ăn uống thì Tâm xuất hiện trước cửa. Nhàn không ngờ anh lại đến, vui mừng ra đón. Những người có mặt cười ý tứ khi nghe Nhàn giới thiệu Tâm. Anh thắp hương xong định đi ngay, nhưng mẹ và các dì các bác nhất định kéo anh ở lại. Thêm một người, không khí thêm phần rôm rả.

Sau một lúc, bác Lý, bạn biển lâu năm của cha, nãy giờ trầm tư, đột nhiên bưng ly rượu chếnh choáng đến bên Tâm, cất tiếng:

– Nãy giờ tui nhìn cậu giống một người.

Bao ánh mắt tò mò đổ dồn về Tâm. Nhàn cũng ngạc nhiên không kém.

– Cậu thanh niên mà anh Biển cứu ngày đó hình như cũng tên Tâm, nhìn hao hao giống cậu. Có điều gần chục năm rồi, không biết tôi nhớ có đúng không?

Nhàn thảng thốt nhìn Tâm, hy vọng bác Lý nhận nhầm người. Nhưng không. Tâm bình tĩnh gật đầu.

– Dạ, chính là con!

Nhiều lời cảm thán vang lên. Ôi chao, sao trùng hợp thế. Chắc anh Biển khiến xui…

Lời bàn tán như cơn bão quét ngang tâm trí Nhàn, ầm ào gào thét. Cô chết lặng nhìn Tâm. Người bấy lâu cô dệt mộng xây mơ, lại là người mà cha cô đã đánh đổi mạng sống để cứu, là người khiến mẹ thành vợ góa, khiến cô mồ côi, khiến cho cuộc sống bao năm tháng qua của hai mẹ con chỉ một màu xám xịt.

Không có sự trùng hợp nào cả, không có lòng tốt nào cả. Là Tâm áy náy, muốn thông qua cô trả ân tình của cha. Chỉ có cô ảo tưởng, nghĩ mình là Lọ Lem gặp được hoàng tử của cuộc đời. Cô thấy tình cảm của mình như trò hề trước mặt Tâm.

Nhàn không muốn đối diện với sự thật này, cô vùng chạy ra khỏi nhà, khỏi những đôi mắt ngỡ ngàng của cô bác, khỏi những lời xì xào đoán định. Bước chân hỗn loạn, dẫn Nhàn đến trước biển, nơi khi xưa cha và Nhàn hay chơi trò nhảy sóng. Nhàn khuỵu xuống, oà khóc. Sóng tung lớp lớp bọt trắng lên người Nhàn, như bàn tay cha vỗ về mỗi lần cô khóc, càng khiến cô nhớ cha nhiều hơn. Nước mắt hòa cùng nước biển. Mặn chát.

Một bàn tay gầy guộc đặt lên vai Nhàn, giữ cho cô thôi run rẩy. Mẹ ngồi xuống, nhẹ nhàng lên tiếng.

– Từ ngày cha con xảy ra chuyện, chúng ta chưa bao giờ trách người được ổng cứu. Đó không phải là đánh đổi, mà là số mệnh. Mẹ tin rằng ổng không hối hận vì hành động của mình.

Mẹ khẽ khàng vuốt lại mái tóc Nhàn đã bị sóng làm cho ướt nhẹp.

– Cậu Tâm đã nói rõ chuyện với mẹ từ lúc con tốt nghiệp đại học. Cậu ấy kể ngày đó muốn đi thực tế để tận mắt thấy hoạt động đánh bắt trên biển, để hiểu nỗi cực nhọc của những ngư dân đầu sóng ngọn gió. Ba của Tâm, thông qua người quen gửi cậu ấy lên tàu của cha con. Khi tàu gặp sự cố, cha con, theo bản năng, cũng là trách nhiệm, đã cứu cậu ấy. Ổng vắn số, khiến chúng ta đau buồn, nhưng chúng ta vẫn tự hào, vì đến phút cuối cùng, cha con vẫn dũng cảm quên mình vì người khác.

Nhàn gục đầu vào lòng mẹ, rấm rứt như đứa trẻ. Mẹ ôm cô, tiếp lời:

– Sau tai nạn, cậu Tâm sống không dễ dàng, suốt thời gian dài phải điều trị tâm lý. Mẹ biết thật ra không phải con trách Tâm. Mà con hoang mang về tình cảm của cậu ấy, lo sợ tình cảm của mình là đơn phương. Tâm nhiều lần tâm sự với mẹ, từ mong muốn đền ơn, giúp đỡ con, cậu ấy thương con hồi nào không hay. Chính vì thế, cậu ấy không dám cho con biết sự thật, sợ con chối bỏ, oán trách cậu ấy. Càng thương con, cậu ấy càng dằn vặt, lo được lo mất. Mẹ nhìn thấy được tấm lòng cậu ấy dành cho con. Còn con, nếu chưa thể cảm nhận, hãy lắng nghe trái tim mình, nó sẽ cho con câu trả lời chính xác.

Xa xa, Tâm đứng lặng yên trên bờ cát. Dù không trực tiếp nhìn, Nhàn vẫn cảm nhận được ánh mắt anh chăm chú dõi về phía hai mẹ con cô, bồn chồn chờ đợi.

Mẹ ngước nhìn về phía Tâm rồi quay sang Nhàn, cười hiền hậu.

– Cha con chọn cách gửi mình vào biển. Mẹ con ta mãi nhớ về ông ấy. Nay có thêm một người cùng lưu giữ ký ức, thật tốt.

Mẹ rời đi, để lại Nhàn cùng con sóng nhớ bờ rì rào hát mãi…

HOÀNG NGỌC THANH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…