(VNBĐ – Nghiên cứu phê bình). Bình Định là “thủ phủ” của hai loại hình nghệ thuật truyền thống Tuồng (hát Bội) và Bài chòi. Trải qua thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, đến nay, cả hai loại hình nghệ thuật này vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức của công chúng.
Sau ngày đất nước thống nhất (30.4.1975), non sông liền một dải là điều kiện rất thuận lợi để Việt Nam vươn mình trên nhiều lĩnh vực: kinh tế – văn hóa – xã hội… Trong đó, sân khấu Bình Định cũng bắt đầu bước sang trang mới.
1. Từ Đoàn Tuồng Liên khu V
Năm 1975, Đoàn Tuồng Liên khu V – đơn vị Tuồng cách mạng đầu tiên trên cả nước (thành lập năm 1952) từ Hà Nội về lại nơi sinh thành, đứng chân tại Quy Nhơn – Bình Định. Hơn một nửa nghệ sĩ, cán bộ chủ chốt của Đoàn trở về kết hợp với các nghệ sĩ từ chiến khu xuống và Đội Tuồng Đồng Ấu do nghệ nhân Tư Cá đào tạo tại chỗ cùng lớp Trung cấp Tuồng được đào tạo ở miền Bắc vào thực tập, lập nên Đoàn Tuồng Nghĩa Bình. Năm 1978, Đoàn Tuồng Nghĩa Bình được nâng cấp thành Nhà hát Tuồng Nghĩa Bình để mở rộng tầm hoạt động nghệ thuật, đáp ứng rộng rãi nhu cầu thưởng thức của vùng đất có rất đông khán giả mến mộ nghệ thuật Tuồng.
Sau 03 lần diễn ra Hội thảo khoa học về nghệ thuật Tuồng Đào Tấn, năm 1988, UBND tỉnh Nghĩa Bình quyết định đổi tên Nhà hát Tuồng Nghĩa Bình thành Nhà hát Tuồng Đào Tấn.
Đi cùng với nhiệm vụ tập hợp lực lượng, ổn định tổ chức nhân sự là đề ra định hướng phát triển nghệ thuật phù hợp với cuộc sống hiện đại và nâng cao thẩm mỹ cho người xem. Theo đó, nhiều vở tuồng thuộc các đề tài khác nhau đã được phục hồi và dàn dựng mới như: Sáng mãi niềm tin, Tây Sơn tụ nghĩa, Quang Trung đại phá quân Thanh, Mặt trời đêm thế kỷ, Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc, Trời Nam, Cội nguồn, Nắng soi dòng suối Păng Pơi…
Đồng thời với nhiệm vụ xây dựng tiết mục, công tác nghiên cứu về Đào Tấn, một nhà thơ – nghệ sĩ – tác gia – thầy Tuồng xuất sắc cũng được Nhà hát tiến hành đạt hiệu quả cao. Các vở tuồng tiêu biểu, mẫu mực do Đào Tấn viết và nhuận sắc đã được Nhà hát khai thác, phục hồi và nâng cao như: Đào Phi Phụng, Sơn hậu, Cổ thành, Diễn võ đình, Hộ sanh đàn,…
Địa bàn hoạt động của Nhà hát Tuồng Đào Tấn không ngừng được mở rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước và đến với nhiều quốc gia trên thế giới như: Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc (1983), Tây Đức, Pháp, Bỉ, Italia (1984), Trung Quốc (2015), Hàn Quốc (2016)… góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ giới thiệu, tuyên truyền, nghệ thuật Tuồng Đào Tấn – Bình Định đã được đông đảo người xem đón nhận và đánh giá cao.
2. Và Đoàn Văn công Giải phóng Nghĩa Bình
Sau ngày đất nước được thống nhất, trong bối cảnh lịch sử mới, hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi tiến hành hợp nhất. Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Bình Định (thành lập năm 1962) và Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Quảng Ngãi cũng được hợp nhất và đổi tên thành Đoàn Văn công Giải phóng Nghĩa Bình với lực lượng diễn viên đông hơn và chương trình biểu diễn cũng phong phú và bài bản hơn trước.
Cuối năm 1976, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng đa dạng của công chúng, Đoàn Văn công giải phóng Nghĩa Bình được tỉnh quyết định chia thành 02 đoàn: Đoàn Dân ca kịch Nghĩa Bình và Đoàn Ca múa nhạc Nghĩa Bình. Một số nghệ sĩ nòng cốt của Đoàn Dân ca kịch Nghĩa Bình như: NSƯT Hoàng Lê, NS Trần Chức, NS Thành Sung, NSƯT Nguyễn Kiểm, NSƯT Cung Nghinh, NS Nguyễn Phu, NS Thu An, NS Nguyễn An Pha… tiếp tục mở rộng chương trình kịch mục và địa bàn hoạt động với các vở diễn tiêu biểu như: Núi rừng năm ấy, Lâm Sanh – Xuân Nương, Thoại Khanh – Châu Tuấn, Hoa Sơn Mỹ,…
Đến năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình lại được tách thành hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Đoàn Ca múa nhạc Nghĩa Bình trở về với tỉnh Quảng Ngãi còn Đoàn Dân ca kịch Nghĩa Bình đóng trụ sở tại Bình Định và đổi tên thành Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định.
Được sự cộng tác, giúp đỡ của các tác giả, nhà nghiên cứu, đạo diễn tên tuổi trên cả nước cùng sự đoàn kết, nỗ lực của cán bộ, nghệ sĩ của Đoàn, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đã từng bước kế thừa, hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực và chất lượng nghệ thuật dần được nâng cao. Từ tiết mục nhỏ, lẻ, đơn sơ trước đây, nay kịch mục của Đoàn ngày càng phong phú với đủ các thể loại kịch ngắn, vở diễn đề tài từ dân gian, lịch sử, dã sử, đề tài nước ngoài đến hiện đại. Vị thế của Đoàn ngày càng được khẳng định trong “làng” Ca kịch Bài chòi cả nước.
3. Đến Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định
Ngày 01.4.2020, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định được thành lập trên cơ sở hợp nhất Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định theo Quyết định số 5047/QĐ- UBND ngày 31.12.2019 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Sau khi tiến hành hợp nhất, Đoàn Tuồng Đào Tấn trong giai đoạn hiện nay với nhiệm vụ là khai thác, phục hồi các vở tuồng truyền thống, xây dựng vở mới; tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật Tuồng đến với công chúng, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị độc đáo của các bậc tiền nhân để lại. Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định với nhiệm vụ vừa khai thác, phục hồi các vở diễn có giá trị nghệ thuật cao vừa sáng tạo cái mới, bắt nhịp hơi thở của cuộc sống đương đại, xây dựng các tiết mục biểu diễn phục vụ khách du lịch. Đồng thời với đó là kế thừa những tinh hoa của Bài chòi dân gian, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi trong thời đại mới.

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao và các ban ngành liên quan, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh được xây dựng mới, khang trang, là cơ sở thuận lợi để sự nghiệp bảo tồn và chấn hưng nghệ thuật sân khấu truyền thống Bình Định vươn tầm cao mới. Chế độ đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ các bộ môn nghệ thuật của dân tộc cũng đã được thay đổi, ngày càng phù hợp và bắt nhịp kịp với đời sống hiện tại. Đó là động lực, niềm tin và là sự cổ vũ to lớn cho giới nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống vươn lên lập nhiều thành tích mới, tốt đẹp hơn trên bước đường “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
4. Lĩnh vực dàn dựng, biểu diễn
Trải qua chặng đường 50 năm, hàng chục vở diễn của cả hai loại hình sân khấu Tuồng và Bài chòi được dàn dựng trước năm 1975 có nội dung tư tưởng tốt, được phục hồi, nâng cao. Bên cạnh đó, không ngừng bổ sung các vở mới cho hai đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Xây dựng chương trình kịch mục đa dạng về thể tài, phong phú về màu sắc để phục vụ được nhiều đối tượng khán giả. Bên cạnh các vở tuồng cổ được diễn nhiều hơn thì các thể loại tuồng lịch sử, tuồng hiện đại, tiểu thuyết… cũng được chú trọng biểu diễn. Vì đó là hướng đi hợp quy luật, đúng định hướng kế thừa và phát triển nghệ thuật dân tộc.
Nhằm giới thiệu về nét văn hóa đặc sắc của quê hương Bình Định, 50 năm qua, hai loại hình nghệ thuật sân khấu Tuồng và Bài chòi, ngoài việc biểu diễn phục vụ công chúng, còn vinh dự biểu diễn phục vụ nhiều đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ngành Trung ương và địa phương, nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Bình Định. Đặc biệt, nghệ thuật Tuồng (hát Bội) Bình Định đã được Nhà nước vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (năm 2014) và nghệ thuật Bài chòi miền Trung đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (năm 2017). Tỉnh Bình Định vinh dự là chủ nhà trong tổ chức, tiếp nhận Bằng vinh danh Bài chòi, là tín hiệu đáng mừng, tiếp thêm “động lực” để bộ môn nghệ thuật này duy trì sức sống vững bền trong dân gian và lan tỏa ra thế giới.
5. Lĩnh vực nghiên cứu, sáng tác và đào tạo đội ngũ kế cận
Cùng đồng hành với việc dàn dựng và biểu diễn là công tác nghiên cứu lý luận và sáng tác kịch bản. Mảnh đất Bình Định cũng rất tự hào có một đội ngũ tác giả hùng hậu, viết, chuyển thể được các thể loại kịch ngắn, kịch thơ, kịch bản Tuồng và Bài chòi. 50 năm qua, các tác giả người Bình Định như: Nguyễn Thứ, Võ Sĩ Thừa, Lê Duy Hạnh, Mịch Quang, Văn Trọng Hùng, Đoàn Thanh Tâm, Đào Minh Tâm, Huỳnh Ngọc Đạo, Nguyễn Tấn Hào… đã đóng góp một phần rất đáng kể trong thành tích chung của sân khấu Bình Định. Trong đó có hai tác giả đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về VHNT: Lê Duy Hạnh (với ba kịch bản: Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc, Mặt trời đêm thế kỷ, Trời Nam), Văn Trọng Hùng (với cụm Kịch bản sân khấu: Khúc ca bi tráng và Nước non cửa Phật).
Ở lĩnh vực nghiên cứu có những tên tuổi như: Mịch Quang, Hồ Đắc Bích, Hoàng Chương, Hoàng Lê, Vũ Ngọc Liễn… đã để lại cho hậu thế những công trình nghiên cứu có giá trị về nghệ thuật truyền thống, là nguồn tư liệu quý, đáng tin cậy cho thế hệ trẻ làm công tác nghiên cứu hôm nay. Trong đó, nhà nghiên cứu Mịch Quang được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2017 với hai tác phẩm: Đặc trưng nghệ thuật Tuồng và Khơi nguồn mĩ học dân tộc; nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn được trao giải thưởng Nhà nước về VHNT với bộ 03 công trình về Đào Tấn: Đào Tấn – Thơ và từ, Đào Tấn – tuồng hát Bội, Đào Tấn – qua thư tịch, và chuyên khảo về hát Bội, văn hóa Bình Định: Góp nhặt dọc đường.
Phòng Nghiên cứu và Hợp tác phát triển nghệ thuật thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh phát huy những thành quả đã đạt được, tiếp tục có những công trình nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống lần lượt ra đời như: Các làn điệu hát Tuồng, Nhớ về các thầy Tuồng, Nhà hát Tuồng Đào Tấn – 60 năm xây dựng, kế thừa và phát triển, 55 năm sân khấu Bài chòi Bình Định… Các bài viết, nghiên cứu đúc kết về sân khấu Bình Định thường xuyên được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều Hội nghị, Hội thảo học thuật về Bài chòi và Tuồng được tổ chức và được dư luận đánh giá cao. Công tác giới thiệu, tuyên truyền về nghệ thuật truyền thống Bình Định được chú trọng.
Một trong những khâu rất quan trọng đối với công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống của quê hương Bình Định là đào tạo lớp nghệ sĩ kế cận. Hai đơn vị Tuồng và Ca kịch Bài chòi đã phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật Bình Định tổ chức đào tạo được 7 khóa diễn viên – nhạc công. Với giáo trình giảng dạy khoa học và đội ngũ giáo viên dày dạn kinh nghiệm, tâm huyết, như: NSND Võ Sĩ Thừa, NSND Đinh Quả, NSƯT Văn Bá Anh, NSND Hòa Bình, NSƯT Đào Duy Kiền, NSND Phương Thảo, NSƯT Tuyết Mai, NS Thanh Tâm (Tuồng),… NSƯT Nguyễn Kiểm, NSND Hoài Huệ, NSND Hồ Thu, NSƯT Thiên Chi (Bài chòi),… đã góp phần đào tạo đội ngũ nghệ sĩ kế cận có chất lượng chuyên môn.
Hiện tại, lớp nghệ sĩ trưởng thành từ các khóa đào tạo trên đã trở thành những diễn viên trụ cột của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh như: NSƯT Thanh Bình, NSƯT Đức Khanh, NSƯT Ngọc Nhân, NS Thái Phiên (Đoàn Tuồng Đào Tấn)… NSƯT Băng Châu, NSƯT Thùy Dung, NSƯT Phương Phú, NSƯT Hoài Tâm (Đoàn Ca kịch Bài chòi)…
Ngoài việc đào tạo lực lượng bổ sung cho nghệ thuật chuyên nghiệp, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh còn giúp tập huấn, xây dựng phong trào Tuồng không chuyên trong tỉnh với hơn chục đoàn, đội Tuồng ở các huyện, xã được thành lập và đi vào hoạt động sôi nổi, có hiệu quả. Các đợt Liên hoan Tuồng không chuyên toàn quốc và Liên hoan Tuồng và Bài chòi không chuyên trong tỉnh được tổ chức theo định kỳ được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn.
6. Những thành tích đạt được
Bằng những đóng góp thiết thực cả về trí tuệ, sức lực, tâm huyết và trách nhiệm đối với ngành nghề và xã hội, từ năm 1975 đến nay, hai đơn vị nghệ thuật Tuồng và Bài chòi Bình Định vinh dự được nhận thêm những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như: Huân chương lao động hạng Nhì (1978), Huân chương lao động hạng Nhất (1993), Huân chương độc lập hạng Ba (2002), Huân chương độc lập hạng Nhì (2012),… và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Văn hóa Thông tin; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND tỉnh Bình Định.

Trong nửa thế kỷ qua, hàng chục vở diễn của 02 đoàn nghệ thuật: Tuồng Đào Tấn và Ca kịch Bài chòi Bình Định tham dự các kỳ Liên hoan, Hội diễn SKCNTQ phần lớn đều đạt thành tích cao với những vở diễn tiêu biểu đoạt Huy chương Vàng như: Sao Khuê trời Việt (1985), Mặt trời đêm thế kỷ (1986), Sáng mãi niềm tin (1990), Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc (1995), Trời Nam (1999), Hồn Việt (2010), Nước non cửa Phật (2016) – Tuồng; Đồng tiền Vạn Lịch (1990), Huyền Trân công chúa (1995), Khúc ca bi tráng (2013), Chói rạng sơn hà (2019) và Cô thần (2022) – Ca kịch Bài chòi. Nhiều vở diễn khác đoạt Huy chương Bạc; giải Nhất, Nhì, Ba của Cục nghệ thuật biểu diễn, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Đồng thời với đó là nhiều diễn viên, nhạc công Bình Định giành được Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cá nhân, mang lại vinh dự cho tỉnh nhà và tự hào sánh vai với các tỉnh bạn trên cả nước. Từ năm 1975 đến nay, nghệ sĩ sân khấu của tỉnh nhà đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: 19 NSND, 56 NSƯT. Đó là thành quả đáng ghi nhận của đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân vùng đất “thượng võ tôn văn”.
7. Nghệ thuật sân khấu truyền thống không chuyên
Bên cạnh những thành quả của sân khấu chuyên nghiệp, nghệ thuật sân khấu truyền thống không chuyên của tỉnh Bình Định cũng hoạt động sôi động không kém, nhất là những dịp Tết đến xuân về. Họ là những “nghệ sĩ chân đất” chưa từng qua trường lớp đào tạo bài bản nào mà chủ yếu được cha ông truyền lại bằng niềm đam mê nghề nghiệp. Các nghệ nhân Tuồng tập hợp lại thành đoàn, cùng luyện tập và biểu diễn phục vụ bà con và luôn “cháy hết mình” với tình yêu nghệ thuật khắp mọi nẻo quê. Các anh (chị) hiệu cũng ngày một lớn mạnh, góp một phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy di sản Bài chòi truyền thống, tiêu biểu như: NNND Minh Đức, NN Hoàng Việt, NNƯT Nguyễn Phú… Họ luôn miệt mài trên những chặng đường trong và ngoài tỉnh để biểu diễn minh họa, giới thiệu nghệ thuật Bài chòi, quảng bá những cái hay, cái đẹp của văn hóa truyền thống Bình Định đến với đông đảo bạn trẻ và các tầng lớp Nhân dân. Tổng hợp các loại hình hoạt động, đến nay Bình Định đã có 07 NNND, 35 NNƯT, trong đó có phần lớn là những gương mặt xuất sắc của sân khấu truyền thống. Những con số rất tự hào cho nghệ thuật sân khấu không chuyên tỉnh nhà.
Nhìn lại chặng đường 50 năm của sân khấu Bình Định, mới thấy hết những thăng trầm và công lao to lớn của các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân đi trước. Bằng lòng đam mê, tình yêu nghề, họ đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng to lớn, được Nhà nước công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ôn lại chặng đường 50 qua, thế hệ trẻ ngày nay tiếp nối truyền thống của cha anh, luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để tiếp tục giữ gìn và phát triển những giá trị tốt đẹp của cha anh trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
THÚY HƯỜNG