Ranh giới

(VNBĐ – Truyện ngắn). Mùa mưa Nam Trung bộ rất đáng sợ, cứ triền miên hết ngày này đến ngày khác. Dòng nước hung hăng gầm gào xóa bay các con đường vận chuyển. Xe từ Bắc vào phải ngụy trang ẩn dưới các hốc đá, không thể di chuyển để mang lương thực vũ khí vào chiến trường. Thời điểm này chiếc gậy Trường Sơn huyền thoại được phát huy tác dụng triệt để. Mấy ai biết được đó là chiếc gậy bằng tre từ tấm lòng người dân làng Hòa Xá (Hà Tây) gởi theo đường hành quân của bộ đội.

Các đơn vị đóng quân ở đây phải hạ khẩu phần ăn xuống để cầm cự, mỗi ngày người chỉ được một vắt cơm và chút ruốc thịt mà dân Trung gọi là chà bông. Gạo trong hang đá ẩm ướt nên mốc xì, mỗi lần xúc ra chỉ có mùi hăng hắc. Chiến sĩ đi lĩnh về gùi gạo trên lưng bị mọt bám kín người.

Nấu cơm đãi dưới suối, vo kỹ thì gạo bị mọt nát thành bột trôi theo dòng nước hết phân nửa chỉ còn lại lõi hạt gạo. Nếu tiếc không dám vò mạnh thì nấu lên cơm nhẩn như trộn thuốc kí ninh. Sắn bắp độn cũng một màu xám xịt hôi hám, ngâm cả tiếng đồng hồ dưới suối dùng đá cuội chà xát mạnh cũng chỉ đỡ được phần nào. Được cái nhờ mưa nhiều nên các chiến sĩ bớt bị ảnh hưởng chất độc từ “thuốc khai quang” mà địch rải xuống dày đặc.

Chiến tranh, sự ác liệt nỗi gian nguy tàn khốc bị đẩy lên đến tận cùng!

Chiến tranh, ý chí sắt đá, khí phách anh hùng của người chiến sĩ dâng cao độ.

Gà gáy lần ba, Hai Đơn è ạch vác cái rọ bằng mây đựng nhu yếu phẩm và một số đồ cần thiết lên cứ. Cái rọ mây được ông Tư Trung tỉ mẩn chẻ lạt tre đan kín, để con gái một mình quãng đường xa xôi đầy rẫy biệt kích rình rập:

– Tới nơi nhớ tranh thủ rút liền nghe con! Bay đi giờ nào cha má ruột gan lửa đốt giờ đó. Tụi nó càn miết vầy, mà mấy đứa nhỏ trển đang thiếu thốn đủ thứ thương quá!

– Dạ, cha ở nhà nhớ nấu lá ngũ trảu cho má đắp. Đêm hôm má đau khớp không ngủ được. Thôi, con đi à!

Mưa rả rích, mặt đường lầy lội loét nhoét trơn nhẫy, bặm môi siết chặt mười ngón chân xuống sình muốn bứt móng mà vẫn té ngã dúi dụi mấy lần. Gió sè sạt hất nghiêng ngả, vừa men theo bước lần bìa rừng vừa quan sát cao độ, từng chuyển động nhỏ ở bụi cây đám cỏ cũng phải dừng lại cảnh giác. Các anh đã cảnh báo gần đây thám báo biệt kích như bóng ma lẩn quất khắp nơi.

Đông chợ Hai Đơn mới lên tới căn cứ, mệt nhoài:

– Cô Hai khổ cực nguy hiểm vì anh em chúng tôi quá, thật sự mang ơn đồng bào nhiều lắm! – Tiểu đội trưởng Lực đỡ cái rọ heo nặng như đá trên lưng Hai Đơn.

Thiệt tình đang mệt ná thở mà nghe giọng người miền Bắc thỏ thẻ như được ly sâm nam mát lạnh, đâu như giọng Nẫu cục mịch thô chát:

– Có gì đâu anh, mỗi người một nhiệm vụ. Miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam cùng nhau chiến đấu chống giặc mà anh!

Tiểu đội CR được giao nhiệm vụ về gộp Cây Quăng phối hợp với các đội làm công tác xây dựng thêm cơ sở. Phong trào cách mạng ở đây chuyển biến rất tốt, được quần chúng thương yêu che chở. Trận đánh gộp Cây Quăng tuần rồi chỉ với mười hai tay súng chủ lực và một số du kích địa phương đã tiêu diệt gọn một đại đội chư hầu Nam Triều Tiên. Sự “xuất quỷ nhập thần” của các chiến sĩ nhiều lần khiến đám lính mất ăn mất ngủ, điên đảo thần hồn.

Ngồi gọn lỏn trên ngọn cây cao vút, trinh sát Hay phóng tầm mắt bốn hướng. Mọi ngày chúng dội bom ầm ì vào khu vực gộp Cây Quăng nhưng sáng nay yên tĩnh khác thường. Tiểu đội trưởng Lực luôn vậy, anh ngồi trên võng đong đưa cảnh giới cho các chiến sĩ nghỉ ngơi. Họ tranh thủ chút thời khắc yên tĩnh giữa chiến khu mà chợp mắt. Cố gắng xua bớt những mệt nhọc căng thẳng trong chuyến công tác đêm qua trong vùng địch. Lực căng mắt xung quanh và thi thoảng nhìn về các chiến sĩ, ai cũng thâm quầng hốc hác. Ngay cả khi ngủ các chiến sĩ vẫn ôm súng với tư thế sẵn sàng chiến đấu. Một điều bình thường trong cuộc chiến ác liệt này, bất giác Tiểu đội trưởng Lực thấy lòng bâng khuâng nhớ về miền quê xa tít tắp…

Đang miên man bỗng như ai mách bảo, Lực giật mình quay lại quăng ánh nhìn ra phía xa bìa rừng. Hình như có gì đó không bình thường, những khóm cây lay động. Thú rừng chăng! Ngay lập tức anh ôm súng bò nhanh lên mỏm đá cao nhất. Thì ra dưới các bụi cây lố nhố nhiều quân địch lưng cắm lá ngụy trang đang âm thầm di chuyển. Cùng lúc trinh sát Hay cũng vừa phát hiện, Lực báo cáo gấp với Huyện đội trưởng Cư để xin lệnh chiến đấu. Trinh sát Hay cũng đồng thời phát tín hiệu “địch! địch! địch!” cho đồng đội bên dưới.

Anh em bật dậy như lò xo, ôm súng thủ thế sẵn sàng chờ lệnh chiến đấu!

Sau khi quan sát kỹ thì ban chỉ huy đã đưa ra nhận định: “Đó là đám chư hầu, đại đội Báo Đen Nam Triều xuất phát rất sớm từ cứ điểm Cầu Gãy tiến thẳng vào gộp Cây Quăng. Chúng không bày binh bố trận như thường ngày với máy bay, pháo bắn để dọn đường cho bộ binh tiến quân, mà im hơi lặng tiếng đổ quân đông vũ khí áp đảo để tập kích hòng diệt gọn chúng ta. Nhưng đã bị ta phát hiện, tuy sự chênh lệch lực lượng lớn, nhưng ta đang ở thế chủ động và thông thạo địa hình”.

Tiểu đội và các tay súng địa phương được chia thành bốn nhóm nhỏ tản ra nấp sau các mỏm đá.

Tạnh mưa, mây thấp giăng giăng lãng đãng, như bức màn cho quân giải phóng. Khu vực gộp Cây Quăng được bao phủ bởi nhiều tảng đá lớn nhỏ lô nhô ẩn trong các bụi duối rậm rạp. Có một điều lạ kỳ là dù “thuốc khai quang” cây cối trong các khu căn cứ khô cằn xác xơ nhưng ở đây lớp lớp duối vẫn xanh tốt chở che cho các chiến sĩ giải phóng quân. Tất cả ôm súng căng mắt quan sát đợi chờ, quân chư hầu vẫn không hề hay biết đang bị phục kích nên vẫn di chuyển để tìm cách lên gộp Cây Quăng.

Tốp đầu tiên đã lọt vào tầm ngắm. “Đoàng”, phát súng lệnh vừa vang lên ngay lập tức hai chiến sĩ Kha và Quân phóng AT chính xác phá hỏng hai máy bộ đàm. Loạt đạn đầu tiên đã khiến đội hình đám chư hầu rối loạn như đàn ong vỡ tổ. Chúng hoảng hốt giương súng bắn loạn xạ rồi quay đầu chạy ngược lại co cụm dưới chân các gộp đá. Một trái B40 của chiến sĩ Học xuyên thẳng vào giữa đám quân co cụm đó…

Bị đánh phủ đầu, bọn còn lại hoảng loạn lại bắn vung vãi và gọi pháo đến phóng tới tấp xuống gộp Cây Quăng. Rừng núi rung lên bần bật mịt mù. Lệnh rút vào hang Cây Quăng để bảo toàn lực lượng chuẩn bị đối phó với đợt tấn công tiếp theo.

Có thể địch sẽ kêu gọi máy bay chi viện đến rải bom dọn đường rồi tung quân bao vây đánh úp. Lực lượng quân ta quá mỏng so với chúng…

Đúng như nhận định, khoảng ba mươi phút sau chúng tập trung nã pháo liên tục…

Mặc dù pháo đạn cày xới mù mịt, bay vèo vèo khắp nơi các chiến sĩ vẫn bình thản ém quân chờ địch tiến lại, lần này chúng tách ra hai nhóm bọc hai cánh men theo các hộc đá. Kha và Quân hai tay B40 thiện chiến, bằng kinh nghiệm chiến đấu của mình, đoán được chính xác vị trí máy bộ đàm chúng đang hoạt động trong lúc di chuyển. Trong tích tắc hai quả B40 tách khỏi nòng lao vút đi diệt gọn chùm máy bộ đàm còn lại của chúng. Bị mất liên lạc, vừa đi chúng vừa la hét kêu gọi tên nhau ầm ĩ, nhả đạn loạn xạ. Các chiến sĩ cơ động hỗ trợ nhau, lệnh truyền tiết kiệm tối đa vũ khí, chủ yếu đối phó những đợt tấn công của địch. Những loạt đạn chính xác tiêu diệt gọn từng tên, địch bật ngược lại khi những trái lựu đạn được tung ra đúng vị trí. Đã nửa buổi chiều, địch tiêu hao sinh lực nhiều mà vẫn ngoan cố. Quân ta cũng có dấu hiệu mệt mỏi, vẫn hạ quyết tâm chiến đấu trả thù cho đồng đội, đồng bào bị bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên nổi tiếng lì lợm hung ác này giết hại. Lúc này trực thăng võ trang quần thảo, bom pháo đến súng bộ binh càn quét từng đợt giày xéo…

Mặt trời vừa hạ ngang lưng núi, có tiếng trực thăng tất cả lại sãn sàng đối phó với quân chi viện. Nhưng chỉ là máy bay đến đưa quân lính bị thương, còn sống sót và gom xác quay lưng về cứ điểm. Vậy là sau một ngày tổ chức tấn công, có máy bay và pháo kích yểm trợ với mưu đồ đánh úp diệt gọn thì địch đã thất bại và bị tổn thất gần một đại đội. Quân ta bảo toàn được lực lượng.

Điều mà các chiến sĩ ấm áp hạnh phúc nhất là trở về trong vòng tay yêu thương của các má các chị sau những trận đánh. Với đồng bào, chiến sĩ miền Bắc thân thiết như máu mủ ruột rà!

Sau thất bại, địch hằn học bắn phá dữ dội. Chúng thả bom xăng xuống khu vực gộp Cây Quăng, biệt kích thám báo được tung ra khắp các ngõ ngách lùng sục dấu vết quân giải phóng. Trong xóm, chúng cũng đe dọa, sẵn sàng bắn bỏ nếu phát hiện người dân bước chân ra bìa rừng.

Gia đình Tư Trung là một trong những “thành phần cứng đầu” nhất, kiên quyết bám trụ ngoài vành đai để giữ mảnh đất quê hương cùng bà con tiếp tế cho cách mạng. Nhiều lần chúng xua quân đến dỡ nhà chuyển vào trong để quản lí, nhưng cả làng hơn ba chục hộ vẫn kiên trung bám đất, thề sống chết với kẻ thù. Cuối cùng bọn chúng đã chịu thua, ngày đêm canh gác nghiêm ngặt sẵn sàng bắt bớ tra tấn mọi lúc.

Thời tiết ẩm ương nên muỗi nhiều kinh khủng, ngồi im một chút là sưng vù. Thương các chiến sĩ chịu đựng đêm ngày lại ăn uống thiếu thốn. Giúp y tá chăm sóc mấy chiến sĩ đang bị cơn sốt rét hành hạ, Hai Đơn xót lòng khi các anh co quắp người tím tái gồng cứng chống chọi vật vã từng cơn. Vò nát mớ lá mãng cầu, pha nước cho các anh uống cắt hạ cơn sốt, lương thực thuốc men đã hết.

– Cha đang đi đào trùn về sao khô tẩm, vài bữa em đem lên pha cho mấy anh uống ra mồ hôi giảm sốt nhanh lắm!

– Trùn có phải là còn giun đất không cô Hai?

– Dạ đúng rồi anh, đó là phương thuốc gia truyền của nội em.

– Con gái trong này thưa dạ nghe nhẹ nhàng dễ thương quá cô Hai ạ!

– Chu cha trời quơ, người dân Nẫu tụi em nói năng cục mịch dẫy ai mà thương!

– Nếu có người thương thì cô Hai có đồng ý không? – Tiểu đội trưởng Lực quay sang nheo nheo mắt – Cô Hai có về miền Bắc không, ngoài Bắc mùa đông khắc nghiệt lắm, heo may quất héo da, rét căm căm chứ không chỉ mưa sầm sập như ở đây…

Chưa dứt câu thì đã nghe giọng gấp gáp của trinh sát Hay:

– Báo cáo tiểu đội trưởng…

Địch lại tổ chức tấn công đồng loạt nhiều điểm, hội ý nhận định chớp nhoáng cả tiểu đội vào vị trí chiến đấu. Hai Đơn được một trinh sát hộ tống thoát ra vùng nguy hiểm…

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Về đến nhà quá nửa đêm, ngồi chong mắt chờ mấy cha con trong bóng tối vì thắp đèn là ngay lập tức pháo nã chuẩn xác. Ôm chặt Hai Đơn, má sụt sịt:

– Mồ tổ mày con Hai! Cả ngày nay tụi nó đánh trên đó, thắt ruột thắt gan. Chiều nay cha với em con đi đào trùn, mót sắn chắc kẹt càn trong rẫy rồi. Lạy ông trời phù hộ cho tụi nhỏ bảo toàn lực lượng, cầu xin phù hộ cho cha với em con bình an!

– Tụi nó đánh bên cánh Mỹ Hòa chứ không phải trên đó đâu má! Trong rẫy có nhiều chỗ ẩn nấp, có lẽ mưa lớn suối đổ về mạnh cha không vượt được!

Hai mẹ con thao thức trăn qua trở lại, giật thót mình mỗi khi pháo bắn đùng đùng lúc xa lúc gần sáng loáng cả vùng.Hiếm khi chúng tấn công càn quét ban đêm như hôm nay, dự là sẽ khó khăn nhiều trong những ngày tới!

Xế chiều tiếng đạn pháo vẫn ùng oàng, âm thanh chói tai của trực thăng chi viện gầm rú liên tục. Bà Tư cà nhắc, cà nhắc đi qua đi lại lâm râm khấn.

Hai Đơn cũng gồi bó gối, nồi cơm nấu từ sáng trên bếp mà hai má con cũng không nuốt nổi.

Gần nửa đêm vẫn chưa chợp mắt, đạn pháo đã im bặt, trực thăng cũng không còn quần thảo, chỉ thỉnh thoảng vài tiếng cú mèo lạc lõng. Mưa cũng đã tạnh, chỉ còn tiếng gió rào rạt đập phên bên ngoài.

Đang thiu thiu chợt giật mình vì có tiếng động bên chái:

– Chắc chắn không phải cha con. Coi chừng tụi biệt kích nhử, thắp đèn là sập bẫy!

Hai má con không dám thở mạnh:

– Má Tư ơi… má Tư ơi…

– Có người ngoài đó, con ra coi thử nghe má! – Hai Đơn thì thào.

– Thẳng thẳng đã con, nguy hiểm lắm!

Hai má con không dám thở mạnh…

Bên ngoài cũng im lặng.

Một lát sau:

– Má Tư ơi, cô Hai ơi… má Tư ơi…

– Anh em mình đó, má nằm im để con!

– Thẳng thẳng nghe con, đừng mở cửa liền!

Nhẹ như con mèo rón rén tiến lại ghé mắt qua khe cửa, tối như mực nhưng linh cảm của cô rất mạnh:

– Ai đó?

– Má Tư ơi, chúng con đây, anh Lực đang bị thương nặng…

Chớp mắt, bà Tư bật dậy phóng lại mở cửa như chưa từng bị đau chân:

– Quô trời vô đây con, quô trời quơ!

Dìu Lực lên tấm phản, sự nhúc nhắc chậm chạp đau nhức thường nhật của bà Tư biến mất. Khi đống củi khô ở góc bếp được dọn qua một bên là một cửa hầm lộ ra. Hai cây đèn hột vịt được thắp lên, vết thương ở đùi Lực mất máu nhiều!

– Trận đánh vừa kết thúc thì chúng con nhận lệnh hỏa tốc lên đường ngay, bị phục kích bên Mỹ Hòa. Đồng đội thoát ra vùng ngoài rồi, anh em con làm nhiệm vụ mở đường máu nên kẹt lại má ạ!

– Không đứa nào hi sinh là mừng rồi! Chắc đói lắm, còn cơm nguội với cá mương kho lá gừng! Chờ sáng má nấu chút cháo cho thằng Lực, thằng nhỏ đang nóng quá!

Tiếng chó sủa râm ran xa gần, tiếng chửi thề la hét có cả tiếng khóc của phụ nữ… địch đang lùng sục khắp nơi. Bà Tư mò mẫm ra ngoài xóa dấu vết…

Hai Đơn pha nước muối rửa, băng bó vết thương cho Lực nhanh gọn vì quá quen với việc này. Hầm luôn có dụng cụ y tế nhưng thuốc đã hết, khó khăn nhất là thuốc kháng viêm, hạ sốt trong thời gian này.

Cửa hầm đóng lại, đống củi trở lại vị trí cũ.

Ngoài xóm chó vẫn sủa rậm rựt, tiếng la hét chửi mắng khóc lóc vẫn lan ra theo bóng đêm…

Má con Hai Đơn lên giường nằm, sẵn sàng tinh thần đối phó mọi tình huống có thể xảy ra…

Hửng sáng, xóm làng lặng thinh, hình như địch không còn ráo riết sục sạo tìm xăm hầm nữa. Hai Đơn thở phào, trước mắt là bình an, trưa hay chiều nay ra sao chưa biết trước.

Trực thăng xuất hiện bắt đầu chiêu trò tâm lí chiến, tiếng loa ra rả vọng xuống: “Hỡi các anh em Việt Cộng, chúng tôi biết anh em đang ẩn nấp ở đây. Anh em hãy ra trình diện, hãy quay đầu trở về với chính nghĩa, Quốc gia luôn khoan hồng! Hỡi anh em Việt Cộng…”.

Vậy là tạm thời địch không lùng sục nữa, thức ăn nước uống trong một ngày cho hai anh em má cũng làm xong. Vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng, Lực lại đang lên cơn sốt rét, nếu cứ như vậy sẽ không đủ sức về cứ.

– Không có cách nào kiếm thuốc cho thằng nhỏ, căng quá! – Bà Tư chép miệng than thở – Giờ mua thuốc trị thương, sốt rét thì xác định!

Ngoài vành đai có y tá tư nhưng bọn thôn theo dõi 24/24. Mà chỉ có thuốc ho cảm, đau bụng thông thường, đặc biệt là kháng viêm giảm đau thì phải vào khu ấp chiến lược. Dân ngoài này chỉ cần ló mặt vào ấp là mật thám bám gót, ai mua thuốc chúng đều khám xét tra hỏi ráo riết.

Mới tờ mờ sáng Hai Đơn đã cầm câu liêm đi đâu đó một hồi rồi quay về.

– Má giã lá mãng cầu cho ảnh uống cắt cơn sốt rét, con đi công chuyện chút!

Không kịp để má lên tiếng, cô bước nhanh ra ngõ. Bà Tư cũng chưa kịp phát hiện nét mặt con gái nhợt nhạt…

Gần trưa Hai Đơn trở về trong dáng bộ bơ phờ mệt mỏi với bọc thuốc kháng sinh, hạ sốt lại còn thêm xâu thịt heo và mấy củ cà rốt.

– Má canh chừng nấu cháo, con xuống tiêm cho ảnh mũi thuốc!

Bà Tư làm theo lời như cái máy dù không hiểu con gái làm cách nào có số thuốc đó.

Xế chiều Lực bớt sốt, vết thương cũng bớt sưng tấy và tỉnh táo hơn nhờ ăn được chén cháo thịt nạc băm.

– Làm cách nào cô Hai có thuốc vậy, tụi nó đang siết chặt nguy hiểm quá!

– Anh cứ cố gắng ăn uống để đủ sức về trên đó, mọi việc để em lo! – Ánh đèn dầu leo lét không đủ để Lực nhận ra khuôn mặt cô đang tái nhợt.

Thêm một ngày xóm làng yên tĩnh, chỉ có tiếng loa trên trực thăng lải nhải…

– À anh Lực nè, xe nhà binh chở tụi Đại Hàn súng ống rủng rỉnh rồi pháo hạng nặng chạy rầm rầm trên đường. Hình như tụi nó sắp càn nữa mà lần này chắc càn lớn đó anh! Có lẽ vậy mà ngày nay tụi nó không lùng gắt ở đây.

– Đêm nay theo kế hoạch anh em trinh sát sẽ về nắm thông tin, trận tới sẽ ác liệt lắm. Lực lượng mình mỏng quá, cũng may là hiện tại không có thương binh. Hết mưa tụi nó lại rải “thuốc khai quang” càng khó khăn hơn cô Hai ạ!

– Thôi anh tranh ngủ chợp mắt chút, đêm còn lặn lội đường xa! – Vừa nói Hai Đơn vừa đỡ Lực nằm xuống tấm ván đặt giữa nền đất.

Vừa bước lên cô chuếnh choáng suýt ngã quỵ, tay chân run rẩy vì cơn lạnh thấu xương trong khi mồ hôi tháo đầm đìa. Vịn tay vào vách bước lần tới nằm vật ra giường, chợt giật mình từ sáng giờ chưa có gì vào bụng. Thất thểu xuống bếp múc chén cháo nhưng không nuốt nổi vì miệng đắng nghét.

Bà Tư đang ngồi trước sân cảnh giới, hai bóng đen xé màn đêm lướt vào sân:

– Đứa nào đó bay?

– Dạ chúng con đây má Tư ơi!

Hai Đơn ráng sức đứng lên gói thức ăn và thuốc đã chuẩn bị sẵn cho các anh. Vẫn phải có người dìu Tiểu đội trưởng Lực.

– Cẩn thận nghe mấy con, đi bọc qua vườn chuối nhà ông Bảy Lựu rồi băng qua gò mả an toàn hơn. Đường đó nhiều gai bàn chải nên tụi nó ít lùng. Má gói bọc vôi ăn trầu, đứa nào dính gai thoa vôi lên chừng mười lăm phút sau nó tự bung ra nghe! – Bà Tư nắm tay Lực thì thào.

– Dạ cám ơn má, chúng con mang ơn má, mang ơn cô Hai và bà con lắm! Má và cô Hai ở lại cũng cẩn thận ạ!

Anh em đã mất hút từ lâu, bà Tư vẫn đứng lặng dõi xuyên cả màn đêm.

Thỉnh thoảng không gian bùng sáng bởi những đợt hỏa châu…

Chó vẫn cáu gắt rậm rựt sủa người như thường lệ…

Sáng hôm sau, ngoài bà Tư không ai biết Hai Đơn sốt li bì, vết thương dài sâu ở bắp chân do chính cô dùng câu liêm tạo ra.

Ranh giới giữa cái chết và sự sống của người chiến sĩ giải phóng dưới hầm rất mong manh, buộc Hai Đơn phải lựa chọn!

LÊ PHA LÊ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…