Quy Nhơn: Nghe, thấy và nghĩ

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). 

1.

Ba tôi kể thời thuộc Pháp và giai đoạn đầu “quốc gia tiếp thu”, Quy Nhơn chỉ có mấy đường phố chính, còn lại là mênh mông cồn cát với rừng keo. Người dân quê tôi đi cây, củi, đốt than vùng núi Vũng Chua gánh xuống phố bán, đi qua vùng cát “giạt chân cheo”. Sau này vùng đất hoang bát ngát này thành sân bay dã chiến Quy Nhơn với 02 đường băng quân sự, dân sự, rất tấp nập. Đoạn cuối hướng ra biển thành vùng hoang vắng, một thời nổi tiếng tục danh Eo Nín Thở! Cuộc di dời vùng dân cư ven biển bên cạnh là một thành tựu của việc hoàn thiện bờ biển sạch đẹp hôm nay. Khá thú vị là cái “eo” nặng mùi xú uế một thời ấy, cũng gần nơi nhiều kỷ niệm lãng mạn của sinh viên trường Sư phạm gần đó.

Ngôi trường một thời từng là nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ Huế vào học. Chẳng biết ông học nghề sư phạm tới đâu, nhưng chính từ môi trường Quy Nhơn trọ học những năm đầu sáu mươi này, nhạc sĩ đã viết những nhạc phẩm để đời: Dã tràng ca, Biển nhớ, sau này là Diễm xưa, Nắng thủy tinh… Trong một bài viết được “đặt hàng” của người bạn làm báo, nhạc sĩ họ Trịnh viết những dòng sau: “Dạo ở đó tôi còn trẻ và tôi yêu biển vô cùng. ‘Biển nhớ’ là bài hát tôi viết cho những đường phố Quy Nhơn. Những đường phố và biển và một người bạn gái hằng đêm cùng tôi ngồi nhìn biển. Điều ấy bây giờ đã trở thành quá khứ nhưng trong tôi Quy Nhơn vẫn còn rõ như một tấm gương”; “Tôi soi vào quá khứ và tôi thấy tôi ở biển trong những ngày biển động và biển lặng. Tôi nhìn thấy tôi lang thang trên đường phố Quy Nhơn một mình. Một mình đánh billard ở đường Võ Tánh. Một mình nằm ngủ trong căn nhà trọ vào giờ giấc mà mọi người sum họp vui vầy với nhau. Dạo ấy còn trẻ mà sao cô đơn quá sức. Thỉnh thoảng người bạn gái đến gọi cửa trong giấc ngủ lưng chừng và bảo tôi đêm nay trăng đẹp quá hãy ra ngoài biển ngồi chơi… Đừng nhắc lại quá khứ vì mỗi lần nhắc lại thì lòng trống trải buồn thiu”; “Quy Nhơn có những tháp Chàm lặng lẽ nghìn năm “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”; “Có thể rất gần đây tôi sẽ chuẩn bị một chuyến trở về Quy Nhơn để tần ngần ngồi nhìn một bờ biển của những ngày xưa, lúc một hạt cát cũng đủ làm tôi cảm động” (Trích từ Về một thành phố tôi đã xa).

Cũng theo nhà báo này, Trịnh có chia sẻ: “…nắng ở Quy Nhơn lạ lắm, nhất là những thời khắc sau Tết âm lịch, nắng vàng, rất vàng. Từ ngôi trường Sư phạm Quy Nhơn nhìn xuống mặt biển lúc ban trưa, nắng vỡ vụn như hàng triệu hạt thủy tinh lấp lánh”. Và khẳng định bài Nắng thủy tinh là từ hình ảnh mặt biển ban trưa nơi đây.

2.

“Nắng ở Quy Nhơn lạ lắm”, nhạc sĩ họ Trịnh được dựng tượng nơi ngày xưa ông nhìn thấy thứ nắng lạ, được đặt tên đường gần đó. Chỉ ông nhìn ra “nắng lạ”, còn các văn nghệ sĩ khác lại nhìn thấy các thứ “lạ” khác.

Tôi nghe có lần nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói: “Trăng Bình Định, Quy Nhơn lạ thật. Ngay cả cái nắng gió, sóng biển, tháp Chàm ở đây cũng khác”. Cảm nhận này không chỉ của riêng ông. Lần khác, nhà thơ Lâm Huy Nhuận cũng nói tương tự. Còn nói thêm, bóng tháp trên nền trời xanh và tiếng còi tàu vọng lại hun hút buồn! Tháp Chàm không chỉ có ở đất này, nhưng lần đầu đến, nhà thơ Văn Cao đã cảm xúc hạ mấy dòng tuyệt bút trong bài Quy Nhơn 3: Từ trời xanh/ Rơi/ Vài giọt tháp Chàm/ Quanh Quy Nhơn/ Tôi/ Như đứa trẻ yêu huyền thoại.

Tôi nghĩ hẳn các vị ám ảnh trăng thơ Hàn Mặc Tử đẹp mê rợn, trăng thơ Yến Lan huyền mị một thời, chứ trăng nơi nào chẳng thế? Còn tháp Chàm thì có lai lịch xa hơn, nơi đất Đồ Bàn từng lẫy lừng một thuở vương triều lộng lẫy rồi tàn phai mà thi sĩ Chế Lan Viên từng thương cảm rất nhân văn trong Điêu tàn.

Cái “đứa trẻ yêu huyền thoại” của họ Văn cũng là kiểu ngưỡng mộ ấy. Nhưng chỉ tự “phản biện” vậy thôi chứ thực lòng, khi nghe các vị viết, nói về Quy Nhơn mình vậy cũng thích. Khác, theo nghĩa độc đáo, đẹp, riêng, là tự hào chứ.

Một lần, trên tầng 12 khách sạn Hải Âu cuộc Hội thảo tầm quốc gia 100 năm sinh Hàn Mặc Tử, giờ giải lao ra đứng hành lang ngắm thành phố một góc biển, bạn tôi, nhà thơ Phạm Đương khen: “Quy Nhơn đẹp quá”. Tôi có hỏi, còn Nha Trang thì sao? Bởi bạn đang là đại diện báo Thanh Niên ở đó, bạn bảo Nha Trang giờ chỉ thấy toàn cao ốc. Quy Nhơn có thật nhiều cây xanh, đẹp! À, riêng chuyện cây xanh, quả từ góc nhìn này, vùng rừng cây xanh trên đại lộ Nguyễn Tất Thành, cây xanh ở các công viên biển quá ấn tượng.

Có điều đáng ghi nhận, một thời vị giám đốc cây xanh, chiếu sáng đô thị Quy Nhơn mê trồng cây. Khoảng đất trống nào có thể, là ông bố trí cây ngay. Nhưng quả có vùng không gian “trời cho”: cái sân bay cũ của chính quyền trước rộng thênh thang, đã được chuyển thành đại lộ, một bên là những ô cỏ và dãy phố tài chính, một bên là rừng cây. Nói “trời cho” bởi lúc đầu, cái rừng cây này chỉ là cây trồng chờ để khai thác dần cho các nơi khác. Nhưng nó càng lớn, càng đẹp và được đề nghị giữ thành rừng giữa phố: một quy hoạch bị động nhưng tuyệt vời, khó có đô thị nào trên đất nước này dám dùng quỹ đất trung tâm cho cây xanh lớn vậy. Nếu bạn tôi biết trên những thảm cỏ rộng bên kia rừng cây, chiều về rất nhiều trẻ nhỏ ra đây thả diều, thì cái phố Nguyễn Tất Thành này của Quy Nhơn còn ấn tượng cỡ nào!

Một Quy Nhơn xưa và nay, huyền thoại, ám ảnh và thực tế cuốn hút, từ chính may mắn, và nỗ lực của mình, đang dần có tên trên bản đồ du lịch bởi cái đẹp riêng, khác của nó.

3.

Mấy năm gần đây, Quy Nhơn được nhiều người biết hơn như một điểm du lịch mới, hấp dẫn. Một lần ở Eo Gió, lúc nghỉ chân, tôi có hỏi thăm một cặp đôi trẻ. Họ náo nức bảo từ Hà Nội, đi du lịch tuần “trăng mật” sau cưới, chọn Quy Nhơn vì nghe các bạn khen Eo Gió, Kỳ Co đẹp lắm! Khi hỏi có hài lòng không, các bạn thừa nhận lời tán dương của bạn bè là đúng… Và mô tả biển trong xanh, món ăn ngon… Một vài bạn trẻ khác bảo là giáo viên, chỉ nghỉ ít thôi, dịp thứ Bảy, Chủ nhật, mua vé khứ hồi vô Quy Nhơn, cốt được một lần tắm biển xanh ở Kỳ Co, Eo Gió, rồi ra máy bay, cũng thỏa.

Tháp Thầy Bói trên đầm Thị Nại. Ảnh: Nguyễn Phan Dũng Nhân

Lần cùng các cây bút trẻ đi thực tế ở Cù Lao Xanh, tôi có gặp người quen, từng là Chủ tịch, Bí thư Nhơn Châu, giờ nghỉ hưu, kinh doanh homestay, bán các mặt hàng hải sản ở đây. Anh nói giờ các thứ mực tươi, tôm cá ngon, không ra chợ đâu. Tập trung cho khách du lịch thôi. Ai đời, tôm hùm bông, trước sáu bảy trăm một ký, giờ hô triệu ba, họ cũng bảo hấp đi! Khách Hà Nội đó, giá ấy họ cũng vô tư!

Bạn con gái tôi từ các tỉnh về, buổi tối tới ăn hải sản khu ăn uống gần Chợ Lớn cũ, họ ăn mê mải: giá rẻ, món ăn tươi ngon mà.
Nhưng điều này sẽ thực tế hơn: không ai đi du lịch chỉ vì được ăn ngon, giá rẻ. Quy Nhơn, về căn bản ngoài các món ăn hải sản, không có chỗ chơi, không có chỗ để tiêu tiền, giải trí, thưởng thức cái độc, lạ, hấp dẫn! Ngoài biển đẹp và ăn ngon, các dịch vụ, cơ sở hạ tầng quá hạn chế.

Ngay trong thành phố, chúng ta có ít nhất 02 di tích cấp quốc gia: danh thắng Ghềnh Ráng và Tháp Đôi. Nhưng nhìn lại mà xem, cả hai chẳng có gì để lưu giữ hoặc mời chào du khách trở lại lần hai. Khu Ghềnh Ráng còn có mộ thi nhân Hàn Mặc Tử nữa đấy, nhiều người mến mộ, du lịch văn hóa còn tìm tới, chứ có thấy cái thắng tích kia điều gì hay ho đâu? Còn Tháp Đôi cũng chỉ vậy: tiền bán vé các cụm tháp Bình Định: Tháp Đôi, Tháp Bánh Ít… còn thua xa thu nhập vé cho một Tháp Bà Ponagar Nha Trang. Không so sánh vì có những đặc thù khác, hoặc Nha Trang có lượng khách lớn, làm du lịch lâu trước ta hơn nửa thế kỷ…, nhưng lẽ nào ngành du lịch cứ mãi cam chịu một kiểu nhỏ lẻ, được chăng hay chớ?

4.

Có lần nhà thơ Thanh Thảo khen đường Xuân Diệu là một trong những con đường đẹp nhất nước. Đúng là con đường khang trang cong cong hình trăng khuyết theo bờ biển Quy Nhơn này đẹp. Nhưng có lúc, người ta đặt các tượng đá mô phỏng cái gọi là “văn hóa Bình Định” thì thật thảm hại. Nó tủn mủn, sai kiến thức, phô diễn tầm tiểu nông, tỉnh lẻ. Và nhất là xấu, quá xấu, ảnh hưởng thậm tệ đến trời biển đẹp. Cũng nghe nói, đây chỉ là ý thích, tài trợ của một mạnh thường quân chứ không phải của ngành văn hóa tỉnh. Dù gì, cũng cần nói: sự hiện diện những “tác phẩm” đá kia là một sai lầm!

Vươn lên Quy Nhơn. Ảnh: Nguyễn Công Trung

Một lần cùng đại gia đình nghỉ mát ở Quy Nhơn, thăm thú những thắng cảnh biển, nhà văn Văn Chinh (Hà Nội), có khen: “Quy Nhơn đẹp! Ngày nào đó còn giữ được biển, Quy Nhơn còn; để mất biển thì sẽ mất tất cả!”. Tôi hiểu “mất biển” đây là mất vào tay các doanh nghiệp, biển không còn là tài sản trời cho, cho nhân dân. Tôi tin các nhà hoạch định chính sách đầu tư hẳn sẽ tính toán phù hợp bài toán phát triển và lợi ích với dân mọi lẽ, chứ không đến nỗi bán sạch.

Đâu đó thấy có hoạch định về sự phát triển Quy Nhơn: phía Nam (quanh Trung tâm khoa học) là khu phố Khoa học. Phía Đông Bắc là khu phố Nghệ thuật. Phố Văn hóa – Nghệ thuật quanh hồ sinh thái đã hình thành vài năm nay. Phố này rất nên xem xét mấy con đường mới, đặt tên hai nhà hoạt động nghệ thuật lớn của Bình Định: NSƯT Hoàng Lê và nhà nghiên cứu, nhà Đào Tấn học Vũ Ngọc Liễn.

Với NSƯT Hoàng Lê, ngoài đóng góp cho dàn dựng các vở Bài chòi dân gian, cho văn công kháng chiến, cho đào tạo…, ông còn sáng tác nhiều làn điệu dân ca để đời: Lía phôn, Chèo bẻo, Gió đưa trăng,… đáng kể nhất là Đất Hồ lòng Hán, Vọng Kim Lang. Riêng Vọng Kim Lang là từ vở kịch “Nghìn thu vọng mãi” của Lưu Trọng Lư, viết về nàng Kiều, Hoàng Lê đã sáng tác đoạn Kim – Kiều ly biệt cực hay. Điều quan trọng là làn điệu này được vận dụng rộng rãi với các ca kịch Bài chòi và cả cải lương vùng miền Trung, miền Nam tới nay, như một làn điệu mẫu mực cho hoàn cảnh chia tay nam nữ. Rất lâu sau này người ta mới biết đây là làn điệu của một tác giả cụ thể, chứ không phải dân gian. Còn Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn là người đóng góp rất lớn cho các Hội thảo ban đầu về danh nhân Đào Tấn. Và ông đã hoàn thành bộ 3 Đào Tấn đồ sộ: Thơ và từ Đào Tấn, Đào Tấn – Tuồng hát bội, Đào Tấn – qua thư mục, bộ sách chính đưa ông đến “Giải thưởng Nhà nước về VHNT” (2013). Hậu thế muốn nghiên cứu gì về Đào Tấn, đều không thể thiếu bộ sách này. Ông được các bậc trí giả mệnh danh “nhà Đào Tấn học”.

Với hai loại hình nghệ thuật truyền thống hát Bội và Bài chòi đầy thế mạnh của Bình Định đã được ghi danh Di sản quốc gia, và mới đây Bài chòi dân gian được UNESCO công nhận Di sản thế giới (cùng các tỉnh miền Trung), chuyện tôn vinh hai vị kể trên bằng cách chọn đặt tên đường ở vùng phố Văn hóa – Nghệ thuật là niềm tự hào rất nên làm. Chúng ta đã có tên đường Trịnh Công Sơn về mảng tân nhạc, càng rất nên có tên đường hai vị là người Bình Định, đóng góp đặc biệt cho văn hóa truyền thống như vậy.

Cũng cần nói thêm, danh thắng Ghềnh Ráng có mộ Hàn thi sĩ, nên chăng xem xét xây dựng nơi đây “Nhà Lưu niệm Bàn Thành Tứ Hữu”, bốn con người làm nên uy danh thơ ca Bình Định thời Thơ Mới: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn. Ngoài tượng bán thân, các tác phẩm thơ ca của các thi tài bất tuyệt này được sưu tập, bày bán, cũng là một điểm đến kỷ niệm có ích cho du khách?

Sông Hà Thanh về đêm. Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đã đến lúc Quy Nhơn, với những ưu thế về biển và cây xanh, ưu thế món ăn hải sản ngon, rẻ; ngoài cơ sở hạ tầng vui chơi giải trí,… còn phải chú trọng hơn đến mảng văn hóa đặc trưng đầy thế mạnh của mình. Ngay cả Nhạc võ Tây Sơn, Trống trận Quang Trung, các biểu diễn võ thuật cùng những trích đoạn Bài chòi, hát Bội, cũng cần được xây dựng chuyên nghiệp hóa ở Khu phố Văn hóa – Nghệ thuật, chứ không phải kiểu “đánh trống bỏ dùi”, được chăng hay chớ.

Một trong 5 mũi nhọn định hướng phát triển Bình Định, có thế mạnh du lịch. Văn hóa – Nghệ thuật mang bản sắc riêng của Bình Định, không thể không kết hợp với du lịch. Vậy, các mảng kể trên như nơi vui chơi của du khách, không nên chỉ riêng phần ngành văn hóa thành phố lo, mà cần đầu tư từ ngành du lịch nữa.

5.

Nếu tính tuổi, Quy Nhơn thực chất là một thành phố trẻ, đang tràn đầy sức sống. Người xa thành phố vài chục năm về sẽ ngỡ ngàng bởi những đổi thay.

Thành phố quy tụ quá nhiều các yếu tố tự nhiên: núi và biển; sông hồ và đầm phá, đồng bằng; đảo và bán đảo… Rất nhiều cơ hội cho phát triển đô thị, khu công nghiệp hay những đặc thù du lịch. Vấn đề là, số phận một vùng đất nhiều khi không chỉ những ưu thế tự nhiên mà “cất cánh”…

Người Quy Nhơn đến giờ vẫn thiên về “hướng nội”: thiệt tình, tốt bụng và không khéo kiểu xã giao, đãi bôi. Sẽ một ngày con người nơi đây khác đi chăng, theo định hướng phát triển thành một trong những “đầu tàu” của miền Trung?

Có thể cái ngày ấy sẽ tới. Nhưng tôi muốn tin rằng, Quy Nhơn tôi vẫn giữ mãi vẻ yên bình, chân chất, dù thật to lớn, giàu có, thịnh vượng.

LÊ HOÀI LƯƠNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sáng tác ở Quy Nhơn

Dạo đó, tôi với Thụy Kha và Trọng Tạo cũng nhờ những chuyến đi thực tế với Văn Cao nên đã viết được cả thơ và nhạc. Thậm chí, chúng tôi còn làm cả một “đề án” xây dựng “Quy Nhơn thành phố thơ ca”…

Người Bana Kriêm đón khách trong ngày Tết

Khi những cành mai rừng bắt đầu bung nở, khắp các thôn, làng của người Bana Kriêm ngập tràn không khí nhộn nhịp, vui tươi, người người, nhà nhà cùng nhau chuẩn bị đón Tết…

Đào Tấn với Xuân Quang biệt lũy

Làm quan mà được dân yêu, vua quý trọng là điều hiếm có. Năm Tự Đức thứ 36 (1883), Đào Tấn được Tự Đức ban tặng bài thơ kể Phủ Doãn Đào Tấn hộ vệ thuyền vua…

Lỵ sở phủ Quy Nhơn đầu thế kỷ XVII

Phủ Quy Nhơn là tỉnh Bình Định của ngày xưa. Vua Lê Thánh Tông chinh Nam chiếm thành Đồ Bàn của người Chiêm vào năm 1471, đã lấy vùng đất này lập ra phủ Hoài Nhơn…