Quy Nhơn – huyền thoại và hiện thực trong cảm thức sáng tạo của Văn Cao

(VNBĐ – Thơ và lời bình).

Văn Cao là nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc dân tộc, là tác giả của Quốc ca Việt Nam âm vang và hùng tráng. Ông còn là nhà thơ và họa sĩ tài danh. Ba tư cách nghệ sĩ ấy trong một nhân cách văn hóa và cái tôi công dân hào hoa, uyên bác đã tạo nên sự tích hợp nghệ thuật độc đáo để đem lại chiều sâu tư tưởng cho mỗi loại hình nghệ thuật thông qua tài năng sử dụng từng chất liệu ngôn từ để tạo nên sự vụt hiện, mới mẻ và bất ngờ, tương hợp về âm thanh và màu sắc cho thế giới hình tượng.

Tôi muốn chứng minh nhận định khái quát trên riêng về lĩnh vực thi ca của Văn Cao qua một bài thơ tiêu biểu: Bài Quy Nhơn III. Đây là bài thơ ông ấp ủ trước đó và về sau, trong chuyến đi thực tế sáng tác ở Quy Nhơn theo lời mời của tỉnh và Hội Văn nghệ Nghĩa Bình vào tháng 3 năm 1985, ông mới hoàn thành bài thơ này. Sau đó, Văn Cao sáng tác thêm 02 bài nữa để thành chùm 03 bài thơ về Quy Nhơn (Quy Nhơn I, Quy Nhơn II, Quy Nhơn III) và cho công bố, được độc giả đón nhận nồng nhiệt.

Kết hợp vốn hiểu biết về địa – văn hóatrong sách vở và thực tế, Văn Cao đã thực sự ngỡ ngàng và cảm thức khác về một Quy Nhơn trong quá khứ và trong hiện tại để hình thành 03 thi phẩm bất ngờ về thành phố có cấu tạo mà theo tôi là rất đặc biệt: thành phố tựa lưng vào núi, mở lồng ngực đón biển. Nếu trong Quy Nhơn I, nhà thơ mở đầu bài thơ bằng những câu thơ mang bóng dáng huyền thoại: “Một nửa hình con trai/ ngày/ lấp lánh sắc cầu vồng/ một nửa hình trăng/ đêm/ nằm nghiêng trên cát biển”, thì cũng kiểu tư duy ấy, ở Quy Nhơn III, Văn Cao đã nhìn thành phố một cách cao rộng và ngỡ ngàng như chú bé ngày xưa mê huyền thoại. Ông mở đầu bằng những câu thơ bậc thang rất tài hoa, tạo thành cái nhìn thị giác rất bất ngờ, nhưng sáng tạo theo thi pháp hội họa tượng trưng phương Tây:

Từ trời xanh
rơi
vài giọt tháp Chàm
quanh Quy Nhơn

tôi như đứa nhỏ yêu huyền thoại

Kiểu tư duy này giúp cho Văn Cao không cần dài dòng và lan man về Quy Nhơn mà chỉ nêu một cách đặc trưng và tượng trưng để từ đó nhà thơ đi thẳng vào những gì cần nói về tầm vóc, đặc điểm và bí ẩn của con người Bình Định, đặc biệt là những chàng trai và cô gái đất thượng võ Quang Trung. Địa linh ấy, tinh thần thượng võ ấy cùng tiếng trống trận Quang Trung trong lịch sử hào hùng sẽ sản sinh ra những người con trai, con gái dũng mãnh làm rạng rỡ non sông, đất nước trong quá khứ, trong hiện tại, và cả trong tương lai: từ núi xuống/ từ biển vào/ từ cánh đồng mọc lên/ con trai/ con gái/ Nghĩa Bình/ một lưỡi mác/ vẳng tiếng trống Quang Trung.

Như những lát cắt của điện ảnh, Văn Cao đã tái hiện nhanh những hình ảnh điển hình của thời chiến tranh mà Nhân dân Nghĩa Bình đã làm nên trong lịch sử cùng với hoàn cảnh địa lý điển hình của vùng đất và con người nhân nghĩa. Thông qua biểu tượng người mẹ – giúp tác giả tự đối thoại, đặt ra những câu hỏi và tự tìm câu trả lời để truy tìm chân lý của sự sống thật đã kết tinh thành văn hóa vật chất và văn hoá tinh thần, kết tinh thành nhân cách sáng ngời, khẳng định sự tồn vong của quê hương, đất nước trong chiến tranh và hồi sinh trong hòa bình sau chiến tranh: xác xe tăng trên đường Mười Chín/ mọc những làng dừa/ mẹ ơi muối đâu Sa Huỳnh/ phải mồ hôi làm nước biển/ mẹ ơi đường ngọt từ đâu/ phải mồ hôi đọng/ mẹ ơi các con từ đâu/ phải từ sữa mẹ.

Những câu hỏi và câu trả lời của Văn Cao đã là chân lý và minh triết của cuộc sống mà ông đã cảm thức và trải nghiệm từ Quy Nhơn – Nghĩa Bình – Bình Định để kiến trúc thành bài thơ hay, có sức vẫy gọi bạn đọc, qua đó cùng nhận thức, cùng đối thoại và cùng đồng sáng tạo.

Cái nhìn nhân văn thường trực trong tư tưởng của Văn Cao, giúp ông hình dung và nhận ra chân lý của vấn đề, đặt trong tương quan với các quan hệ bản chất của vùng đất, thông qua cảnh vật, sinh thái thiên nhiên và sinh thái tinh thần – xã hội để đúc kết thành những triết lý mới mẻ, sâu sắc. Vì vậy mà đọc xong bài thơ Quy Nhơn III, chúng ta nhận ra Quy Nhơn vừa tượng trưng, huyền thoại vừa hiện thực đầy sáng tạo của Văn Cao. Từ đó, những triết mỹ mới mẻ mang tính xác quyết về cuộc sống hiện lên: mẹ ơi Quy Nhơn từ đâu/ mảnh trời chim yến/ mẹ ơi Nghĩa Bình từ đâu/ phải từ máu thắm.

Và cuối cùng, tác giả khẳng định: Không/ đất này mọc lên/ từ/ nước mắt !…

Đó là thơ của hiện thực cuộc sống và hiện thực tâm trạng hoà quyện vào nhau thông qua sức sáng tạo và cái nhìn nghệ thuật mới mẻ, độc sáng của chủ thể sáng tạo.

***

Tiếp nhận bài thơ Quy Nhơn III nói riêng và chùm 03 bài thơ về Quy Nhơn nói chung của Văn Cao, người đọc đã thực sự hiểu sâu sắc thêm về con người và vùng đất được mệnh danh là “Miền đất võ, xứ văn chương” với bao nhiêu là huyền tích và cổ mẫu đã trở thành giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đáng tự hào và tôn vinh. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo – người cùng đi đợt thực tế sáng tác với Văn Cao năm 1985 tại Quy Nhơn, khi đọc chùm thơ 03 bài thơ về Quy Nhơn của Văn Cao, cũng đã nhận xét: “đấy là một tình yêu lớn của người nghệ sĩ đa tài đối với “mảnh trời chim yến” và mảnh đất “mọc lên từ nước mắt” như chính thơ anh đã khẳng định”.

Quy Nhơn III

VĂN CAO

Từ trời xanh
rơi
vài giọt tháp Chàm
quanh Quy Nhơn

tôi như đứa nhỏ yêu huyền thoại

từ núi xuống
từ biển vào
từ cánh đồng mọc lên
con trai
con gái
Nghĩa Bình
một lưỡi mác
vẳng tiếng trống Quang Trung
xác xe tăng trên đường Mười Chín
mọc những làng dừa
mẹ ơi muối đâu Sa Huỳnh
phải mồ hôi làm nước biển
mẹ ơi đường ngọt từ đâu
phải mồ hôi đọng
mẹ ơi các con từ đâu
phải từ sữa mẹ
mẹ ơi Quy Nhơn từ đâu
mảnh trời chim yến
mẹ ơi Nghĩa Bình từ đâu
phải từ máu thắm
Không
đất này mọc lên
từ
nước mắt!
15.4.1985
PGS. TS HỒ THẾ HÀ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tóc có còn đau

Viết về người phụ nữ biết vượt qua số phận, Trương Công Tưởng đã chọn một tín hiệu nghệ thuật riêng biệt để thi triển tứ thơ. Chân dung “người chải tóc” cứ dần lộ diện theo chuyển động…

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…