Quán nàng Mưa

(VNBĐ – Truyện ngắn). Quán nằm cuối con ngõ dài ngoắt ngoéo ven ngoại thành, nép bên cây bàng cổ thụ bốn mùa lá reo như hát. Quán nằm ở đó từ bao giờ người ta cũng không nhớ nữa, chỉ nhớ quán có từ ngày cô chủ chưa đến đôi mươi, qua bao mùa tóc cô chủ nay đã lơ thơ vài sợi bạc, mắt đã giăng vài vệt khói sương. Ngày trước khách đến đây hầu hết để thưởng trà, loại trà hoa cúc chính tay cô chủ ướp, cũng có khách không hảo trà nhưng vẫn thường xuyên ghé quán, chỉ để ngắm cô chủ xinh tươi, nõn nà như hoa cau, tóc rẽ đường ngôi gọn ghẽ rũ xuống bờ vai, khoe cái gáy hõm sâu mịn màng.

Quán như một căn nhà nhỏ nằm kín đáo trong khu vườn tĩnh lặng, cánh cửa gỗ nâu bóng luôn mở toang đón gió đồng. Dăm chiếc bàn tre, hơn chục chiếc ghế nhỏ được kê rải rác trong nhà, dưới tán cây. Quán không để bảng nhưng người ta vẫn quen gọi theo tên của cô chủ: Quán nàng Mưa.

Nàng Mưa đẹp, vẻ đẹp bình thản và dịu dàng toát ra từ đôi mắt tĩnh lặng như nước, đôi môi mòng mọng đỏ gọn chẳng mấy khi cười. Nàng đẹp đến nỗi những người đàn bà trong làng phải kéo chồng đi nhanh hơn nếu lỡ chồng họ đi qua, muốn ghé vào quán nàng Mưa.

Nàng Mưa sống một mình trong căn nhà cha mẹ để lại cùng với chú mèo Mơ mắt xanh. Mẹ nàng – cô Tằm, người con gái đẹp có tiếng trong làng ngày trước, nhưng nhà nghèo, phải đi ở đợ cho ông chủ Nghị Tam giàu có trong vùng. Nhà chủ chuyên nghề dệt vải, nuôi hơn ba mươi người làm tại xưởng. Mỗi sáng mở mắt ra Tằm đã quần quật với ba nồi cơm to, thức ăn là vại dưa muối trong nhà, mớ tép rong. Sáng sớm Tằm đã có mặt ngoài bến, hôm nào bến hết cá tôm Tằm phải ra chợ làng, nhưng chỉ được mua mớ cá tôm rẻ tiền về kho mằn mặn cho người làm ăn đỡ hao. Hôm nào chớ dại mua đắt, Tằm no đòn với bà Nghị Tam.

Năm về nhà Nghị Tam, Tằm mới mười ba tuổi, suốt ngày quần quật làm lụng, chui trong xó bếp, có ra bến sông hay chợ làng cũng là lúc chưa ai ra đồng, hay chiều tối đã nhọ mặt người, ăn thì chỉ rặt cơm thừa của người làm, quanh năm hai bộ quần áo vải thô sẫm màu, giặt rồi phơi ngoài nắng lúc đem vào vải cứ đứng đờ ra, nhưng Tằm vẫn cứ lớn lên, cứ phổng phao xinh đẹp. Mười bảy tuổi, tóc Tằm dài chấm eo, da dẻ mịn màng, đôi mắt đen láy gợi buồn như hoa lộc vừng bên sông. Tằm xinh đến độ mỗi khi ra đường ai đi qua cũng ngoái lại nhìn, ra bến, trai làng cứ dùng dằng không muốn nhổ con sào, nấn ná để được chiêm ngưỡng cái nhan sắc trời cho…

Sau một ngày làm lụng quần quật, người làm nằm ngả nghiêng trên chiếc chiếu trải giữa sân. Tằm bê mâm cơm ra, chưa đến nơi đã đặt xuống ôm ngực nôn thốc. Ngồi trong này nhìn ra, bà Nghị Tam sinh nghi. Đêm đến, khi xung quanh yên ắng, đám người làm đã lăn ra ngủ, buồng bên tiếng ông Nghị Tam cũng ngáy đều đều, bà mới lẹ làng soi cây đèn vào buồng, Tằm lúc này say ngủ, bộ ngực căng phập phồng theo tiếng thở mệt nhọc. Bà đưa tay giật mạnh tà áo, hàng cúc bục ra. Dưới ánh đèn lồ lộ hai núm vú thâm sì, Tằm hốt hoảng bật dậy chưa hiểu chuyện gì, bà đã dựng Tằm lên tra hỏi. Cô Tằm sau một hồi sợ sệt lẩn tránh nhưng không cách gì qua nổi con mắt cú vọ của bà Nghị Tam, đành khai nhận đã có thai với ông chủ.

Là người khôn khéo, ngay hôm sau bà cho Túc, anh người làm số tiền nho nhỏ để dắt Tằm đi xa, dựng cái chòi sinh sống như vợ chồng. Anh người làm từ lâu đã thầm thương Tằm, dù biết chuyện nhưng vẫn muốn bảo bọc Tằm. Anh đưa Tằm đến ngôi làng hẻo lánh mua rẻo đất trong con ngõ ngoắt ngoéo cuối đường, dựng tạm cái chòi. Tròn chín tháng, vào một đêm mưa tầm tã Tằm hạ sinh đứa bé gái bụ bẫm. Người làng bảo cô Tằm được trời thương, thiếu thốn kham khổ vậy mà con bé vẫn ra đời khỏe mạnh.
Đứa bé vừa chào đời, Túc đã ôm nó vào lòng rưng rưng. Giây phút đó nước mắt Tằm trào ra, cô nguyện đời này kiếp này sẽ hầu hạ Túc cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Tằm đặt con bé tên Mưa để nhớ đêm mưa tầm tã nó ra đời. Mưa đến tuổi biết lẫy, biết đi, dễ nuôi nên vất đâu cũng lăn ra ngủ được. Cha mẹ nàng thầm mừng. Lên ba tuổi Mưa vẫn chưa nói, gặp chuyện gì cũng chỉ ú ớ đưa tay chỉ trỏ. Năm Mưa lên bốn tuổi, cha mẹ đành chấp nhận nàng vĩnh viễn bị câm.

Mưa sớm ý thức thân phận mình, nàng thường lui vào xó nhà thơ thẩn chơi với mấy cái nắp chai nhặt được đâu đó, vài chiếc lá trong vườn và con búp bê bằng vụn vải tự khâu. Chừng đó cũng đủ cho Mưa lui về thế giới của riêng mình. Mỗi ngày nàng nhìn mọi thứ trôi qua trong câm lặng, mọi ngôn từ đều dồn hết vào sóng mắt nàng.

Những đứa trẻ trong làng chẳng bao giờ màng đến việc chơi với một đứa con gái câm, chúng kéo nhau ra bãi đất trống bày trò, mỗi khi thấy nàng chúng luôn tìm cách trêu chọc bằng những lời ác ý. Lâu dần, nàng sợ phải đi qua những con đường có bóng người, suốt ngày nàng lủi thủi trong góc nhà, thầm thì với con búp bê bằng vụn vải, con châu chấu bằng lá dừa và con chó Phèn ốm yếu mẹ nàng nhặt về cho ở đống rác bên chợ làng.

Hôm qua làng bên bốc thuốc cho mẹ, lúc trở về, nàng nhắm mắt đi qua bãi đất nơi có đám trai làng đang tụ tập, biết sắp sửa lại phải nhận một trò đùa ác ý, nàng cắm cúi đi nhanh hơn. Đoạn đường như dài ra, nhưng hôm đó yên ắng lạ thường, không có một tiếng cười trêu chọc, cũng không có những hòn đá ném về phía nàng, sau lưng nàng gió vẫn mơn man ve vuốt tấm lưng thon. Đi xa rồi, nàng thở phào như trút được gánh nặng, về đến nhà nàng vẫn không sao hiểu được, như có ai đó đã che chở cho nàng.

Mưa không hiểu nhưng mẹ nàng hiểu, bà dắt nàng đến trước chiếc gương giắt trên cửa buồng, trong gương, một cô gái xinh đẹp đang giương mắt ngơ ngác như lần đầu nhìn thấy người lạ. Từ ngày Mưa nhận ra mình đẹp, vẻ đẹp trời ban như bù đắp cho sự thiếu hụt của nàng, nàng càng lùi sâu vào những xó xỉnh trong nhà, đôi mắt biết nói của đứa con gái mười lăm luôn thoáng chút xa xăm, tư lự.

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Đột ngột, mùa mưa lũ năm đó cha mẹ nàng qua đời. Cơn lũ hung hãn ập về cuốn trôi làng mạc ra sông. Mưa vừa tròn mười bảy. Cho đến bây giờ người làng vẫn không sao hiểu nổi nàng lại có thể sống sót một cách kỳ diệu đến vậy. Sau cơn lũ, trai làng bắt tay vào dựng nhà, họ dựng lại giúp Mưa căn nhà trên cái nền cũ. Từ đây, Mưa sống cuộc đời đơn chiếc. Thương cảnh mồ côi, tật nguyền của nàng, bà cụ Xuyến trong làng bên dạy nàng thêu thùa đan móc, dạy cả cách pha trà, ủ trà sao cho đượm.

Quán nàng Mưa ra đời, cái quán trà hoa cúc lặng lẽ nằm ở cuối đường, ban đầu còn thưa người, lâu dần người ta đồn nhau, ở làng Diềm có quán trà của nàng Mưa, trà ngon mà cô chủ lại xinh. Nhiều chàng trai phố huyện tìm đến chờ đợi để được nhìn thấy cô chủ xuất hiện với bình trà ấm nóng trên chiếc khay nhỏ. Họ thưởng trà, thưởng luôn cái nhan sắc mỹ miều. Bao giờ cũng vậy, mang trà ra cho khách xong, nàng lại lui về bên cửa sổ chăm chú vào mũi kim thêu. Nhiều chàng trai trên phố huyện ngỏ ý hỏi nàng làm vợ, nàng lắc đầu chỉ tay lên miệng ra dấu: Nàng tật nguyền nên chỉ muốn ở vậy.

Quán nàng Mưa ngày càng đông khách, khách làng bên qua, khách từ phố huyện về, họ tấm tắc khen vị trà hoa cúc do cô chủ ướp. Một sớm. Khách ghé qua nhưng quán nàng Mưa cửa đóng im ỉm giữa khu vườn vắng lặng, bên cửa sổ con mèo Mơ nằm dài ngao lên vài tiếng kêu buồn bã.

Năm ngày… mười ngày… một tháng… Mưa bỏ đi đâu người làng không rõ. Quán ngẩn ngơ buồn, cây cỏ rũ xuống xơ xác, con mèo Mơ đói lả phải vật vờ quanh làng kiếm ăn. Người làng bắt đầu xầm xì, thêu dệt đủ chuyện, họ bảo nàng theo một người đàn ông giàu có trên phố huyện, kẻ lại đoán nàng buồn nên bỏ làng đi, nương nhờ cửa Phật…

Một ngày, Mưa đột ngột trở về, vẫn gương mặt đẹp đến ngẩn ngơ trai làng, nhưng giờ đây cái nhan sắc đã hao gầy đi, trên tay nàng một đứa bé gái bụ bẫm còn ẵm ngửa. Người làng lại một lần nữa xôn xao cái tin động trời: Mưa chửa hoang nên lén lút bỏ đi nơi khác sinh con, giờ mới trở về làng. Người ta đơm đặt đủ chuyện, những người đàn bà vẫn lo sợ cái nhan sắc của nàng lại được dịp xéo xắt. Không ai biết rằng vào một đêm…

Khi trăng hạ tuần rờ rỡ soi xuống lòng sông một màu bàng bạc, bên bến sông hình như có tiếng chân người khuấy nước khiến bầy bìm bịp hốt hoảng vụt bay lên, bỏ lại tiếng kêu như ai oán. Nàng Mưa ngồi bên khung cửa mắt cắm vào mũi kim, lẹ làng thêu. Về khuya, tiếng nước vỗ vào bờ rất khẽ, nàng bỗng nghe trong tiếng ì oạp có tiếng khóc thổn thức, càng về đêm tiếng khóc càng tức tưởi. Nàng buông cây kim thêu, khép cửa ra ngoài. Tiếng khóc từ bến sông vẫn vọng vào, bàn chân nàng như có người dẫn đường mải miết. Bên cái vó bè cũ đang phơi mình dưới trăng, một thiếu phụ đang nằm sấp bên mé nước thổn thức. Nàng rón rén lại gần. Nghe tiếng bước chân lắp xắp trong nước, thiếu phụ ngẩng lên, lúc này nàng mới nhận ra thiếu phụ đang ôm một đứa bé, nó khóc ngằn ngặt như khát sữa. Nhìn thấy nàng, thiếu phụ khẩn khoản nhờ nàng bế con để cô tìm cha nó đang cất vó trên bến.

Nàng nhận lời, ôm đứa bé đứng đợi. Nàng đợi, mắt ngóng ra sông. Thời gian chầm chậm trôi nhưng người thiếu phụ không quay trở lại…

Sáng sớm, nàng vội vàng bế đứa bé đi tìm mẹ, lang thang ngoài bến sông, ra chợ làng, lên phố huyện… Nghe tin có ai hao hao như thiếu phụ, nàng lại lặn lội đến nơi, chỉ mong cho con bé tìm được mẹ. Nhưng, bóng dáng thiếu phụ vẫn bặt tăm. Từng ngày rong ruổi đi tìm mẹ, con bé như đã quen hơi nàng, nó cứ nhoẻn miệng cười mỗi khi nàng cúi xuống đút cho nó chút sữa, ru nó à ơi.

Một ngày, nàng quyết định trở về làng, mang con bé theo cùng.

Mặc miệng đời dị nghị, quán nàng Mưa giờ đây đã có tiếng cười ríu ran con trẻ. Mỗi khi đi qua người ta lại nhìn thấy nàng ngồi bên khung cửa, cặm cụi đan cho con những chiếc tất mùa đông, ngoài hiên thoảng mùi trà hoa cúc nồng đượm. Giữa muôn trùng khổ đau, dường như nàng đã tìm thấy hạnh phúc. Mỗi đêm khi con gái ngủ say, nàng nhìn ra bến sông, lòng chợt ấm lại khi thấy bên kia sông bóng một con đò nhỏ của người đi cất vó đang chầm chậm neo vào bến đợi…

VŨ NGỌC GIAO

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Duyên nợ trùng sinh

Lê Văn Hưng lại nhớ Ngọc Bích. Bao nhiêu năm tháng trôi qua nhưng bóng dáng người xưa vẫn da diết không thôi. Ánh mắt tuyệt vọng sầu thảm của nàng phút biệt ly luôn vò xé tâm can…

Thơ dự thi của Thái An Khánh

An Nhơn ẩn vào ta bằng ngôn ngữ của lúa
đôi vai của mẹ gánh trĩu mặt trời
lấm tấm mồ hôi mặn mòi non nước
đất nặng nghĩa tình gieo hạt trái tim ai.