Quà tặng

(VNBĐ – Truyện ngắn). Vừa ngồi ghế Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo được hai năm, sang năm thứ ba được một tháng thì huyện có chủ trương cải cách toàn diện ngành giáo dục. Năm học mới sắp đến. Tháng đầu tiên, tôi khá bận cho việc phối hợp với phòng Nội vụ về công tác nhân sự của ngành. Năm nay Chủ tịch huyện chỉ đạo quyết liệt về chuyển đổi nhiều vị trí quản lý các nhà trường; chuyển giáo viên từ nơi thừa sang thiếu và đôi khi nơi thiếu sang nơi thừa! Rồi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh gây ra sự xáo trộn. Lâu nay có lúc dựa theo quan hệ này khác, giờ yêu cầu mọi khâu phải bám sát chỉ thị của trên, của Chủ tịch huyện theo tiêu chí công bằng, trong sáng, minh bạch. Làm thế thì… mệt. Vì khi ấy phải quên chuyện “cảm ơn”! Huyện Thanh Giang có ba mươi xã, thị trấn. Mỗi xã ba trường từ Mầm non đến Trung học cơ sở. Bình quân mỗi trường gần năm chục giáo viên. Số lượng ấy nhân lên cả huyện đủ thấy phòng đang quản một lượng giáo viên lớn, sắp xếp cho phù hợp từng ấy con người trong thời gian ngắn thì đúng là một thử thách.

Nhưng tôi quyết vượt qua, phải thể hiện là mình trong sạch mới được ngồi tiếp ghế trưởng phòng. Và tới đây có thể chân Phó Chủ tịch huyện.

Sang tháng Mười, lịch kiểm tra cơ sở về công tác dạy và học cũng như phòng ốc các trường được tiến hành. Tôi là trưởng phòng, chỉ có thể đi mấy trường điểm. Nhiệm vụ của tôi phải báo cáo với ủy ban, làm việc với Chủ tịch huyện về lĩnh vực được phân công. Kiểm tra số đơn vị còn lại là việc của hai phó phòng.

Theo kế hoạch, đợt thanh kiểm tra đầu tiên, tôi đến trường Trung học cơ sở Thanh Lâm, một trường có số lớp nhiều nhất huyện. Trường đóng cạnh khu công nghiệp mới mở và trang trại bò sữa rất lớn. Thanh Lâm cũng là nơi phong trào dạy và học luôn đứng tốp đầu của huyện dù dân trong xã đa phần làm nông. Thậm chí ruộng cũng không có để làm khi hai thôn Bốn và Năm đã bán cho dự án. Diện tích đất bàn giao được quây tôn đang ngổn ngang cát sỏi. Hai năm nay họ chật vật xoay việc làm, nhất là những người trung tuổi trở đi.

Chúng tôi về trường vào một ngày tiết trời mát mẻ. Đoàn chia làm hai nhóm. Một nhóm kiểm tra về cơ sở vật chất, nhóm còn lại thì phụ trách phần hồ sơ giáo án, dự giờ thăm lớp mấy tiết để lưu.

Là trưởng đoàn, tôi phân công nhiệm vụ xong rồi chắp tay sau đít lượn lờ. Ngôi trường rộng và cảnh quan vào loại chỉ thua trường ở phố huyện. Đi về các trường, tôi không dự giờ giáo viên. Bởi lù lù một ông trưởng phòng trong lớp dễ làm thầy cô lo lắng, mất đi sự tự nhiên không cần thiết. Đằng nào thì cuối đợt, bao giờ chả xếp kết quả tối thiểu loại khá.

Rồi cũng mỏi chân, tôi vào phòng Hiệu trưởng. Anh pha ấm trà mới, giọng thân mật: “Trường tới ba Hiệu phó. Em đã giao rất cụ thể rồi. Việc ai người ấy làm. Chờ đến lúc ăn cơm trưa, anh em mình hàn huyên. Sếp thấy cơ ngơi của trường em thế nào?”.

“Trường ở xã mà xây được thế này là tốt. Ở đây chính quyền biết quan tâm đầu tư cho giáo dục. Vấn đề của Thanh Lâm là chất lượng học sinh giỏi phải đứng đầu trong huyện. Ta là huyện lớn trong tỉnh, nhưng chất lượng học sinh giỏi mấy năm qua chỉ mức trung bình. Lãnh đạo huyện nhăn mặt với tôi mấy lần rồi”. Tôi nói.

Rót chén trà thơm, hiệu trưởng nâng lên mời tôi. Nhấp chén trà đang bốc khói, anh đặt xuống rồi trầm ngâm: “Sếp ơi, từ đầu năm đến giờ, trường em có tới hai chục học sinh khối tám, chín bỏ học. Nóng ruột lắm. Cứ thế này, cuối năm chúng em mất suất trường tiên tiến xuất sắc, dù kết quả thi học sinh giỏi có đứng đầu huyện. Đến là khổ”.

Đến lượt tôi tròn mắt: “Thế thì gay. Nhà trường làm báo cáo gửi lên phòng và xã ngay để phối hợp tháo gỡ. Ở tuổi này mà bỏ học thì làm gì cho bố mẹ? Anh đã cho thầy cô đến nhà từng em chưa?”.

“Dạ, rồi ạ. Không đến, bọn em đâu để yên. Các cháu ấy bỏ học để đi làm ăn xa. Mười tám đứa đi rồi, còn hai đứa chỉ vài hôm là rời quê”.

“Các em làm ở đâu?”. Tôi thấy khó chịu cách nói năng quá rề rề của hiệu trưởng. Một lúc sau, anh ta mới đưa đà.

“Dạ. Chúng nó rủ nhau vào Tây Nguyên để làm. Công việc cũng vừa sức, như cạo mủ cao su, hái cà phê, hạt tiêu… Vào rồi không thấy đứa nào quay ra. Tuổi còn nhỏ nhưng chúng biết làm ra tự lo cho mình, lại còn có tiền gửi về để bố mẹ nuôi các em nữa, nên ham. Tội quá sếp ạ, đang tuổi ăn tuổi ngủ. Giáo viên chủ nhiệm đến nhà thì hầu hết các em đã khăn gói đi rồi. Tình hình căng hơn khi điện thoại thì sẵn, đứa này đi làm có tiền là gù đứa kia, kéo nhau bỏ học cả mảng. Ngăn làm sao đây?”.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Câu chuyện giữa tôi và Hiệu trưởng chuyển sang việc hai thôn Bốn và Năm của xã nhượng ruộng cho các dự án mở nhà máy. Sự việc được hai năm rồi. Xã Thanh Lâm có cánh đồng lúa đẹp nhất huyện cò bay thẳng cánh. Nhưng ba chục héc ta từ cánh đồng bên bờ sông Thương bị cắt để giao cho dự án nên cánh đồng trung tâm của xã mất thế thẳng cánh cò bay. Hôm bàn giao ruộng, bà con người cười, người khóc. Không phải làm ruộng nữa, thanh niên nhảy nhót tưng bừng. Tiền nhận về, nhiều người không vội tính đến đầu tư cho sản xuất kinh doanh mà lại lo xây nhà đẹp, mua xe mới, sắm sửa tiện nghi. Khi cái sướng dần qua thì ruộng không còn. Đồi rừng thì nhà có nhà không. Mà có đất rừng thì tiền thu cũng chẳng nhiều nhặn gì khi năm năm mới được lứa gỗ. Thành ra bí. Lại sinh đẻ nhiều. Lứa tuổi sinh nở ở xã này không mấy nhà chỉ dừng ở hai con như thời anh em mình. Còn tuổi đẻ là cố kiếm thằng cu nối dõi. Rồi sinh ra nghèo khó. Nhiều em dù không đối tượng miễn, giảm vẫn nợ cả tiền học phí, dẫu chẳng nhiều nhặn gì.

Hiệu trưởng lan man sang chuyện bản thân khó nghĩ khi phải cho giảm đi một bảo vệ, vì muốn dồn cho một người để lương của họ được cao hơn.

“Hiện tại trường có hai bảo vệ. Họ cũng chịu khó. Nhưng một người ở gần trường, người còn lại cách đây hơn một cây. Ông ở xa trường là anh trai Chủ tịch xã, kinh tế ổn, làm cho vui, thêm đồng nào hay đồng ấy. Người giáp trường thì hoàn ảnh éo le. Vợ mất vì bị ung thư, để lại cho người chồng ba đứa trẻ. Cảnh đàn ông nuôi con vô cùng vất vả. Hai cháu lớn gần xong cấp ba, phải nghỉ. Giờ chúng đi làm công nhân. Phiền một nỗi, công ty của hai đứa nhà anh rơi vào cảnh đơn hàng phập phù, lương vì vậy chẳng đủ tiêu. Ông này quá hiền lành. Thời buổi này hiền lành chưa chắc đã tốt! Ông có đứa con gái đang học lớp chín. Thực lòng, em chẳng muốn bỏ ai, nhưng bài toán tiết kiệm kinh phí thúc bách. Bọn em tính, hai người thì một tháng phải chi bốn triệu rưỡi, giảm đi một, trường sẽ trả ba triệu. Mỗi tháng cũng tiết kiệm trên một triệu. Phiên họp tới, em sẽ đưa ra hội đồng, chỉ giữ lại một người”.

“Chọn ai làm bảo vệ là quyền của hiệu trưởng, nghĩ ngợi nhiều làm gì”. Tôi nêu ý kiến.

“Vâng. Biết là vậy, nhưng trường hợp này em cũng muốn tranh thủ ý kiến từ thầy cô cho dân chủ. Lại thêm sự khó xử nữa, chiều qua Bí thư Đảng ủy xã gọi điện muốn giữ chỗ bảo vệ cho người chú ruột bên vợ. Trường ở quê, việc gì cũng phải qua xã. Cho nên lãnh đạo nhờ mà không hợp tác thì cũng dễ bị… toi”.

Đoàn kiểm tra xong việc, tôi về huyện rồi quên quách câu chuyện với Hiệu trưởng trường Thanh Lâm. Cả tuần nay, anh em đang giải quyết số đơn kiện về điều chuyển giáo viên thiếu minh bạch, không công bằng. Phải cố thoát cho nhanh, chứ để huyện nhúng vào thì chỉ có… dập đầu. Tối cuối tuần đang định nghỉ để xem trận bóng đá thì mất điện. Lâu rồi chủ quan, chả chuẩn bị đèn pin. Nhà ống nên càng tối. Vừa lúc ấy thì ngoài cổng có tiếng gọi cửa. Tôi đi ra, thấy hai người đang đứng cạnh chiếc ô tô con. Tôi mời họ vào nhà.

Dưới ánh nến, tôi căng mắt nhìn hai vị khách. Họ hơi giống nhau. Một người khá to béo, một người lại hao gầy.

“Chào đồng đội, có nhận ra nhau không?”. Người đàn ông khá mập cất lên.

“Vâng, chào anh. Thú thực tôi không nhớ từng gặp các anh ở đâu chưa. Thôi được, hai người đến đây có chuyện gì?”. Tôi hỏi.

“Cảm ơn anh, – vẫn chỉ người khi trước lên tiếng. Tôi và anh là đồng đội, ta cùng một đơn vị chiến đấu ở Vị Xuyên năm tám tám. Thời ấy anh em mình là người duy nhất trong đại đội đều đang dở dang đại học. Hai ta cùng chiến hào suốt những năm bám đá đánh giặc ở Hà Giang. Năm sau, khi ta được phục viên thì tiếng súng ở biên giới phía Bắc cũng ngừng nổ. Nhớ ra chưa?”.

“Có phải Hải, trung úy Hải, phải không?”. Tôi mở to mắt hơn.

“Đúng đấy. Đồng đội có trí nhớ thật tốt! Hải, Hải râu đây. Hồi ấy tôi mọc râu khiếp lắm. Vài ngày mà không cạo là râu chẳng kém người đạo Hồi. Khi ra quân, tôi học tiếp trường Nông nghiệp rồi về Ủy ban huyện Đông Hòa cho đến nay. Theo quy định mới, hơn bảy năm nữa, tôi về. Chắc anh cũng tầm ấy, phải không. Bây giờ cho phép tôi vào vấn đề luôn”.

“Đây là anh Hòa, người nhà của tôi, là dân xã Thanh Lâm. Vợ mất vì ung thư, để lại ba đứa con cho chồng. Anh đang trong cảnh gà trống nuôi con. Mấy sào ruộng thì bán cho dự án cả rồi. Đồi rẫy thì không. Hiện anh ấy đang làm bảo vệ cho trường cấp 2 xã mình. Thực lòng, anh khao khát được làm chỉ để kiếm gạo nuôi con. Nhưng khó là cùng lúc thêm hai người cũng muốn có chân. Lúc chiều, anh em tôi tới nhà Hiệu trưởng. Thầy giáo do dự vì hai người kia được lãnh đạo xã xí phần, chối sẽ khó xử. Vì thương hoàn cảnh của anh Hòa, tôi đành thân chinh gặp đồng đội, nhờ anh… nói hộ”.

Suy nghĩ một lúc, tôi thong thả: “Việc này tôi có nghe Hiệu trưởng tâm sự hôm đoàn của phòng về trường làm việc. Anh ta bảo, để tiết kiệm ngân sách, từ hai bảo vệ sẽ giảm còn một. Tôi chưa hứa vì còn xem sự việc thế nào rồi sẽ trao đổi với hiệu trưởng”.

“Vâng. Nể tình chúng ta là đồng đội, cùng chiến hào năm xưa, thời đất nước vô cùng gian khổ; mong anh thương, điện cho thầy Hiệu trưởng sớm. Thực lòng phải phiền đồng đội, tôi áy náy lắm. Không được làm bảo vệ, anh Hòa sẽ khó xoay đâu ra để nuôi mình, chứ đừng nói đến con. Ruộng chẳng có, đồi rừng cũng không. Đàn ông nuôi con bao cái khổ. Đành rằng thu nhập từ bảo vệ chả mấy, nhưng bác sẽ tận dụng khu vườn trường rất rộng để nuôi gà, thêm chuồng chim bồ câu kiếm cái cải thiện, tăng thu nhập. Ước muốn nhỏ nhoi vậy thôi. Đồng đội ơi, hãy gật đầu đi! Chỉ vậy tôi mới yên lòng ra về. Tiện đây có chút quà biếu đồng đội… Cảm ơn! Hẹn gặp vào ngày 22.12 tới”.

Hai người ra khỏi cổng, phố mất điện chập chờn ánh nến như ma trơi. Khách lên xe đi rồi, quay về bàn nước, tôi mới cầm chiếc phong bì giơ lên soi. Trong ánh nến mờ mờ, tôi cố hình dung mặt mũi hai người khách không mời mà đến, nhưng chỉ nhớ lờ mờ. Vừa lúc ấy, điện vụt sáng trưng. Tôi mở phong bì ra, một xấp ngoại tệ gồm tám trăm đô la, quy ra hơn hai chục triệu tiền Việt. Tôi ngồi thừ một lúc rồi điện cho Hiệu trưởng trường Thanh Lâm, nói rõ: giữ anh Hòa lại làm bảo vệ. Không cần hỏi lại lời nào, Hiệu trưởng chốt luôn: “Vâng, em sẽ theo sự chỉ đạo của sếp!”.

***

Gần hết học kì I, tôi lại dẫn đoàn kiểm tra trở lại Thanh Lâm. Lần này là kiểm tra hồ sơ đề nghị công nhận trường “Đạt chuẩn quốc gia giai đoạn hai”. Nghe tiếng còi xe, người bảo vệ nhanh chóng ra mở cổng. Nhìn thấy ông, tôi nhớ lại, ba tháng trước, vào hôm mất điện, hai người tới nhà mình thì người gầy trông hao hao ông này. Nhưng sao ông ấy già thế?

Gặp ban giám hiệu, thông báo lịch làm việc, thành viên trong đoàn mỗi người một nhiệm vụ. Tôi và Hiệu trưởng dạo bộ ra cổng trường.

“Em chào thầy Trưởng phòng! Dạ, thầy khỏe chứ ạ”. “Vâng, tôi khỏe. Anh tên là gì?”. “Dạ, em là Hòa”. “Nhà anh có gần đây không?”. “Dạ, thưa thầy Trưởng phòng, em ở gần trường. Nếu có thể, khi hết giờ làm việc buổi chiều, thầy quá bộ tới nhà em một chút. Cách đây chỉ mấy bước chân thôi”. “Được, tôi sẽ thu xếp. Thế anh nhá”.

Hiệu trưởng xin phép tôi quay vào phòng hội đồng, tôi hỏi thêm về công việc hàng ngày của bảo vệ. Ông từ tốn nói cho tôi nghe. Qua chuyện của ông, tôi biết thêm làm bảo vệ nhà trường cũng phải giàu sự tận tâm lắm. Học sinh thì ngày một khó bảo nên suốt buổi học phải bám trường. Rồi ông lắp bắp xin lỗi vì bận nên chưa thu xếp đến nhà tôi để cảm ơn sự giúp đỡ để ông có việc làm…

Khâu kiểm tra sớm kết thúc vì mọi thủ tục cần thiết, sở tại được báo trước. Hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận nhà trường đạt “Trường chuẩn quốc gia giai đoạn hai” được hoàn tất. Trong khi anh em trong đoàn, người thì đánh bóng bàn, người chụm lại bàn cờ tướng, tôi theo bảo vệ về nhà riêng. Ngôi nhà mái bằng kiểu cũ nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Khu vườn không rộng nhưng nhiều loại rau xanh. Nhìn là biết rau luôn được tắm tưới. Tôi nhìn lên bàn thờ, một khung ảnh nhỏ, và hiểu ngay là người vợ bất hạnh của ông Hòa. Tự nhiên tôi nhớ đến Hải, người đồng đội cùng chiến hào nói: “Vợ anh ấy mất vì ung thư, để lại ba đứa con tuổi ăn tuổi học”. Chẳng kịp chuẩn bị phong bì, tôi đặt tờ tiền lên cái đĩa không, rồi châm hương…

Nước trà được chủ nhà rót ra, rất thơm.

“Thưa thầy Trưởng phòng! Nhờ thầy mà em có việc làm. Ơn này em xin thề trước thầy và vong linh vợ em là sống để dạ, chết mang theo! Em xin lỗi vì không thể đến nhà thăm và tạ ơn thầy, vì phải bám trường. Xã có khu công nghiệp, một bộ phận dân không còn ruộng làm, nhàn cư vi bất thiện nên cũng nảy sinh nhiều chuyện phức tạp. Mỗi tuần được một ngày nghỉ, em tranh thủ đi bán gà ở ngoài phố, rồi mua gạo, thức ăn cho bố con cả tuần. Hai đứa lớn nhà em, công ty của chúng đơn hàng phập phù lắm nên chưa giúp bố được. Em còn đứa con gái, cháu đang lớp chín. Thấy chúng bạn lười học, lêu lổng mà lo cho con. Điểm thầy cô bây giờ quá hào phóng càng khiến các cháu thêm hời hợt chuyện học hành. Nhiều cháu hư hỏng, mất nết, sẵn sàng bỏ học, đánh nhau! Còn đứa con gái, em phải gắng làm theo lời dặn của mẹ cháu trước lúc nhắm mắt, là khó đến mấy cũng gắng đùm bọc đàn con, cho con gái được biết chữ. Dạ, thầy… Trưởng phòng… mời… nước đi!”.

“Trường rộng mà chỉ một người bao quát cũng khó khăn. Trong buổi học, em phải trực trống, nước nôi cho phòng của lãnh đạo, phòng hội đồng. Hết giờ mới làm vệ sinh những chỗ được giao. Thực sự em bận. Dạ, thưa thầy!”.

“Mỗi tháng, trường trả cho anh bao nhiêu?”. Tôi hỏi.

“Dạ, thưa thầy, tất tật ba triệu ạ. Các ngày lễ trong năm, trường cho bằng một nửa so với thầy cô. Những khoản ấy chẳng nhiều gì và em không nhìn vào đó. Tận dụng vườn trường rộng rãi, em nuôi gà, mỗi năm ngoài khâu thực phẩm cho bố con ra, trừ chi phí làm chuồng trại, mua cám, em cũng gỡ được mươi lăm triệu. Khoản ấy em để riêng ra nuôi con gái ăn học. Tuổi như em, ở nơi không còn ruộng, kiếm được cái ăn là phúc lắm rồi. Xã có hai thôn đã nhượng hết ruộng cho công ty. Ở hai thôn ấy người trung tuổi trở lên nhàn rỗi nhiều, kiếm được việc làm, có chút thu nhập chật vật lắm. Em xin lỗi, chưa thể bố trí thời gian đến thăm thầy. Thật sự áy náy, thưa thầy! Thanh niên hai làng Bốn và Năm rỗi việc, lêu lổng khá nhiều. Buổi tối, em ở bên trường thì con gái mang sách sang đây học. Con gái xinh, bố đâm lo… Em bận như có con mọn, thầy ạ. Nếu sơ sểnh không may để mất dù chỉ cái bàn thôi, em cũng khó mà đền được và cầm chắc bị đuổi việc. Khi ấy bố con sẽ bơ vơ. Mong thầy hết sức thứ lỗi cho em. Dạ. Một ngày nào đó, em sẽ đến tận nhà tạ ơn thầy!”.

“Anh đừng nghĩ tới chuyện ấy. Cố gắng giữ lấy việc mà làm. Chào nhé”.

Người bảo vệ không đi cùng tôi sang trường. Tôi biết là ông ngại bên ngoài nhìn vào. Buổi trưa ăn cơm khách, ông không có mặt. Nghĩ thấy tội cho những người giúp việc mà tôi từng gặp khi đến các nhà trường. Ở vùng sâu xa không có quán ăn, trường bố trí tự nấu, chờ khách và lãnh đạo ăn xong, bảo vệ, nhân viên phục vụ mới lặng lẽ dọn dẹp rồi lủi thủi ăn. Ông bảo vệ trường Thanh Lâm đã có tuổi, dù ở nơi văn minh hơn nhưng vẫn không tránh được “mẫu số chung” ấy.

Thanh Lâm hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận trường “Đạt chuẩn quốc gia” giai đoạn hai. Dù vậy cũng có những việc chỉ người trong ngành mới biết là phải “vẽ” thêm cho đủ. Ở nghề dạy học, bao chuyện thấy sai nhưng không dễ góp ý, chứ chưa nói là phê phán. Những bước chân đi về trường của tôi thêm nặng nề bởi câu nói (dẫu là vô tư) của người bảo vệ: “Điểm thầy cô bây giờ cho hào phóng quá nên con trẻ thêm cớ lười học…”.

Từ Thanh Lâm về, tôi nhớ lại những lần dẫn đoàn về các nhà trường thanh, kiểm tra. Đến đâu lãnh đạo phòng cũng được đón tiếp niềm nở. Tôi lạ là thầy cô giáo coi trưởng phòng… như vua. Tai được nghe những lời ngọt ngào, đầy hứa hẹn quyết tâm. Hồ sơ sổ sách chỗ nào cũng chỉn chu, gọn gàng, đẹp mắt. Giáo án của giáo viên, toàn giấy A4 in mới trắng tinh! Các giờ được chuyên viên phòng dự, hầu hết là loại giỏi! Sau đó là hoa chúc mừng, rượu bia ngập tràn trong bữa tổng kết. Nhiều lần chủ, khách còn cùng đi hát karaoke. Chập chờn. Mờ ảo. Đời đẹp như trong mơ!

Thời gian trôi về cuối năm. Mỗi lần đọc báo, xem ti vi về chuyên mục kinh tế, thấy tình hình rất căng. Làm ăn khó khăn, đơn hàng xuất khẩu “ăn đong”, công nhân phải nghỉ chờ việc, lo miếng ăn còn khó. Tôi nhớ đến người bảo vệ trường Thanh Lâm. Ông ấy hơn tuổi tôi, vậy mà mỗi khi gặp cứ dạ vâng, một thầy Trưởng phòng, hai thầy Trưởng phòng. Một sự cung kính thật lòng chứ không hề gượng giả. Ông canh cánh mãi không thôi là mắc nợ tôi, người giữ suất bảo vệ cho mình. Đáng lẽ chịu cảnh cù bất cù bơ, đứa con gái xinh đẹp ngoan hiền, đứng trước nguy phải thất học thì bố tìm được việc làm, có chỗ chăn nuôi, có gà để làm thịt, và bán. Con gái vẫn được đến trường. Vậy là sướng rồi nên không quên người đem sung sướng cho mình.

Cuối năm, trời mưa thâm gió Bắc. Mặc áo len, nằm trong chăn ấm mà tôi còn ngại thò cổ ra ngoài. Lại một cái Tết nữa đến. Tôi vừa đi làm về thì thấy ông bảo vệ trường Thanh Lâm thập thò ngoài cổng, trong khi gió Bắc rít từng cơn. Tôi ra mở. Ông chào tôi, cười cười và đẩy xe máy cà tàng vào sân. Chống chân xe xong, ông cẩn thận mở dây chằng: “Dạ, thầy Trưởng phòng! Năm hết Tết đến, chẳng có gì, em chỉ có thể dâng thầy chút quà mọn. Dạ, mấy cân gạo nếp cây nhà lá vườn để cô nhà làm Tết ông Táo vào ngày kia và con chim thôi ạ. Riêng chim, em đã viết mấy dòng về cách nuôi hàng ngày để thầy nhớ. Thời trai trẻ, em là thợ săn chim nên quen lắm!”.

Tôi mời người bảo vệ vào nhà. “Anh uống chút rượu cho ấm bụng, được không?”. Không chờ ông đồng ý, tôi lấy chai rượu Tây đang uống dở, rót đầy hai ly. Đẩy ly rượu sang chỗ ông, tôi hỏi về người đến đây ba tháng trước là quan hệ thế nào. Ông cho biết, là chú em ruột ở quê. Hiện ông em đang là Phó chủ tịch. Gần như chắc suất sẽ ngồi ghế Chủ tịch huyện vào nhiệm kì tới…

Đối diện với tôi, khách cảm thấy ngượng khi rượu uống không vào. Ông nhấp từng tí một, cử chỉ khó khăn. Có thể ông ngại vợ con tôi nhìn thấy mình nhếch nhác. Hai bàn chân không tất vào ngày đại hàn, chỗ đỏ, chỗ thâm như vết gai cào! Đôi dép tổ ong ngoài hè đã rách nát… Nhìn cảnh ấy tôi không thể đưa nổi phần rượu còn lại vào cổ họng mình. Con người trước mặt tôi, vì cần bát cơm nuôi mình và cô con gái ngoan, cần tiền để mua vàng hương thờ cúng người vợ đã khuất nên đành cậy nhờ người nhà có quyền lực xin một chỗ làm…

Tôi nhìn ra sân, túi gạo nếp cái hoa vàng là biết chủ nó mò mẫm ra chợ huyện bán gà chứ không phải “cây nhà lá vườn”. Nhìn người nghèo nói dối, tội làm sao! Bán gà ngoài phố, người ta không mua chịu, lại được giá hơn. Còn con chim trong lồng kia, ông kiếm ở đâu?

Bên ngoài căm căm gió Bắc. Răng miệng ông già va vào nhau lập cập.

Tôi nhìn về phía tủ gương trước mặt, chỗ đang treo cái áo lông và nghĩ, dù rất thích nó nhưng sẽ tặng cho ông già nghèo khổ này. Cái áo lông vũ xuất phát từ vùng Milan nước Ý, kinh đô của thời trang thế giới. Nó cũ rồi, giá chỉ còn mươi triệu. Nếu cần, chỉ cuộc điện thoại, phút mốt thôi sẽ có người mang tới cho tôi chiếc áo lông vùng Bắc Âu còn nguyên tem. Rượu trong ly vẫn còn. Đôi bàn tay ông già bắt đầu lập cập. Môi ông đã tái. Có thể ông chưa bao giờ uống rượu Tây, nhưng không dám chối. Uống không hết thì nể, ngồi lâu thì ngượng. Ông chỉ quen đấm lưng rượu nút bằng lá chuối. Món quà quê người ta biếu nhau từ những năm đất nước đói khổ, đang lẻ loi ngoài sân kia. Ông không có tiền để bỏ vào phong bì cho kín đáo. Tôi thấy thương ông. “Nhận thì không đúng, từ làm sao đây?”(*). Tôi dám thề rằng, tất cả các Trưởng phòng giáo dục trên đất nước này không thể nhớ hết số phong bì từng nhận của cấp dưới. Tôi cũng thế! Nhưng nhận quà tặng như tôi lúc này chắc là… rất hiếm! Vì quà thường gắn với tình người sâu nặng. Có khi món quà ấy chứa đầy nước mắt, đong đầy thổn thức bên trong! Ở trong lồng, có lẽ không chịu được tù túng, con chim bay phành phạch và kêu quýt quýt.

Cố uống xong chỗ rượu, ông Hòa đứng lên, giọng run run:

“Trời mưa lạnh, người ướt, xin phép thầy Trưởng phòng, em về luôn. Em chúc sức khỏe thầy cô năm mới ạ”.

Tôi lại tủ gương lấy cái áo lông khoác vào người ông. “Tặng anh cái áo này để người luôn ấm mà làm việc. Anh giữ sức khỏe, nhá. Chúc bố con anh năm mới an lành!”. Ông đực mặt, trân trân nhìn tôi, đôi mắt nâu, mờ đục trào ra hai dòng nước. Cúi gập người chào và nắm lấy tay tôi. Để không khí dịu đi, tôi hỏi: “Sao nãy giờ cũng khá lâu mà chim không hót? Nó biết nói chưa?”. “Thầy ơi, con vẹt đã biết nói mấy từ rồi, nhưng hiện giờ nó mới xa nguồn cội nên đề phòng chủ mới. Khi nhận ra ở đây sẽ an toàn, nó hót ngay”. Ông già thả tay tôi ra rồi dắt xe ra cổng. Đi một quãng, ông còn ngoái lại nhìn chằm chằm lần cuối cái lồng chim. Chiếc xe máy đến lúc phải giao cho đồng nát đã phản lại chủ. Ông gò lưng đạp một hồi mới nó mới chịu… phành phạch. Bây giờ tôi mới nhìn kỹ hơn quà biếu. Túi gạo nếp cái hoa vàng độ mười cân và một cái hộp giấy, có khoét hở bên hông. Tôi mở cái hộp ra, một cái lồng nan rất đẹp, tờ giấy gấp nhỏ và con vẹt mỏ vàng…

LÊ ĐÌNH THỰC

(*) Thơ Bác Hồ.

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Con thuyền xuôi dòng

Một dòng sông và người con gái đang trôi. Anh cố gắng chạy theo nhưng không được. Anh muốn cô biết có người đang chạy theo mình…

Thơ dự thi của Phạm Thanh Phương

Chúng ta như những toa tàu
Kéo lê ngày tháng
Tới điểm cuối cùng mà chưa được sống
Đúng nghĩa: Một con người
Biết cho đi những gì quý giá nhất của mình…

Nhà thơ Trần Kim Hoa

Kể từ tập thơ đầu tiên “Nơi em về” đến nay, nhà thơ Trần Kim Hoa đã có hơn 30 năm nặng nợ với thơ. Thơ chị neo vào lòng người đọc bởi những chiêm nghiệm, trăn trở đầy xúc cảm…

Thơ dự thi của Huỳnh Minh Tâm

Nhiều đêm ròng, tôi thao thức
Ai thêu dệt vẻ đẹp của đời sống?
Ánh trăng trải thảm vàng trên cánh đồng lúa
Hay đồng lúa đã dâng hiến tình yêu cho ánh trăng trú xứ?