“Phở Bằng” của gia đình tôi

(VNBĐ – Tản văn). Có con cháu ở Sài Gòn, mấy ngày qua, ba má tôi lại thắc thỏm khi đây là nơi xuất hiện ca bệnh Covid 19 mới. Loáng thoáng nghe giọng má đang điện hỏi thăm con dâu tình hình công việc, anh trai tôi nhẹ cười, ánh nhìn vợ đầy yêu thương và tự hào, lém lỉnh chen vào: “Ba má yên tâm, nếu xui – thất nghiệp, nhà ta sẽ tin tưởng mở “phở Bằng”…

“Bằng”, đầy đủ là Lý Hải Bằng – tên chị dâu lớn của chúng tôi, tức là chị Hai. Còn phở, chính là “món tủ” của chị. “Phở Bằng” là cách gọi đầy trân trọng, thân thương của anh Hai tôi vinh danh tài bếp núc, món ăn gợi thương gợi nhớ của vợ mình, từ đó cả nhà tôi tâm đắc gọi theo.

“Phở Bằng” là… không thể nào quên, những năm sau cưới chật vật, đôi vợ chồng son gác mọi dự định riêng tư, để dồn sức, thay ba má nuôi cùng lúc 3 đứa em học đại học; và, mỗi đầu tháng khi anh Hai trở về với nét mặt giãn hơn thường ngày, lém lỉnh vỗ vỗ vào chiếc ví có vẻ căng trong túi quần: “Ngay sáng mai, nhà ta sẽ cải thiện với món “phở Bằng”.

Là thiêng liêng và thanh tân những sớm Mồng một, chị Hai lễ phép hỏi ý bà nội, ba má để chuẩn bị bữa sáng đầu tiên của năm, 3 người đều chung “đáp án”: “phở Bằng”. Trước 3 thành viên “to bự” nhất nhà, chị đã không quên dò ý lũ con nít. Cũng “order” món như bà cố, ông bà nội, ngoại chúng, chỉ khác là “phở Bằng” theo cách bọn trẻ gọi được chuyển thành “phở bác Hai”, “phở mợ Hai”.

Là những khi chị Hai quá tải hay gặp trắc trở, oan ức trong công việc, tan tầm về khóc vùi trong vòng tay san sẻ, ấm áp của anh tôi. Vuốt vuốt tóc, vỗ về như với bé Chíp con gái mình, anh đưa ra lời đề nghị, dò hỏi giản dị mà đầy nghiêm túc: “Nếu em không buồn chuyện học hành giỏi giang, thi cử đỗ đạt ra mà làm công việc tay chân vất vả, nếu em vui làm một cô nấu phở, bán phở, anh và cả nhà nội rất ủng hộ, tự hào mở cho em quán “phở Bằng”.

Từ ngày có chị về, bữa ăn nhà quê đạm bạc của gia đình tôi có thêm nhiều món ngon mới, trong ấy, “số dzách” là phở – “phở Bằng”. Chị tôi gốc Bắc, từ nhỏ sống trong Nam, không biết món phở dưới tay chị nghiêng về vùng miền nào. Chỉ chắc nịch một điều là, phở của chị ngon xuất sắc! Bao năm qua vẫn làm cả nhà từ già đến con nít phải hít hà; mỗi thành viên có dịp thưởng thức phở nổi tiếng ở nơi sang trọng nào vẫn cảm thấy không thể ngon bằng.

Chị Hai nấu ngon cả phở bò, phở gà ta và phở xương heo. Chị còn bảo, phở chị thăng hoa nhất là khi được nấu trong gian bếp củi của nhà chồng, với thịt bò cỏ, thịt heo sẻ, thịt gà ta nuôi kiểu quê, với giá má gieo, quế, xà lách, hành, ngò, chanh… ngoài vườn ba trồng. Những lời thơm thảo ấy của Hai tôi rất chân tình, không một chút “lấy lòng”. Cái ngon của phở được thêm lên nhờ vị thịt cỏ chợ quê, rau không chất hóa học vườn nhà, hợp lý lắm chứ. Bên cạnh đó, có vẻ như, với nguyên vật liệu tươi roi rói sẵn có trong vườn nhà, nấu phở, dẫu nồi to đùng, ninh liu riu mất vài tiếng đồng hồ, cho cả hơn mười người ăn, với chị là việc rất tao nhã, đầy thích thú, thong dong. Như một nhu cầu, khoảng lặng thư giãn sau những tháng dài sống ở thành phố. Chẳng thế mà, khi những đứa em gái chồng thương chị dâu vất vả, lật đật đến phụ, chị cười lắc đầu. Trong nắng ban mai, nhìn chị thích thú giũ giá, lặt rau, kiên nhẫn ngồi hàng giờ canh lửa, vớt bọt, ninh nồi nước phở đang tỏa hương ngào ngạt, tôi hiểu chị từ lâu đã là người thân trọn vẹn trong gia đình chồng.

Thấy mấy đứa em gái xoắn xuýt quanh chị, ba đi qua đi lại không quên nhắc: “Các khâu ngoài như rửa rau, chuẩn bị ớt, chanh… thôi, đừng có mà “phụ bậy”, bày đặt nêm nếm làm giảm thương hiệu “phở Bằng” là ba cắt khẩu phần!”. Tâm đắc món của chị, đám em dâu, em gái chồng cũng tập tành nấu phở. Tùy sở thích của chồng, con mà vị có chút khác đi. Không khí những bữa ăn đoàn viên rộn ràng hơn khi xuất hiện ngày càng nhiều “phở Bằng phiên bản Thủy”, “phở Bằng phiên bản Loan”, “phở Bằng phiên bản Ngân”… , song “phở Bằng” chính gốc vẫn chiếm vị trí thượng hạng trong lòng mọi người trong nhà.

Ăn uống nhà quê nghèo có khi lười – dọn đại dưới nền nhà, cắm cúi, ai rảnh ăn trước, người dở tay ăn sau. Nhưng khi ăn “phở Bằng” thì nhứt định phải lên mâm lên bát, ngồi bàn đàng hoàng và đông đủ, cùng ăn. Tươm tất, nề nếp và quây quần, ấm cúng, bà nội bảo, chẳng phải cầu kỳ, mà để “đúng lễ” với món ăn quốc hồn quốc túy và với tình cảm của chị.

“Phở Bằng” của gia đình tôi ngon cực phẩm, để thương gợi nhớ, người nấu hạnh phúc trao tặng, người ăn trân trọng đón nhận, thưởng thức. Ở đó, phở còn được nấu bởi gia vị đặc biệt của tình yêu thương.

SAO LY

(Văn nghệ Bình Định số 96 tháng 4.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tiếng sáo của người bán rắn

Người Đồng Dưa quen gọi tên ông Nhót bởi cái chân dị tật phải đi cà nhót. Cái lai quần xơ tướp quanh năm. Gương mặt hốc hác hằn những vết cắt thời gian lúc nào cũng trầm ngâm…

Cánh chim bằng trên đỉnh nhân văn

Đêm cuối cùng Ông ở lại với Quy Nhơn
Đông đảo bà con anh em đến cùng trò chuyện
Hương thơm ngát cả vùng trời vùng biển
Hoa trăm loài hương tỏa từ trái tim

Nỗi đau Yagi

Đồng bào tôi đang gánh chịu nỗi đau
Bão Yagi đã mang đi tất cả
Nhà cửa tan hoang, bão dông tàn phá
Vợ mất chồng, con mất mẹ, thương tâm!

Thăm quê hương Tây Sơn tam kiệt

Tiếng trống trận hành quân rộn rã hào hùng
Trầm bổng núi sông vọng vang rừng núi
Như vẫn đâu đây những đoàn quân lấm bụi
Chân đất, mũ rơm, gươm nhọn, giáo dài