Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Bên cạnh nhiều ca khúc, hàng trăm bài báo phê bình âm nhạc, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình San còn có nhiều sách về nghệ thuật văn chương. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm về tiểu thuyết, thơ, bình thơ, hồi ký… Mới đây, nhà văn Nguyễn Đình San đã công bố tác phẩm phê bình văn học: Dạo gót vườn văn (NXB Hội Nhà văn, quý 3 năm 2024). Với 83 bài viết, tập sách bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ… Quyển sách bề bộn nhiều vấn đề về tư tưởng – nội dung và nghệ thuật – hình thức, được đề cập thấu đáo, tỉ mỉ, thẳng thắn, đậm tính phản biện.

Sách cuốn hút độc giả ở mấy nội dung nổi bật: 1- Một số vấn đề lớn, cấp thiết, bao trùm của văn nghệ; 2- Thơ, sáng tác, bình thơ, phê bình thơ và những vấn đề liên quan rất cần bàn lại; 3- Những vấn đề nóng khác về tác giả – tác phẩm – người đọc – xuất bản…

Về phần những vấn đề lớn, bao trùm của văn nghệ, số bài không nhiều nhưng vẫn tạo nên ở độc giả nỗi ngạc nhiên và ấn tượng mới mẻ. Xin lướt qua các nhan đề: Đổi mới hay lặp lại thứ người ta đã bỏ?; Cần minh định lại một vài tên tuổi trong quá khứ; Đề tài lớn trong sáng tác hiện nay; Một nguyên nhân kìm hãm chất lượng sáng tác hiện nay… Bài thứ nhất sẽ bàn dưới đây khi nói đến Thơ. Bài thứ hai, về minh định, tác giả mạnh dạn, thậm chí táo bạo, đề nghị độc giả xem lại các nhận định chưa thật thấu đáo – (thường là khen quá lên) ở một góc độ nào đó về “đấng bậc” đáng kính nể: Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Tuân… Ông cho rằng, đã đến lúc, nếu không nói là quá muộn, cần minh định lại giá trị đích thực của người nghệ sĩ, kẻo dẫn tới tình trạng: Tác giả (hoặc người thân, bè bạn) ngộ nhận; công chúng bị nhầm lẫn về giá trị, tài năng. Chúng ta đã nhầm lẫn tài năng nghệ thuật đích thực và cương vị, chỗ ngồi của tác giả. Dường như cứ xem xét sáng tác của ai đó có vị thế to là nhiều người tự nhiên thấy có giá trị (…). Sự nổi tiếng đôi khi không gắn với tài năng đích thực. Ngược lại, không thiếu người có tài lớn lại không hoặc ít được người khác biết đến (tr196, 197, 199). Sự nhìn nhận lại của Nguyễn Đình San như nêu trên là có cơ sở. Riêng Tố Hữu, ngược lại, tác giả cho rằng bởi lý do nào đó, mới đây, thơ Tố Hữu bị xem nhẹ, mà thật ra ông vẫn mãi mãi là một tên tuổi lớn của nền thơ ca cách mạng. Thơ Tố Hữu đã thấm sâu vào lòng Nhân dân.

Về vấn đề đề tài lớn trong sáng tác hiện nay, tác giả nhận xét rằng những tác phẩm có giá trị như trước kia về sau này càng ngày càng ít xuất hiện. “Hiện nay còn quá ít những tác phẩm phản ánh được đúng tầm, chứ chưa nói là sâu sắc những vấn đề của cách mạng, của xã hội đang diễn ra, ít nhất là chưa được bằng những tác phẩm trong quá khứ đã nhắc đến. Không thể có lý giải nào khác ngoài hai yếu tố của người sáng tác: nhận thức và tài năng” (tr.149). Ý kiến đó không mới nhưng cần được nhấn mạnh lại. Với nhan đề nhạy cảm Về tự do và dân chủ của người cầm bút hiện nay, Nguyễn Đình San nói rất chí lý rằng, vấn đề tự do mà bây giờ vẫn còn đặt ra thì không còn phù hợp, thậm chí lạc lõng. Tự do có khi như là đang thừa thãi, dẫn đến quá trớn, sai lạc. Điều cần nhấn mạnh là dân chủ. Ông thẳng thắn nêu ý kiến rằng: “Không hiếm những hội đồng duyệt, thẩm định tác phẩm nghệ thuật đã chỉ thích áp đặt ý mình lên các chủ thể sáng tạo, muốn họ viết, sửa theo ý chủ quan của mình. Tình trạng người chấm, làm “giám khảo” các cuộc thi sáng tác, biểu diễn trình độ còn non kém. Một chút ức chế gây tổn thương đến người sáng tác cũng đủ làm ngưng trệ, cạn nguồn sáng tạo. Nhiều tài năng đã không phát huy được tác dụng, nhiều ngòi bút sung mãn, sắc sảo đã không phát huy được công suất, do những người có trách nhiệm nào đó đã cố ý hoặc vô tình vô hiệu hóa. Rất nhiều khi, không khí sáng tạo bị vẩn đục, ô nhiễm bởi những cư xử phi văn hóa, phi nghệ thuật. Thực tế đáng buồn này xảy ra ở cả hai khâu: đầu tư cho nghệ sĩ và sử dụng tác phẩm (tr306, 307).

Nguyễn Đình San quan tâm nhiều đến thơ. Ông nêu định nghĩa thú vị và tinh tế về thơ và đưa ra các ý kiến phản biện về hoạt động sáng tác thơ hiện nay. Ngay đầu sách đã có hai bài phê bình. Nêu câu hỏi ở nhan đề Đổi mới hay lặp lại thứ người ta đã bỏ?, nhà văn viết: “Những người làm thơ theo đuổi khát vọng cách tân có khuynh hướng nghiêng nhiều về hình thức (phá cách về câu chữ, nhịp điệu, tiết tấu, tìm tòi ngôn từ lạ lẫm, ví như “ồn ĩ” (ồn ào và ầm ĩ), “cụ tỉ” (cụ thể và tỉ mỉ) hơn là đổi mới về ý tứ, nội dung. Xin nhớ một điều: “Cái gì thuộc về truyền thống, tức là đã được khẳng định qua thời gian (dài lâu) sẽ có sức trường tồn”. Ông cho rằng có một vài người làm thơ chơi trội, thèm khát sự nổi tiếng nhưng tài năng không có. Cảm thấy tìm tòi, sáng tạo theo hướng chân chính, tiếp cận cái đẹp đích thực khó khăn, vượt quá năng lực tầm thường, xoàng xĩnh của mình bèn nghĩ đến cách làm “ngon ăn” hơn: Tạo nên những bài thơ, câu thơ quái dị”. Nguyễn Đình San không chấp nhận sự sáng tạo chặt khúc câu lục bát thành ba bốn năm… dòng. (Lục bát trật vần cũng dứt khoát phải tránh). Thơ không đề xuất hiện tràn lan, nhiều khi cho thấy sự vô duyên và lười biếng của người sáng tạo, bởi không ít trường hợp cứ đặt nhan đề đi thì đã sao! Ông nhấn mạnh: “Đổi mới là bản chất của sáng tạo. Vậy nên đương nhiên cần được thường trực trong đầu mỗi người cầm bút. Ai chống lại sự đổi mới, kẻ đó không có lý do tồn tại. Nhưng cách tân như thế chỉ thể hiện sự bế tắc, nếu không nói là bệnh hoạn và là sự “lạc hậu” so với lịch sử – giẫm lại vết chân tiền nhân đã đi từ lâu trong quá khứ. Nhà phê bình Nguyễn Đình San rất dị ứng với khuynh hướng của nhiều bạn trẻ làm thơ hiện nay là thích tìm đến những lối phô diễn cầu kỳ, rắc rối, tưởng vậy mới là tân kỳ, hiện đại. Nhiều khi khiến người đọc chẳng hiểu họ muốn nói gì. Thậm chí, nếu có hỏi họ muốn diễn tả ý gì thì chính họ cũng lúng túng. Về phía khác, ông lại cho rằng ngôn ngữ thơ ca có tính sáng tạo (chứ không phải làm xiếc, đánh bóng chữ nghĩa) mới là quan trọng nhất, chứ cứ đề cao cái tâm, cái tình của tác giả thơ thì vô hình trung đã hạ thấp giá trị tác phẩm. Rằng “cái tình cái tâm làm sao đến được người đọc nếu không qua phương tiện tư duy, nhất là từ ngữ, chữ nghĩa hiện ra trên trang giấy? Cho nên, rốt cuộc vẫn là chữ nghĩa. Chỉ có điều cái chữ nghĩa ấy có hiệu quả ra sao mà thôi. Vậy nên không cẩn thận thì chúng ta xem xét một bài thơ lại căn cứ vào những cái ngoài bài thơ, nhất là căn cứ vào tác giả” (tr54).

Tất nhiên, Nguyễn Đình San cũng thuộc những nhà phê bình ta thán nhiều nhất, nặng nhất về lạm phát thơ. Là tác giả thơ và bình thơ (đã có sách riêng), Nguyễn Đình San đưa vào sách này 25 bài bình. Tuy số bài đáng bình chỉ ngót hai mươi (có bài lục bát ngắn trật vần), nhưng độc giả cũng đủ thấy ông say mê làm công việc này, có kinh nghiệm và đạt được hiệu quả. Lý luận về bình thơ của ông tuy không hoàn toàn mới nhưng cũng là ý kiến tham khảo rất tốt đối với người yêu thơ, người bình thơ. Thí dụ: “Phải làm sao để sau khi đọc những lời bình của mình, người ta thấy yêu, thích bài thơ hơn do mình có những phát hiện, khám phá, khai thác thú vị. Chứ không phải thấy mình nói những điều người ta đã thấy rõ. Bình thơ là một công việc rất cần thiết vì giúp người đọc nâng cao khả năng cảm thụ, thưởng thức thơ. Đáng tiếc nhiều tờ báo trong lĩnh vực văn nghệ lâu nay đã không mấy chú tâm tìm kiếm, đăng tải loại bài này (tr.122).

Những vấn đề “nóng bỏng” khác về tác giả – tác phẩm – người đọc – phê bình – xuất bản cũng được tác giả bàn bạc sôi nổi, mong được bạn đọc đón đợi, sẻ chia. Trong đó, tác giả nói gay gắt về các vấn đề: chất lượng tác phẩm – tác phẩm sáng tác và tác phẩm phê bình – (lỗi do phía chủ thể sáng tạo) sự thiếu chu đáo và kém hiểu biết của một vài người đứng đầu cơ quan, biên tập viên nhà xuất bản và báo chí (lỗi về phía khách quan). Nhà phê bình nêu một hiện tượng phổ biến ở nhiều tờ báo là khi xử lý những bài nói thật, nói thẳng thì thường bị các biên tập viên làm tròn trịa đi những chỗ sắc nhọn, biến nó thành cùn mòn, tầm thường (tr347). Đây là một trong những lý do phê bình văn học đã yếu lại càng kém đi thêm. Các khâu công việc không hoàn thiện đó góp phần không nhỏ gây nên sự trì trệ của nền văn học. Thêm nữa, “gu” thẩm mỹ ở hai phía người sáng tạo và người thụ hưởng, thẩm định sáng tạo là vấn đề Nguyễn Đình San rất quan tâm, mà ông cho rằng ít ai coi trọng. Ông cho rằng, người làm văn nghệ phải có gu thẩm mỹ sành, cao, sang. Điều này chưa được nhiều nhà phê bình đề cập. Người càng có học vấn cao, thì càng có “gu” sang, sành và ngược lại. Những người sáng tác và biểu diễn có trình độ đạt yêu cầu như trên còn ít. Ngoài tiểu luận Nghĩ về bình thơ, tác giả không có một tiểu luận riêng về phê bình văn học nói chung, nhưng qua nhiều trang sách, giọng điệu phê bình (có khi gay gắt) đã bao trùm lên tất cả phê bình về sáng tác và phê bình về phê bình. Đọc ông, chúng ta thấy hai cái yếu nhất hiện nay của văn học là thơ và phê bình.

Tuy sách bị hạn chế bởi bố cục không phân rạch ròi các phần nội dung (do các bài báo ghép lại), đôi ba ý không thật mới và tiếc rằng có hai tiểu luận in trùng lặp, nhưng nhìn tổng thể thì thấy đây là một sinh thể tinh thần rất đáng trân trọng của một nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp lại khá tinh thông về nghề văn và hoạt động sáng tạo văn chương, nêu được các vấn đề thiết yếu với giọng điệu phản biện táo bạo, tạo cho độc giả cảm giác một sức nặng về tư duy và lao động nghề nghiệp.

Cung cách phê bình của Nguyễn Đình San vẫn theo truyền thống và nghiêng hẳn về phía phê bình thực tế. Ông nói thật, nói thẳng, điểm mặt chỉ tên sự việc, vấn đề, hiện tượng một cách cụ thể, không dài dòng khoe kiến thức đông tây kim cổ trong nước, ngoài nước. Chúc mừng nhạc sĩ cho ra mắt một quyển phê bình văn học đầu tiên của mình, tạo được những điểm nhấn cần thiết.

PHẠM ĐÌNH ÂN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.

Nhà văn Cao Duy Thảo và câu chuyện thời gian

Còn nhớ, khi lần đầu tiên đọc bản thảo truyện ngắn “Thời gian” của nhà văn Cao Duy Thảo cho một tạp chí văn nghệ hàng tỉnh, tôi đã thốt lên: “Đây là một truyện ngắn tuyệt vời!”…