Phát triển công nghiệp văn hóa thông qua điện ảnh, thể thao và du lịch: Nhìn từ Bình Định

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). LTS: Trong khuôn khổ Chương trình “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao – Tự hào bản sắc Việt” do Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức, sáng 03.9, tại TP. Quy Nhơn đã diễn ra Hội thảo “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao: Kiến tạo tương lai – đường dài chung bước”, thu hút sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo, chuyên gia trong và ngoài nước, đóng góp nhiều ý kiến giá trị cho phát triển công nghiệp văn hóa ở Bình Định và Việt Nam.
VNBĐ xin giới thiệu bài tham luận từ hội thảo này.

Ở Việt Nam hiện nay khi nói đến văn hóa, vai trò của công nghiệp văn hóa và yếu tố kinh tế trong các hoạt động văn hóa được chú trọng, đề cao và thể hiện rõ trong các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Trong đó có Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Chiến lược nêu rõ công nghiệp văn hóa là một phạm trù rộng và đa dạng, gồm nhiều lĩnh vực như: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa v.v…

Bình Định là một địa phương đặc biệt với nhiều ưu thế trên các phương diện thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, tôn giáo, dân tộc. Do vậy, Bình Định có thể trở thành một địa phương trọng điểm để phát triển công nghiệp văn hóa thông qua các loại hình thể thao, du lịch và điện ảnh. Những loại hình này có thể kết hợp với nhau, biến Bình Định trở thành một điểm đến hấp dẫn.

1. Định hướng Quy Nhơn trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO

Theo định nghĩa của UNESCO đưa ra: “Thành phố sáng tạo trong tiếng Anh được gọi là Creative City. Thành phố sáng tạo là nơi mà ở đó con người với tính sáng tạo là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho xã hội. Tài nguyên thiên nhiên dồi dào, vị trí địa lí thuận lợi và tiếng tăm từ quá khứ không còn đóng vai trò quyết định tới sự hưng thịnh của một quốc gia trong thời đại ngày nay. Thay vào đó, nền tảng cho sự phát triển của mọi thành phố là tính sáng tạo”. Thành phố sáng tạo là những thành phố chú trọng phát triển 7 lĩnh vực: (1) Nghệ thuật dân gian và thủ công mỹ nghệ, (2) thiết kế, (3) phim ảnh, (4) ẩm thực, (5) văn học, (6) nghệ thuật truyền thông đa phương tiện, (7) âm nhạc. Theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu có từ 01 đến 03 thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO. Hiện nay ở Việt Nam thì UNESCO đã công nhận Hà Nội là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, Hội An là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật dân gian và thủ công mỹ nghệ, Đà Lạt là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc. Trên cơ sở đó, Quy Nhơn hoàn toàn có thể trở thành thành phố sáng tạo trong lĩnh vực văn học dựa trên một truyền thống văn chương sâu dày, với những tên tuổi lớn trong quá khứ và những hoạt động sôi nổi ở hiện tại. Khi đó thì danh tiếng của một thành phố sáng tạo sẽ thu hút khách du lịch với loại hình du lịch văn hóa. Một ví dụ cụ thể là khu mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử với bệnh viện phong Quy Hòa đã trở thành một điểm đến thu hút nhiều du khách đến Bình Định.

2. Xây dựng khu phức hợp nghệ thuật – thể thao đa chức năng, trong đó có phim trường điện ảnh để Bình Định trở thành một điểm sáng trong phát triển công nghiệp văn hóa

Bình Định hiện nay rất thiếu thốn cơ sở hạ tầng dành cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng như thể thao. Do vậy, rất cần một khu phức hợp lớn để có thể tổ chức các hoạt động. Có một khu phức hợp nghệ thuật – thể thao như vậy sẽ giải quyết được nhiều “bài toán” về phát triển công nghiệp văn hóa. Tại đây có thể diễn ra hình thức phục dựng các lễ hội, trình diễn các loại hình nghệ thuật biểu diễn như hát Bội, Bài chòi, hát bả trạo, nhạc võ Tây Sơn, trình diễn võ thuật cổ truyền Bình Định… Như vậy vừa là để bảo tồn và phát huy những yếu tố văn hóa truyền thống, vừa là điểm đến cho khách du lịch, vừa quảng bá được những nét văn hóa tốt đẹp của địa phương.

Cũng theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thì điện ảnh được xem là một ngành mũi nhọn để tập trung phát triển vì có sẵn lợi thế và tiềm năng. Điện ảnh cũng quảng bá hình ảnh đất nước nói chung về nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, khán giả quốc tế có thể biết về vẻ đẹp của Việt Nam, những nét văn hóa độc đáo, và những địa điểm du lịch hấp dẫn. Bộ phim Kong: Skull Island của Hollywood đã quảng bá đến rất nhiều người về vẻ đẹp hoang sơ và thiên nhiên tuyệt đẹp của Quảng Bình khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình) và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và đã tạo ra “cú huých” lôi cuối du khách đến với các điểm du lịch này. Bình Định với những ưu thế về thiên nhiên, địa lý, hoàn toàn có thể trở thành những phim trường tự nhiên để quay những bộ phim với những đề tài khác nhau, từ lịch sử, cổ trang đến võ thuật, tâm lý xã hội… của Việt Nam và thế giới.

Phiên 1, Hội thảo “Du lịch, điện ảnh và thể thao: Kiến tạo tương lai – Đường dài chung bước” do Bộ VH-TT&DL phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức. Ảnh: P.N

Ngoài những phim trường tự nhiên, cũng cần có một phim trường nhân tạo được đầu tư, xây dựng đúng chuẩn trong thời gian tới ở Bình Định, bởi vì đây không chỉ là nơi quay những bộ phim mà còn có thể là cơ hội lớn để kết nối điện ảnh với ngành du lịch. Bài học kinh nghiệm từ điện ảnh các nước cho thấy nếu biết sử dụng đúng cách, phù hợp, thì mỗi bộ phim có thể là một đại sứ du lịch cho quốc gia và mỗi trường quay thì trở thành một địa điểm cho du khách thưởng ngoạn.

3. Tận dụng và phát huy cảm hứng từ truyền thống lịch sử, văn hóa nghệ thuật, thể thao cũng như ưu thế về thiên nhiên của Bình Định để tạo ra những tác phẩm sáng tạo có chất lượng

Bình Định với truyền thống lịch sử, văn hóa nghệ thuật, thể thao và nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp có thể trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều văn nghệ sĩ trong các lĩnh vực điện ảnh, văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, hội họa… Có thể nghĩ đến những bộ phim điện ảnh hay truyền hình nhiều tập về vương triều Tây Sơn. Cũng có thể nghĩ đến những bộ phim tài liệu về một miền đất võ trời văn, góp phần quảng bá miền đất, con người Bình Định. Cũng có thể nghĩ đến những tác phẩm nhiếp ảnh ghi dấu lại thiên nhiên, lễ hội, phong tục tập quán, di tích lịch sử… giới thiệu cho quốc tế biết đến Bình Định nhiều hơn. Cũng cần có nhiều tác phẩm văn học hơn nữa lấy miền đất này làm đề tài sáng tác. Mặt khác, trong xu hướng sáng tạo liên ngành, đa ngành, cần khuyến khích những hoạt động mang tính chất tổng hòa được nhiều lĩnh vực sáng tạo.

Nên chăng, ngoài Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu dành cho văn học nghệ thuật, tỉnh Bình Định nên có giải thưởng dành riêng cho các tác giả là người ngoài tỉnh nhưng có sáng tác hay về Bình Định và có đóng góp cho văn hóa nghệ thuật, thể thao Bình Định. Ngoài ra, cũng nên tổ chức những cuộc thi thường niên cho những tác phẩm văn hóa nghệ thuật lấy đề tài, chủ đề vùng đất và con người Bình Định.

4. Xúc tiến hợp tác với quốc tế là một điều rất quan trọng trong một thế giới phẳng như ngày nay để biến Bình Định thành một điểm đến thu hút

Có hai điều mà tỉnh Bình Định có thể học tập được từ quốc tế, ngoài những quan hệ hợp tác như chúng ta thường thấy:

Thứ nhất, là xúc tiến các chương trình “nghệ sĩ lưu trú”. Cụ thể là mở những dự án do tỉnh Bình Định tài trợ, với nguồn vốn kết hợp từ Nhà nước và xã hội hóa, trong đó yêu cầu các nghệ sĩ trên thế giới nộp đơn ứng tuyển để đến Bình Định làm việc, sáng tác về Bình Định trong một thời gian, có thể từ một vài tuần đến một vài tháng và tác phẩm của họ sẽ do Bình Định sở hữu. Các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa, văn nghệ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Bình Định cùng với Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định sẽ là những người lập ra các dự án và xét tuyển nghệ sĩ. Những tác phẩm của các nghệ sĩ này sau khi sáng tác và được Bình Định sở hữu có thể sẽ được trưng bày, triển lãm ở khu phức hợp thể thao – nghệ thuật hoặc ở những địa điểm thích hợp, trở thành một địa điểm tham quan thu hút du khách.

Thứ hai, đó là mở rộng và xúc tiến, thúc đẩy vai trò của “nghệ thuật cộng đồng”. Có thể thực hiện những dự án cụ thể để nâng cao trình độ thưởng ngoạn thẩm mỹ của công chúng, tạo bộ mặt nghệ thuật cho thành phố Quy Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung. Chẳng hạn như mở một số chương trình thưởng thức nghệ thuật miễn phí, tổ chức các lễ hội nghệ thuật định kỳ v.v… Cần có thêm sự đóng góp của Nhà nước để các chương trình, lễ hội như thế này mang tính chính thống hơn và có chất lượng hơn.

5. Ứng dụng công nghệ số vào việc phát triển công nghiệp văn hóa tại Bình Định

Sử dụng công nghệ kỹ thuật số như các app ứng dụng di động, trò chơi thực tế ảo (game) và trải nghiệm tương tác để mang đến những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn cho khán giả nhằm kết nối các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và du lịch tại Bình Định.

Chẳng hạn, có thể từ điện ảnh để tạo nên những trò chơi game có nội dung thu hút, lấy bối cảnh là những địa điểm du lịch nổi tiếng. Đã có nhiều bộ phim được chuyển thể từ những trò chơi game đình đám, nay lại có những trò chơi game được hình thành từ phim, chẳng hạn như: “Game of Thrones Ascent” là từ bộ phim Game of Thrones (Trò chơi vương quyền) nổi tiếng, hay game “The Walking Dead” (Xác sống) từ bộ phim cùng tên. Nếu có những bộ phim lịch sử lấy đề tài từ vương triều Tây Sơn thì có thể cân nhắc chuyện làm game chuyển thể từ những bộ phim lịch sử đó để quảng bá cho điện ảnh và du lịch.

Đại biểu thưởng lãm những bối cảnh quay xuất hiện trong các bộ phim trong nước và quốc tế tại triển lãm Du lịch Việt Nam qua không gian ảnh. Ảnh: S.P

Cần tổ chức những sự kiện, hội thảo, triển lãm và liên hoan du lịch – điện ảnh thường xuyên, định kỳ mang tính hợp tác nhiều bên tại Bình Định để tạo sự quan tâm và tương tác từ công chúng. Các sự kiện này không chỉ tạo ra sân chơi cho người làm phim và người yêu điện ảnh, mà còn thu hút sự chú ý từ khán giả, du khách và từ chính giới truyền thông.

6. Vai trò của truyền thông đối với việc kết nối điện ảnh, văn hóa, thể thao và du lịch cho Bình Định

Ngày nay khái niệm báo chí truyền thông đã được mở rộng và vai trò của báo chí truyền thông trong việc kết nối điện ảnh, văn hóa, thể thao và du lịch cũng cần được nhìn thêm từ nhiều góc độ khác, trong đó có góc độ truyền thông trong thời đại kỹ thuật số.

Cần phải thay đổi quan niệm về truyền thông cho việc quảng bá điện ảnh, văn hóa, thể thao kết hợp du lịch. Không chỉ dừng lại ở các bài viết quảng bá, giới thiệu mà còn cần xây dựng chiến lược truyền thông đa dạng và toàn diện: Bao gồm sử dụng các phương tiện truyền thông truyền thống (như truyền hình, báo chí) cùng với các nền tảng truyền thông kỹ thuật số (như mạng xã hội, trang web, ứng dụng di động). Điều này giúp tiếp cận một đối tượng rộng hơn và tạo sự tương tác lớn hơn với khán giả. Chiến lược truyền thông này sẽ do ba bên (truyền thông – các lĩnh vực văn hóa, thể thao – du lịch) cùng hợp tác xây dựng với các bước đi cụ thể.

Đẩy mạnh sự hiện diện trên mạng xã hội: Sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube và TikTok để chia sẻ nội dung hấp dẫn về du lịch và các lĩnh vực văn hóa (trong đó có điện ảnh) và thể thao của Bình Định. Tạo ra các video, hình ảnh, câu chuyện, và livestream để tương tác trực tiếp với khán giả và khuyến khích họ tham gia, chia sẻ nội dung. Giải pháp này quốc tế đã thực hiện rất tốt, đặc biệt là khi quảng bá các bộ phim kết hợp với du lịch. Ví dụ, một bộ phim khi ra đời, bản thân bộ phim đấy sẽ được tạo một Fanpage riêng, thực hiện mọi hoạt động quảng bá trên đó. Bộ phim The Lord of the Rings có một trang Facebook riêng, tên là “The Lord of the Rings Trilogy” với 12 triệu like và 11 triệu lượt theo dõi (follow) nhằm thực hiện mọi hoạt động quảng bá từ điện ảnh, địa điểm du lịch gắn với bộ phim và những hoạt động thương mại khác như bán sản phẩm ăn theo bộ phim. Tương tự, Bình Định hoàn toàn có thể đưa những sản phẩm ẩm thực nổi tiếng như rượu Bàu Đá, nem Chợ Huyện, bún song thần… lên những bộ phim để quảng bá.

Không chỉ làm báo theo kiểu truyền thống mà còn cần tìm kiếm và hợp tác với các nhân vật nổi tiếng, diễn viên, đạo diễn, và blogger du lịch có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Họ có thể truyền đạt thông điệp về du lịch và điện ảnh một cách thu hút và thúc đẩy sự quan tâm từ khán giả. Có thể bổ nhiệm họ làm đại sứ du lịch cho Bình Định. Trường hợp nữ diễn viên điện ảnh Angelina Jolie – người Mỹ, sau khi đóng bộ phim Bí mật ngôi mộ cổ đã trở thành đại sứ quảng bá cho đất nước Campuchia, lôi kéo một lượng lớn khách du lịch quốc tế đến với kỳ quan Angkor là một ví dụ. Nên chăng cũng cần sự hợp tác tương tự với những diễn viên điện ảnh, blogger du lịch nổi tiếng để quảng bá cho Bình Định?

Truyền thông phải đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác và quảng bá đa phương tiện: Tạo sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lí du lịch, ngành công nghiệp văn hóa, truyền thông và các đối tác khác. Quảng bá đa phương tiện giúp tăng cường tầm ảnh hưởng và tiếp cận đối tượng công chúng rộng hơn. Không chỉ viết bài theo kiểu truyền thống mà còn có thể làm các bộ phim ngắn, video clip, podcast… theo tinh thần của thời đại kỹ thuật số: ngắn, gọn, ấn tượng, đi vào trọng tâm. Các bộ phim, video, bài viết và hình ảnh truyền thông nên thể hiện được vẻ đẹp, trải nghiệm và giá trị của điểm đến Bình Định nhìn từ góc độ điện ảnh và các ngành văn hóa nghệ thuật khác, cũng như từ góc độ thể thao.

Tuy nhiên, cho dù có đưa ra những giải pháp hay đề xuất nêu ở trên thì điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người và những chính sách phù hợp. Cần có những con người giỏi và có tư duy tốt, nhanh nhạy với cuộc sống hôm nay để thổi hồn vào những nét văn hóa nghệ thuật, võ thuật truyền thống, mang lại những sức sống mới, tránh sa vào lối mòn, từ đó khai thác được ích lợi của chúng cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Cũng cần có những chính sách phù hợp và được ban hành nhanh chóng để Bình Định trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều du khách, thật sự trở thành một địa phương mũi nhọn trong nền công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

TS. HÀ THANH VÂN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tóc có còn đau

Viết về người phụ nữ biết vượt qua số phận, Trương Công Tưởng đã chọn một tín hiệu nghệ thuật riêng biệt để thi triển tứ thơ. Chân dung “người chải tóc” cứ dần lộ diện theo chuyển động…

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…