(VNBĐ – Nghiên cứu phê bình). Thiên Nga Sô Zuôn thuộc số những cây bút trẻ xuất hiện trong giai đoạn 2011 – 2021 của văn chương Bình Định. Nữ tác giả người Banar này đã và đang định hình một vùng sáng tác riêng, rất cần được ghi nhận và khích lệ…
“Làm thân gái khổ lắm…”
Cả trong thơ và truyện, Thiên Nga Sô Zuôn cho thấy sự chuyên tâm vào đề tài cuộc sống người phụ nữ Banar thời hiện đại. Trong một lần trao đổi, tác giả cho biết: “Tôi muốn bạn đọc hiểu và đồng cảm với người phụ nữ Banar, rằng một số nơi vẫn còn hủ tục lạc hậu dìm chết ý nghĩ vươn lên trong cuộc sống của người phụ nữ. Mặt khác, tôi cũng muốn bạn đọc thấy được cộng đồng dân tộc nào cũng có cả mặt tích cực lẫn hạn chế, cần phát huy hoặc khắc phục để vươn tới tầm tiến bộ, nhân văn”.
Thiên Nga Sô Zuôn sinh sống tại vùng rừng núi Canh Liên xa xôi. Nữ tác giả này người Banar, hiện là cây bút người dân tộc thiểu số duy nhất ở Bình Định tham gia sáng tác văn chương. So với những cây bút khác, Thiên Nga Sô Zuôn không có nhiều thuận lợi cả về sáng tác lẫn xuất bản. Tác phẩm của chị hầu như chỉ xuất hiện trên các ấn phẩm của Hội VHNT Bình Định. Trong điều kiện có nhiều hạn chế như vậy, nữ tác giả này vẫn kiên trì sáng tác và chủ động tìm lối đi riêng. Cụ thể, Thiên Nga Sô Zuôn chọn viết về chính cuộc sống của mình và những người phụ nữ Banar gần gũi khác. Có thể nói, cách làm này đã giúp tác giả thuận lợi hơn trong quá trình xây dựng nhân vật, triển khai chủ đề tư tưởng tác phẩm, nhất là giọng kể chuyện lúc nào cũng thấm đẫm cảm xúc của người trong cuộc. Sức hấp dẫn của ngòi bút Thiên Nga Sô Zuôn xuất phát từ đó!
Trong truyện ngắn Chiếc lá lời nguyền, người đọc không khỏi ám ảnh với câu nói của nhân vật nữ H-lay: “Làm thân gái khổ lắm…?”. Theo nội dung truyện, H-lay trước khi tìm đến cái chết đã “nguyền rủa gia đình người yêu rất nhiều”, nhất là “người đàn ông tên Khoang không hề bỏ vợ, cũng không thèm thứ làm bé như cô”. Câu nói của H-lay được Thiên Nga Sô Zuôn tái hiện tới ba lần, vào đầu, giữa và cuối tác phẩm, khiến cho âm hưởng “than thân, trách phận” trở nên trùng điệp, lay động tâm can người đọc dù ở độ tuổi nào. Nhìn rộng ra, những số phận tương tự H-lay được Thiên Nga Sô Zuôn khắc họa khá nhiều, làm thành một hệ thống hình tượng có khả năng biểu đạt sinh động nội dung cảm hứng về phận nữ Banar thời hiện đại.
Khi miêu tả số phận người phụ nữ Banar, Thiên Nga Sô Zuôn chú ý nhiều tới các trạng thái bất hạnh của họ trong đời sống tình yêu và hôn nhân gia đình. Bằng cái nhìn giàu tính khám phá, Thiên Nga Sô Zuôn đã kể cho bạn đọc về những cuộc đời thật đáng thương. Đó là Mơ Nát vì tin chồng và em gái Mơ Tánh mà bị ruồng bỏ, cô lập, chỉ còn biết khẳng định sự tồn tại của bản thân bằng “tiếng khóc của một thiếu phụ nhớ con, tiếc chồng” (Chuyện mùa ươi). Đó là Nàng, đau đớn khi phát hiện ra chồng chính là kẻ trai lạ đã cưỡng hiếp mình mấy năm trước, có con và bị làng phạt vạ (Tội lỗi)… Các nhân vật nữ trong sáng tác của Thiên Nga Sô Zuôn có đặc điểm chung là bị lừa tình hoặc cưỡng hiếp nên không thể đạt được cuộc sống hôn nhân bình thường như bao nhiêu người khác. Họ phải đi làm thứ, làm lẽ kẻ khác, bị khinh miệt, lợi dụng một cách tàn nhẫn. Nhân vật Mơ Tánh bị “nỗi oan như tấm lưới vây bủa khắp người”, chấp nhận làm lẽ một người đàn ông góa vợ keo bẩn và độc ác. Biết Mơ Tánh bị oan nhưng gã đàn ông không hề cảm thông, trái lại, lừa bắt vợ uống thứ thuốc chế từ rễ xoan để tiệt đường sinh nở (Chuyện mùa ươi). Tương tự, “Nàng khi sống với người đàn ông nghiện rượu” phải thường xuyên chịu “những cú đấm, những cái tát” vô lối, rồi phải đi kiếm tiền về “hầu hạ cơm nước” người chồng hư hỏng (Tội lỗi)…
Nỗi bất hạnh của người phụ nữ Banar không chỉ được nhìn nhận trên tư cách người vợ mà còn ở cả vai trò người mẹ. Điều này được thể hiện rõ trong hai truyện ngắn Người mẹ kế ma lai và Nợ. Trong truyện Người mẹ kế ma lai, bà Xăm chịu biết bao khổ cực để nuôi cô con gái H-la của chồng với người vợ trước. Bà khổ tâm vì H-la luôn gọi mình là “bà đui”, rêu rao với bọn trẻ rằng bà “là Ma Lai” để chúng sợ hãi xa lánh, thậm chí dùng ná cao su bắn đá vào người bà… Nỗi khổ của nhân vật bà chủ trong truyện ngắn Nợ lại đến từ “con gái cưng trái nết”, nghe lời lừa phỉnh của kẻ xấu, buộc bà phải bán hết tài sản, vi phạm pháp luật về sử dụng đất đai…
Thông điệp của Thiên Nga Sô Zuôn
Khi viết về người phụ nữ Banar, Thiên Nga Sô Zuôn đều tìm cách lí giải cội nguồn của những bất hạnh. Trong các lí giải đó, nữ tác giả này đã khéo léo lồng ghép, gửi gắm một số thông điệp về vấn đề xây dựng cuộc sống của cộng đồng người Banar thời kì hiện đại.
Theo nhìn nhận của Thiên Nga Sô Zuôn, bất hạnh của người phụ nữ Banar có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về chủ quan, đó là “sự dại khờ” của “tuổi mới lớn” nên dễ dàng bị những kẻ “đói dục tình” dùng lời đường mật phỉnh nịnh (Chiếc lá lời nguyền). Khi lâm vào tình cảnh oan trái, họ không có được sự chủ động cần thiết để gỡ bỏ “tấm lưới bủa vây khắp người” (Chuyện mùa ươi). Kết cục, những H-lay, Mơ Tánh, Nàng… càng lúc càng chìm sâu vào bi kịch, chấp nhận bị dư luận đay nghiến, nguyền rủa, hoặc tự giải thoát bằng cái chết tức tưởi. Rõ ràng, bất bình đẳng giới là một thực tế đã và đang hiện hữu trong đời sống Banar, rất cần được quan tâm giải quyết với sự chú trọng đặc biệt về giáo dục giới tính dành cho những người phụ nữ. Họ cần được trang bị cả về nhận thức lẫn kỹ năng ứng xử về giới tính, cách tự vệ bản thân dựa trên sự dẫn dắt của lí tính và pháp luật.
Tục làng phạt vạ được Thiên Nga Sô Zuôn đề cập tới trong khá nhiều tác phẩm. Ở truyện Chiếc lá lời nguyền, H-lay bị làng quy tội cướp chồng người khác nên “phạt một con bò cho cả làng ăn. Còn phải đền cong bạc, nồi đồng cổ cho vợ Khoang xoa dịu cơn ghen tức”. Trong Mùa chai chò, Thiên Nga Sô Zuôn thừa nhận tác dụng của hình thức phạt vạ đối với những kẻ “sai chân, trái tay” nhưng đồng thời chỉ ra hậu quả khôn lường nếu áp dụng với những người tốt như Chi Rang, Mơ Tánh. Chỉ vì sự cố chấp, cái suy đoán vô lối mà hạnh phúc gia đình Chi Rang – Mơ Nát bị tan nát, Mơ Tánh phải sống đời làm lẽ đầy tủi nhục. Ở một khía cạnh khác, tục phạt vạ này tuy tác động gián tiếp nhưng cũng đủ đẩy người phụ nữ lâm vào đường dài đau khổ. Điển hình cho trường hợp này là nhân vật Nàng, “vì muốn che đi tiếng xấu. Nàng giấu chuyện không khai báo với công an. Chẳng ngờ sau đó có thai, chịu bao nhiêu tiếng đời mai mỉa. Nàng phải đi lấy chồng say, phải đi xa xứ” (Tội lỗi)… Có thể nói, với lịch sử tồn tại hàng ngàn năm nay, tục làng phạt vạ đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng, chi phối sâu sắc tới thái độ ứng xử của mọi thành viên làng xã, diễn ra ở cả chiều tích cực lẫn tiêu cực. Trong bối cảnh văn hóa hiện đại, khi luật pháp đã hiện hữu thì cách phạt vạ như trên chứa đựng nhiều bất cập, cần phải loại bỏ. Theo chúng tôi, Thiên Nga Sô Zuôn day dứt nhiều khi nhìn nhận mối quan hệ giữa phận nữ Banar với tục làng phạt vạ này. Nữ tác giả mong muốn về một hình thức xử phạt khác văn minh hơn để mỗi người, nhất là phụ nữ được bình đẳng bảo vệ phẩm giá của mình.
Trong sáng tác của mình, Thiên Nga Sô Zuôn luôn thể hiện một niềm tin mãnh liệt vào sự tốt đẹp ở con người. Vì thế, các truyện đều được kết thúc theo tinh thần có hậu với sự lên ngôi của thiên lương, thiên tính. Lấy ví dụ truyện Người mẹ kế ma lai, nhân vật nữ H-la cuối cùng đã biết hối hận, biết cất lên “tiếng gọi mẹ muộn màng” khi đứng trước ngôi mộ bà Xăm còn tươi màu đất. Cái chết của bà Xăm quả có giá trị thức tỉnh, giúp H-la hối hận về những định kiến xưa nay của bản thân: “Ông trời ơi! Tôi là một kẻ ngu muội đáng xấu hổ. Tôi luôn luôn nghĩ bà ấy là Ma Lai hay ăn thịt người. Vậy là vì cứu con tôi, bà ấy đã chết…”. Ở truyện Mùa chai chò, nhân vật bà Láng Giềng cũng là một hình ảnh có giá trị khắc họa quan điểm nhân văn của Thiên Nga Sô Zuôn. Đặc điểm của nhân vật này là hay đặt điều nói xấu Chị Lớn, đến nỗi “già làng phải đến nhà Chị Lớn bảo ban”. Cuối cùng, bà Láng Giềng đã hối hận, thừa nhận điều tốt ở Chị Lớn đã cảm hóa mình: “Tao nhiều lần nói xấu, bỏ mày lại trong rừng, vậy mà mày vẫn lể gió cứu con tao. Còn nấu cháo ủ ấm cho nó. Tao thật xấu hổ, già rồi mà ăn ở không bằng mày mới lớn lên. Hãy bỏ qua cho tao!”… Bằng việc “xấu hổ”, các nhân vật kể trên đã thức tỉnh lương tri, thành thực mong muốn làm một người tốt trong gia đình và xã hội. Nói cách khác, cái phẩm hạnh tốt đẹp ở những nhân vật như bà Xăm, Chị Lớn luôn có sức mạnh cảm hóa, làm thay đổi con người theo chiều hướng tích cực. Với lối kết hậu này, truyện ngắn Thiên Nga Sô Zuôn dù viết về những chuyện buồn đau của con người nhưng không hề gợi lên niềm bi quan về cuộc sống. Trái lại, người đọc luôn có được cảm xúc thú vị khi bắt gặp hình ảnh “cây lá vui đùa, xô đẩy nhau lắc lư trong gió” (Mùa chai chò), hay niềm vui của thằng Vàng khi lần đầu tiên được cô chủ yêu thương (Nợ)… Như vậy, lòng yêu thương là nguồn dưỡng chất của tâm hồn, là chất keo liên kết mọi người lại với nhau để cùng xây dựng cuộc sống văn minh và hòa ái.
***
Thiên Nga Sô Zuôn là một phát hiện quan trọng của Văn nghệ Bình Định. Trong những năm qua, Thiên Nga Sô Zuôn đã không ngừng nỗ lực nhằm tìm kiếm thành công qua từng sáng tác. Có thể nói, trong bức tranh chung của văn chương Bình Định giai đoạn 2011 – 2022, nữ tác giả Banar này là “một đóa hoa lạ với sắc thái riêng, độc đáo”(1). Hành trình sáng tạo của Thiên Nga Sô Zuôn còn dài với rất nhiều thử thách về vốn sống, kỹ thuật truyện ngắn và các vấn đề khác liên quan. Theo đó, Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định, trực tiếp là Chi hội Văn học và Tạp chí Văn nghệ cần có kế hoạch hỗ trợ tiếp tục cho nữ tác giả này để nâng tầm chất lượng sáng tác. Có như thế, Thiên Nga Sô Zuôn mới gắn bó lâu dài với văn chương Bình Định, đồng thời mở rộng được tầm ảnh hưởng đối với bạn đọc gần xa…
LÊ NHẬT KÝ
(Văn nghệ Bình Định số 110+111 tháng 6+7.2022)
(1) Lê Hoài Lương, “Có một thế hệ mới của văn chương Bình Định”, Văn trẻ Bình Định 2012 – 2018, Nxb Văn hóa – Văn nghệ TP. HCM, 2018, tr.5.