Phẩm tính dân tộc và tinh thần khai phóng của Đề cương văn hóa Việt Nam – nhìn từ xu hướng hội nhập trong thời kỳ toàn cầu hóa

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). 

Dẫn nhập
Không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói đến vai trò văn hóa đối với sự tồn sinh của đất nước đã xác quyết: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”(1). Bởi, một vấn đề có tính tất yếu, không ai có thể phủ nhận đó là: căn tính để xác quyết sự tồn sinh của một dân tộc là văn hóa. Bảo tồn và phát triển “giòng sinh mệnh văn hóa” dân tộc, vì thế là một trong những căn tố để bảo vệ sự tồn vong của đất nước. Song, để có cái nhìn thấu triệt và biện chứng về vấn đề này không phải là điều đơn giản. Thế nên, trong Đề cương văn hóa ở phần đặt vấn đề, Trường Chinh đã khẳng định: “a) Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa; b) Không phải làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa; c) Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”(2). Tư tưởng chủ đạo này đã trở thành định hướng chi phối cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa của Đảng trong suốt tám mươi năm qua ở các bình diện như: Định hướng sự phát triển và xây dựng nền văn hóa cách mạng; Định hướng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ và vai trò lãnh đạo của Đảng trên mặt trận văn hóa, văn nghệ. Vì vậy, Đề cương văn hóa năm 1943 được xem là “Tuyên ngôn văn hóa” của Đảng Cộng sản Việt Nam, là kim chỉ nam cho đường lối văn hóa văn nghệ, cho đến nay những nguyên lý trong đề cương vẫn còn nguyên giá trị. Vì thế, khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, Phạm Văn Đồng trong Văn hóa và đổi mới, đặt ra một vấn đề hết sức cấp thiết về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới, theo ông: “Văn hóa và đổi mới là một đề tài có tính thời sự nóng hổi. (…) nó mở ra những chân trời mới cho sự suy nghĩ và nghiên cứu, và từ đó cho sự vận dụng và thực hiện trong cuộc sống. Với tầm nhìn bao quát, phải thấy văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa, như vậy hai là một và một thành hai”(3). Điều đó chứng tỏ trong nhận thức của Phạm Văn Đồng, Văn hóa và đổi mới là một quá trình vận động và phát triển mang tính cách mạng và biện chứng chi phối toàn bộ đời sống xã hội, cần phải “nhận thức và vận dụng một cách thích hợp và có hiệu quả các qui luật của xã hội, con người cũng như của thế giới tự nhiên”(4). Đây cũng là sự tiếp nối những nguyên lý đã được đề ra ở Đề cương văn hóa của Trường Chinh được Phạm Văn Đồng vận dụng một cách sáng tạo trong Văn hóa và đổi mới, góp phần thức nhận trong nhân dân về phẩm tính dân tộc và tinh thần khai phóng của Đề cương văn hóa mà Trường Chinh đã xác lập. Bởi, trong suy niệm của Trường Chinh trong bài viết “Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam”: “Một nước mà nền kinh tế đã phụ thuộc vào người và mất hết chủ quyền chính trị thì khỏi sao văn hóa nhiễm tính chất nô dịch và phụ thuộc”(5).

Nội dung
Trong thời kỳ hội nhập và phát triển của xu hướng toàn cầu hóa, một trong những vấn đề đặt ra của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đó là, làm thế nào xây dựng ý thức về dân tộc mà yêu cầu chính yếu là gìn giữ cho được “giòng sinh mệnh văn hóa”, thể hiện qua việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các truyền thống phong hóa tốt đẹp của dân tộc đã tích tụ hàng ngàn năm làm nên nhân cách văn hóa của con người Việt Nam, nhất là việc chăm bồi những giá trị truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Để làm được điều này, một vấn đề không thể không quan tâm đó là việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên cả hai bình diện văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Bởi, chỉ có trên cái nền văn hóa truyền thống chúng ta mới xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh. Đây cũng là những bình diện biểu hiện nguyên tắc “dân tộc hóa” với những yêu cầu cơ bản là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập” mà Trường Chinh đã nêu trong Đề cương văn hóa. Bởi, truyền thống dân tộc bao giờ cũng là chỗ dựa vững chắc, là bệ phóng để hướng đến tương lai, hướng đến những giá trị hiện đại đã được Trường Chinh luận giải khá tường minh trong tiểu luận nổi tiếng: “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, tháng 7.1948, khi ông cho rằng: “Văn hóa dân chủ mới Việt Nam tiêu biểu cho tinh hoa của dân tộc. Song đồng thời nó sẵn sàng tiếp thụ những cái hay, cái đẹp, cái tiến bộ của văn hóa nước ngoài. Nó không bài ngoại và vị chủng. Nó phản đối những cái lai căng, mất gốc, phản đối ăn sống nuốt tươi văn hóa của người, học người như vẹt hoặc lắp văn hóa của người vào hoàn cảnh nước mình như máy, không đếm xỉa đến đặc điểm và điều kiện đặc biệt của nước mình và dân tộc mình”(6). Thế nên, phẩm tính dân tộc của Đề cương văn hóa Việt Nam đã được Trường Chinh đề ra như một nguyên tắc bất biến trong nền văn hóa cách mạng chi phối đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng trong hành trình 80 năm qua mà các nghị quyết của Đảng về văn hóa được thể hiện ở Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã xác định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội; là Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”; hay Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Không những thế, trong các nghị quyết quan trọng mang tính đột phá của Đảng trong đường lối văn hóa văn nghệ đều xem phẩm tính dân tộc như một căn tố của thời kỳ phát triển và hội nhập. Bởi, theo Phạm Văn Đồng “nhìn tổng quát di sản văn hóa mà ông cha ta để lại cho ngày nay, thì thấy con người Việt Nam ta từ xa xưa là con người đẹp, có cuộc sống đẹp và tâm hồn đẹp”(7). Những cái đẹp ấy được biểu hiện trong văn học nghệ thuật, phong tục tập quán và kết tinh thành một hệ giá trị làm nên một thành trì vững chắc để bảo tồn nền văn hóa dân tộc. Nói những điều này để thấy rằng vấn đề tinh thần dân tộc có ý nghĩa đối với sự tồn sinh của đất nước như thế nào, nhất là trong thời kỳ hội nhập của xu hướng toàn cầu hóa. Bởi, theo Phạm Việt Tuyền, khi luận về vai trò của trí thức Việt Nam đối với việc giữ gìn tính dân tộc trong nền văn hóa đã viết: “Trí thức Việt Nam cần phải ý thức nhu cầu duy trì phong tục thuần túy và phát triển văn hóa dân tộc (…). Muốn được như vậy cần phải học hỏi các phong tục thuần túy Việt Nam, cần phải xét lại các truyền thống dân tộc, để hãnh diện về những điểm có thể coi là dân tộc tính, là quốc hồn quốc túy…”(8). Có thể nói, cánh cửa của thời toàn cầu hóa đang mở cho đất nước nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng là những thử thách trong việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc. Và để thức nhận ý thức về phẩm tính dân tộc, cho dẫu không được tiếp nhận ánh sáng Đề cương văn hóa nhưng cách đây hơn nửa thế kỷ, trong bối cảnh xã hội miền Nam có nguy cơ mất dần những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trước họa xâm lăng của văn hóa Tây phương và văn hóa Mỹ, trên tập san Sử địa số 05/1967, do nhóm Giáo sư, Sinh viên, Đại học Sư phạm Sài Gòn chủ trương, trong lá thư tòa soạn, người viết đã chia sẻ: “trước thực trạng phá sản văn hóa và đời sống tinh thần của xứ sở, chúng ta phải cố bảo tồn lấy những gì có tánh cách Việt Nam, đến văn hóa dân tộc. Nhưng nếu có hỏi những gì có tính cách Việt Nam và văn hóa dân tộc là gì thì ít người không khỏi lúng túng”(9). Những điều băn khoăn này, có thể tìm thấy câu trả lời từ Đề cương văn hóa Việt Nam và những tiểu luận sau nầy của Trường Chinh về văn hóa văn nghệ.

Cùng với phẩm tính dân tộc, một phương diện khác của Đề cương văn hóa mà Trường Chinh đặt ra đó là tinh thần khai phóng được thể hiện trong nguyên lý “khoa học hóa” và “đại chúng hóa” mà trong tiểu luận “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam ở phần xác định “tính chất và nhiệm vụ văn hóa dân chủ mới Việt Nam ông xem như một nguyên lý cốt tử trong việc xây dựng nền văn hóa dân tộc bên cạnh nguyên tắc “dân tộc hóa”. Có thể nói tinh thần khai phóng của Đề cương văn hóa đã được Trường Chinh định hướng khi ông tường giải về nguyên tắc “Khoa học hóa”, nghĩa là “chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”(10). Và để làm rõ hơn tinh thần khai phóng trong nguyên tắc “khoa học hóa” của Đề cương văn hóa, Trường Chinh đã chỉ ra, đó là cần “Chống tính chất lạc hậu, hủ bại, phong kiến còn lại rất nhiều trong văn hóa Việt Nam cũ. Văn hóa dân chủ mới Việt Nam phải có tính chất khoa học. Nó tôn trọng tự do tín ngưỡng nhưng phản đối mê tín dị đoan; chống tư tưởng duy tâm thần bí, chống tất cả những lề thói lôi thôi, luộm thuộm không hợp lý hoặc phản tiến bộ (…) đem khoa học thường thức và những hiểu biết về vệ sinh phòng bệnh phổ biến trong nhân dân”(11).

Thế nên, bên cạnh nguyên tắc “Dân tộc hóa” và “Khoa học hóa”, tinh thần khai phóng của Đề cương văn hóa còn thể hiện ở nguyên tắc “Đại chúng hóa” mà định hướng cơ bản của nguyên tắc này là “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng”(12). Không những thế tinh thần khai phóng còn được Trường Chinh cụ thể hóa trong Đề cương văn hóa ở việc “Tranh đấu về tiếng nói chữ viết với các yêu cầu: 1/ Thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói; 2/ Ấn định mẹo văn ta; 3/Cải cách chữ quốc ngữ, v.v…” và nêu ra cách vận động qua các phương diện “a/ Lợi dụng tất cả khả năng công khai và bán công khai để: 1/ Tuyên truyền và xuất bản (…) 4- chống nạn mù chữ…”. Trong hoàn cảnh, đất nước, trước cách mạng tháng Tám với hơn 90% dân số là người mù chữ, thì việc yêu cầu “chống nạn mù chữ” hay “Tranh đấu về tiếng nói chữ viết” là những điểm sáng của sự khai minh, một yếu tố quan thiết của tinh thần khai khai phóng mà Đề cương văn hóa đã đề ra.

Thật vậy, nền văn hóa mang tinh thần khai phóng là một nền văn hóa đề cao tinh thần khoa học, nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng theo hướng đại chúng hóa, phát huy tinh thần dân chủ và tiếp thu tinh hoa từ các nền văn hóa trên thế giới. Đây không chỉ đơn thuần là yêu cầu mà còn là sứ mệnh thiêng liêng của nền văn hóa nước nhà trong thời kỳ hiện đại. Bởi, như Trường Chinh đã chỉ ra trong “Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam”: “Văn hóa dân chủ mới Việt Nam phải là văn hóa đại chúng. Nó phục vụ nhân dân phục vụ rất đông người. Nó chống lại quan điểm cho rằng văn hóa là siêu phàm, càng cao quý, càng khó càng hay. Nó chủ trương văn hóa phải đi sát quần chúng để dìu dắt và giáo dục quần chúng, nâng cao trình độ quần chúng, phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trong quần chúng”(13). Và đây, chẳng phải là tinh thần khai phóng của một nền văn hóa đó sao? Và trong một “thế giới phẳng” như hiện nay, vấn đề xây dựng một nền văn hóa mang phẩm tính dân tộc và tinh thần khai phóng là điều không thể không nghĩ đến. Bởi, chính những biến đổi của thế giới đang đặt ra cho văn hóa nước nhà những thách thức và vận hội mới. Vấn đề là chúng ta chuẩn bị đón nhận những thách thức và vận hội ấy như thế nào? Đây là một câu hỏi không hề đơn giản mà những định hướng trong Đề cương văn hóa Việt Nam là chỗ dựa để xây dựng nền văn hóa nước nhà trong thời kỳ hội nhập và phát triển của xu hướng toàn cầu hóa. Bởi vì “văn hóa là sự thể hiện một cách rõ rệt bản chất sâu xa của con người và cộng đồng con người. Nó là cội nguồn của sức mạnh và tài năng làm nên chiến thắng”(14). Và phẩm tính dân tộc và tinh thần khai phóng của Đề cương văn hóa, thể hiện qua ba nguyên tắc “Dân tộc hóa”; “Khoa học hóa” và “Đại chúng hóa” thêm một lần được Trường Chinh luận giải trong bài viết: “Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này” khi ông cho rằng: “Ba nguyên tắc trên đây là ba cái khâu của sợi dây chuyền. Nó có tính cách liên hoàn. Không thể hoàn thành nhiệm vụ vận động văn hóa mới Việt Nam nếu ta bỏ sót một nguyên tắc nào trong ba nguyên tắc ấy. Cũng không thể chỉ theo một nguyên tắc nọ mà đồng thời chống lại những nguyên tắc kia. Không nhận rõ điều đó thì nhất định không làm tròn được nhiệm vụ xây dựng văn hóa mới cho dân tộc”(15). Đây là chiếc chìa khóa để giải mã phẩm tính dân tộc và tinh thần khai phóng trong Đề cương văn hóa.

Thay lời kết
Trong diễn văn nhân kỷ niệm lần thứ 40 ngày ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam, (27.12.1983), Trường Chinh đã minh giải: “Đề cương về văn hóa Việt Nam không dài, có nhiều hạn chế, vì trong hoàn cảnh bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu sắc vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam. Ví dụ: cách mạng tư tưởng đề ra còn sơ sài, vấn đề con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa được đề cập tới. Nhưng đề cương văn hóa đã thu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, trong điều kiện lúc đó của cách mạng Việt Nam”(16). Nhìn lại giá trị của Đề cương Văn hóa trước yêu cầu của thực tiễn cách mạng và đất nước, với quan điểm lịch sử cụ thể của phép biện chứng, Trường Chinh cũng tự mình nhận ra những hạn chế mang tính tất yếu của Đề cương văn hóa. Và trong quan điểm cách mạng của mình, ông hoàn toàn chống lại tư tưởng giáo điều, rập khuôn, máy móc, và đề cao tinh thần “hiểu biết, khám phá và sáng tạo” và, nói một cách khái quát đó là tinh thần khai phóng trên cơ sở giữ gìn dân tộc tính mà đề cương gọi là “dân tộc hóa”. Có thể nói, đây cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản có tính cách mạng mà Trường Chinh muốn thức nhận chúng ta khi luận bàn về phẩm tính dân tộc và tinh thần khai phóng của Đề cương văn hóa Việt Nam.
Và để khép lại bài viết, tôi xin mượn lời của Phạm Văn Đồng khi ông cho rằng: “Tôi vừa kết thúc cuốn sách “văn hóa và đổi mới”, song kết thúc một cuốn sách có khi đồng thời mở ra những suy nghĩ mới, những luận điểm mới, có khi cả một vùng trời mới”(17). Và, có thể nói Đề cương về văn hóa Việt Nam của Trường Chinh không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn trong việc thức nhận cho chúng ta “những suy nghĩ mới, những luận điểm mới, một vùng trời mới” về phẩm tính dân tộc và tinh thần khai phóng của Đề cương văn hóa. Và đây là một hệ giá trị cần trân quí, giữ gìn, cần khám phá và sáng tạo để góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam trong xu thế hội nhập và phát triển của thời kỳ toàn cầu hóa.

PGS. TS. TRẦN HOÀI ANH

* CHÚ THÍCH:
(1) Hồ Chí Minh (1997), Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản, Hà Nội, tr.320.
(5) (6) (7) (10) (11) (12) (13) (14) (15) (16) Nhiều tác giả (2004), Đề cương về văn hóa Việt Nam chặng đường 60 năm, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 15, tr.23, tr.33, tr.73, tr. 19, tr.34, tr. 19, tr. 35, tr.41, tr.26, 27, tr.54.
(4) (17) Phạm Văn Đồng (1994), Văn hóa và đổi mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.5, tr.5, tr.127.
(8) Phạm Việt Tuyền (1974), Cửa vào phong tục Việt Nam, Tác giả tự xuất bản, Sài Gòn, tr. 240
(9) Tập san Sử địa, tam cá nguyệt san – số – 5, tháng 1,2,3.1967, tr.2.

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…