(VNBĐ – Thơ).
Phía Đông làng là dáng tháp soi bóng xuống dòng sông
vỡ rạc hình hài đất nước tôi
phôi thai từ sự tích mẹ trăm con
trống đồng ngọc lũ hồn phách sương phủ đã nghìn năm vẫn còn in dấu tích bầy chim hồng chim lạc,
gợi nhớ những cô gái hái chè gieo ánh mắt Huyền Trân
giọt mưa thiền sông núi soi bóng Châu Ô, Châu Lý
của cuộc liên hôn giữa Đại Việt và Chiêm Thành…
Phía Đông làng là ca dao tục ngữ là sách vở học trò gối đầu ngủ dưới bóng mát tre trảy
chị tôi bới tóc lên cao để lộ vùng da trắng như hoa ngọc anh,
mà mỗi mùa đông trai làng đến ngõ dạm hỏi,
ngoại tôi còn kể chuyện Lưu Bình, Dương Lễ
khi còn những con đường đất đi xuyên qua cánh đồng mùa giáp hạt
ngọn đèn dầu soi đêm bão
mẹ tôi lại nằm nhẩm ngày tính tháng trong nỗi lo gạo lưng nồi cơm không đủ bữa
cho đàn con đang tuổi ăn tuổi học…
Phía Đông làng mỗi sáng mặt trời là biểu tượng của sự tồn sinh
của gié lúa Hùng Vương trao tay nòi giống thứ lương thảo vùi bùn hấp thụ nắng mưa cho đến ngày thu hoạch
nơi con chim nối liền những khoảng trời trên cao nguyên đá
nghe gió mang về lời ru của biển
vẫn âm vang tiếng trống tập trận cờ lau,
tiếng sáo mục đồng thổi vọng đầm lầy
đàn cò trắng kéo nhau bay qua những ngọn đồi trầm tích
từ phía Đông làng tôi…
TRẦN QUỐC TOÀN
(Văn nghệ Bình Định số 95 tháng 3.2021)