Nói với con hay tự nói với mình

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Nhà thơ Y Phương là người dân tộc Tày ở Cao Bằng. Ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT và là tác giả bài thơ Nói với con khá nổi tiếng được chọn vào sách giáo khoa. Thơ Y Phương giàu bản sắc dân tộc có cách nói riêng độc đáo mang đậm dấu ấn cá nhân và cả dấu ấn dân tộc Tày. Từ hình thể địa lý đến phương điệu diễn đạt, dân dã mà sâu sắc, bình dị mà ngẫm ngợi đưa đến một thông điệp rất nhân văn cao cả, đó là: Phẩm chất đức hạnh của con người vượt lên mọi vất vả đời thường, vượt lên những bon chen thường nhật và đặc biệt rất giàu tính dự cảm, linh cảm nhiều nội lực nghĩ suy trăn trở.

Bài thơ Sớm mai con vào lớp ba ông viết cho con gái đang ở lứa tuổi bậc tiểu học chưa có nhiều  trải nghiệm sống mà còn trong trẻo thuần khiết. Ở đây một lớp học rất cụ thể cả về vị trí địa lý đặc trưng của miền núi: Lớp ba đằng sau nhà ta/ Leo hết dốc là con đến lớp. Dốc núi, dốc đồi là dốc cụ thể nhưng cũng có thể là những con dốc đầu tiên trong chặng đường đời mà con phải vượt. Vì thế mà nhà thơ nhiều trăn trở: Đêm nay cha chong đèn ngồi thức/ Làm cách nào để dốc thấp hơn. Dốc núi là hiển nhiên thực tế ngoài đời nhưng cái dốc con người vượt lên chính mình, vượt lên gian khó mới là cái dốc khó vượt nhất. Với thể thơ tự do giàu tính tự sự, nhà thơ bằng sự từng trải của mình tâm tình với con gái những kinh nghiệm sống, bằng tấm lòng nhân hậu, bằng trách nhiệm của người bố.

Ông mong mỏi: Không rắn rết không gai góc bất chợt dọc đường. Nhưng cao hơn vẫn là nỗi lo: Nhưng có điều làm cha lo hơn tất cả/ Người bây giờ… Câu thơ Người bây giờ… như là một lưỡng lự băn khoăn như một tự vấn, như một linh cảm. Chính sự bỏ ngỏ này đã gợi mở tạo ra một hiệu ứng dù có chút mơ hồ nhưng đánh động lay thức và ông đã thực khuyên con thật giản dị chân chất với lòng vị tha: Đừng cãi nhau đừng đánh nhau nghe con đối với bạn bè đồng lứa và: Cô lỡ quát, về với cha hãy khóc với cô giáo. Ôi tấm lòng người cha thật bao dung nhân hậu, cha chính là điểm tựa cho con chia sẻ với con. Cứ thế cấp độ “làm người” cứ nâng dần lên với một đàng hoàng, một rắn rỏi, một niềm tin, một khẳng định: Con có đói, áo con có rách/ Đừng xấu hổ con ơi cứ đi mà học. Học cái chữ thật gian khó biết bao. Cái chữ không chỉ là tri thức hiểu biết mà cái chữ còn tôn vinh định vị tư thế làm người. Bởi như nhà thơ đã đúc kết: Chữ của người đời không phân biệt giàu nghèo/ Không phân biệt sang hèn nhưng cha hiểu/ Con nhà giàu chẳng dễ gì theo. 

Bài thơ viết tuần tự tuyến tính nói với con những điều dễ hiểu, nói với con những điều mà nhà thơ đã từng trải nghiệm với những chiêm nghiệm của mình. Thật cảm động khi ông đã không ngần ngại nói với con về hoàn cảnh sống thực tế của gia đình thật cụ thể nhưng cũng có tính khái quát cụ thể: Cha chỉ là nhà văn, mẹ con là nhà giáo/ Quanh năm suốt tuần chờ lương mua gạo/ Đong đếm từng ngày. Đó là những cái thiếu trong đời sống vất vả nhưng lại vun đắp cho con sự đủ đầy của Nhân nghĩa đủ cho con. Chính cái sự tương phản này như một cán cân đã giữ lại thăng bằng qua bao chênh vênh đèo dốc đồi núi và chính cái dốc sau nhà trên đường tới lớp cũng là một quả cân đối trọng với tấm lòng nhân hậu, nhân nghĩa yêu thương. Câu thơ cuối khép lại: Leo hết dốc là con đến lớp… để mở ra một chặng đường mới trước mặt. Và Nói với con vào lớp ba hay nhà thơ đang tự nói với mình.

Sớm mai con vào lớp ba    

Y PHƯƠNG

Lớp ba đằng sau nhà ta
Leo hết dốc là con đến lớp
Đêm nay cha chong đèn ngồi thức
Làm cách nào để dốc thấp hơn
Không rắn rết không gai góc bất chợt dọc đường
Nhưng có điều làm cha lo hơn tất cả
Người bây giờ…
Đừng cãi nhau đừng đánh nhau nghe con
Cô lỡ quát, về với cha hãy khóc
Con có đói, áo con có rách
Đừng xấu hổ con ơi cứ đi mà học
Chữ của người đời không phân biệt giàu nghèo
Không phân biệt sang hèn nhưng cha hiểu
Con nhà giàu chẳng dễ gì theo
Cha chỉ là nhà văn, mẹ con là nhà giáo
Quanh năm suốt tuần chờ lương mua gạo
Đong đếm từng ngày
Nhân nghĩa đủ cho con
Sớm mai con vào lớp ba
Lớp ba đằng sau nhà ta
Leo hết dốc là con đến lớp…
NGUYỄN NGỌC PHÚ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Văn học và âm nhạc Nga trong tôi

Bây giờ, mỗi khi đọc lại thơ Puskin, thơ Lermantov, thơ Blok hay thơ Êxênhin, tôi vẫn cảm nhận được mùi hương đặc biệt của những cánh đồng Nga, vị ngọt của gió…

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…