NNƯT, võ sư Lê Xuân Cảnh và dòng phái Bình Thái Đạo

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). NNƯT, võ sư Lê Xuân Cảnh sinh năm 1938, tại khu vực Cẩm Văn, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn. Ông học võ từ năm 15 tuổi, với người thầy đầu tiên là cố lão sư Lý Tường, cha của võ sư Lý Xuân Hỷ, một trong những võ sư của dòng võ họ Lý lừng danh ở thị xã An Nhơn.

Sau hơn một năm thọ giáo nghiệp võ nhà họ Lý, Lê Xuân Cảnh quyết định lên đường học hỏi thêm, rong ruổi tầm sư học đạo. Lần này, ông tìm đến xin làm đệ tử thầy Phạm Thế Giáo ở Nhơn An thị xã An Nhơn, rồi thầy Bửu Thắng ở huyện Tuy Phước, người có những đường roi tuyệt kỹ, được truyền dạy từ võ sư Văn Bảo Hiến ở vạn Gò Bồi huyện Tuy Phước vốn là cao thủ Thiếu Lâm Tự từ Trung Quốc lưu lạc sang. Lê Xuân Cảnh đã thực sự đam mê những đường roi tuyệt chiêu của sư phụ, nên kiên trì ở lại học võ khá lâu, trở thành đệ tử thân tín nhất của thầy Bửu Thắng.

Võ sư Lê Xuân Cảnh tâm sự: “Điểm lợi hại nhất của những đòn roi xuất phát từ môn phái Thiếu Lâm là không có đòn đỡ mà chỉ có đòn tấn. Đối thủ tấn công mình ở vị trí nào thì mình phản đòn từ thế võ cổ truyền trả lại ngay chính vị trí đó. Chính vì vậy, mình luôn giữ thế chủ động khi chiến đấu và gây bất ngờ ở đòn “phản hồi mã thương” rất độc mà đối thủ không lường được”.

Sau thời gian dài rong ruổi học võ, Lê Xuân Cảnh trở về sinh sống tại quê nhà. Vốn tính tình hiền hòa, trầm lắng, không thích khoa trương, nên ông ít khi tham gia thi đấu võ đài hoặc thể hiện so tài võ nghệ với các võ sư, võ sĩ.

Thực ra, võ sư Lê Xuân Cảnh đã có vài lần so tài với một số võ sư nổi danh đương thời. Có lần ông dự tất niên ở nhà người bạn, gặp một vị khách vốn là một võ sư có hạng, cứ khoe trình độ võ nghệ của mình qua đàm đạo. Lê Xuân Cảnh lên tiếng góp ý nhưng vị khách lại thách đấu với mình, nên ông nhận lời thách đấu. Không muốn làm hỏng cuộc vui, Lê Xuân Cảnh hẹn mùng 4 Tết sẽ đến tận nhà hầu chuyện. Võ sư Lê Xuân Cảnh đã đến nhà ông đúng hẹn và sẵn sàng thi đấu. Vì đối phương lớn tuổi hơn, nên khi chọn binh khí, võ sư Lê Xuân Cảnh đã nhường cho ông ấy cây săn, còn mình sử dụng tre. Khi vừa vào trận, ông ấy đã dùng thế “Thừa châu bố địa” bổ mạnh cây xuống, rồi đâm vào yết hầu võ sư Xuân Cảnh rất hiểm độc. Võ sư đã dụng thế roi lang bắn ngựa xéo, đưa cây vô đâm lại ngay yết hầu đối phương, khiến ông ấy phải bái phục.

NNƯT, võ sư Lê Xuân Cảnh truyền dạy võ cho các môn sinh. Ảnh: Võ đường cung cấp

Sau năm 1975, võ sư Lê Xuân Cảnh quyết định mở võ đường mang tên mình tại quê nhà. Từ những gì đã hấp thụ được trong 15 năm lặn lội tầm sư học võ, Lê Xuân Cảnh chắt lọc những điểm tinh túy nhất của từng môn phái để hình thành “bí quyết” của mình để rồi truyền dạy cho các môn sinh. Về biểu diễn, võ đường Lê Xuân Cảnh đã rèn dạy những võ sinh có khả năng biểu diễn các bài võ binh khí như Song đao, Song phủ, Độc kiếm, Song kích… và đặc biệt là sở trường về roi với các bài roi Thái Sơn, Trực chỉ, Bát quái… Ngay trong lứa học trò đầu tiên như nữ võ sinh Bảo Thương, cô học trò cưng của võ đường, khi được cử đi tham gia Liên hoan Võ thuật Quốc tế tại Liên Xô (cũ), đã xuất sắc giành Huy chương Vàng với bài roi Bát quái. Kể từ khi Giải Võ cổ truyền toàn tỉnh ra đời, rồi Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tổ chức tại tỉnh Bình Định, kỳ nào võ đường Lê Xuân Cảnh cũng tích cực tham gia và đều có võ sinh đạt huy chương, nhất là ở nội dung biểu diễn.

Năm nay đã 78 tuổi, nhưng võ sư Lê Xuân Cảnh vẫn khỏe mạnh và dường như không hề mệt mỏi với đam mê võ học, luôn tất bật với công tác gầy dựng, lưu truyền võ cổ truyền Bình Định cho thế hệ trẻ. Và ông nhận lời đảm trách Câu lạc bộ Võ cổ truyền phường Nhơn Hưng hơn 15 năm qua, đưa Câu lạc bộ quê nhà trở thành địa chỉ tập luyện thường xuyên của hàng trăm võ sinh. Võ sư Lê Xuân Cảnh còn đứng ra đảm nhận dạy các lớp dưỡng sinh cho người cao tuổi trong thị xã. Không những thế, ông còn là người đưa ra hoạch định phục dựng và đào tạo đội võ sinh cùng hợp xướng thi đấu cờ tướng (cờ người) rất độc đáo ở Nhơn Hưng, rồi đào tạo các đội múa lân khá đặc sắc và quy mô lớn, chuyên phục vụ các dịp hội lễ ở thị xã.

Võ đường Lê Xuân Cảnh tổ chức giỗ Tổ vào ngày 5 tháng 7 âm lịch hằng năm với nghi thức truyền thống nhưng khá ấn tượng bởi hình ảnh biểu diễn võ trong múa lân, trong hội thi đấu cờ người. Đây là dịp họp mặt đồng môn qua các thế hệ, cùng nhau tưởng nhớ Tổ sư và các bậc sư huynh đã có nhiều công lao trong việc xây dựng võ cổ truyền Bình Định, đồng thời giáo dục võ sinh ra sức gìn giữ, bồi đắp truyền thống võ đạo tốt đẹp. Đặc biệt, những kỳ tổ chức Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam, lễ giỗ Tổ của võ đường được tổ chức trang trọng hơn hẳn, nhằm hưởng ứng sự kiện trọng đại của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này.

Các võ đường, võ phái giao lưu võ thuật tại Võ đường Lê Xuân Cảnh (Liên hoan QTVCT Việt Nam 2014). Ảnh: TL

Lại nói về võ đường Lê Xuân Cảnh thuộc dòng phái Bình Thái Đạo – một võ phái có nguồn gốc từ làng võ cổ truyền An Thái thuộc xã Nhơn Phúc thị xã An Nhơn. Võ sư Lê Xuân Cảnh tâm sự: “Thầy Lý Tường vốn là đệ tử của võ sư Diệp Trường Phát (Tàu Sáu), người sáng lập ra dòng phái Bình Thái Đạo, nên tôi cũng là đệ tử của Bình Thái Đạo. Võ đường của tôi luôn sẵn sàng tham gia đóng góp công sức mình vào việc lưu truyền, phát triển dòng phái Bình Thái Đạo nói riêng và nền võ học cổ truyền Bình Định nói chung”.

Với những cống hiến cho võ cổ truyền, võ sư Lê Xuân Cảnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” năm 2015. Đợt xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2021, ông cùng võ sư Phi Long Vịnh, võ sư Hồ Sừng được đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực trình diễn võ cổ truyền. Với vốn di sản quý mà ông đang nắm giữ, thực hành và truyền dạy, Võ đường Lê Xuân Cảnh đã trở thành điểm đến để giao lưu với các đoàn võ cổ truyền trong và ngoài nước; là một trong những điểm đến tiêu biểu của tỉnh Bình Định thường đón du khách đến tham quan, tìm hiểu và xem biểu diễn Võ cổ truyền.

PHƯƠNG NAM

(Văn nghệ Bình Định số 97 tháng 5.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Cá chép hóa rồng

Bức ảnh “Cá chép hóa rồng” này được nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Quang chụp vào cuối năm 2022 tại cửa biển An Dũ, nơi cuối nguồn sông Lại Giang hướng ra biển…

Mũi Vi Rồng, ngọc quý làng chài Tân Phụng

Mũi Vi Rồng hiện ra trước mắt chúng tôi, trông nó như một con rồng ngoan ngoãn đặt hai chân xuống mặt nước, phần đầu với từng bờm đá cao thấp vươn lên trên, chất đá vàng xen đỏ…

Dòng sông, làng quê và phố thị

Nói đến An Nhơn ai cũng nghĩ ngay đó là đất vua, đất lúa, đất nghề, đất võ, đất văn… nhưng nơi đây còn là mảnh đất của những dòng sông…