(VNBĐ – Văn trẻ). Dọc theo con phố nối dài những ánh đèn sáng trưng, cuộc chơi đêm vẫn náo nhiệt mà chưa có dấu hiệu thấm mệt. Anh dừng lại ở một hàng nước nhỏ nằm vừa in trong cái hốc vuông vức ở giữa hai tòa nhà cao tầng, giật mình vì sự sắp xếp tài tình ấy. Ấm trà vừa được mang ra nóng hôi hổi, anh khum khum lòng bàn tay để hơi ấm dần dần lan dịu ra khắp mười đầu ngón tay. Đã lâu rồi anh không còn tìm đến trà, mãi đến đêm nay đột nhiên cổ họng lại thèm một dòng thơm chảy ngang sau khi vừa mới ngập ngụa trong men chát. Anh có vẻ bất ngờ vì đã khuya thế này mà vẫn còn một hàng trà nước tù mù ở đây, lọt thỏm giữa những ánh đèn công nghiệp nhễu nhụa và ồn ào quán xá. Thật may, vì anh vẫn chưa muốn về nhà, sau một cuộc vui mà với anh là đã hết vui từ rất sớm. Anh ngồi trên ghế nhựa, những dư âm thùng thình từ buổi tiệc cuối năm với đám đông vừa rồi dường như vẫn còn đủ sức kéo anh chìm trong miên man suy nghĩ.
Trong đám đông đó, sau một hồi thao thao bất tuyệt về những mánh lới làm ăn, tất cả ngưng một tí để nâng cốc, rồi lại sa vào chuyện tiền đẻ tiền, chuyện đầu tư đầu tỏi. Một tay tự nhận là dân kinh tế phố, trong lúc cao hứng đã bốp chát mấy câu, nguyên văn hắn bảo: “Chán đầu tư phố, ta lại xuôi về làng, về quê. Trông thế mà bộn phết. Đất rộng người thưa, dân ít học lại ngu bỏ bố ra, tha hồ, nhẩy!”. Anh suýt không giữ nổi bình tĩnh lao đến vung đấm vào mặt thằng khỉ đó. Nhưng rốt cuộc anh vẫn ngồi yên ở đó, ngồi yên cho đến khi không chịu nổi những tràng tán thưởng rồi quay lưng bỏ về. Đây không phải là lần đầu tiên anh nghe được những lời đó từ đám phố thị huênh hoang, dưới là giầy da bóng loáng không thấy nổi bàn chân. Thế nhưng hết lần này đến lần khác, anh vẫn ở trong số đó, nghiễm nhiên trở thành một phần của những trò cười kệch cỡm không ngừng tuôn ra trên những bàn tiệc. Thế nhưng đêm nay lại khác, chẳng biết chuếnh choáng đến mức nào nhưng anh vẫn nghe rõ từng lời một, rồi nó vắt ngang mang tai, lang thênh suốt mấy dãy phố sáng đèn.
Rời quê đã dăm năm để trụ lại tìm một chỗ đứng ở thành phố này, anh chưa bao giờ quên đi cái gốc gác lam lũ của mình để thực sự hòa nhập vào đám người hào nhoáng nơi đây. Mỗi lần có ai cất tiếng đãi bôi mỉa mai những người làng quê, dù không chỉ ra nơi, không chỉ ra tên nhưng anh cảm giác như chính mình đang là người bị hướng đến, để rồi cố nuốt trôi những ê chề, buồn bã. Lạ một nỗi, đã từ lâu anh không còn mặn mà với quê hương xứ sở – nơi người ta đã phí mực cho biết bao bài ca thê thiết. Cha anh mất sớm. Mẹ anh rồi cũng bỏ lại đứa con, bỏ lại quê hương, bặt tăm biệt xứ. Anh cứ thế chia sẻ từng bếp lửa buổi sớm bên người bà suốt những năm tháng tuổi thơ. Để rồi vào một ngày khi đang vất vưởng trong công xưởng bụi mịt mùng, anh nghe hai tiếng quê hương đã chết hẳn khi người bà cũng đã đến lúc phải xa anh.
Anh đã không còn một lí do gì để trở về làng quê nữa, anh gạt nó ra khỏi những nhung nhớ ngày thường khi vô tình có nghe một ca khúc quê hương. Dần dà những chật ních phố thị ken anh vào sâu trong mấy con hẻm sắc màu, anh lặn ngụp trong những chớp nhoáng say sưa và một ngày mới lại bắt đầu. Anh kiếm được tiền trong lòng thành thị, nơi chốn nghỉ ngơi và bồi dưỡng anh tạm xem như vậy đã là ổn. Trong những cuộc gặp gỡ, anh im lặng và cũng khôn ngoan hơn. Đêm nay như vậy đã là đủ, anh lại hớp thêm một ngụm trà, thấy cổ họng nằm ngoan như được vuốt ve bởi một bàn tay dịu dàng.
Sau buổi say khướt và lạnh đẫm sương khuya, thức dậy anh bỗng thèm một bếp lửa nhỏ ở góc nhà, nơi anh có thể ngồi yên nghe lửa reo ấm nồng kỷ niệm cũ. Ngày kia đã là giỗ bà, lại một năm nữa trôi qua và anh vẫn đang loay hoay giữa xoáy nước của riêng mình. Những năm trước vì bận bịu và cả chán chường nên anh hầu như chỉ làm một mâm cơm nhỏ trên thành phố để ăn cùng bà. Năm nay chẳng hiểu sao anh lại bồn chồn trước những ngày này, nghe lòng dấy lên những níu kéo hồi hương. Hình như giờ đây anh đã đôi chút thấm mệt và muốn trốn đi đâu đó, thế nhưng nghĩ đến nơi đâu cũng chẳng ngăn lòng anh lạnh tanh như một đám mây nguội nắng. Anh nhủ thầm, mình về thôi.
Ngồi lắc lư trên chuyến xe khách phăm phăm xuyên đêm, anh mơ hồ nhận ra những vạt núi đồi quen thuộc hiện ra nhờ nhờ sau màn trời âm u buổi sớm. Từ lâu anh luôn đặt những dấu mốc để nhận diện một nơi chốn hay một sự việc, ví như những chuyến rời thành phố công tác ở những nẻo xa, khi trở về anh thường trông theo những khóm bê tông cao nghịt lạnh ngắt từ xa. Thế nhưng cái mạch xúc cảm mỗi dịp chạm ngõ quê nhà lại là khác hẳn. Anh mím môi thò đầu ra xe để gió thổi bay lọn tóc trước trán, ngóc đầu lên nhìn xem đã thấy núi chưa. Với anh, thấy núi là thấy quê rồi.
Bước xuống gành xe, anh đạp lên lạo xạo cát dợm vào đường luồng hai bên chè nam còn đọng đầy sương khiết. Mọi vật ở nguyên vị trí của nó, nhàm chán, và như đã chết rồi. Anh nhẩm lại lần nữa, quê hương của anh đã theo bà ra đi khuất sau cửa núi. Dù nó vẫn còn ở đây như những hình chiếu từ nền trời vô hồn của đất và người xa lạ, anh vẫn chẳng đặng lòng. Ở đó, gian nhà anh bây giờ cũng đã gửi những người hàng xóm ngày ngày chạy qua chạy lại trông coi nhang đèn. Lần này anh về, cứ thẳng bước đi vào như một chốn xa xăm, chút chồn chân vội tan ngọt xuống bợn rêu trên bậc thềm. Giật mình, anh nhìn thấy có bóng dáng ai đang lom khom chỗ bàn thờ, nghe tiếng động liền quay lại:
– Anh Phùng.
Anh gượng cười đón lấy tiếng chào, đặt xách đồ lên tấm phản. Đấy là Dịu, ở kế bên cách bụi mía um tùm. Cũng lâu rồi anh mới về quê gặp Dịu, cũng chẳng nhớ nhiều, chỉ thấy bất ngờ là cô bé lớn nhanh đến thế.
– Tui về giỗ nội.
Dịu không đáp mà tiếp tục xắn tay áo lau dọn lại tủ thờ, cẩn thận nhắc cây đèn rồi khêu thêm tim bấc. Nó cứ quay lưng lại mà làm như thế đang có ý trách anh sao lâu nay bôn ba không thèm về, giờ xuất hiện lại thả một câu trớt quớt, làm như nếu không nói thì người ta sẽ nghĩ là anh về ăn đám cưới cũng nên.
– Anh Phùng ăn gì chưa, chờ chút em chạy về lấy cho.
Anh nhổm dậy tiến về phía bàn thờ đốt nhang, sớm giờ Dịu đứng đấy làm anh chưa kịp nhìn nội. Khung ảnh sáng và yên như mặt hồ, anh cứ đứng im suốt một đỗi như thả người trôi miết trong hồ núi ấu thơ. Dịu lẹt xẹt bước qua, trên tay là một tô bánh hỏi kèm thịt heo luộc, thế nhưng ngon nhất vẫn phải là rổ rau sống đầy nhóc trên tay nó, đứng ở đây mà anh cũng đã cảm giác được hương tía tô và vị chan chát của bắp chuối, anh cố kiềm một tiếng reo.
Ăn xong Dịu dắt anh ra thăm mả nội, trên đường đi bộ về nó bất chợt hỏi:
– Anh ghét quê mình lắm hở?
Vai anh hơi giật lên, nghe mùi cỏ dại hai bên xông vào cánh mũi, anh không đáp.
Nội mất vào những ngày cuối tháng Mười âm thế này, khi gió lạnh và mưa phùn mùa đông vẫn còn cõng nhau dùng dằng trên những bờ ruộng đang đợi xuống giống mùa vụ Đông Xuân. Chung quanh vẫn lai láng nước, ngập quá nửa bờ cỏ. Anh và Dịu đi cạnh nhau trên con đường dẫn về xóm, dưới tầng mây thấp đang sà xuống đậu trên những tàu dừa xanh thẫm. Ngang qua sân cát trống, có những người đang tụ lại thành vòng tròn để xem đá gà. Anh lơ mơ nhìn thấy trong đám đông ấy có cái bóng áo màu đỏ da chu của thằng nhỏ trốn ngủ trưa để đi xem người ta xổ mấy hồ gà. Anh nhớ như in mình đã say sưa bên những màn giao tống, soi nhau đến vài phút của hai con gà mặt đỏ bừng, lông cổ dựng ngược và cặp cánh thì giương lên sẵn sàng lao vào so cựa với đối thủ của mình. Trong một lần xem đá, đã có ai đó hứa với thằng nhỏ là chỉ cần cuối năm nay mà có giấy khen thì cứ tới nhà ôm một con gà ô về cho nó tập gáy. Anh đã quên mất gương mặt người đó, cũng quên mất rằng năm đó mình có được giấy khen để ôm gà hay không, những gờn gợn ký ức cứ rơi chông chênh như cái lông đuôi đen bóng rớt ra từ con gà ô đang trong trận hồ trước mặt.
Chân anh bước chậm lại khi leo lên bờ đê thoai thoải, nơi nhìn thẳng là con đường trải dài, điềm nhiên ôm lấy bờ lưng nghiêng của triền đất. Trước mặt người lúc này là cảnh tượng lần đầu tiên làm anh cảm thấy bồn chồn đến vậy. Chỉ có hai màu, xanh thẫm của những rặng núi xếp chồng lên nhau mờ xa ngây ngút, anh như nhìn rõ những thân cây đang rung lên những sắc xanh tĩnh lặng mơ hồ lẩn khuất trong những thân cây khác. Rừng cây trập trùng và cao vời vợi, rừng cây sâu thẳm và lặng im nhưng anh vẫn cảm giác gần kề như có thể đưa tay mà chạm tới. Rồi, mắt anh bắt gặp một nửa còn lại, sắc nâu ấm đậm phả ra từ những bãi đất trồng đang chờ gieo vụ. Anh càng nhìn kỹ càng thấy những tơi xốp tràn trề xếp cạnh nhau, những hạt đất đượm lấy từng sợi rễ mỏng tang rồi bện lấy nhau bằng hơi ẩm ngai ngái cuối chiều. Trong gian trời nhờ nhờ tối, những dáng người trên dải đất bắt đầu thu dọn đồ để trở về nhà sau ngày dài vất vả. Ống quần kéo cao trên đầu gối, những đôi chân trước sau lồng vào nhau, thoăn thoắt bước đi dọc con đường dẫn vào thôn xóm. Anh hướng theo, xem kìa, những lòng bàn chân phía trước nhuộm một màu nâu của đất thân thuộc, nhịp nhàng lướt đi như những đốm lửa cho đến khi khuất hẳn trong đáy mắt.
Anh về nhà, xối lên người những gàu nước mát múc lên từ giếng rồi chạy vội vào trong vì sợ lạnh. Dịu đã qua từ lúc nào, luộc mấy cái trứng gà rồi sẵn than nướng luôn một trái cà dái dê thơm lựng.
– Em tưởng năm nay anh cũng không về, biết thì xẻ heo chứ không đạm bạc vầy đâu.
Anh cười hiền trong màu khói xanh chui ra cửa bếp, nghe bụng sôi lên mấy tiếng theo nhịp soong cơm đang bắc trên bếp lửa.
Xong xuôi Dịu rủ anh ra thăm ruộng để chuẩn bị sạ. Bỏ đi đôi dép, anh thấy chân mình trôi thật nhẹ trên những bờ mương gập ghềnh. Đêm nay tranh thủ trời xửng mưa nên cũng bắt đầu lục tục những dáng người ra ngắm nghía từng con nước, luống bùn. Dịu quay sang hỏi anh có biết tháo nước không, anh cười bảo lâu quá không làm chắc là quên rồi. Dịu không nói gì thêm mà xách lấy cuốc rồi cứ thế bắt đầu bổ phăm vào rãnh đất phía trước. Anh đỡ lấy tay Dịu, phụ bổ thêm vài nhát thì xẻ được bờ ruộng, đợt nước tuôn theo vạt cỏ chảy ra mương mang theo tiếng động man mát đều đều. Mùi bùn đất ngai ngái chầm chậm tan ra thoang thoảng chung quanh. Tựa cằm lên cán cuốc, anh đứng nhìn dòng chảy dễ chịu một đỗi rồi chườn mắt về phía bên kia.
– Tui không ghét quê mình, chỉ là ở đây không còn ai hết, nghĩ tới đó lại hết muốn về.
Lần này đến lượt Dịu không đáp. Anh hướng về phía ruộng xa nhưng trong ánh nhìn như vẫn đang chờ đợi điều gì từ phía bên. Trong những lần nhìn trộm trước đó, anh kịp giữ lại trong đầu những hình dung mơ hồ về Dịu. Đuôi mắt nó dài và cong lên mỗi lần cười, như một đường chỉ mỏng tang và có cảm tưởng như dài bất tận. Đường chỉ đó hình như cố buộc anh lại với dáng hình quê hương mỗi khi trông thấy, như một sợi tơ vắt ngang gian trời đêm thoáng đãng, anh đưa tay quờ quạng như muốn bắt lấy nhưng vẫn suýt vấp ngã đôi lần. Dịu chẳng ngã đi đâu khỏi những ruộng lúa và bãi bồi, nó vẫn sẽ đi đứng và ở mãi xứ sở này, như vẫn mong ước trong lời kể ngày bé vu vơ khi ngồi cùng anh ở bậc thềm đất trước nhà. Dịu thương nội nhiều lúc còn hơn anh, ấy là những trưa anh trốn ngủ đi đá banh hay coi đá gà để nội phải khản cổ rồi lại quay vào giường nằm, anh mồ hôi mồ kê lấm lem trở về đã thấy Dịu ngồi sẵn ở đấy, ánh mắt đanh lại trách móc. Đường chỉ, đã ở đó từ những ngày xưa. Em Dịu, đã ở đó từ những ngày đầu anh biết lớn, trong vũng nước nhỏ.
Rồi anh đã lớn thêm, vũng nước ngày nào đã không còn đủ ham thích cho anh vùng vẫy. Rời đi, anh mang theo nhiều mong đợi rõ hình thù nhưng nỗi nhớ quê hương cứ mãi mờ nhạt và lay lắt xa xôi. Trôi qua, cũng chính anh, với những khao khát lớn hơn và cũng mong manh, cuối cùng lại bị nhấn chìm trong xoáy nước của chính mình. Qua những gột rửa miệt mài, anh bỗng hóa thành loài cá mương bé nhỏ vùng vẫy trong vũng nước ngày xưa, cố gắng tìm lại hơi ấm phả lên từ bùn đất.
– Cuối vụ này là em học xong, em sẽ được làm cô giáo, ở trường ngày xưa tụi mình học, anh Phùng.
Dịu cất tiếng, thanh âm phát ra từ tấm lưng đang ngồi xoay về phía ruộng. Anh thả nằm cán cuốc, đưa tay dò rồi ngồi xuống mô đất nhỏ cạnh bên.
– Đáng lẽ tui cũng đang dạy học giống Dịu.
– Lớn rồi có nhiều chuyện không được như mình mong muốn hồi xưa, anh Phùng.
Dịu bỏ ngỏ câu chuyện, cho đến khi gió bắt đầu lặng dần để phần cho hơi đêm nặng xuống anh vẫn không thấy Dịu nhắc lại về những mong muốn hồi xưa của nó và cả của anh. Đối với anh Dịu giống như một ruộng lúa giữa những ruộng lúa xung quanh, vẫn ngày ngày tháo nước rồi trổ bông lên đòng. Còn anh như một vuông đất cằn xơ nằm xa con mương lúc nào cũng òng ọc nước, lâu lâu ngoái mắt mà trông về đồng ruộng mà nhớ mùi cỏ nội.
Rồi Dịu nhắc anh rửa chân cẳng để đi về. Anh thả chân xuống con mương, đảo giữa dòng nước lạnh, cẩn thận kì cọ những vết bùn và phủi lá cỏ. Rồi anh rờ đến lòng bàn chân, dưới ánh sáng heo hắt từ trăng và đèn tù mù anh vẫn nhìn rõ vết nâu ấm vẫn ở đó dù có cố chà thật sạch đến rát ngón tay. Hình ảnh những người trên doi đất chiều nay, những người với vết chân nâu nhịp nhàng chen vào nhau chợt tìm đến. Hóa ra dù là trên bờ ruộng, bãi bồi, sân cát đá gà hay bậc thềm trước nhà anh và Dịu thì thứ đất ấy vẫn ở đó, vẫn nằm dưới biết bao bàn chân đã đi qua để rồi tô lên thành sắc nâu tờ mờ nhưng lại sáng tinh lên trong mắt khi ta nhìn vào. Những dấu chân to nhỏ đặt cạnh nhau, có dấu chân của những người còn đó và cả những người đã khuất xa, tất cả vẫn đều còn ở đó. Anh chợt hiểu thì ra ngày nhỏ thích chạy chân không khắp bờ ruộng, đường làng hơn là mang dép cùng vì lẽ này, là để được thấy đất nâng đỡ và để được đặt cạnh nhau.
– Tết năm nay anh Phùng có về không?
Anh nhìn về phía trước, bóng Dịu và anh đang trôi chầm chậm sóng đôi trên con đường dẫn vào thôn xóm.
– Có, tui sắp xếp rồi về, Dịu có đi đâu chơi Tết không?
Nó quay sang.
– Dạ không, anh Phùng định rủ em đi đâu hin?
– Tui định rủ Dịu ra thăm ruộng, chắc lúc đó lúa đã lên xanh rồi.
Dịu che tay cười vì điệu bộ của anh, chắc nó nghĩ anh bị trúng gió, ai đời đi đâu không đi lại rủ nhau ra ruộng. Nó không đáp mà bước nhanh về phía trước anh. Anh trông theo, Dịu xách dép lủng lẳng bên tay để mặc bàn chân trôi trên con đường đất. Một lần nữa anh lại được nhìn thấy vết chân nâu, thật gần, đẹp đẽ và nhịp nhàng biết mấy.
Chợt có tiếng gọi với theo, rất khẽ như tiếng đêm:
– Dịu, chờ tui về với.
NGUYỄN ANH NHẬT
(Văn nghệ Bình Định số 95 tháng 3.2021)